Hồ sơ X:
Lịch sử thăng trầm của họ tên lửa huyền thoại Scud
Trước khi nổi tiếng thế giới, Scud phải trải qua thời gian dài hoàn thiện. Đã có nhiều mẫu nghiên cứu của họ tên lửa này ít biết đến trong thời gian hơn 30 năm phát triển.
Trong lịch sử phát triển tên lửa đạn đạo thế giới, Scud là cái tên không thể bỏ qua. Đây là là loại tên lửa đạn đạo được dùng trong chiến tranh nhiều hơn bất kỳ loại tên lửa nào khác. Đồng thời, Scud cũng là “bệ phóng” chương trình tên lửa của nhiều quốc gia trên thế giới.
Đất Việt xin giới thiệu quá trình phát triển tên lửa đạn đạo nổi tiếng:
Lưu ý, Scud thực ra là cái tên do NATO đặt định danh tên lửa đạn đạo tầm ngắn R-11 và R-17 do Liên Xô sản xuất. Dù vậy, cái tên Scud dường như được dùng rộng rãi hơn nhiều so với cái tên “khai sinh” của loại tên lửa này.
(ĐVO) Kỳ 1: Thế hệ đầu 'im hơi lặng tiếng'
Trong tài liệu phương Tây, Scud là thiết kế bắt nguồn từ tên lửa đạn đạo của người Đức, V-2. Ý kiến này không hẳn sai, vì chương trình tên lửa Liên Xô và Mỹ đều bắt nguồn từ V-2.
Nguồn gốc từ V-2
Sau khi đánh bại phát xít Đức, trong năm 1945, Liên Xô gửi một đội chuyên gia tới thu thập công nghệ tiên tiến của Đức, gồm tên lửa V-2. Khi đó, đây là một loại vũ khí có độ chính xác kém nhưng chính khả năng vươn xa cùng với sức công phá mạnh đã “hút hồn” cả Mỹ và Liên Xô.
Tại Đức, các chuyên gia Liên Xô chỉ thu nhặt được một số chuyên viên kỹ thuật trong chương trình tên lửa V-2. Hầu hết những người cốt cán, như “cha đẻ” V-2 Von Braun được Mỹ "rước" đi từ trước.
Các nhân viên người Đức được vào làm việc tại Viện nghiên cứu tên lửa NII-88 (OKB-1) dưới sự lãnh đạo của Đại tá Sergei Korolev - người sau này đã đặt nền móng quan trọng cho công cuộc chinh phục không gian vũ trụ của Liên Xô.
Với những tài liệu được phục hồi cùng bộ phận rời tên lửa V-2, nhóm nghiên cứu Xô – Đức đã tái tạo các mẫu tên lửa V-2, đặt tên mới R-1 (tầm bắn 270km, lắp đầu đạn nặng 785kg).
Tên lửa đạn đạo đầu tiên do Liên Xô sản xuất, R-1 (Mỹ định danh là SS-1A).
Trong 11 lần bắn thử nghiệm năm 1947-1948, tên lửa R-1 đánh trúng mục tiêu 5 lần, tỉ lệ này được cho có thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, R-1 không bao giờ được đón nhận từ tướng lĩnh Quân đội Liên Xô do gặp vấn đề nhiên liệu động cơ (khó sản xuất, khó bảo quản) và độ chính xác kém (đây cũng là vấn đề đeo bám nhiều thế hệ Scud cho tới khi ngừng sản xuất).
Điều này đã thúc đẩy các nhà khoa học Liên Xô phát triển thế hệ tên lửa đạn đạo dùng nhiên liệu mới có độ tin cậy tốt hơn.
Một Scud ít tiếng tăm
Tháng 12/1951, Phòng thiết kế OKB-1 Korolev khởi động chương trình phát triển tên lửa đạn đạo chiến thuật mới sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng (phòng thiết kế OKB-2 Isayev sản xuất).
Ngày 18/4/1953, tên lửa đạn đạo tầm ngắn R-11 (Mỹ định danh là SS-1B, NATO gọi là Scud A) được phóng thành công lần đầu tại trường bắn Kasputin Yar.
R-11 có chiều dài 10,7m, đường kính thân 0,88m, khối lượng phóng 4,4 tấn. R-11 trang bị động cơ nhiên liệu lỏng S2.253 (thành phần nhiên liệu gồm axit nitric AK-20F chọn làm chất oxy hóa, nhiên liệu là dầu hỏa T-1, thành phần phóng là TG-02 Tonka – chất này tự bốc cháy khi tiếp xúc với axit nitric). R-11 có tầm bắn tối đa 180km, tải trọng 950kg.
R-11 thiết kế 4 cánh lái Graphite ở loa phụt động cơ điều chỉnh hướng bay. Do hạn chế công nghệ thời kỳ này, R-11 vẫn dùng hệ dẫn đường quán tính lạc hậu, thiếu chính xác, bán kính lệch mục tiêu (CEP) tới 3.000m. Đạn tên lửa R-11 đặt trên khung bệ xe mang phóng 8U227 thiết kế trên khung gầm cơ sở xe bánh xích AT-T.
Nhìn chung, R-11 vẫn bị coi là thiếu tin cậy, hết vấn đề nhiên liệu phóng lại tới độ chính xác tồi tệ. Đầu đạn thuốc nổ mạnh nặng gần 1 tấn của tên lửa chưa “bù đắp” được độ kém chính xác.
Tháng 8/1954, OKB-1 tiếp tục triển khai phát triển biến thể mang đầu đạn hạt nhân R-11M. Với đầu đạn hạt nhân, chỉ số CEP lớn có thể được bù đắp phần nào.
Sở dĩ, từ thiết kế R-1 và R-11, Liên Xô không sử dụng đầu đạn hạt nhân vì chúng quá to và nặng với phương tiện mang phóng.
Từ giữa những năm 1950, vũ khí hạt nhân ở mức hoàn thiện cao hơn, nhẹ hơn, nhỏ hơn nhưng sức công phá mạnh hơn. Vì vậy, việc mang nó vũ khí hạt nhân trên phương tiện mang phóng khả thi hơn.
Tên lửa đạn đạo R-11M trên xe phóng bánh xích 8U28.
Công việc thiết kế nhanh chóng hoàn thành và sản xuất các mẫu thử tại nhà máy No. 385 Zlatmst.
Từ tháng 12/1955 tới đầu 1958, Liên Xô tiến hành 27 cuộc thử R-11M chia làm 3 giai đoạn, trong đó có một lần thử với đầu đạn hạt nhân.
R-11M đạt tầm bắn tối đa 270km với đầu đạn thuốc nổ thông thường hoặc 150km với đầu đạn hạt nhân 50 kiloton. Đạn tên lửa R-11M đặt trên xe phóng 8U218 thiết kế trên khung gầm cơ sở xe pháo tự hành ISU-152.
Ngày 1/4/1958, R-11M chính thức được chấp nhận đưa vào phục vụ trong Quân đội Liên Xô. Trước đó, tháng 11/1957, R-11M vinh dự xuất hiện trong cuộc duyệt binh trên Quảng trường đỏ.
Thời kỳ đầu, R-11/11M chủ yếu biên chế trong Lữ đoàn nằm dưới sự điều hành của Bộ Tổng Tham mưu và không bao giờ được xuất khẩu.
Có thể nói, trong gần 30 năm phát triển, thế hệ R-11/11M chỉ là cái bóng, không đóng vai trò gì. Mọi vinh quang của dòng tên lửa này dồn cho thế hệ sau này là R-17.
Tuy nhiên, với Quân đội Liên Xô, R-11/11M đã đem nền tảng vũ khí trên biển, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.
Nền tảng tên lửa phóng từ tàu ngầm
Tham vọng chế tạo tên lửa đạn đạo đặt trên tàu ngầm của Liên Xô bắt đầu từ năm 1947 với dự định phát triển biến thể V-2 phóng từ tàu ngầm nhưng dự án không bao giờ được thực hiện.
Tháng 1/1954, OKB-1 Korolev tái khởi động project Volna phát triển loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Thay vì nghiên cứu nền tảng mới, OKB-1 lựa chọn R-11M để cải tiến vì kích cỡ của nó phù hợp với không gian chật hẹp trên tàu ngầm.
Một vấn đề khó khăn thực hiện project Volna, đó là phương thức phóng tên lửa từ tàu ngầm. Lý tưởng nhất, R-11M được phóng khi tàu ngầm dưới còn ở dưới mặt nước, như vậy nó đảm bảo tàu không lộ diện trước thiết bị trinh sát trên mặt biển.
Nhưng điều này đặt ra thách thức lớn về công nghệ. Các nhà khoa học vẫn chưa xác định hết được sự tương tác giữa tên lửa với môi trường nước sẽ như thế nào? Liệu tên lửa có bị áp lực nước nghiền nát? Động cơ tên lửa có thể đánh lửa dưới nước, nước có tràn vào trong động cơ?….
Hình họa mô phỏng phóng tên lửa đạn đạo R-11FM phóng từ tàu ngầm project 611AV lớp Zulu V.
Cuối cùng, các nhà khoa học Liên Xô chọn giải phóng an toàn hơn, tên lửa đạn đạo được phóng khi tàu nổi. Cục thiết kế TsKB-34 phụ trách phát triển hệ thống phóng SM-49 để bắn tên lửa đạn đạo R-11FM (biến thể R-11M).
Về nền tảng bệ phóng, TsKB-16 lựa chọn cải tiến tàu ngầm tấn công điện – diesel project 611 lớp Zulu mang hệ thống SM-49. Ngày 16/9/1955, trên biển Trắng, tàu ngầm project 611 bắn thử thành công tên lửa đạn đạo chiến thuật R-11FM. Tiếp đó, 8 cuộc phóng khác lần lượt được thực hiện.
Dù các cuộc phóng thành công đầy hứa hẹn nhưng nhìn chung R-11FM mắc nhiều khiếm khuyết. Ví dụ, nhiên liệu động cơ thuộc là loại lỏng, chỉ được bảo quản trong vòng 3 tháng. Đồng thời, nhiên liệu lỏng không đáng tin cậy, dễ cháy nổ.
Bên cạnh đó, biến thể đất liền R-11M vốn dĩ có độ chính xác rất kém, R-11FM lại càng tồi tệ, bán kính lệch mục tiêu CEP tăng hơn gấp đôi, tới 7.000m. Cuối cùng, việc triển khai phóng R-11FM mất rất nhiều thời gian.
Hải quân Liên Xô hoàn toàn không muốn chấp nhận một loại vũ khí thiếu tin cậy, kém chính xác trong biên chế. Nhưng, lãnh đạo Hội đồng Bộ trưởng và Bộ Quốc phòng quyết tâm ủng hộ Project Volna. Cuối cùng, Hải quân phải chấp nhận đưa vào R-11FM trang bị.
Có tất cả 7 tàu ngầm project 611AV Zulu V được trang bị tên lửa R-11FM biên chế vào Hạm đội biển Bắc và Thái Bình Dương. Trong thời gian triển khai, có 77 tên lửa đạn đạo R-11FM được phóng trên biển, tỉ lệ thành công đạt 86%.
Dù không được đánh giá cao nhưng, R-11FM đã đặt nền móng cho quá trình phát triển tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm sau này của Hải quân Liên Xô và Nga ngày nay.
Tên gọi các loại vũ khí của Liên Xô luôn làm đau đầu người đọc, ngoài định danh do nhà sản xuất đặt, nó còn có tên định danh của Mỹ và NATO. Điều đó, làm cho các loại vũ khí của Liên Xô có quá nhiều tên gọi, tên lửa đạn đạo này là một trong những loại vũ khí như thế.
Đối với R-11, người Nga định danh cho nó là R-11 Zemlya, Mỹ gọi riêng với tên SS-1B (SS-1A dành để chỉ R-1 và R-2) còn NATO gọi là Scud-A. Tương tự, thế hệ sau R-17 là cách người Nga gọi, Mỹ gọi riêng là SS-1C và NATO gọi là Scud-B.
Dù có cái tên chính thức, nhưng có lẽ ngoài Nga thì nhiều quốc gia trên thế giới hầu hết quen gọi loại tên lửa này là Scud – một cách đơn giản nhất.
Lịch sử thăng trầm của họ tên lửa huyền thoại Scud (kỳ 2)
Cập nhật lúc :8:24 AM, 16/10/2012
R-11M còn chưa "ngồi" ấm chỗ, năm 1962, R-17 cải tiến được đưa vào biên chế. Đây là thiết kế tên lửa đạn đạo trên thế giới được xuất khẩu rộng rãi, sử dụng phổ biến nhất kể từ sau Thế chiến thứ 2.
(ĐVO) Kỳ 2: R-17 - niềm hi vọng sức mạnh Quân đội Liên Xô
Tên lửa - đầu đạn hạt nhân - Tương lai của Quân đội Liên Xô
Khi tên lửa đạn đạo R-11M lần đầu triển khai cuối những năm 1950, việc sử dụng chỉ hạn chế số lượng nhỏ ở các lữ đoàn đặc biệt, nằm dưới sự chỉ huy của Bộ Tổng Tham mưu, không nằm dưới điều khiển lực lượng Lục quân. R-11M vẫn còn khá đắt tiền và được coi là tài sản cho cuộc chiến tranh hạt nhân nói chung, không dành riêng để hỗ trợ chiến dịch chiến thuật.
(>> xem thêm)
Nhưng mọi chuyện dần thay đổi, Tổng bí thư Nikita Khruschev lên năm quyền, ông này coi tên lửa mang đầu đạn hạt nhân làm điểm tựa cho lực lượng vũ trang tương lai.
Thay vì duy trì lực lượng lớn binh lính (tới hàng triệu người) cùng hàng trăm nghìn binh khí kỹ thuật, Khruschev hình dung ra tương lai Quân đội Liên Xô phải là đội quân quy mô nhỏ và trang bị tên lửa mang đầu đạn hạt nhân với sức công phá mạnh.
Tổng Bí thư Khruschev quyết định chuyển đổi lữ đoàn tên lửa RVGK (Dự bị cho Bộ Tổng tư lệnh tối cao) thành lực lượng tên lửa chiến lược (RVSN) chịu trách nhiệm lực lượng hạt nhân chiến lược (thuộc Lục quân). Kết quả, lữ đoàn tên lửa tầm ngắn, gồm các đơn vị R-11M được đổi tên thành Lữ đoàn tên lửa chiến dịch – chiến thuật và nằm dưới sự điều hành của Lục quân.
Quá trình phát triển từ R-11 tới R-17 gắn liền với quan điểm nhà lãnh đạo Liên Xô Khruschev.
Binh chủng Pháo binh Lục quân Liên Xô đổi tên thành “Lực lượng Pháo binh và Tên lửa” cho phù hợp với thay đổi.
Mỗi lữ đoàn R-11M biên chế 9 xe phóng, 200 xe vận tải hỗ trợ cùng 1.200 lính. Năm 1962, Lữ đoàn R-11M đầu tiên triển khai cho Lực lượng Lục quân Liên Xô đóng tại Cộng hòa Dân Chủ Đức.
Sau một thời gian có kinh nghiệm hoạt động với R-11M, các tướng lĩnh quân đội Liên Xô thấy rằng tên lửa nhiên liệu lỏng khó bảo quản trên thực địa khi được điều hành bởi đội ngũ binh lính nghĩa vụ ít đào tạo. Vì vậy, họ cần thế hệ tên lửa mới khắc phục yếu kém của R-11M.
Đáp ứng yêu cầu đó, năm 1958-1959, các nhà khoa học Liên Xô phát triển tên lửa nhiên liệu rắn Onega (tầm 70km) cho nhiệm vụ chiến thuật và tên lửa tầm xa PR-2 (tầm 250km) cho nhiệm vụ chiến thuật – chiến dịch và Ladoga (tầm 300km) cho nhiệm vụ chiến dịch.
Dù các nhà phát triển vũ khí Liên Xô hy vọng thiết kế này sẽ cung cấp một thế hệ mới vũ khí linh hoạt và hiệu quả hơn nhưng cũng phải công nhận rằng, công nghệ nhiên liệu rắn rất phiền hà, buộc Liên Xô quay lại lối đi cũ, thiết kế tên lửa nhiên liệu lỏng cải tiến dựa trên R-11M, R-11MU.
Tên lửa đạn đạo R-17
Chương trình phát triển R-11MU thực hiện từ 4/1958 bởi Cục thiết kế SKB-385 Makeyev. Trong quá trình phát triển, tên lửa R-11MU được đổi tên thành R-17 (Mỹ gọi là SS-1C, NATO gọi là Scud B), nó gần như là thiết kế hoàn toàn mới, ít điểm chung với “người tiền nhiệm” R-11.
Toàn bộ hệ thống tên lửa đạn đạo chiến dịch – chiến thuật dùng tên lửa R-17 được Tổng cục Pháo binh – Tên lửa (GRAU) định danh 9K72 Elbrus.
Tháng 12/1959, tại trường bắn Kasputin Yar, Liên Xô bắn thử thành công tên lửa đạn đạo R-17. Ngày 7/11/1961, R-17 lần đầu xuất hiện trước công chúng trong cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ. Năm 1962, chính phủ Liên Xô ra nghị quyết chấp nhận R-17 đưa vào biên chế.
R-17 có chiều dài 11,25m, đường kính thân 0,88m, khối lượng phóng 5,9 tấn. Tên lửa trang bị động cơ Isayev RD-21 nhiên liệu lỏng (thành phần nhiên liệu gồm chất cháy TM-185, chất oxy hóa AK-27I và nhiên liệu phóng TG-02).
Hệ thống dẫn đường sử dụng 3 con quay hồi chuyển cho phép đạt độ chính xác cao hơn nhiều, bán kính lệch mục tiêu CEP đạt 450m (phương Tây cho rằng con số vào khoảng 900m). R-17 thiết kế mang đầu đạn thông thường nặng 1 tấn hoặc đầu đạn hạt nhân 5-70 kiloton, đầu đạn hóa học.
Xe phóng 9P117 mang tên lửa đạn đạo chiến thuật R-17.
Với công nghệ kỹ thuật mới áp dụng giải bài toán động cơ, cho phép R-17 tăng tầm bắn lên 270km.
Sau này, Liên Xô tiếp tục cải tiến đưa ra biến thể mới R-17M tăng tầm lên 300km và biến thể khác thử nghiệm vào năm 1965 tăng tầm tới 500-600km. Nhìn chung việc tăng tầm bắn chủ yếu dựa vào thay đổi động cơ, thành phần nhiên liệu phóng tên lửa hoặc giảm tải trọng tăng chỗ chứa nhiên liệu.
Đặc biệt hơn cả, việc bảo quản nhiên liệu trong điều kiện chiến trường kéo dài tới 6 tháng, trong thời bình tới 19 năm, thỏa mãn yêu cầu quân đội. Trước đó, việc bảo quản nhiên liệu phóng là một trong những vấn đề mà các tướng lĩnh quân đội kêu ca với R-11.
Về phương tiện mang phóng, ban đầu R-17 dùng xe phóng 8U218 (khung gầm cơ sở xe bánh kích AT-T) của R-11M. Năm 1961, Liên Xô chuyển sang xe phóng bánh xích 2P19 (khung gầm cơ sở pháo tự hành ISU-152K) cho R-17. Tuy nhiên, phương tiện bánh xích gây ra độ rung lớn ảnh hưởng tới thiết bị điện tử tinh vi trong tên lửa. Bên cạnh đó, năm 1962, Tổng bí thư Khruschev hủy bỏ việc sản xuất xe tăng hạng nặng. Vì vậy, Liên Xô gấp rút tìm phương án phương tiện phóng tự hành mới.
Cục thiết kế Trung ương Titan (Volgograd) được giao nhiệm nhiệm vụ phát triển phương tiện mang phóng tự hành bánh lốp mới. Họ chọn khung gầm cơ sở xe vận tải hạng nặng MAZ-543 làm xe mang phóng đạn R-17, định danh 9P117 Uragan.
Tên lửa đạn đạo chính xác cao
Trong suốt quá trình phát triển, cụm từ "chính xác cao" là một điều gì đó xa xỉ với tên lửa đạn đạo R-11/R-17, có lẽ là giấc mơ khó có thực. Thế nhưng, với sự phát triển mạnh mẽ công nghệ kỹ thuật, từ giữa những năm 1960, các nhà khoa học Liên Xô nghiên cứu cải tiến R-17 để đạt độ chính xác mục tiêu lớn hơn.
Năm 1967, Viện Nghiên cứu Khoa học về tự động hóa Trung ương thực hiện chương trình phát triển biến thể chính xác cao mang tên R-17 Aerofon áp dụng công nghệ so sánh quang học, tức là so sánh hình ảnh mục tiêu tấn công.
Do giới hạn công nghệ, mãi tới năm 1974, chương trình mới tái khởi động. Theo đó, đạn tên lửa R-17 Aerofon thiết kế đầu đạn nằm tách biệt với khoang thân. Đầu đạn lắp thêm hệ thống dẫn đường pha cuối của riêng nó. Đầu mũi tên lửa trang bị TV Camera, hệ thống so sánh khu vực mục tiêu với dữ liệu ảnh kỹ thuật số lưu giữ trong kho máy tính để tấn công.
Trong 2 lần bắn thử vào tháng 9-10/1984, R-17 Aerofon đều thất bại. Sau này, nguyên nhân được xác định là do có đám bụi bám ở ống kính quang học, mũi tên lửa. Vấn đề được khắc phục và cuộc thử vào năm 1985 thành công, R-17 Aerofon có bán kính lệch mục tiêu CEP chỉ khoảng 50m – con số cực kỳ ấn tương.
Năm 1989, sau khi hoàn tất mọi thử nghiệm, R-17 Aerofon sẵn sàng chờ tiếp nhận vào lực lượng. Tuy nhiên, nó không bao giờ sản xuất hàng loạt, vì những năm 1980, hệ thống tên lửa đạn đạo chiến dịch – chiến thuật Touhka (SS-21 Scarab) và Oka (SS-23) hiện đại hơn đã xuất hiện.
Theo một số nguồn tin, sau 1990, nước Nga có xuất khẩu một số lượng không xác định R-17 Aerofon.
Hệ thống tên lửa đạn đạo chiến dịch – chiến thuật 9K72 Elbrus được xuất khẩu rộng rãi cho một số nước thuộc khối Warsaw và các nước nằm ở Trung Đông – Đông Nam Á.
Biến thể xuất khẩu được gọi là 9K72E Elbrus dùng tên lửa đạn đạo R-17E mang đầu đạn thuốc nổ thông thường.
Theo tính toán lý thuyết, với tầm bắn 300km, tốc độ va chạm 1,4km/s, đầu đạn tạo ra một hố sâu 1,5-4m, rộng 12m.
Theo thống kê của Nga, tính tới năm 1989, Liên Xô đã xuất khẩu 2.300 tên lửa R-17E cho 11 quốc gia. Theo một số nguồn khác, số tên lửa R-17E xuất khẩu cho khối Warsaw vào khoảng 1.000 tên lửa và bán cho các nước Trung Đông – Đông Nam Á trên 3.000 tên lửa.
Ở Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khu vực trang bị tên lửa R-17E. Năm 1979, Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam 12 xe phóng cùng số lượng tên lửa không xác định biên chế đủ 1 lữ đoàn.
R-17 lập kỷ lục trở thành tên lửa đạn đạo đầu tiên sử dụng rộng rãi sau Thế chiến Thứ 2. Ví dụ, trong cuộc chiến tranh Iran - Iraq (1980-1988), Quân đội Iraq phóng hàng trăm quả R-17E vào đất Iran, các cuộc tấn công này ghi nhận làm hàng nghìn người Iran thiệt mạng và bị thương.
Trong cuộc nội chiến Afghanistan, Quân đội Liên Xô cũng phóng nhiều quả R-17E tấn công mục tiêu quân Mujahideen.
Ngoài vai trò là vũ khí tấn công trên chiến trường, R-17 còn là nền tảng phát triển chương trình tên lửa đạn đạo Triều Tiên và Iran. Ngày nay, trong kho tên lửa Triều Tiên, tên lửa đạn đạo tầm ngắn Hwangsong 5/6, tầm trung Nodong đều là thiết kế cải tiến từ R-17.
Không dừng lại ở đó, R-17 còn được dùng để phát triển các phương tiện phóng vệ tinh Iran, Iraq và Triều Tiên. Dù mọi dự án đều không đi đến thành công cuối cùng.
Kho tên lửa đạn đạo Triều Tiên có gì?
Những quả tên lửa đạn đạo đầu tiên xuất hiện trong Quân đội Triều Tiên từ cuối những năm 1960. Đầu những năm 1970, Triều Tiên đã nỗ lực tìm kiếm một loại tên lửa từ Liên Xô có tầm bắn xa hơn nhằm tấn công mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Hàn Quốc. Tuy nhiên do mối quan hệ hai nước rơi vào tình trạng căng thẳng nên Triều Tiên không có được loại tên lửa mới. Họ đã quay sang hợp tác với Trung Quốc phát triển tên lửa đạn đạo Đông Phong 61 đạt tầm bắn 600km nhưng dự án cũng hủy bỏ giữa chừng năm 1978.
Vận may tới với chương trình tên lửa Triều Tiên cuối những năm 1980 khi họ nhập khẩu được một số tên lửa đạn đạo chiến thuật Scud-B từ Ai Cập. Nó đã trở thành “nền tảng quan trọng” trong việc phát triển tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung sau này của Triều Tiên.
Tên lửa đạn đạo tầm ngắn
Sau khi “mổ xẻ” công nghệ Scud-B, các chuyên gia Triều Tiên đã sản xuất biến thể nội địa mang tên Hwasong 5 với một vài cải tiến nhỏ.
Tên lửa đạn đạo tầm ngắn Hwasong 5 có tầm bắn tăng lên 320km, trọng tải 1 tấn (lắp đầu đạn hạt nhân, hóa học, sinh học, đầu đạn thường).
Năm 1988, Triều Tiên bắt đầu chương trình cải tiến tăng tầm bắn Hwasong-5, kết quả là tên lửa đạn đạo mới Hwasong 6 ra đời.
Tên lửa đạn đạo tầm ngắn Hwasong 6 đặt xe mang bệ phóng trong một cuộc duyệt binh của Quân đội Triều Triên. Hwasong 6 dài 12m, đường kính thân 0,88m, tải trọng 800kg (mang đầu đạn nổ thường hoặc đầu đạn hạt nhân, hóa học, sinh học). Tên lửa Hwasong 6 tăng tầm bắn lên 700km đủ khả năng vươn tới các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Hàn Quốc.
Hwasong 6 bắn thử lần đầu tháng 6/1990 và chính thức đưa vào phục vụ năm 1991. Theo các báo cáo quốc tế, tính tới năm 1999 Triều Tiên đã sản xuất khoảng 600-1.000 tên lửa loại này.
Sau sự kiện Ai Cập cung cấp Scud-B cho Triều Tiên để quốc gia này “sản sinh” ra Hwasong 5/6, theo báo cáo quốc tế năm 1997 Syria xuất khẩu cho Triều Tiên một số tên lửa OTR-21 Tochka của Liên Xô. Và tất nhiên, nước này đã không bỏ lỡ “cơ hội trời cho” sao chép cải tiến cho ra đời tên lửa đạn đạo tầm ngắn KN-02.
KN-02 dài 6,4m, đường kính thân 0,65m, trọng lượng phóng 2,01 tấn. Tên lửa lắp đầu đạn nổ thường nặng 485kg, tầm bắn tối đa 160km. Tên lửa đã trải qua ít nhất 17 cuộc bắn thử trước khi đưa vào sản xuất từ năm 2006 và chính thức đưa vào phục vụ năm 2008.
Tên lửa đạn đạo tầm trung
Song song với chương trình phát triển tên lửa đạn đạo chiến thuật Hwasong 5/6, ngay từ giữa những năm 1980 Triều Tiên xúc tiến nghiên cứu sản xuất tên lửa đạn đạo tầm trung No Dong 1.
Tên lửa đạn đạo No Dong 1 có chiều dài 16,2m, đường kính thân 1,36m, trọng lượng phóng 16,5 tấn, tải trọng 1,2 tấn (lắp đầu đạn thường hoặc đầu đạn hạt nhân). No Dong 1 đạt tầm bắn tối đa 1.300km nhưng độ sai lệch mục tiêu rất lớn chỉ phù hợp để tấn công các thành phố lớn, sân bay, kho tàng bến bãi.
Tên lửa đạn đạo No Dong 1. No Dong 1 chính thức đưa vào phục vụ năm 1995. Theo cơ quan tình báo Mỹ, tính tới năm 2006 Triều Tiên đã triển khai 200 quả Nodong 1 trong khi phía Hàn Quốc cho rằng con số vào khoảng 450 quả.
Có thể nói, tốc độ phát triển tên lửa Triều Tiên như vũ bão, ngay sau sự xuất hiện của No Dong 1 tới lượt No Dong 2. Thông số kỹ thuật No Dong 2 tương tự No Dong 1 được cải tiến tăng tầm bắn lên 1.500km nhưng tải trọng giảm xuống còn 700kg.
Theo một số nguồn tin, Triều Tiên phát triển No Dong 2 với sự hỗ trợ từ các chuyên gia Trung Quốc. Nhiều khả năng, nước này đã cung cấp cho Triều Tiên các công nghệ và linh kiện tên lửa.
Năm 2003 đã có thông tin Triều Tiên đang phát triển loại tên lửa mới dựa trên tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm R-27 của Nga mang tên BM25 Musudan (hoặc có tên gọi khác là No Dong B, Mirim, Taepodong X).
Tên lửa đạn đạo tầm trung BM25 Musudan có chiều dài khoảng 12-19m, đường kính thân 1,5-2m, trọng lượng phóng 19-26 tấn, trọng tải 1,2 tấn. Tên lửa có khả năng đạt tầm bắn từ 2.500-4.000km.
Tên lửa đạn đạo BM25 Musudan. BM25 Musudan xuất hiện công khai lần đầu trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 65 năm ngày thành lập **** Lao động Triều Tiên tháng 10/2010. Theo một số nguồn tin, Triều Tiên đã sản xuất và triển khai 200 quả BM25 Musudan.
Loại tên lửa tầm trung thứ 4 mà Triều Tiên sở hữu là Taepo Dong 1 đạt tầm bắn 2.000km. Đây là loại tên lửa đạn đạo 3 tầng động cơ dài tới 25,5m, đường kính thân 1,25m, tải trọng 750kg. Cũng theo báo cáo của cơ quan tình báo Mỹ, năm 2006 Triều Tiên đã có chừng 25-30 quả Taepo Dong 1 nhưng không rõ tình trạng phục vụ.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa
Theo các nguồn tin quốc tế, trong kho tên lửa Triều Tiên chưa có loại tên lửa đạn đạo liên lục địa chính thức đi vào phục vụ.
Triều Tiên đang trong quá trình thử nghiệm tên lửa đạn đạo Taepo Dong 2 có tầm bắn từ 6.000km.
Taepo Dong 2 được cải tiến từ Taepo Dong 1 thiết kế với 3 tầng động cơ dài 16,3m, đường kính thân 2,4m, trọng lượng phóng 53 tấn. Tên lửa đạn đạo có tải trọng nặng 1-1,5 tấn mang nhiều loại đầu đạn, kể cả đầu đạn hạt nhân.
Quá trình bắn thử nghiệm tên lửa Taepodong 2 có liên quan chặt chẽ tới chương trình chinh phục không gian của Triều Tiên. Trong 5 lần phóng vệ tinh trong các năm 2006-2012, Triều Tiên đã sử dụng tên lửa đẩy Unha-2/3 phát triển dựa trên tên lửa đạn đạo Taepodong 2.
Chính vì lý do này mà mỗi lần tuyên bố phóng vệ tinh, Triều Tiên gặp phải sự phản đối quyết liệt từ Mỹ và đồng minh. Các quốc gia này luôn cáo buộc Triều Tiên thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa trá hình.
Trình độ tên lửa Triều Tiên với cường quốc Nga, Mỹ
(ĐVO) - Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, hiện nay CHDCND Triều Tiên đang có trên một nghìn quả tên lửa đạn đạo. Trong đó bao gồm cả tên lửa tầm ngắn, tầm trung và tầm xa. Các chuyên gia cho rằng về lý thuyết với một số lượng các tên lửa như vậy CHDCND Triều Tiên có thể tấn công nước Mỹ, có khả năng hủy diệt Hàn Quốc, Nhật Bản và uy hiếp Nga.
Tên lửa Triều Tiên Sau sự kiện phóng thành công tên lửa tầm xa đưa vệ tinh lên quỹ đạo ngày 12/12/2012, nhiều người đã cảm thấy ngỡ ngàng trước công nghệ tên lửa ngày càng tiến bộ vượt bậc của Triều Tiên. Triều Tiên bắt đầu bắt tay vào phát triển tên lửa từ những năm 60, 70.
Mặc dù được cho là có trong tay tên lửa tầm ngắn đầu tiên từ Liên Xô hồi đầu năm 1969 nhưng chương trình tên lửa của nước này lại chủ yếu được phát triển từ tên lửa Scud do Ai Cập cung cấp. Năm 1976, Ai Cập đã cung cấp cho Triều Tiên những tên lửa Scud-B của Liên Xô, có thể mang đầu đạn nặng tới 200kg và có tầm bắn 300 km, kèm theo thiết kế của loại tên lửa này.
Từ tên lửa do Ai Cập cung cấp, các chuyên gia quân sự của Triều Tiên đã nâng cấp thành hai phiên bản mới Scud-C (Hwasong-5) và Scud-D (Hwasong-6) với tầm bắn lần lượt là 500km và 700km. Với hai loại tên lửa này, Triều Tiên có thể tấn công vào bất kỳ khu vực nào trên lãnh thổ Hàn Quốc. Vì vậy, tên lửa Scud trở thành cơn ác mộng đối với nước láng giềng sát nách của Triều Tiên.
Cũng từ tên lửa Scud, các nhà khoa học của Triều Tiên còn phát triển thêm nhiều lại tên lửa khác, trong đó có tên lửa tầm trung Nodong. Tên lửa Nodong có tầm bắn ấn tượng lên tới 1.300km và có thể mang theo một đầu đạn hạt nhân nặng từ 1.000 đến 1.200kg.
Trình độ khoa học phát triển tên lửa của Triều Tiên ngày càng tiến bộ Với tầm bắn như trên, tên lửa Nodong trở thành mối đe dọa thực sự đối với Nhật Bản vì nó có thể phá hủy bất cứ mục tiêu nào của Nhật Bản cũng như bất cứ căn cứ quân sự nào của Mỹ trên lãnh thổ Nhật. Sau Scud và Nodong, Bình Nhưỡng đã tiến tới phát triển tên lửa tầm xa.
Vào tháng 8/1998, Triều Tiên đã khiến cả thế giới phải sửng sốt khi lần đầu tiên phóng thử tên lửa Taepodong-1. Đây chính là thế hệ tên lửa tầm xa đầu tiên của Triều Tiên. Loại tên lửa này đã khẳng định sự phát triển vượt bậc của Bình Nhưỡng trong công nghệ phát triển tên lửa.
Taepodong-1 nặng khoảng 33 tấn, đường kính 1,8m và dài 25,8m. Với tầm bắn từ 2.200km đến 2.500km, Taepodong-1 có thể vươn tới các căn cứ quân sự của Mỹ ở Okinawa. Triều Tiên hiện có hàng chục tên lửa Taepodong-1 và đều đang được triển khai để sẵn sàng chiến đấu.
Trong kho vũ khí tên lửa của Bình Nhưỡng hiện tại, tên lửa Taepodong-2 được xem là loại tên lửa đáng sợ nhất. Là tên lửa đạn đạo hiện đại nhất của Triều Tiên cho tới thời điểm này, Taepodong-2 nặng gần 80 tấn, chiều dài khoảng 35,8m, đường kính từ 2,0 - 2,2m. Taepodong-2 có thể mang đầu đạn thông thường, hạt nhân nặng tới 500kg với tầm bắn lên tới 6.700km. Với tầm bắn như trên, Taepodong-2 có thể đe dọa Australia và các khu vực miền Trung, miền Tây nước Mỹ. Thế nhưng trình độ tên lửa của Triều Tiên không dừng lại tại đó.
Theo giới tình báo Mỹ nhận định thì Triều Tiên đã phát triển được loại siêu tên lửa có tầm bắn lên tới 10.000km và thậm chí là 15.000km, đồng nghĩa với việc tên lửa của Triều Tiên có thể bắn tới Los Angeles của Mỹ thay vì chỉ lượn tới vùng Alaska. Và trên thực tế những vụ phóng tên lửa mang vệ tinh chính là một cách “hợp thức hóa” việc thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa của Triều Tiên.
Theo nhận định thì loại tên lửa mới của Triều Tiên có kích thước lớn hơn hẳn Taepodong-2 và nhiều khả năng sẽ được phóng đi từ bệ phóng di động. Có thể nhiều nước vẫn còn hoài nghi về khả năng tên lửa của Triều Tiên.
Tuy nhiên, với đội ngũ khoảng 10.000 chuyên gia về lĩnh vực tên lửa, nhiều hơn gấp 3 lần so với Hàn Quốc, và sự đầu tư mạnh vào quân sự, Triều Tiên hoàn toàn có thể phát triển được những loại tên lửa đáng sợ, đủ sức đe dọa các nước lớn.
Tên lửa Mỹ, Nga vẫn vượt trội hơn
Mặc dù sở hữu kho tên lửa hàng khủng và ngày càng được hiện đại hóa nhưng theo giới chuyên gia phân tích thì tên lửa Triều Tiên chỉ đạt được mục tiêu về số lượng, còn chất lượng thì chỉ nâng tầm bắn (theo lý thuyết) còn tính xác suất trúng đích thì lại rất thấp.
Giới quân sự Mỹ nhận định: Dù có tầm bắn khá ấn tượng và có thể mang được đầu đạn hạt nhân nhưng độ chính xác của tên lửa Nodong được cho là thấp. Đối với tên lửa Taepodong tuy có tầm bắn xa hàng nghìn km nhưng xét về độ chính xác lại còn thấp hơn cả tên lửa Nodong.
Hơn nữa, tên lửa Taepodong-1 đòi hỏi phải được phóng đi từ một vị trí cố định và cần có một thời gian chuẩn bị lâu dài. Điều này đồng nghĩa với việc các vụ phóng tên lửa Taepodong-1 rất dễ bị vệ tinh do thám của đối phương phát hiện trước.
Cũng giống như người “anh, em” Taepodong-1, Taepodong-2 (dù được thiết kế để khắc phục những khiếm khuyết của các thế hệ tên lửa trước đó) vẫn đòi hỏi phải được bắn đi từ một vị trí cố định và độ chính xác của tên lửa này cũng bị các chuyên gia quân sự hoài nghi.
Một điểm yếu nữa của Taepodong-2 là chỉ có thể mang một lượng chất nổ nhỏ khi bắn tới tầm xa nhất, điều này đồng nghĩa với việc nếu với được tới Mỹ thì tên lửa của Triều Tiên cùng lắm cũng chỉ phá hủy được... một ngôi nhà.
Thực lực Triều Tiên là vậy trong khi “hàng Mỹ” và “hàng Nga” lại hết sức đa dạng, phong phú gồm cả “địa” tên lửa (tên lửa được phóng đi từ đất liền) và “thủy” tên lửa (tên lửa được phóng đi từ tầu hải quân, tầu ngầm chiến lược), đó còn chưa kể những loại tên lửa đạn đạo được phóng đi từ máy bay, trong khi Triều Tiên mới chỉ sở hữu “địa” tên lửa.
Đối với những loại tên lửa đạn đạo tầm xa đang có trong kho vũ khí của Mỹ thì với tầm bắn trên 10.000km đến 15.000km là điều rất dễ dàng đạt được với độ chính xác gần như tuyệt đối như dòng tên lửa Atlas, tên lửa LGM-30G Minuteman III, Minuteman II, tên lửa LGM-118 Peacekeeper, “thủy” tên lửa UGM-133 Trident II D-5...
Trong thời gian tới quân đội Mỹ sẽ còn được sở hữu tiếp loại tên lửa hành trình tầm xa mới, có khả năng tàng hình và tốc độ cao có tên gọi là LRSO. Theo đó, tên lửa mới có khả năng thay thế hầu hết các loại tên lửa đang lỗi thời, các loại vũ khí hạt nhân và tên lửa hành trình phóng từ trên không AGM-86 trang bị đầu đạn thông thường.
Theo dự kiến loại tên lửa hành trình này có thể được phóng đi từ tầu hải quân, tầu ngầm, máy bay của không quân Mỹ. Cùng với việc sở hữu kho vũ khí tên lửa hùng mạnh Mỹ còn đang nỗ lực xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa “phức hợp” nhằm phòng ngừa những nguy cơ “mới” tới từ các quốc gia thù địch trong đó có Triều Tiên.
“Mỹ sẽ có hệ thống phòng thủ tên lửa bậc cao và phức tạp nhất trong lịch sử, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ quân sự, chúng ta cần bảo đảm nước Mỹ được an toàn trong mọi trường hợp và sẵn sàng đáp trả kẻ địch một cách thích đáng nhất…”, Brad Roberts, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng cho biết.
Giữa Mỹ và Nga đã từng có cuộc “chiến tranh lạnh” trong quá khứ, vậy nên trình độ tên lửa của 2 cường quốc này có tính năng gần như tương đương, nên không lạ khi Nga vẫn được xếp “chiếu trên” trong lĩnh vực phát triển tên lửa tầm xa.
Là quốc gia thứ 2 trên thế giới có đủ bộ tên lửa hành trình tầm xa địa, thủy, không, trong kho tên lửa của Nga vẫn có một lực lượng tên lửa chiến lược hiện đại được đánh giá có khả năng xuyên thủng lá chắn tên lửa của Mỹ.
Theo đó, Nga có 682 hệ thống tên lửa chiến lược có khả năng mang 3.100 đầu đạn hạt nhân. Tiêu biểu nhất là tên lửa R-36MUTTH (RS-20B) và R-36M2 (RS-20V), theo cách gọi của NATO là SS-18 “Satan”, đây là tổ hợp tên lửa cố định, phóng từ hầm phóng, có tầm bắn tối đa là 11.000 km và lượng chất nổ lên đến 8,8 tấn.
Tổ hợp tên lửa di dộng trên đường RT-2PM Topol, còn được NATO gọi là tên lửa SS-25 “Sickle”, loại tên lửa này có 3 tầng đẩy nhiên liệu rắn với tầm bắn 10.000 km và có thể mang một đầu đạn hạt nhân có sức công phá 550 kiloton.
RT-2UTTH Topol-M hay SS-27 (theo cách gọi của NATO) là tổ hợp tên lửa tối tân nhất của Nga hiện nay. SS-27 là phiên bản cải tiến từ tổ hợp tên lửa đạn đạo xuyên lục địa SS-25 (RT-2PM Topol) trước đó.
SS-27 gồm 2 phiên bản: Loại thứ nhất bắn từ hầm phóng. Loại thứ hai được bắn từ xe cơ động chuyên dụng. Tên lửa SS-27 có 3 tầng đẩy nhiên liệu rắn, đang được phát triển như một tên lửa mang đầu đạn hạt nhân riêng rẽ với tầm bắn lên tới 10.000 km với sức công phá tương đương 500.000 tấn thuốc nổ TNT.
So với các loại tên lửa mà Nga đã nghiên cứu trước đây, SS-27 có những đặc điểm hết sức ưu việt là thời gian tác chiến ngắn, độ chính xác cao và có thể bảo quản, sử dụng trong thời gian dài. Dự kiến đến năm 2015, đây sẽ là loại tên lửa chủ lực trong hệ thống tên lửa chiến lược trên bộ của Nga.
Từ những phân tích và thực tế trên có thể nhận thấy rằng dù trình độ tên lửa của Triều Tiên đã có nhiều tiến bộ, nhưng so với những cường quốc như Nga, Mỹ thì rõ ràng tên lửa Triều Tiên vẫn còn thua kém rất nhiều.
Iran giúp Triều Tiên phóng thành công tên lửa Unha-3
(Kienthuc.net.vn) - Việc Triều Tiên phóng thành công tên lửa tầm xa đã biến một giả thuyết thành thực tế đáng sợ đối với phương Tây và cả Israel.
Hợp tác với Iran là yếu tố quan trọng đối với việc Triều Tiên phóng thành công tên lửa Unha-3
Gần đây tình báo Mỹ cảnh báo rằng tên lửa Triều Tiên có thể bắn tới Alaska và Hawaii. Đáng sợ là Triều Tiên và Iran đang chia sẻ với nhau công nghệ tên lửa đạn đạo tầm xa và cái gọi là chương trình phát triển tên lửa đạn đạo độc lập của hai nước chỉ là hai mặt của một tấm huy chương. Cái mà nước này có ngày hôm nay, thì nó cũng dược chia sẻ với nước kia trong tương lai gần.
Sau nhiều lần thử tên lửa tầm xa bất thành từ năm 1998, nhiều nhà quan sát đã cho rằng chương trình tên lửa liên lục địa của Triều Tiên chỉ là một con ngáo ộp “hữu danh vô thực”, một con bài để mặc cả với Mỹ. Thế nhưng, với vụ phóng thành công tên lửa Unha-3 mang vệ tinh vào quĩ đạo ngày 12/12/2012, Triều Tiên dưới sự nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un đã tiến bộ vượt bậc, nâng cấp đáng kể sức mạnh tên lửa đạn đạo tầm xa.
Làm thế nào mà Bình Nhưỡng đã tạo ra được bước đột phá trong việc thử nghiệm tên lửa đẩy ba tầng đưa vệ tinh vào quỹ đạo?
Câu trả lời ở đây là rõ ràng: Iran đã đóng một vai trò rất, rất quan trọng.
Hợp tác với Iran là yếu tố quan trọng đối với việc Triều Tiên phóng thành công tên lửa Unha-3 đưa vệ tinh lên quĩ đạo. Sự hợp tác này được bắt đầu bằng một mối quan hệ giao dịch: Iran cung cấp số tiền mặt tối cần thiết cho Triều Tiên để đổi lấy các bộ phận và công nghệ tên lửa. Qua thời gian, mối quan hệ giao dịch này đã phát triển thành một mối quan hệ đối tác ngày càng hiệu quả. Trên thực tế, chương trình phát triển tên lửa đạn đạo độc lập của hai nước chỉ là hai mặt của một tấm huy chương.
Mặc dù ghi nhận sự hợp tác gián đoạn Triều Tiên-Iran về phát triển tên lửa, nhưng giới phân tích vẫn cho rằng sự thành công đột phá của Triều Tiên trong vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm xa ngày 12/12 chính là thành quả của sự hợp tác ngày càng gia tăng về thể chế giữa hai nước. Hồi tháng 10/2012, Triều Tiên và Iran đã ký kết một hiệp định hợp tác khoa học và kỹ thuật. Hiệp định này cung cấp một khuôn khổ cho việc thiết lập các phòng thí nghiệm chung cũng như chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ, chế tạo, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo và môi trường. Thỏa thuận song phương này chính thức hóa cơ chế chia sẻ kinh nghiệm và dữ liệu. Nếu một bên làm chủ hoặc thu thập được công nghệ chủ chốt liên quan đến tên lửa đạn đạo, bên kia cũng sẽ được chia sẻ thông qua hiệp định này.
Phân tích chi tiết cho thấy thành công gần đây của Triều Tiên được bắt nguồn từ vụ Iran phóng thành công vệ tinh Omid bằng tên lửa đẩy Safir hồi tháng 2 năm 2009. Thành công quan trọng này có thể là kết quả của chương trình hợp tác tên lửa Nga-Iran trong năm 2005. Dưới chiêu bài “hợp tác khoa học và công nghệ dân dụng”, hiệp định Triều Tiên-Iran đã giúp cho Bình Nhưỡng tiếp cận công nghệ tên lửa đã được kiểm nghiệm của Nga, đặc biệt là công nghệ đạn đạo tầm xa. Việc tên lửa Unha-3 của Triều Tiên sử dụng acid nitric bốc khói đỏ chính là một bằng chứng lý giải cho nhận định trên.
Đối với Tehran, Triều Tiên là một nhà cung cấp quan trọng các loại vũ khí thông thường trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq. Còn đối với Bắc Triều Tiên, Iran chính là một cửa ngõ để nước này tiến hành các hoạt động mua sắm, thu thập công nghệ của Bình Nhưỡng ở Trung Đông và Đông Âu.
Source:
DVO &
Kienthuc