Từ đó việc bắt vua Hàm Nghi Pháp giao cho tên Ngọc.
Nhưng bấy giờ có người con thứ Tôn Thất Thuyết là Tôn-Thất Thiệp bảo vệ vua rất nghiêm. Tôn-Thất Thiệp thề sống chết không để cho quân Pháp bắt được vua. Bởi vậy, hễ ai nói đến về đầu thú thì bắt chém ngay, cho nên bọn tên Ngọc tuy đã rắp tâm, nhưng chưa dám ra tay.
Pháp bảo bọn Ngọc phải làm thế nào chỉ cần bắt sống được vua Hàm Nghi, còn những người khác hễ ai chống cự, cứ giết hết.
Đêm khuya 26 tháng 9 1888.
Ngọc và tên Tình đem hơn 20 thuộc hạ, người ở làng Thanh-Lang và Thanh-Cuộc lên vây làng Tả Bảo (chỗ vua Hàm-Nghi đóng)
Đến độ nửa đêm, khi chúng xông vào, thì Tôn Thất Thiệp còn đang ngủ, hoảng-hốt cầm gươm nhảy ra, bị chúng đâm chết ngay.
Vua Hàm Nghi trông thấy tên Ngọc làm phản như vậy, cầm thanh gươm đưa cho nó và bảo : « Mày giết tao đi, còn hơn đưa tao về nộp cho Tây ».
Vua vừa nói dứt lời, thì bọn chúng nó có một đứa lẻn ra sau lưng ôm quàng lấy ngài rồi giật thanh gươm ra.
Từ đêm hôm đó ở bờ khe Tá Bào, huyện Tuyên Hóa (nay là huyện Minh Hóa) tỉnh Quảng Bình, Trương Quang Ngọc mang vua Hàm Nghi về các đồn Thanh Lạng, Đồng Ca rồi sang Quảng Khê và đến đồn Thuận Bài vào chiều ngày 14 tháng 11 năm 1888.
Quân Pháp tổ chức chào đón vua rất long trọng nhưng vua đã tỏ ra không hiểu, không nhận mình là Hàm Nghi.
Viên trung uý chỉ huy quân đội Bonnefoy đã chuyển bức thư của Tôn Thất Đàm gửi cho vua Hàm Nghi xem nhưng nhà vua ném lá thư xuống bàn và làm như không có can hệ gì đến mình.
Viên đề đốc Thanh Thuỷ là Nguyễn Hữu Viết được Pháp cử tới để thăm hỏi và nhận mặt thì nhà vua giả như không hay biết.
Nhưng khi người Pháp đem thầy học cũ là Nguyễn Nhuận đến xem thì nhà vua vô tình đứng dậy vái chào. Đến lúc đó thì người Pháp mới yên trí đó là vua Hàm Nghi. Từ Thuận Bài, người Pháp chuyển vua Hàm Nghi qua Bố Trạch rồi vào Đồng Hới và tới cửa Thuận An ngày 22 tháng 11 năm 1888.