Một người Ấn Độ làm nghề cho vay lãi tại Sài Gòn,1880.
Người Ấn ở Sài Gòn thường được gọi là người Chà hoặc đôi khi là Chà Và. Cộng đồng gốc Ấn này có nhiều nhóm địa phương khác nhau.
Nhóm Chà Bombay là nhóm người Ấn có gốc tại thành phố Bombay, Delhi, Benares. Họ đến Sài Gòn từ những thập niên đầu của thế kỉ XIX. Họ là những chuyên gia thực thụ trên thương trường tơ lụa và có một số chi điếm quan trọng ở một số thành phố khác. Là những thương nhân giàu có, nhóm Bombay này lập ra những bang hội kinh doanh rất phát đạt ở Sài Gòn xưa. Họ chính là cộng đồng xây dụng nên đền Hindu giáo Gurnagar trên đường An Dương Vương, khu vực Chợ Lớn.
Thứ hai là nhóm Chà Chetty. Nhóm này được biết đến nhiều với hoạt động cho vay lãi. Họ cho vay, thế chấp nhà cửa, ruộng đất một cách hợp pháp. Họ cũng là tầng lớp giàu có và cũng đã xây nên những ngôi đền Hindu giáo đầu tiên nguy nga trên đất Sài Gòn.
Tầng lớp bình dân người Ấn sống chan hoà cùng dân nghèo thành thị. Cuối thế kỉ XIX, họ chuyên hành nghề đánh xe ngựa chở khách, về sau, họ chuyển sang chăn nuôi bò, dê. Nhiều người trong số họ lấy vợ Việt, sống với nghề nấu cà ri gia truyền.
Sau 1954, 1975, người Ấn Độ đã di cư đi gần hết.