Thủy nỗ hàm sa trịch, 水弩含沙擲
Sơn sam xuất huyệt thô. 山㺑出穴麄
Nghĩa là:
Con “Thủy nỗ” ngậm cát phun để vào người,
Con “Sơn sam” ra khỏi hang nhìn to lớn.
Con Thủy nỗ 水弩, còn gọi là: Hàm sa xạ công 含沙射工, dùng khí [ trong mình] mà phun, ở cách xa đến 30 bước mà vẫn phun trúng bóng người, tuy mới đầu chỉ cảm thấy đỏ ngứa nhưng bạn phải lấy dao mà phạt chỗ thịt ấy đi ngay lập tức, bằng không thế nào bạn cũng chết. Đại khái từ vùng Quảng 廣 [ tác giả muốn nói những vùng đất nhà Trần mới chiếm được của Chăm Pa] trở vào phía Nam, người Trung Châu 中州 [ người TQ] đến đó [ làm ăn] nếu không được [ chính quyền] bảo hộ rất có thể bị chúng làm hại. [ Con Thủy nỗ thì sách Thuyết văn cổ gọi là con Vực 魊 và gọi là con “đoản hồ”, còn có tên khác là “xạ công” “xạ ảnh”; theo mô tả thì lưng nó có mai, đầu có sừng, hễ nghe tiếng người thì dùng hơi rồi nhân có nước hay cát mà phun vào người, từ đó sinh ra câu thành ngữ “ngậm cát phun người”]
Sơn Sam còn được gọi là Sơn đô 山都 [có một số chữ Hán cổ, tác giả viết rất khác, ví dụ con “Sơn Sam 山㺑; chữ 㺑 rất ít phổ biến trong tiếng Hán cổ, thường người ta viết chữ 山魈 Sơn Tiêu, là một loài động vật giống như đười ươi, rất mạnh, tính hung dữ. Truyền thuyết ngày xưa cho là một loài yêu quái ở núi. Còn gọi là: “san tiêu” 山蕭, “san tao” 山臊, “san sào” 山繅] làm tổ trên cây to hoặc ở trong hang núi, chỉ có độc 1 chân nhưng nhảy nhót được, nó có thể mê hoặc con người, có lẽ đây cũng là 1 loài thủy quái ở trên núi hay dưới nước cũng nên? [ Theo sách Thần dị kinh, Sơn Sam là một giống người ở phương Tây, mình cao hơn 5 xích [ cỡ 1m7 đến 1m8], ở truồng, hay bắt tôm cá ăn].