Mặt trận Thanh Thủy - Vị Xuyên - Hà Giang chính diện khoảng 12km (tính từ 1509 Nậm Ngặt đến 1030 XiCaLá.
Ngày 12/7/1984, ta đánh 3 điểm: Trung đoàn 876 - Sư đoàn 356 đánh 772, nổ súng lúc 4h10 phút; Trung đoàn 174 - Sư đoàn 316 đánh 233, nổ súng lúc 2h30 phút; Trung đoàn 141 - Sư đoàn 312 đánh 1030, nổ súng lúc 10h30 phút. Cũng trong thời gian ấy Tiểu đoàn 7 - Trung đoàn 149 tiến công cao điểm 685. Trong khoảng không gian hẹp, giờ nổ súng của 3 đơn vị ở vào các thời điểm khác nhau thì còn đâu yếu tố bất ngờ.
Những ngày trước đó, ta tổ chức hành quân chiếm lĩnh vị trí chiến đấu, tuy trời mưa, mây mù bao phủ song không phải cả ngày mà cũng có lúc tạnh ráo. Địch ở trên cao 1509, 1250, 685... tầm quan sát bao quát, ta đưa cả một đội hình lớn vào thì không thể không có sơ suất. Trước đó, đường hành quân chiến đấu độc nhất chỉ có Quốc lộ số 2, quân đi ngày đêm như trẩy hội. Đơn vị nào? Ai chỉ huy? Ở đâu? Hàng ngày chắc chắn đều nằm trên bàn làm việc của chỉ huy đối phương. Trong khi đó việc chuyển quân, bố trí lực lượng của địch thì ta hầu như chỉ biết qua các đài quan sát phía trước của trinh sát đơn vị báo về. Địa hình, sơ đồ các tuyến phòng thủ của đơn vị F 313 trước đây không để lại cái gì.
Ngày 27 đến 29/4/1984, địch đánh chiếm một loạt các cao điểm 1509; 772; 685; 233; 1250; 1030..., biết chắc ta sẽ tổ chức tiến đánh để lấy lại nên các tuyến hào và công sự chiến đấu của F313 trước đây địch giữ nguyên hiện trạng đồng thời triển khai các tuyến mới và địa đạo và hàng rào đơn, gài rải các loại mìn phòng khi ta tiến đánh. Khi ta tiến đánh, địch rút vào địa đạo và tuyến công sự phía sau. Sáng 12/7/1984, bộ đội Tiểu đoàn 3 tràn lên D3 - 772. Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 bị pháo địch ngay từ vị trí xuất phát tiến công nên từ 4h10 phút trở đi của ngày 12/7 chi có một phân đội đặc công của E821 do đồng chí Tố chỉ huy, sau đó là phân đội đi đầu của Đại đội 11 do đồng chí Minh Đại đội trưởng chỉ huy. Phân đội tiếp theo do đồng chí Nguyễn Hữu Thanh - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3; Tiếp là Đại đội 10 - Tiểu đoàn bộ do tôi (Đặng Việt Châu) tràn lên, vì không có pháo binh bắn phá trận địa địch trước đó nên đại đội đặc công, phân đội đi đầu của C11 bị vướng mìn, sau đó là pháo cối 60; 82ĐKZ của địch dội vào... Khi biết ta không còn sức tiến công nữa thì địch ở địa đạo kết hợp với phía sau mới tổ chức phản kích (những người bị thương hoặc sống sót sau đợt chiến đấu lần này thì chết hẳn vì đạn thẳng). Vấn đề này, tôi đã nêu lên trong rút kinh nghiệm chiến đấu của Sư đoàn và Quân khu ngày 27/7 và 28/7 nhưng không ai muốn nghe và chịu nghe nên đến trận đánh ngày 15/01/1985, Tiểu đoàn 8 - Trung đoàn 149 đánh bình độ 300; 400 Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Xuân Thuyên và hơn 40 tay súng của C5 - D8 đã vĩnh viễn nằm lại tại bình độ 300; 400 Thanh Thủy - Vị Xuyên - Hà Giang.
Pháo binh của ta để giữ bí mật nên trước giờ nổ súng không bắn hiệu chỉnh thực địa, sáng ngày 12/7 sương mù dày đặc, cách nhau 3-5m đã không thấy nhau thì không một chi huy pháo binh nào dám nổ súng chi viện khi bộ binh đang đánh chiếm mục tiêu. Trong khi đó các trận địa pháo của địch đã 3 tháng liên tục bắn phá, tầm hướng, cự ly, mục tiêu đều được xác định, lại không có gì cản trở cứ thế mà thả đạn, đạp cò sướng hơn bắn tập. Đánh trận như thế còn gì bằng. Trong trận đánh này, khi cỡi lên đầu Voi của D3-772, tôi đã 2 lần trực tiếp yêu cầu Sư trưởng Điếm chi viện pháo nhưng cả hai lần đều được đáp trả bằng sự im lặng...
Địa hình rừng núi, độ dốc lớn, lại bị chia cắt bởi khe suối, sườn đồi, ruộng bậc thang, địa hình lạ, ta ngoài công sự dưới thấp đánh lên, địch ở trên cao trong sự chiếm giữ đã lâu nên việc tiến lui của địch cũng tùy theo mức độ tiến công của ta.
Bộ đội ta đa số là chiến sỹ trẻ nhập ngũ tháng 3/1984, tổ chức huấn luyện mới được 1 tháng. Khi sang Hà Giang lại phải bước ngay vào thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu xây dựng các tuyến phòng ngự thay F313 chốt giữ các điểm trọng yếu 1100;468; Bốn Hầm; Hang Dơi; Làng Lò... làm đường Làng Pinh - Cốc Nghè; vận tải đảm bảo... thời gian huấn luyện sát thực địa và nhiệm vụ chiến đấu quá ít, nắm và hiểu địch từ xa, trinh sát nội tuyến không có; không hiểu biết gì về đối phương, trinh sát mục tiêu chiến đấu chỉ từ cán bộ trung đội trở lên mà lại đi vào ban đêm. Kế hoạch và mục tiêu chiến đấu chỉ được quán triệt đến cấp trung đội, còn lại chỉ đại loại là: Sau 120 phút pháo binh bắn phá, băm nát mục tiêu, công binh mở cửa mở như diễn tập, bộ đội xung phong đánh chiếm bắt tù binh thu vũ khí, củng cố công sự trận địa, sẵn sàng đánh địch phản kích.
Như vậy xét trên tất cả các mặt ta hoàn toàn ở thế bất lợi.
Hơn nữa thời gian này lại áp dụng ngay cơ chế 1 chỉ huy, **** ủy Sư đoàn được giải thể, hệ thống công tác ****, công tác chính trị bị phá bỏ, lập ra cái gọi là Hội đồng Phòng Chính trị do Sư đoàn trưởng làm Chủ tịch Hội đồng. Đội ngũ làm công tác ****, công tác chính trị chẳng một ai biết họ đang làm gì? Trách nhiệm đến đâu? Cả chục ngàn người bước vào sinh tử không còn hồn cốt, không còn ngọn đuốc soi đường.
Vậy mà họ vẫn dũng cảm dám đánh, quyết đánh, chấp nhận sự hy sinh khi tình huống xấu nhất cũng kiên quyết tiến công, không khuất phục trước kẻ thù "Vì độc lập, tự do, vì chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc". HỌ LÀ NHỮNG CHIẾN SỸ ƯU TÚ, NHỮNG NGƯỜI ANH HÙNG. Đó là:
- Liệt sỹ Tiểu đoàn trưởng - Tiểu đoàn 3 NGUYỄN HỮU THANH.
- Liệt sỹ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 NGUYỄN TRUNG CHỈ.
- Liệt sỹ Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 1 BẠCH VĂN KẾT
- Liệt sỹ Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 2 PHẠM MINH KÝ
- Liệt sỹ Trợ lý tác chiến Trung đoàn NGUYỄN VĂN THÊM
- Liệt sỹ Trợ lý chính trị Trung đoàn NGUYÊN VĂN NGỌ
- Liệt sý Chính trị viên Đại đội HOÀNG VĂN BẢO
- Liệt sỹ Chính trị viên Đại đội HỒ VIẾT TOẢN
- Liệt sỹ Đại đội phó PHẠM HỒNG LONG
- Liệt sỹ Trung đội tưởng TRẦN NGỌC LẠNG
- Liệt sỹ Trung đội trưởng NGUYỄN DANH THUẬT
- Liệt sỹ Trung đội trưởng PHẠM VĂN ĐỒNG
- Liệt sỹ Trung đội trưởng PHẠM HỒNG TẠO
- Liệt sỹ Trung đội trưởng PHÙNG QUỐC NGỌC
- Liệt Sỹ Trung đội trưởng LÊ XUÂN THANH
- Liệt sỹ Trung đội trưởng ĐỖ XUÂN THẨM
- Liệt sỹ Trung đội trưởng PHẠM CÔNG ĐA
- Liệt sỹ Trung đội tưởng LỮ VĂN MẠNH
- Liệt sỹ Trung đội phó: HÀ; CÔNG
- Liệt sỹ Tiểu đội trưởng: SỸ, LÝ, TIẾN, CÔNG; Y tá THUẬT
Và gần 600 anh em, cán bộ chiến sỹ đã nằm lại nơi ấy: Cao điểm 772 sang ngày 12/7/1984 Thanh Thủy - Vị Xuyên - Hà Giang.
Ngược đường Thanh Thủy chiều Thu muộn
Làng Lò; Nậm Ngặt ghé thăm nhau
Đồng đội năm nào còn nằm lại
Nhọc nhằn vất vưởng góc rừng xa!!!
Tháng 8/1987. Trong một buổi thay mặt Phòng Chính trị tiếp Tướng Văn Duy - Cục trưởng Cục Tuyên truyền Đặc biệt (quê Hưng Nguyên - Nghệ An), sau khi báo cáo kết quả công tác địch vận của Sư đoàn tại mặt trận như cụm loa tuyên truyền phía trước, việc bộ đội ta và địch gặp gõ nhau tại các điểm tựa tiền tiêu, quan điểm của cán bộ, chiến sỹ ta về việc này... Sau đó là tâm tư tình cảm đồng hương, tôi đã kể với ông về trận 12/7/1984 của đơn vị và của chính mình... mi còn trẻ mà thẳng thắn quá! Không biết ông khen hay chê?
Là người cán bộ, đảng viên chúng tôi luôn được giáo dục phẩm chất hàng đầu đó là: TRUNG, DŨNG, TÍN, NGHĨA. Vậy nên trong buổi rút kinh nghiệm tại Quân khu, Tướng Vũ Lập - Quân khu trưởng hỏi tôi: Theo đồng chí trận này ta thắng hay thua? Tôi đã trung thực và dũng cảm nói lên sự thật rằng ta đã thua trong trận này và tôi cũng không hiểu trận đánh này ta đánh theo chiến thuật này?
Khi trở lại chỗ ngồi, cái ghế trước khi tôi lên phát biểu có 3 người: Tôi; Mão Tiểu đoàn trưởng của E 141 - F312; Chuyển Tiểu đoàn trưởng E174 - F316. Khi tôi xuống cái ghế chỉ còn mỗi mình tôi? Thật rộng rãi? Và những cặp mắt nhìn tôi như người ở hành tinh khác đến!
Trận đánh năm nao rõ hiện về
Mịt mù lửa đạn với sương giăng
Lưng trần ôm súng xung trận đánh
Thân trai đền đáp nước non nhà.
Vậy mà 28 năm rồi, đồng đội tôi vẫn còn nằm lại nơi heo hút gió đỉnh 772 mịt mù sương giăng, thung sâu Nậm Ngặt, Khe Cụt Đồi xanh nơi miền biên ải.
Xót thương thay!