Em không rõ nguyên lý chống máy bay của khí cầu này là như nào các cụ có thể giải thích rõ hơn được không?
Hồi WW2, máy bay động cơ đốt trong, cánh quạt, tốc độ thấp, tiêm kích Đức chỉ chừng 300 km/h (cuối WW2 tiêm kích mới đạt 500 km/h) độ cao của máy bay chỉ đạt 5000 mét, muốn ném bom phải bổ nhào, bổ nhào xong theo quán tính phẩi vòng lên. Khí cầu trên bầu trời thể tích chừng 40-100 mét khối (càng to bay càng cao) sẽ bảo vệ những khu vực quan trọng, khiến máy bay phải né tránh khí cầu, vì dây neo khí cầu là loại chắc, va phải nó sẽ nổ khí cầu. Với khí cầu nhỏ 40 mét khối thì lượng Hydro cũng chừng 80 kg, chẳng khác gì một quả bom đâu. Cụ thấy mấy người bán bóng bay bị cháy nổ bị thương cũng khá nặng, mà bóng bay thì lượng khí đâu có lớn.
Năm 1965 khi Mỹ ném bom Việt Nam, do chưa nắm kỹ, nên thoạt đầu ta cũng định sử dụng khí cầu bảo vệ Hà Nội. Nhưng qua một số thực nghiệm chiến đấu thì chương trình này bị huỷ bỏ. Nhưng trước khi huỷ bỏ, Việt Nam đã đặt Đức sản xuất 200 chiếc máy sản xuất hydro để bơm khí cầu. Mỗi chiếc máy này đặt gọn trên sàn dài của chiếc IFA W50 L (sàn xe được kéo dài hơn bình thường). Máy nặng chừng 4 tấn, gồm một máy phát dòng một chiều điện ba pha 220v/380V, cho dòng điện một chiều 48V, max 800 A để nuôi máy điện phân. Trên xe có cả máy phân tích nhanh ô xy và hydro. Ô xy thải đi, công suất 4 m3 hydro/ giờ, nhưng áp suất thấp lăm chỉ 40 mm thuỷ ngân
Đi kèm xe này là máy phát điện 63 kVA, Đức sản xuất, đẹp vô cùng
Khi chương trình khinh khí cầu huỷ bỏ, thì 60 xe đã về Việt Nam và kéo lên giấu ở một kho quân đội ở Vĩnh Yên, gần Đại học Quân sự
Hồi 1971, Viện Vật Lý cần hydro để thực hiện thí nghiệm. Ông Nguyễn Văn Hiệu làm công văn đề nghị cấp một máy. Tổng cục Hậu Cần OK ngay vì có nhiều xe đang niêm cất mà chưa biết dùng làm gì. Thế là Viện em mang về, Máy được tính giá 200.000 VND, nhưng Viện không phải trả tiền. Máy được dỡ xuống đất, che chắn sơ sài, nhà lợp lá dột nát. IFA W50 L chuyển cho đội xe Trung tâm khoa học tự nhiên (cấp trên của Viện Vật Lý). Máy phát điện 63 kVA thì Viện giữ chạy lúc mất điện. Máy phát điện đẹp lắm các cụ ạ, không kém gì máy phương Tây
Em được phân công vận hành máy này, dù chẳng được trang bị kiến thức gì, ngoài "nhiệt tình cách mạng". Thế rồi cũng ra được hydro và đóng vào chai (giống chai ô xy ngày nay) áp suất 80-120 atm thôi vì máy nén chắp vá. Sản xuất để sử dụng trong phòng thí nghiệm thôi
Sau 1976, máy được chuyển giao cho một bộ phận cơ điện của Viện lớn vận hành. Năm tháng 8/1978 khi nằm bệnh viện Lao Trung ương (cách Viện chừng 1,5 km), em nghe tiếng nổ lớn như bom. Sau đó được tin người công nhân vận hành tên Vinh trạc tuổi em, quê ở Chèm và em từng hướng dẫn anh Vinh vận hành máy ban đầu, bị cụt một chân. Trong Viện không ai điều tra và giải quyết chế độ cho anh Vinh. Em cũng tránh không hỏi. Chỉ biết chai khí vỡ như bom