Khi các con lên cấp 2 hoặc vào Gymnázium, các con cũng được phân lớp theo trình độ ngọai ngữ, theo năng khiếu như âm nhạc hay hội họa, mà không dựa vào trình độ kiến thức. Chẳng hạn có lớp tiếng Anh, bao gồm các em chọn tiếng Anh, có lớp tiếng Đức, có lớp chuyên về âm nhạc, có lớp chuyên về hội họa, để những em có cùng đam mê hay năng khiếu được học và sinh hoạt cùng với nhau. Tất nhiên cũng là 4 năm học cấp 2 nhưng các em học Gymnázium sẽ có nhiều tiết bắt buộc hơn cũng như nhiều bài tập về nhà hơn, và yêu cầu áp lực trong việc học hơn.
Trong 4 năm cấp 2, các con được học khá nhiều về kiến thức cơ bản. Thường cấp phổ thông là phổ cập kiến thức nên các thầy cô thường cố gằng dạy các em những kiến thức rộng, nâng cao sự hiểu biết và ứng dụng trong thực tế. Mỗi giáo viên dậy 1 môn sẽ phụ trách 1 phòng dạy học, và họ coi phòng học đó như 1 vương quốc riêng của mình. Chẳng hạn giáo viên dậy môn sinh, họ sẽ trang trí và sắp xếp lớp học của họ như 1 viện bảo tàng về kiến thức sinh học. Giáo viên dạy lý hay dạy hóa thì thiết kế phòng học như 1 phòng thí nghiệm để các em có thể vừa học vừa an toàn và hứng thú thực nghiệm ngay trên lớp.
Từ năm lớp 9 thì nhà trường đã hướng các em học sinh lựa chọn hướng đi của mình trong tương lai. Ngay từ đầu năm học, nhà trường sẽ tổ chức các buổi tới thăm quan các trường cấp 3, để các em được tìm hiểu đam mê, sở thích cũng như nguyện vọng của mình. Các em tới trường Gym để tìm hiểu về học thuật, con đường dẫn các em tới ngưỡng cửa đại học, nhất là các ngành chuyên môn cao như y, luật, hóa, vật lý lượng tử,... những ngành mà đòi hỏi mức độ nghiên cứu chuyên sâu.
Các em được đi thăm quan trường nghề (hệ thống trường nghề rất rộng), và gần như có đầy đủ các nghề cho các em theo học. Như nhóc lớn nhà em lên lớp 9 thì học Gymnázium nhưng chuyên về ngành hàng không, học hết 4 năm Gymnázium thì lên tiếp đại học. Nếu tốt nghiệp Gymnázium điểm cao thì được tuyển thẳng vào Đại học đúng chuyên ngành, còn không thì phải thi đầu vào, thường là cặp 2 môn thi (toán, Séc hoặc toán, lý nếu thuộc nhóm trường kỹ thuật). Mỗi trường đại học được phép tự ra đề thi tuyển cũng như môn thi, tùy theo nhu cầu tuyển sinh của trường.
Nhóc thứ 2 nhà em thì đam mê chơi thể thao, nên cháu không muốn vào Gymnázium. Cháu trọn thi vào trường nghề ngành kỹ thuật cơ khí, chuyên ngành là CNC. Ngay từ năm đầu học nghề, cháu đã có 3 tiết thực hành cơ khí trong xưởng mỗi tuần, nhưng cháu vẫn có thời gian đi tập bóng với câu lạc bộ hàng ngày. Em cũng hướng cháu và đưa ra phần thưởng để khuyến khích cháu học tiếp lên đại học dù không học hệ Gymnázium. Hy vọng là cháu sẽ đạt được mục tiêu mà cả nhà đã đề ra cho cháu.
Các em phải tốt nghiệp cấp 3, tức là tốt nghiệp Gymnázium hoặc học trường nghề nhưng phải có bằng tốt nghiệp (bên Séc gọi là Maturita) thì mới được phép thi đại học. Các em được quyền thi bất kỳ trường nào, đăng ký thi bao nhiêu trường cũng được, miễn đóng đủ lệ phí thi. Các em thi đạt điểm thì được nhận vào học đại học ở trường đó.
Nhiều em xác định ngay khi vào trường nghề là sẽ không theo tiếp lên đại học và sẽ đi làm kiếm tiền luôn. Nên nhiều em chỉ đăng ký học nghề 3 năm, chứ không học hệ 4 năm để thi tốt nghiệp nữa. Các em chỉ học 3 năm rồi lấy bằng nghề hay chứng chỉ nghề và xin đi làm luôn. Thường vào đầu năm thứ 3 trường nghề là các em đã được đi thăm quan các nhà máy, các xưởng sản xuất, các cửa hàng, quán ăn,... để đăng ký việc làm rồi. Nên khi hết năm thứ 3, cầm bằng nghề và đủ 18 tuổi là các em đã đi làm kiếm tiền tự lo cho bản thân.
Các em học nghề hệ 4 năm và các em học Gymnázium thì phải trải qua kỳ thi tốt nghiệp cuối cấp. Đây là kỳ thi cấp quốc gja nên phải có hội đồng thi của sở. Các em thường thi tốt nghiệp 4 môn gồm 2 môn bắt buộc là toán và tiếng Séc, cùng với hai môn tự chọn còn lại là về chuyên ngành học (bao gồm cả thi lý thuyết và thực hành, cả thi viết lẫn thi vấn đáp trước hội đồng thi). Thường thì môn thi cuối cùng sẽ là môn chuyên ngành của thí sinh đó, nên các em cũng gần như phải làm một dự án nhỏ và bảo vệ nó trước hội đồng thi.
Dựa theo điểm thi tốt nghiệp mà các em sẽ được tuyển thẳng vào đại học hay cao đẳng, hoặc các em phải đăng ký thi đại học. Cũng dựa vào điểm thi tốt nghiệp Maturita mà các trường đại học xét duyệt cấp học bổng cũng như hỗ trợ tiền ký túc xá năm đầu cho sinh viên.
Nói chung hệ thống giáo dục của Phương Tây hướng tới sự tự giác và khả năng thích ứng của từng em học sinh. Các em sẽ tùy theo năng lực của mình mà chọn lựa hướng đi để theo học phù hợp. Thậm chí nhiều em học hết 3 năm trường nghề rồi ra đi làm luôn. Khi công việc ổn định thì lại quay ra học đại học. Nếu em đó chưa sử dụng hết 26 năm học, thì khi quay lại học đại học hoặc học thêm nghề gì đó thì vẫn được miễn phí.
Có một điều là những ai tốt nghiệp đại học ở bên đây đều được cả xã hội tôn trọng. Bởi đa phần là học thật, thi thật và trình độ chuyên môn là thật, nên được cả xã hội công nhận. Những người này đã chịu thiệt thòi về thời gian, công sức và tài chính để theo học kiến thức, nên cái giá đó họ bỏ ra là xứng đáng và tất cả đều tôn trọng điều đó. Thế nên, bất kỳ ai cũng mong muốn con cái thi vào được đại học và tốt nghiệp được, nhưng không phải ai cũng có thể đi đến hết con đường đại học. Chính vì vậy mà những người có trình độ đại học trở lên luôn được ưu ái và kính trọng thấy rõ trong xã hội.