Ngày 25 tháng 11 [1076]
Lý Thượng Cát tâu lên với Lý Càn Đức:
- Chủ lực [Tống] là bộ binh. Quách Quỳ và Triệu Tiết đều là tướng giữ biên phía Bắc, quen với quân kỵ [ binh] vùng cao nguyên và sa mạc. 20 năm về trước, sở dĩ Địch Thanh thắng Nùng Trí Cao ở phía nam ải Côn Lôn, chính là nhờ kị binh đưa từ miền Bắc xuống, bất ngờ xuất kích ở chỗ đất bằng rồi đánh kẹp vào hai bên quân Trí Cao. Thấy mình thua vì thiếu ngựa, cho nên Trí Cao đã có ý chạy về đạo Đặc Ma tìm mua ngựa. Vì hai lẽ ấy, lần này, Quách Quỳ đã đem theo một vạn ngựa. Đại binh sẽ kéo xuống, tập trung tại Ung Châu, phân-phối ra các trại trên đường thông-lộ sang Quảng Nguyên, Lạng Châu, Tô Mậu và Vĩnh An. Rồi hai cánh đánh vào Quảng Nguyên và Vĩnh An để chắn đường quân ta tập-hậu. Xong, sẽ đưa đại-quân theo đường chính vào Lạng Châu, qua các sông Đào Hoa [sông Thương], sông Nam Định [sông Cầu], sông Lô [sông Hồng], đến tận kinh thành.
Phần tinh-nhuệ quân Tống là kị binh, kị binh là quân xung-phong chọc thẳng hàng ngũ địch, dẫn đường cho bộ binh. Kị binh lại là "kỳ binh", nghĩa là quân đánh những chỗ bất ngờ. Dùng ngựa chạy nhanh, và qua những gai gốc, đá sỏi dễ, kị binh có thể, lúc vướng chỗ này, chạy quanh chỗ khác, để bọc hai bên hông quân địch.
Nhưng muốn lợi-dụng kị binh để phá địch, thì phải làm sao qua khỏi vùng hiểm-trở, tới chỗ bằng, để cho ngựa xông-xáo dễ-dàng.
Bên ta [Đại Việt] thì thiện-chiến về voi. Trong trận Ung Châu, ta đã đem voi theo được, huống chi trên trận-địa nước nhà. Thế thủ của ta lại dựa vào sông núi, các đèo hiểm-trở, các sông rộng và sâu. Từ trại Vĩnh Bình vào Lạng Châu, phải qua dãy núi rậm, có đèo Quyết Lý 傕理 [ trên đường Lạng Sơn đến Đồng Mỏ], vào khoảng làng Nhân Lý, ở phía bắc Ôn Châu. Rồi phải qua dãy núi đá đứng như tường, ở giữa có đường đi rất hiểm: đó là ải Giáp Khẩu [ải Chi Lăng].
Đèo-ải tuy hiểm, nhưng có thể dùng kị binh hoặc vượt qua, hoặc len lỏi qua rừng để tránh. Còn sông sâu rộng, thì ngựa khó lòng qua nổi. Phòng thủ sông khá dễ, sai đóng cọc và dùng rào giậu ở bờ Nam, cũng đủ ngăn quân địch. Vả chăng thủy binh ta, từ đời Ngô Vương [Ngô Quyền] đã mạnh. Thế sông lại rất tiện cho thủy chiến. Sáu nhánh sông chảy về Vạn Xuân [Vạn Kiếp]. Đó là căn cứ tự-nhiên của thủy quân ta. Hoặc phải ra cửa Bạch Đằng chắn quân thủy địch, hoặc phải vào sông Đào Hoa, hoặc phải vào sông Nam-Định, hoặc phải sông Thiên Đức [sông Đuống], để chắn địch qua sông, ta chỉ cần đóng thuyền ở bến Lục Đầu thì đi đường nào cũng rất tiện và chóng.
Càn Đức khen [ Lý Thường Kiệt] sáng suốt.