Cát đóng trị sở ở Duy Tinh 濰晶, gọi là Tây nam Trấn sở [ không rõ địa điểm ở đâu?]. Thượng Cát lấy một nhà sư là Hải Chiếu 海照 giúp việc [ có lẽ tên nhà Phật]. Nhà sư có lập bia ca ngợi:
- Ngài, trong tỏ khoan minh, ngoài thì ân huệ. Sửa-đổi cái tục xấu cho dân, không quản khó nhọc. Làm việc thì cốt tránh làm phiền dân, lệnh sai dân thì cốt dỗ dành dân vui lòng mà làm việc, vì đó mà dân được nhờ. Đem bụng khoan thứ cứu dân, lấy lòng nhân ái yêu dân, vì đó mà dân kính phục. Lấy uy vũ để trừ lũ cướp ác, lấy pháp luật thẳng ngay mà xử kiện, dân không ai oán, [cho nên] ngục thất chẳng cần canh. Lấy sự đủ ăn là nguyện vọng của dân, lấy việc cày cấy là gốc của nước, [nhờ đó] mùa màng không mất. Cai trị giỏi cho nên không cần đánh dẹp. Nuôi nấng những kẻ già nua cô quả, cho nên kẻ già được yên. Đạo Ngài như thế, có thể gọi là gốc để trị dân, thuật để yên dân. Thật là đẹp-đẽ biết bao.
Thượng Cát trấn giữ ở đó 19 năm, các phương yên ổn, chính sự sáng rõ, có lúc tiếp khách từ kinh đến, lại có lúc khách buôn Chiêm Thành, Cát đều tỏ rõ sự ân-cần.
Cát muốn về triều, có làm tờ biểu:
- Ái Châu dân cũng như dân khắp cả nước, sinh nhai cốt nhờ về nghề nông. Còn cũng có những nghề nhỏ, như chăn tằm, dệt vải, đánh cá, trồng hoa quả, đốn gỗ, săn tê tượng, làm muối, thủ công và buôn bán, nhưng đều là những nghề phụ. Kẻ trị dân tốt là kẻ không quấy-nhiễu dân, không làm dân tốn tiền, tốn của, phải chầu-chực việc công. Muốn để dân có đủ thời gian mà cày cấy đúng vụ, tát nước, làm cỏ. Kẻ trị dân tốt là kẻ nghiêm cấm tụi vô lại cướp lúa, cướp tiền của, ăn trộm trâu bò hay tranh-giành ruộng đất. Kẻ trị dân tốt lại là kẻ xử kiện công minh, để cho kẻ bị áp-bức có đường kêu, cho kẻ phạm tội không oán-trách. Còn như những công việc làm cho mở-mang, quốc khố dồi-dào, nếu làm thì phải phiền đến dân trước: hoặc ép dân lao công, hoặc bắt dân phải đóng thuế. Cho nên một kẻ như thần thường tránh không làm.
Càn Đức phê:
Các châu mục đều theo bóng, vạn dân đều mến đức, phi Nam Bình Vương [ tước của Lý Thường Kiệt] không ai đảm đương nổi.