Tạ Chí Đại Trường
Tháng 10 Kỷ Mùi (1799), Nguyễn Ánh ban sư về Gia Định. Việc mất thành Quy Nhơn cũng gây ra rối loạn về phía Tây Sơn, theo lẽ thường của một triều chính nghiêng ngửa có những kẻ giữ trách vụ nhưng không muốn đảm đương trách nhiệm. Ở Thuận Hoá, Kiểm điểm Trần Viết Kết, Phụng chính Trần Văn Kỷ, Thượng thư Hồ Công Diệu giả thư Quang Toản nói Quy Nhơn mất là tại Trần Quang Diệu, đưa cho Vũ Văn Dũng bảo Dũng giết đi. Không ngờ Dũng được Diệu ém nhẹm việc thua quân ở Quảng Ngãi, hàm ân nên mới đưa thư cho Diệu xem.
Trần Quang Diệu tức tốc kéo binh về bờ nam sông Hương vây thành. Kỷ đổ cho Kết, trốn mất để Hồ Công Diệu chịu tội thay. Ổn thoả nội bộ rồi, việc chính của Tây Sơn là lo lấy lại đất Quy Nhơn. Hai viên tướng nổi bật, được nhắc nhở từ đây là Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng, đến nỗi đối địch, Nguyễn Ánh truyền rao ai bắt được 2 người ấy, Chánh quản được phong tước Công, Phó quản thêm một hàm, thưởng tiền vạn quan. Danh tiếng Trần Quang Diệu có phần lấn át cả Vũ Văn Dũng. Giáo sĩ De la Bissachère1 đã khen “viên tướng mà ngay ở Âu châu người ta cũng phải coi là dũng mãnh, anh hùng”. Lực lượng dưới quyền ông tỏ ra vững mạnh đến nỗi khi gần tàn cục vẫn còn làm cho Giáo sĩ tưởng rằng đạo quân đó có những danh tướng chỉ cần ló mặt ra là quân Nguyễn phải rút về và đủ để đánh tan đạo quân gấp 3 lần quân chiến thắng luỹ Thầy!
Tháng Giêng Canh thân (1800), Vũ Văn Dũng đổ bộ lên Thi Nại, Trần Quang Diệu mang bộ binh đuổi Nguyễn Văn Biện đang giữ Bến Đá chạy về Bình Định. Võ Tánh trong thành gọi binh Phú Vên tới. Lưu thủ Hồ Đắc Vạn đã sai người vận lương tiền trước, nay sai thêm hàng tướng Phạm Văn Điềm cùng Sái Văn Long lấy du binh đi trước rồi tự dẫn quân theo sau. Đêm qua Cù Mông, Điềm cùng Đô uý Đỗ Văn Nguyệt, Ngô Văn Huyền, Đô tư Nguyễn Văn Soái, Hoàng Văn Tráng cùng các cựu tướng Tây Sơn, quay lại chiếm Phú Yên đuổi Cai bạ, Ký lục chạy về Bình Khang. Điềm làm hàng tướng Tây Sơn phản Nguyễn sẽ mở đường cho một loạt những hàng tướng trở giáo tiếp theo, gây khốn đốn cho Nguyễn Ánh nhiều nhất vì cái thế không lùi lại được của họ.
Sự trung thành này gây ra lo lắng và ngạc nhiên không ít cho phe Nguyễn. Nguyễn Ánh giải thích là lòng nhớ quê xúi giục họ. Nhưng điều đó chỉ hợp với binh tướng bị lôi về Gia Định chứ không hợp với hàng binh ở lại Bình Định và Phạm Văn Điềm. Nguyên do là Tây Sơn cũng đã tạo ra một lề lối sinh sống mà tướng binh họ còn quyến luyến. Họ hàng chỉ là thế bất đắc dĩ như trường hợp Lê Văn Thanh sau này đã lẻn mang một thuyền trốn về Tây Sơn. Tủi nhục của kẻ hàng đầu cũng khiến họ phải trở giáo: Tống Viết Phúc cứ thường chửi Từ Văn Chiêu là hàng tướng đến nỗi khi phản lại, Chiêu luôn chận đánh Phúc và giết được khi chiến thắng quân Nguyễn đã gần kề2.
Riêng ở đây, Phạm Văn Điềm đã giúp ích Tây Sơn rất nhiều. Ông tổ chức Phú Yên trong thế tử chiến “bắt hết cả dân làm lính”, đắp 9-10 luỹ chỉ trong mấy tháng khiến Nguyễn Đức Xuyên nghe thế mạnh không dám tiến nữa mà phải dừng lại ở Diên Khánh.
Ở Diên Khánh, Trần Quang Diệu, Vũ Văn Dũng quyết hạ Võ Tánh. Diệu bao vây 4 mặt từ mồng hai tết Canh Thân (26-1-1800)3. Ông sai đắp thành đất một vòng ngoài dài 4.340 trượng để làm điểm tựa công kích. Trong ý chí quyết lấy lại đất cũ, Tây Sơn dùng đến hình thức khích động tinh thần quân dân. Phan Huy Ích làm bài hiểu dụ dán nơi quân thứ Quy Nhơn, đã đưa ra những câu kêu gọi đến ý thức địa phương, khiêu gợi niềm hãnh diện làm dân đất khởi nghĩa một dòng vua:
“Quý phủ ta: cội gốc nền vương, dậu phên nhà nước,
“Miền thang mộc vốn đúc non xây bể, mở mang bờ cõi bởi từ đây. Hội phong vân từng dìu phượng vịn rồng, ghi tạc thể quyền dành dõi để.
“Dấu cờ nghĩa đã sáng công dực vận, buổi xe nhung thêm dong sức cần vương.
“Mấy phen gió bụi nhọc con đòng, giúp oai võ cùng đều nhờ đất cũ. Ba huyện đá vàng đền tấc dạ, căm cừu thù chi để đội trời chung”
Chúng ta không có tài liệu để biết về sự sôi động của dân chúng Quy Nhơn khi Tây Sơn trở lại. Nhưng ngay chính ở đất Gia Định mà Ánh đã coi là căn bản, khoảng hơn năm sau, L. Barizy cho ta thấy nỗi lo sợ phập phồng của tướng Nguyễn giữa khung cảnh hiềm thù đe dọa vô hình:
“Lúc nào chúng tôi cũng trông tin Nhà Vua và mọi người ở đây đều xao động đến cực độ, nông công binh đều lo lắng. Bọn giặc ở đây có những bè đảng bí mật không ai hay biết và lâu lâu lại có một tin loan ra gây hoảng hốt và làm cho dân chúng xáo động.
“Ngày 13 tháng này, lúc 2 giờ 30, lửa bắt đầu trong thành ở 5 chỗ khác nhau, nơi kho lúa gạo, kho vải vóc, kho tơ lụa, nhà của Vua và các Hoàng tử. Duy chỉ cháy có đồn Tả quân mà thôi”4.
Nhưng ở Bình Định, những sự kiện thuần tuý quân sự cũng tỏ rõ được cái không khí đó. Tháng 4, hàng tướng coi Ngự lâm quân là Võ Văn Sự, Nguyễn Bá Phong, giết tướng mở cửa Bắc ra ngoài đầu, Võ Tánh thấy mình lo đúng khi sai Lê Chất đem quân bản bộ về Diên Khánh trước lúc bị vây, bây giờ bèn bảo bộ tướng Ngô Văn Sở cướp lại thành, chỉ để lọt có 400 người. Để phòng hậu hoạ, Tánh sai giết bọn hàng binh còn lại.
_____________________________________
1. Ch. B. Maybon, La relation sur le Tonkin..., sđd, t.112, 113.
2. Liệt truyện q13, 10a. Lê Chất (Liệt truyện, q24) cũng phải chịu cảnh nhục nhã đó tuy không thể phản bội được: khi Bắc phạt, Chất được coi Hậu quản, phong Bình Tây tướng quân, có người nói “Chất bình Tây thì ai bình Chất?”
3. Chi tiết theo lời dẫn bằng chữ Nho đặt trên đầu bài dụ trích trong Quốc văn đời Tây Sơn, sđd, t.44 - 49.
4. Thư của L. Barizy gởi cho Letondal, Marquini, 16-4-1801, dẫn bởi G.Taboulet, La geste française, sđd, t. 253, 254, bởi L. Cadière trong BAVH, Oct-Déc, 1926, t. 397-400. Taboulet trong lời chú (1) của ông cho rằng nơi nói đến là thành Qui Nhơn, dựa trên lẽ Barizy trong thư 16-7-1801 có dẫn thư ngày 8-5 nói chuyện lấy Tourane hôm 8-3 mà cho ông này có tham chiến ở đây. Thực ra, thời gian viết thư 16-4, Barizy còn ở Gia Định, mới ở tù ra. Ngày 17-5 dl, ông mới theo quân tiếp viện Gia Định ra tới Qui Nhơn. Có lẽ ngày 8-3 là ngày âl vì tuy Barizy có viết rõ “8 Mars”, nhưng vẫn kể chuyện trong các thư bằng ngày tháng âm lịch khi có liên quan đến trận đánh (như chuyện đồng Cây Cầy), vì lẽ giản dị là quan, dân ta dùng âm lịch, 8 Mars tương đương với 21-1 Tân Dậu không hợp với trận đánh nào hết ở Quảng Nam. Chỉ có 8-3 âl (20-4-1801) mới hợp với trận Tourane mà sử quan ghi vào đầu tháng 3 âl thôi. Và thành Qui Nhơn chưa giải vây thì Barizy có ở Thi Nại cũng làm sao vào trong đó được? Thực lục q12, 16a ghi: “Cho Ba-la-di về nước, cấp 1 thuyền” là chỉ việc cho chiếc thuyền chìm đã làm ông ấm ức chớ ông vẫn còn có mặt ở Thi Nại ngày 27-5 như đã nói, và ở Đà Nẵng sau đó.