Sự đóng góp của giám mục Pigneau De Béhaine vào công cuộc cải cách ở Gia Định
This entry was posted on Tháng Chín 1, 2017, in
Lịch sử Việt Nam and tagged
bá đa lộc,
Bồ Ðào Nha,
chúa Nguyễn,
gia định,
Hoà Lan,
nguyễn ánh,
nguyễn duy chính,
Pigneau de Béhaine,
tây ban nha. Bookmark the
permalink.
Bạn nghĩ gì về bài viết này?
Nguyễn Duy Chính
LỜI MỞ ÐẦU
Trong chiều hướng đưa ra một lời giải thích cho thời kỳ tranh hùng cuối thế kỷ XVIII giữa hai thế lực Tây Sơn và chúa Nguyễn, nhiều sử gia cận đại đã đồng hóa những giáo sĩ với các thế lực ngầm khuynh loát trong các âm mưu chính trị. Quan điểm này còn nhiều điểm cần đánh giá lại. Tuy không thể phủ nhận những thừa sai có ý định khai thác ảnh hưởng với chính quyền để truyền đạo nhưng ngược lại nhà cầm quyền cũng lắm phen sử dụng họ vào những mục tiêu quân sự.
Mọi việc không đơn giản khi chúng ta lại tìm ra những chứng cớ chúa Nguyễn và đồng minh thân cận nhất của ông là giám mục Pigneau de Béhaine [1741-1799] – thường được biết dưới tên Hán dịch là Bá Ða Lộc – đã bôn ba cầu viện không phải một thế lực mà gõ cửa rất nhiều nơi, lân bang cũng có, các nước Tây phương như Anh, Bồ Ðào Nha, Tây Ban Nha, Hoà Lan, Pháp … cũng có. Vai trò độc đáo của chúa Nguyễn khiến cho nhiều thế lực công khai đầu tư vào ông như một hình thức buôn vua đủ biết chính chúa Nguyễn cũng có những hình thức tự vận động rất đáng kể. Tuy ông được người Xiêm giúp đỡ trong một số trường hợp nhưng không phải không có lúc lâm nguy một khi chính ông lại trở thành một mầm hoạ đáng quan ngại cho chính họ.
Cuối thế kỷ XIX, khi người Pháp dùng võ lực chiếm Việt Nam họ đã nỗ lực đề cao vai trò của Bá Ða Lộc và các giáo dân trong khuynh hướng làm nổi bật sự đóng góp vào công cuộc trung hưng của nhà Nguyễn – biến ông thành một “
điệp viên chính trị” đi tìm cơ hội bành trướng thuộc địa nên đã trở thành mục tiêu tấn công của một số người có tinh thần cực đoan chính trị hay tôn giáo.
Sau khi hoàn thành việc thống trị toàn cõi Ðông Dương, một pho tượng cao gần 3 thước tạc giám mục Pigneau de Béhaine, một tay dắt hoàng tử Cảnh, một tay đưa ra bản hiệp ước Versailles 1787 được nhà cầm quyền Pháp dựng lên ngay trước nhà thờ Sài gòn trong một đại lễ năm 1901.
[1] (1)
Khi tường thuật về vai trò của Pigneau de Béhaine, các tác giả Tây phương thường nhấn mạnh vào việc ông xả thân cứu chúa Nguyễn khi còn đang bôn đào nhất là được tin cậy để cầm quốc ấn và đưa hoàng tử Cảnh qua Pháp cầu viện rồi trở về Gia Ðịnh với một số chiến thuyền, thủy thủ, súng ống. Người ta cũng nhắc đến vai trò của ông trong những chiến dịch đánh với Tây Sơn trước khi ông qua đời nhưng lại đề cập rất giản lược vai trò trung gian trong du nhập kỹ thuật và văn hóa vào nước ta, coi như một chuyện bình thường. Chính vì thế vị thừa sai chỉ được coi như một kẻ chủ mưu đáng lên án và những người ngoại quốc đến giúp chúa Nguyễn cũng chỉ coi như một số lính đánh thuê vì mục tiêu danh lợi chứ không phải là những cố vấn đóng góp vào việc xây dựng một quốc gia theo kiểu mẫu Tây phương.
CON NGƯỜI BÁ ÐA LỘC
Cho đến nay, khi viết về giám mục Pigneau de Béhaine [1741-1799], tức Evêque d’Adran, hay Bá Ða Lộc, mỗi sử gia có một nhận định, đôi khi hoàn toàn trái ngược. Một số nhà biên khảo kết án giám mục Pigneau có đầu óc thực dân đã mở đường cho cuộc xâm lăng của Pháp nhưng một số khác lại cho rằng ông thuần tuý là một nhà tu, những việc ông giúp chúa Nguyễn ngoài tình bạn cũng chỉ nhằm mục tiêu được dễ dàng hơn trong việc truyền giáo sau này.
Tiểu sử của ông chép trong
Ðại Nam Chính Biên Liệt Truyện quyển XXVIII là quyển chép về những người nước ngoài theo giúp chúa Nguyễn như Hà Hỉ Văn, người Trung Hoa [một dư đảng Thiên Ðịa Hội], Nguyễn Văn Tồn, người Cao Miên, Hà Công Thái, người Mường, Bá Ða Lộc, người Pháp và Vĩnh Ma Ly, người Xiêm.
[2] (2)
Nói chung, tuy Bá Ða Lộc có công lớn nhưng sử triều Nguyễn chép về ông lại khá sơ sài, có vẻ muốn cho lu mờ để nâng cao vai trò sáng nghiệp của Nguyễn Ánh. Tuy nhiên, nếu đánh giá cho khách quan và dù mục tiêu đích thực của ông là gì chăng nữa, Bá Ða Lộc quả đóng góp rất lớn trong việc phục quốc của chúa Nguyễn.
Khác hẳn với lối nhìn của Á Ðông khi đưa ra mẫu người “
quân sư” mưu trí “
ngồi trong trướng mà quyết thắng chuyện ngoài ngàn dặm”, giám mục Pigneau hành động giống như những cố vấn Tây phương gần đây, đưa ý kiến đồng thời phân tích lợi hại để chúa Nguyễn chọn lựa giải pháp chứ không ép buộc hay đòi hỏi kế hoạch của mình phải được thực hiện triệt để. Nhiều lý do khiến chúng ta có thể tin rằng những mâu thuẫn hay xung đột với vị giáo sĩ nếu có thường bắt nguồn từ tính đa nghi của Nguyễn Ánh và sự ghen ghét của những cận thần.
Cũng vì thế tuy Bá Đa Lộc qua đời khá đột ngột, sự nghiệp của chúa Nguyễn không bị bế tắc như Lưu Bị mất Khổng Minh. Cái chết của giám mục Pigneau gần như không ảnh hưởng gì đến thế lực của chúa Nguyễn lúc bấy giờ và người thừa sai đã hoàn tất vai trò đầu cầu trung gian, tạo điều kiện để Nguyễn Ánh tiếp thu được văn minh Âu Châu làm nền tảng cho những cải cách. Ðối chiếu với phát triển thực tế, những thay đổi mạnh mẽ về tổ chức và kỹ thuật là những nhân tố cốt yếu giúp chúa Nguyễn thành công.
Nếu không có Bá Ða Lộc, chúa Nguyễn sẽ không thể đột phá được những bế tắc của khu vực và rất khó tồn tại khi lực lượng của Gia Định so với anh em Tây Sơn quả là kém thế. Thắng lợi của Nguyển Ánh đã khiến cho cả Xiêm lẫn Pháp đều cho rằng vai trò của mình quan trọng hơn nhưng thực tình mà nói, Xiêm La cho ông nương thân khi còn hàn vi nhưng giúp đỡ cũng có giới hạn, một phần vì họ còn nhiều việc phải lo, phần khác cũng không thực tâm muốn Việt Nam sẽ trở thành một nước láng giềng nguy hiểm. Ngược lại, giám mục Bá Ða Lộc có quyết tâm giúp chúa Nguyễn vì mục tiêu lâu dài trong công tác truyền giáo ở Á Ðông và có thể ảnh hưởng từ chủ trương của một số người đi trước. Việc ông đưa bán đảo Tourane vào trong nhượng địa mà chúa Nguyễn sẽ phải nhường cho Pháp cho thấy ông đã đồng tình với Poivre [một nhà truyền giáo sau đổi sang nghề con buôn] về khởi đầu một chủ trương can thiệp sâu hơn vào bán đảo Ðông Dương nhưng cũng có thể chỉ là một đổi chác thường tình. Nếu so sánh với những ưu đãi mà Nguyễn Nhạc đề nghị với Chapman
[3] (3) khi đòi mua khí giới và nhờ người Anh giúp đỡ thì thái độ của chúa Nguyễn còn dè dặt hơn và cũng không đáng kết án một cách nghiệt ngã.
Một điều chắc chắn,
chúa Nguyễn không bị ai dẫn dắt theo đường lối của họ mà chỉ tham khảo rồi có quyết định tối hậu, dẫu rằng khi đúng, khi sai. Ông là kiến trúc sư trong việc xây dựng mô hình quốc gia và cũng là vị tham mưu trưởng trong mọi chiến dịch lớn.
VIỆC CẢI CÁCH Ở GIA ÐỊNH
Trong bài này chúng tôi lược bỏ phần giám mục Adran đưa hoàng tử Cảnh sang Pháp để cầu viện và ký với bá tước de Montmorin [khi đó là ngoại trưởng nước Pháp thời vua Louis XVI] một bản hiệp ước gọi là hiệp ước Versailles (1787). Vì nhiều lý do, hiệp ước này không thi hành được nên giám mục Bá Ða Lộc phải xuất tiền ra chiêu mộ binh sĩ và mua chiến thuyền đem về Gia Ðịnh năm 1789. Những chi tiết cụ thể về chuyến đi này có thể tìm thấy trong những biên khảo về công cuộc khôi phục của vương triều Nguyễn, đặc biệt là tiểu sử của Bá Ða Lộc trong
Mgr Pigneau de Behaine, Évêque d’Adran của Alexis Faure (Paris, 1891).
Nguồn kiến thức dùng trong cải cách
Theo hai tác giả đến Ðàng Trong trong những thời điểm mà ảnh hưởng và vai trò của giám mục Adran còn hiện hữu, chúng ta biết được một số chi tiết sử triều Nguyễn đã không nhắc đến khiến vai trò của vị thừa sai mờ nhạt hơn nhưng thực ra công lao của ông là những trọng điểm đưa đến sự thành công của vua Gia Long sau này.
Trong
A Voyage to Cochin China [John Barrow, 1806], tác giả người Anh ghi lại những điều mắt thấy tai nghe ở Ðàng Trong khi Barrow cùng phái bộ Macartney có dịp ghé ngang nước ta trên đường sang Trung Hoa năm 1792.
Gần 30 năm sau [1819] John White, một thương gia người Mỹ trong một tác phẩm cùng tên [
A Voyage to Cochin China, 1824] ghi lại những gì ông ta thấy ở Gia Ðịnh giúp chúng ta kiểm chứng được những gì đã thực sự hiện hữu 30 năm trước.
Theo Barrow, khi tìm hiểu bản dịch bộ Encyclopedie của giám mục Pigneau de Béhaine, Nguyễn Ánh đặc biệt quan tâm về hai phương diện:
hàng hải và đóng thuyền(navigation and ship-building).
[4] (4)
Chi tiết này quan trọng và cho chúng ta thấy giám mục Adran đã trao lại cho chúa Nguyễn kiến thức khoa học và quân sự Tây phương thông qua một số đề tài thích đáng trong bộ bách khoa vì đó là nguồn tài liệu tương đối cập nhật và chính xác, đại diện cho văn minh Âu châu thời đó. Một số thành quả khác do những người đi cùng với Pigneau de Béhaine đến Ðàng Trong còn được ghi lại trên giấy trắng mực đen, chẳng hạn như Victor Olivier là tổng công trình sư (chief engineer) xây thành Gia Ðịnh và Le Brun được coi như đại kế hoạch gia (principal architect-planner) của Saigon khi đó. Ðây là mô hình thiết kế đô thị (urban planning) theo khuôn mẫu Tây phương sớm sủa nhất ở khu vực Ðông Nam Á thời bấy giờ.
Một vai trò quan trọng khác cũng ít được nhắc đến là việc Pigneau de Béhaine đã thực hiện công tác phiên dịch các tài liệu kỹ thuật Tây phương sang chữ Hán [và có thể cả tiếng Nôm hay quốc ngữ] để chúa Nguyễn và ban tham mưu có ý niệm và hiểu biết về văn minh cơ khí trong một giai đoạn còn manh nha, đi trước tất cả mọi nơi khác trong khu vực. Công lao của ông riêng trong lãnh vực phiên dịch cũng đã là một đóng góp to lớn cho việc khai sinh ra vương quốc Ðồng Nai.
Giám mục Pigneau vốn là một chuyên gia ngôn ngữ, đã đóng góp chính yếu trong việc hoàn thành bộ từ điển Annamite-Latin [
Dictionarium Anamitico-Latinum] vào khoảng 1772-3, được giám mục Jean-Louis Taberd bổ túc và ấn hành năm 1835. Ông cũng thông thạo tiếng Việt và am hiểu chữ Hán, chữ Nôm nên có lẽ ông đã dùng thì giờ khi đi trên tàu từ Pháp về Gia Ðịnh để tìm hiểu, chọn lựa và phiên dịch những gì ông thấy rằng cần thiết cho chúa Nguyễn.
Cũng nên thêm rằng, bộ bách khoa đại từ điển không phải chỉ thuần túy là chữ mà có rất nhiều hình vẽ được in theo lối đồng bản họa (copper plate printing) nên chúa Nguyễn cũng có thể tìm hiểu nguyên bản, xem hình ảnh. Không thấy tài liệu nào nói Nguyễn Ánh có biết chữ viết theo mẫu tự Latin hay không nhưng Rei, một thương gia người Pháp có đề cập đến thái tử Ðảm biết viết chữ quốc ngữ.
[5] (5) Trong những lá thư của các thừa sai gửi về giáo hội hay liên lạc với nhau, thỉnh thoảng chúng ta cũng thấy kèm theo một số từ ngữ Việt viết theo lối mẫu tự Latin.
Do đó, muốn tìm hiểu xem chúa Nguyễn đã học hỏi được gì về kỹ thuật của Tây phương – một phần chìm mà sử sách không đề cập đến nhiều – chúng ta phải đi sâu vào nguồn kiến thức, nếu không có nguyên bản bộ sách mà giám mục Adran đã dùng thì ít ra cũng phải qua sách vở cùng thời kỳ để dựng lại một quá trình học hỏi và ứng dụng trong việc canh tân tổ chức hành chánh và quân sự.
Chúng ta cũng có thể xem những miêu tả, qua bản đồ, hình ảnh của những người có mặt ở Ðàng Trong thời kỳ đó để ít nhiều biết được ảnh hưởng Tây phương như thế nào, hay những gì mà sinh hoạt truyền thống chưa hiện hữu. Trước đây khi đề cập đến thắng lợi của chúa Nguyễn, các sử gia thường chỉ nhấn mạnh vào sự tiếp sức của người Pháp qua viện trợ súng đạn và số tướng sĩ đi theo giám mục Adran sang giúp mà thường không nhắc đến những định chế tổ chức và mô hình hành chánh là nền tảng giúp cho cải cách có cơ hội phát triển.
Về bộ Encyclopedie mà giám mục Pigneau de Béhaine có thể tìm được trong khoảng tháng 2 đến 12-1787 là thời gian ông và hoàng tử Cảnh ở Pháp thì chỉ có bộ Encyclopédie của Denis Diderot, ấn hành trong khoảng từ 1751-1766 mà bộ này cũng chỉ dịch lại từ bộ Cyclopaedia của Anh ấn hành năm 1728. Tuy nhiên bộ Encyclopédie của Diderot khó có thể kiếm được tại Paris sau 21 năm xuất bản, nhất là bộ này có nhiều chi tiết bị coi là trái với đường lối của giáo hội (heretical).
Bộ đại từ điển dễ kiếm hơn trong thời gian đó có lẽ là bộ Encyclopedia Britannica ấn bản đầu tiên in từ năm 1768 đến 1771 [gồm 3 quyển, 2391 trang, với 160 trang đồng bản hoạ] hay lần thứ hai năm 1784 được cải biên có thêm phần lịch sử, địa lý và tiểu sử các danh nhân thế giới [tổng cộng 10 quyển, 8,595 trang và 340 trang hình vẽ].
[6](6) Do đó, muốn tìm hiểu những kiến thức và kỹ thuật mà giám mục Bá Ða Lộc mang từ Tây phương truyền đạt cho chúa Nguyễn, chúng ta không thể không tìm hiểu về những sở đắc cụ thể hiện hữu trong bộ sách này.