Người An Nam trồng một ít mía đủ cho nhu cầu mà thôi. Ðường mía của họ rất ngon, trong chiến dịch 1861 ta tìm thấy nhà nào ở tỉnh Gia-Định cũng có. Trong xứ cũng có vài nơi trồng cây chàm làm thuốc nhuộm và trồng bông vải với phẩm chất rất tốt. Nam Kỳ sau này có thể cung cấp bông vải cho thị trường Châu Âu. Nhưng không phải chuyện gì đương nhiên cũng có, muốn gặt hái thì cũng phải có người trồng, phải phối hợp nhiều cố gắng, và phải có hòa bình.
Ðất Nam Kỳ miền dưới phì nhiêu, người dân có nhiều phương tiện để trở nên sở hữu chủ mảnh ruộng của mình, dân làng cho nhau mượn trâu để làm việc, triều đình Huế cho vay tiền và ưu đãi canh nông trên hết; tất cả các điều vừa kể giúp người dân An Nam sinh sống dễ dàng và không nghĩ đến việc vượt biển mà di cư đi nơi khác. Nền giáo dục của họ cũng không khuyến khích họ bỏ xứ, chưa kể họ đã có sẵn bản chất quyến luyến đất đai của họ. Luật pháp quốc gia cấm việc vượt biên, và người An Nam thì rất tôn trọng luật pháp. Người ta không gặp một người An Nam nào trên đất Trung Hoa, Philipines, đảo Java hay Ấn Độ thuộc Anh (năm 1860, thống đốc đảo Reunion đến Nam Kỳ với mục đích tuyển người sang đây, nhưng họ đã thấy những điều tác giả nhận xét này là đúng, không như người Hoa, người dân Vn lúc đó không thích di cư). Chỉ trên đất Xiêm La có một số trại người An Nam bị vua Xiêm bắt về làm nô lệ trong những lần đánh nhau với triều đình Huế (trong cuộc chiến tranh Xiêm La- Việt 1833-1834, có ý muốn giúp đỡ Lê Văn Khôi, con nuôi Lê Văn Duyệt đang khởi binh chống Minh Mạng, tuy nhiên quân Xiêm La thất bại, , quân nổi dậy của Lê Văn Khôi ở thành Phiên An cũng không còn lực lượng hỗ trợ, chỉ có thể cố thủ trong thành cho tới khi thành bị hạ vào tháng 9 năm 1835.
Khi rút chạy, quân Xiêm cướp thuyền biển và mang theo 2.000 người Việt, phần lớn theo đạo Thiên Chúa (ít nhiều có liên hệ với cuộc nổi dậy Lê Văn Khôi) đưa về sống ở ngoại thành Băng Cốc. Về sau Xiêm sử dụng số người này để phá rối vùng biên giới Việt Nam-Campuchia. Trước khi rời bỏ Phnôm Pênh, quân Xiêm đốt cháy và phá huỷ dinh thự của vua Ang Chan, đồng thời tranh thủ thời cơ, lợi dụng tình thế khi rút lui để bắt dân Khmer sống dọc bờ sông Tonle Sap và một vài nơi khác đưa về Xiêm.
Cuộc tấn công bất ngờ của Xiêm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến bang giao hai nước. Hai nước cắt đứt quan hệ, bắt đầu một thời kỳ căng thẳng, xung đột và chiến tranh trên đất Campuchia kéo dài hơn 10 năm (từ cuối năm 1833 cho đến đầu năm 1847). Thắng lợi của cuộc chiến này đem lại cơ hội cho nhà Nguyễn được quyền bảo hộ phần lớn đất đai của Campuchia như trước. Sau chiến thắng này, Minh Mạng quyết định nhập toàn bộ vùng đất Campuchia vào lãnh thổ Đại Nam và đổi tên là Trấn Tây thành, khi vua Campuchia là Ang Chan II mất, mà không có con trai nối dõi.
Năm Minh Mạng thứ 16 -1836, Trương Minh Giảng đã dâng biểu xin được Minh Mạng chia Campuchia thành 33 phủ là: Nam Vang ( Phnom Penh), Kỳ Tô (Thời Thâu), Tầm Đôn (Tầm Giun), Tuy Lạp (Xui Rạp), Peam Ro (Ba Cầu Nam), Baray (Ba Lầy), Bình Tiêm (Bông Xiêm), Kha Bát (Lợi Ỷ Bát), Lư Viên, Hải Đông (Bông Xui), Hải Tây (Phủ Lật), Kim Trường, Thâu Trung (phủ Trung), Ca Âu (Ca Khu), Vọng Vân, Trung Hà, Trưng Lai (Trưng Lệ), Sơn Phủ, Sambur, Tầm Vu (Mạt Tầm Vu), Khai Biên, Kha Lâm (Ca Rừng), Kracheh, Lạp Cẩm, Bài Lô, Việt Long, Tôn Quảng, Biên Hóa, Di Chấn Tài, Ý Dĩ (Phủ Phủ), Chân Thành (Châu Chiêm) (sau thuộc huyện Hà Dương An Giang), Mật Luật (sau thuộc huyện Tây Xuyên An Giang), Ô Môn (sau thuộc huyện Phong Phú An Giang), và 2 man là Cân Chế và Cân Dò, rồi cử quan cai trị. Phế bỏ tước hiệu quan chức bản địa Khmer, áp dụng quan chế nhà Nguyễn: cử Lê Đại Cương (sau được thay bằng Dương Văn Phong) làm Tham tán đại thần, cắt đặt các chức hiệp tán, đề đốc, lãnh binh, lang trung, viên ngoại lang, giáo thụ huấn đạo.
Minh Mạng cai trị tàn bạo, giết người Khmer không gớm tay, quan lại nhà Nguyễn sang cai trị đáng tiếc phần nhiều độc ác, tham nhũng, quân Nguyễn dùng người Khmer làm bia tập bắn, làm cho dân Khmer kinh hãi, không phục, nhưng Trương Minh Giảng vẫn tâu về triều là họ tín phục.
Năm 1839, Ang Em và Ang Duong đem 9.000 dân Khmer cùng 70 chiếc thuyền từ Battambang (vùng Xiêm chiếm đóng) về Trấn Tây (vùng Đại Nam cai quản), định xin triều đình nhà Nguyễn cho kế vị Ang Chan làm vua nhưng bị Trương Minh Giảng bắt. Triều đình cho giải Ang Em về Gia Định xét hỏi rồi đưa ra Huế giam.
Đến năm 1841, những người trong Hoàng Gia Khmer là Chakrey, Yumreach Hu và La Kiên đến Huế mừng thọ Minh Mạng thì lại bị hạch tội, bắt giam và đày ra Bắc Kỳ, những người đi theo bị Minh Mạng tùng xẻo hết, dân Khmer kinh hãi. Còn ở Trấn Tây thì Tham tán Dương Văn Phong khép cho Ang Baen, chị của Ngọc Vân quận chúa, tội mưu phản với ý định trốn sang Xiêm, phải xử tử. Sau đó Trương Minh Giảng bắt Ngọc Vân và hai em gái là Ngọc Thu và Ngọc Nguyên về Gia Định giam lỏng ở đó. Các quan lại người Việt sang Trấn Tây Thành thì không ít kẻ lại làm nhiều chuyện trái phép lạm quyền, lạm thế và nhũng nhiễu dân tình.
Với thái độ tự đắc và miệt thị triều thần Khmer gây nhiều bất mãn trong dân chúng, việc cai trị Trấn Tây càng ngày càng khó. Người Khmer có cớ nổi loạn đánh phá khắp nơi, chống lại chính sách Việt hóa của triều đình Huế. Em trai Ang Chan là Ang Duong nhân đó dấy binh, lại được người Xiêm hậu thuẫn để can thiệp nội bộ Campuchia, nên quan quân ở Trấn Tây luôn phải đánh dẹp hao tổn nhiều.
Năm 1840, mấy vạn quân Xiêm kéo vào đóng ở Oudong, Minh Mạng sai tướng Phạm văn Điển và Nguyễn Tiến Lâm mang quân lên đối phó nhưng thua thảm.Việc chiếm đóng Trấn Tây Thành cùng với chính sách cai trị mất lòng dân Campuchia của triều đình Huế là một gánh nặng cho đất nước, từ binh sĩ đến lương nhu đều hao thiệt nên đến Tháng 9 năm 1841, thấy tình hình bất ổn mãi, Tạ Quang Cự và các đại thần dâng sớ xin bỏ bảo hộ Campuchia. Thiệu Trị thuận theo, truyền cho quan quân Đại Nam rút quân về giữ An Giang.
Lợi dụng tình huống bỏ ngỏ Campuchia vua Xiêm đưa Ang Duong lên làm vua Khmer. Chiến sự kéo dài khi quân Việt và quân Xiêm tiếp tục giao chiến từ năm 1841 đến 1845. Năm 1845, triều đình Huế và Xiêm thỏa hiệp, trong đó nhà Nguyễn nhường Campuchia cho Xiêm La bảo hộ).