- Biển số
- OF-394809
- Ngày cấp bằng
- 2/12/15
- Số km
- 3,663
- Động cơ
- 273,598 Mã lực
- Tuổi
- 26
- Cải cách quân sự
Cũng với tình hình tài chánh khả quan, ngay từ năm 1791, chúa Nguyễn đã mua được 10,000 súng trường (muskets), 2,000 súng thần công (mỗi cỗ 100 cân) và 2,000 đạn nổ (đường kính 10 tấc).[2] (14)
Khi quay trở về cái cửa nam lớn mà chúng tôi đã vào, chúng tôi đi qua một hàng hiên rộng,[3] (15) bên dưới xếp khoảng hai trăm năm mươi khẩu thần công, nhiều kích cỡ và kiểu khác nhau, lắm cái đúc bằng đồng, chủ yếu là do Tây phương chế tạo, thường được đặt trên các giá gỗ để trên tàu hư mục nhiều mức độ.
Trong số này chúng tôi thấy có một dãy chừng độ một tá [dozen] đại bác pháo binh trên có dấu hiệu ba bông hoa huệ [fleurs de lis] và khắc chữ được đúc dưới thời Louis XIV[4](16) còn trong tình trạng khả quan. Gần đó có một số súng giả bằng gỗ để cho lính tập và ở đồn gác chính, gần cổng ra có mấy người lính bị đóng gông [caungue (sic)]. Ðến bây giờ chúng tôi mới biết gông dùng cho quân đội làm bằng tre còn những tội nhân khác thì làm bằng gỗ lim nặng. Phía bắc của cửa đông là một pháo đài có cột cờ, nơi đó cờ An Nam treo lên ngày đầu tháng âm lịch và những dịp lễ khác.
Có tất cả bốn cửa làm rất kiên cố tán đinh sắt theo kiểu Âu châu, có cầu bắc ngang hào nước được trang trí bằng nhiều chạm nổi đủ loại kiểu cách quân sự và tôn giáo trên các vách. Trên mỗi cửa có các vọng lâu vuông, mái ngói và cầu thang đi lên trên tường ở hai bên cửa phía bên trong thành.
Ở khu vực phía tây thành phố là một nghĩa địa có tường vây quanh, bên trong có vài chiếc lăng mộ của mấy viên quan xây rất tráng lệ theo kiểu Trung Hoa. Một vài nhà mồ có khắc chữ và phù điêu trên đá, đường nét ngoạn mục.
Khu vực đông bắc có sáu tòa nhà lớn, có rào chung quanh, căn này cách rời căn kia. Mỗi biệt thự đó vào khoảng 36 x 24 mét, mái có những rui mè rất chắc chắn, lợp ngói tráng men, có cột bằng gạch, giữa hai cột có vách gỗ chắc chắn cao chừng 5.4 mét. Ðây là các kho chứa đồ tiếp liệu cho binh lính và hải quân, thực phẩm, khí giới …
Nhiều lều của các nhóm binh lính đóng rải rác bên trong tường, nằm lẩn với các bụi cây nhiệt đới trông rất nên thơ. Ngoài những thứ khác, chúng tôi cũng thấy có mấy đống phân chồn. Nhiều đường đi đẹp tỏa ra tứ phía, hai bên có trồng cây palmaria, một loại cây đẹp, giống như cây lê [pear-tree], có hoa trắng thơm nồng mà đến tháng mười, mười một thì tỏa ra rất xa. Từ hoa này, người dân bản xứ trích ra một loại dầu mà họ bảo là chữa được mọi thương tích.
Ngoài cửa thành dưới triền dốc mà con đường gạch bị cắt đứt có thả rong vài con voi của triều đình có nài chăn, ngồi trên cổ voi. Vài con trong số này có thân hình khổng lồ, lớn hơn những con voi tôi thấy ở Ấn Ðộ nhiều. Những người nài – đúng hơn là người đi chăn – cầm một cái ống gỗ bịt hai đầu, chính giữa có một cái lỗ mà họ thổi thành tiếng giống như thổi vào một cái thùng rỗng để nhắc chừng cho người đi đường biết là voi đang tới vì họ ít khi nào muốn mất công phải lái voi qua hướng khác khi gặp chướng ngại, và quả thật tức cười khi thấy mấy bà già đang buôn bán khi nghe thấy tiếng hụ lập tức thu dọn hàng hóa chạy ra một quãng xa trong khi voi xuống bờ sông uống nước rồi quay về.[5](17)
– Hệ thống tổ chức
Quân đội theo hệ thống Tây phương được đánh giá trên hai ưu điểm: trang bị và hệ thống tổ chức. Theo một tấm ảnh màu vẽ hình một người lính Ðàng Trong vào cuối thế kỷ XVIII, người lính thời Nguyễn về ngoại biểu rất giống một người lính Pháp và chúng ta có thể tin rằng y phục và trang bị đó là một phó bản của Âu Châu.[6] (18) Việc thống nhất trang bị, huấn luyện và quân phục ngay từ đầu khiến quân đội của Nguyễn Ánh đã có vẻ chuyên môn, khác hẳn với quân đội Tây Sơn mà theo những hình ảnh William Alexander bắt gặp năm 1793 tại Tourane thì vẫn rất gần gũi với dạng dân quân (militia) trông như một người dân bình thường, chỉ khác ở chỗ có trang bị vũ khí.[7] (19)
Tổ chức cũ thường phong cấp dựa trên số quân sĩ mà một cá nhân tự mộ tuyển, giống như một dạng thân binh, tuỳ tòng nên việc thống nhất chỉ huy thường lỏng lẻo, dễ đưa đến nạn sứ quân. Một khi chủ tướng bị thất sủng hay bị giết, quân sĩ dưới quyền thường tách ra, có khi chống lại triều đình [chẳng hạn quân Ðông Sơn của Ðỗ Thanh Nhân]. Vì thế, việc đầu tiên chúa Nguyễn thay đổi theo lối Tây phương là thống nhất chỉ huy theo hệ thống kim tự tháp, chỉ định những cá nhân có thực tài và am tường chuyên môn vào vị trí chỉ huy hoặc thường trực, hoặc theo chiến dịch. Với kiến thức của chúng ta ngày nay, việc bổ nhiệm tướng lãnh đó không có gì ghê gớm nhưng trước đây hai thế kỷ là một cuộc cách mạng lớn lao.[8] (20)
Trong quân đội của chúa Nguyễn đã xuất hiện những cá nhân đóng vai trò khá đặc biệt bất kể gốc tích là hàng tướng hay người đã theo ông từ lâu, người Việt hay người nước ngoài, người trong tôn thất hay dân dã … khác hẳn với truyền thống sử dụng người gần gũi, có liên hệ thân tộc, huyết thống trong chức vụ chỉ huy để làm vây cánh. Những đơn vị cũng được ấn định rõ ràng về số lượng và nhiệm vụ thay vì tuỳ tiện theo nhu cầu.
Chúa Nguyễn cũng thiết lập một hệ thống tiếp liệu và lương bổng dựa vào thuế má thay vì chỉ dựa vào “chiến lợi phẩm” [mà có cái tên rất kêu là “dĩ lương ư địch” (lấy lương thực của địch để nuôi quân mình)] không những đã bấp bênh lại dễ thất nhân tâm. Cải cách đó cũng khác hẳn với đối thủ của ông là quân Tây Sơn thường có khuynh hướng thu vét hay đốt phá những vùng của địch mà họ chiếm được điển hình là những lần vào đánh Gia Ðịnh hay khi mới chiếm được Bắc Hà. Việc quân Xiêm sang giúp rồi trở thành một đám cướp lớn đưa đến thua trận cũng là một kinh nghiệm mà Nguyễn Ánh không muốn tái phạm. Ngoài khả năng chiến đấu, chúa Nguyễn cũng thấy rằng nếu muốn duy trì một lực lượng thường xuyên và không tuỳ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài, quân đội phải được chính qui hoá nghĩa là được huấn luyện chu đáo và chỉ sử dụng trong công tác chiến đấu mà thôi. Một số lực lượng của ông là người nước ngoài được tuyển mộ và trả lương giống như những “lính đánh thuê” mà ông thấy hiện hữu ở lân bang, mặc dù sử Việt Nam sau này ghi nhận họ như những đội quân tình nguyện.[9] (21)
Nhờ mạng lưới truyền giáo tại Á Ðông, Bá Ða Lộc giúp chúa Nguyễn mua được “vài tàu súng ống và đạn dược” [several cargoes of arms and ammunitions] ở Pondichery và Mauritus. Chúa Nguyễn cũng gửi một số tay chân thân tín người Hoa, người Pháp và người Anh đi sang Goa, Melaka, Penang, Macao và cả Singapore để mua các loại súng mới.[10] (22) Với một thành phần phò tá tương đối đa dạng,[11] (23) việc sử dụng được họ mà không tạo ra những mâu thuẫn về sắc tộc, về địa phương có thể nói là một thành công đáng kể của chúa Nguyễn vì cũng trong thời kỳ đó, đối phương của ông lại rơi vào những tranh chấp cục bộ nên càng lúc càng rơi vào thế tự hoại.
Theo Barrow, chúa Nguyễn đích thân chỉ huy một đoàn chiến thuyền 1200 chiếc chia thành ba đội và được thao dợt chỉ huy bằng cờ hiệu rất nhịp nhàng. Các sĩ quan hải quân cũng được học cách sử dụng cờ hiệu theo lối Tây phương.[12] (24)