DÀNH CHO ĐỌC CHẬM Ạ!
Qua tiêu đề của topic “Áp lực học hành của con cái và cư xử của bố mẹ” và các bàn luận qua gần chục trang của các Mợ/Cụ đã cho thấy có 2 vấn đề nổi bật hiện nay các con và bố mẹ đang phải đương đầu:
1. Bố mẹ chưa hiểu hết được khái niệm “làm cha mẹ” (tiếng Anh là parenting) dẫn tới chưa nắm vững được những kiến thức liên quan tới việc làm cha mẹ (theo đúng nghĩa đen luôn ấy!) để có thể nuôi dạy con cái trưởng thành cả về thể chất lẫn tinh thần và trình độ văn hóa để hòa nhập vào xã hội.
2. Đối với các bố mẹ hiện đang sinh sống trong nước thì việc làm cha mẹ còn phải đương đầu với nhiều yếu tố bất định hơn trong suốt cả cuộc sống gia đình, ảnh hưởng nhiều tới chất lượng “làm cha mẹ”.
Đối với vấn đề thứ hai, em nghĩ nó cũng hơi nhậy cảm và nói chung sẽ phụ thuộc nhiều vào cách cảm nhận, lối sống, truyền thống gia đình và trình độ văn hóa của từng nhà nên em không đề cập tới ở đây.
Em tập trung vào vấn đề thứ nhất là về lý thuyết “làm cha mẹ” (viết tắt LCM) và trao đổi chúng ta có thể làm được gì với con cái khi tiếp cận lý thuyết LCM và thưc hành trên thực tế từng nhà.
Trên tổng thể, lý thuyết về LCM có từ thế kỷ 17 và luôn phát triển với nhiều trường phái cho tới tận ngày nay. Có thể lấy một số dẫn chứng như sau.
Vào thế kỷ 17, nhà triết học Anh Thomas Hobbes đã đưa ra luận điểm nuôi dạy con cái một cách chuyên chế, độc đoán do quan điểm về con người như:
- Trẻ sơ sinh được sinh ra đã có tội và rất ích kỷ.
- Đề xuất các quy tắc cứng rắn và nghiêm ngặt để uốn nắn trẻ em thành những người lớn thành đạt và cư xử tốt.
Sang thế kỷ 18, nhà triết học Pháp Jean-Jacques Rousseau lại có quan điểm về LCM gần như ngược lại khi coi trẻ em khi sinh ra là không có tội lỗi, đúng kiểu “nhân chi sơ tính bản thiện”! Luận điểm về LCM thời kỳ này được mềm hóa đi nhiều với một số ý chính như sau:
- Trẻ em khi sinh vốn vô tội và chi khi tiếp xúc với một số hoàn cảnh nhất định mới dẫn đến chúng hành động tiêu cực.
- Cha mẹ phải bảo vệ trẻ em khỏi những hoàn cảnh và tương tác tiêu cực.
Vào những năm đầu thế kỷ 20, nhà phân tâm học, bác sỹ Sigmund Freud người Áo lại đưa ra quan điểm về sự phát triển và giáo dục trẻ em trên cơ sở dục tính của con người (Sexuality). Freud đưa ra luận điểm về sự phát triển của trẻ em theo các thời kỳ như sau:
- Giai đoạn “Miệng” từ Trẻ sơ sinh đến 18 tháng với đặc trưng: khoái cảm đến từ miệng dưới hình thức mút, cắn và nhai.
- Giai đoạn “Hậu môn”: 18 tháng đến 3 tuổi với đặc trưng: khoái cảm đến từ việc đi ị, đái và việc tập đi vệ sinh.
- Giai đoạn “cương dương/phallic”: 3 tuổi đến 6 tuổi với đặc trưng: khoái cảm đến từ bộ phận sinh dục, và sự xung đột do ham muốn tình dục đối với cha/mẹ (khác giới với mình).
- Giai đoạn “Tiềm ẩn”: 6 tuổi đến tuổi dậy thì (12) với đặc trưng: cảm xúc tình dục ít quan trọng hơn.
- Giai đoạn “Bộ phận Sinh dục”: từ Tuổi dậy (12) thì trở lên. Nếu các giai đoạn trước đó đã đạt được một cách thích hợp, khuynh hướng tình dục trưởng thành sẽ phát triển.
Freud cũng đưa luận điểm tâm lý, nhân cách con người là sự tổng hòa (sự tương tác và xung đột) của 3 yếu tố: bản ngã (ID), cái tôi (Ego) và cái siêu tôi (Superego). Id hoàn toàn là vô thức, được thúc đẩy bởi nguyên tắc khoái cảm. Cái tôi Ego là sự kiểm soát một cách có ý thức những hành vi của cá nhân và cái Siêu tôi /Superego là trái ngược hoàn toàn với ID, đại diện cho ý thức đạo đức của cá nhân và làm những gì “đúng”. Cái siêu tôi phấn đấu cho sự hoàn hảo, và khi chúng ta không đáp ứng được yêu cầu của nó, chúng ta cảm thấy tội lỗi.
Giải thích tất cả những thứ ở trên chỉ để giải thích cho luận điểm về LCM của Freud:
- Các giai đoạn phát triển tình dục và cảm xúc của trẻ: miệng, hậu môn, cương dương, tiềm ẩn và bộ phận sinh dục.
- Nhân cách con người bao gồm : bản ngã (ID), cái tôi (Ego) và cái siêu tôi (Superego).
- Cá nhân trẻ có những động lực vô thức và nên được phép làm theo bản năng của chính chúng.
- Nên dùng cách tiếp cận thoải mái để nuôi dạy trẻ nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống tổng thể.
Ở thời hiện tại, lý thuyết hiện đại về LCM tựu trung bao gồm 6 giai đoạn:
- Giai đoạn 1- Giai đoạn tạo dựng hình ảnh: đó là lập kế hoạch có con và mang thai. Các bố mẹ tương lai cân nhắc việc trở thành cha mẹ và lên kế hoạch thay đổi để phù hợp với việc có con.
- Giai đoạn 2 - Giai đoạn nuôi dưỡng trẻ sơ sinh: Cha mẹ phát triển mối quan hệ gắn bó với trẻ và thích nghi với đứa trẻ mới chào đời.
- Giai đoạn 3 - Giai đoạn quyền lực của cha mẹ đối với trẻ mới biết đi và trẻ mẫu giáo: Tạo ra các quy tắc và tìm ra cách hướng dẫn hành vi của trẻ một cách hiệu quả.
- Giai đoạn 4 - Giai đoạn diễn giải nằm trong thời thơ ấu của trẻ: Cha mẹ giúp con cái diễn giải những trải nghiệm của chúng trong thế giới xã hội bên ngoài gia đình.
- Giai đoạn 5 - Giai đoạn phụ thuộc lẫn nhau bao phủ thời tuổi vị thành niên của trẻ: Cha mẹ bàn bạc, xây dựng lại mối quan hệ của họ với con cái nhằm cho phép chúng được chia sẻ quyền lực trong việc ra quyết định.
- Giai đoạn 6 - Giai đoạn khởi hành là thời bắt đầu vào tuổi trưởng thành của trẻ: Cha mẹ sẽ đánh giá những thành công và thất bại của họ với tư cách là cha mẹ một khi trẻ trưởng thành, vào đời và trở nên độc lập.
Với những khái niệm về LCM diễn giải ở trên, em có một số nhận định liên quan trực tiếp tới hành vi/cách cư xử của bố mẹ và chuyện học hành của con cái:
- Việc có con và nuôi dạy con nó như triển khai một dự án, đòi hỏi sức lực, tài chính và tinh thần để thực hiện, ít nhất là 20 năm/1 đứa! Do vậy phải lên kế hoạch tương đối cẩn thận (Giai đoạn 1)
- Giai đoạn từ lúc sinh tới 6 tuổi là giai đoạn rất quan trọng trong hình thành tính cách trẻ và tính phù hợp với văn hóa/truyền thống 1 gia đình cụ thể, trẻ phải được rèn kỷ luật, tuân thủ nguyên tắc của cha mẹ. (Giai đoạn 2)
- Các giai đoạn tiếp sau cho tới khi trẻ tới tuổi vị thành niên (tới 16 tuổi) là giai đoạn mà tính cách, trình độ văn hóa xã hội, khả năng diễn giải, dạy dỗ, làm gương và năng lực tài chính của cha mẹ có ảnh hưởng tới sự trưởng thành, thành công trong cuộc đời đứa con. Lúc này cha mẹ đóng vai trò khá giống như 1 huấn luyện viên đa năng để hiểu những điểm mạnh, điểm yếu, những cơ hội cũng như rủi ro mà con mình đã, đang và sẽ gặp trong quãng thời thơ ấu sống chung; qua đó tìm ra những giải pháp để huấn luyện một cách thành công đứa con mình, ít nhất là theo tiêu chí của truyền thống gia đình, xã hội cụ thể.
Nói thì hay vậy, thế thì đối với nhà em, em đã áp dụng được lý thuyết LCM đến mức nào, cũng xin chia sẻ:
- Bọn em (cả bố và mẹ) đều xác định mình phải là huấn luyện viên mà các con là “quân” và có phân vai: mẹ giơ gậy thì bố phải đưa củ cà-rốt và ngược lại!
- Phải cố tìm cho được các điểm yếu và mạnh của con về tính cách để từng bước hướng việc học tập và chơi của con cho phù hợp, qua tạo niềm vui và động lực.
- Tùy từng thời kỳ mà bố mẹ nghiêng về vai: độc tài (thời bé); đại ca/đại tỷ (thời nhỏ); huấn luyện viên/bạn đồng hành (thời vị thành niên); bạn bè (thời trưởng thành).
Kết quả thu nhận được:
- Về học tập: mấy đứa con nhà em khi lên PTTH đều tốt nghiệp Ams Hà Nội, đứa thì tự nhiên, đứa thì xã hội và lên học ĐH đều ổn cả.
- Về cuộc sống: các con vui chơi thoải mái, chơi đàn tham gia band nhạc tốt.
- Đang tuyển con dâu đây!!!! :