Những tai hoạ do nhà cầm quyền gây ra càng làm cho dân chúng điêu đứng hơn nữa. Những chương đầu của quyển Hoàng Lê nhất thống chí cực tả được tình trạng rối loạn chính quyền ở Bắc Hà vào những năm này.
Chúng ta thấy được đám quần thần văn võ chuyên nịnh bợ đưa đón lời Trịnh Sâm, chúc mừng Trịnh Cán. Có kẻ chuyên tố cáo người để làm quan như Đốc đồng Nguyễn Huy Bá ở trấn Thái Nguyên, có kẻ như Đặng Mậu Lân cậy quyền Thứ phi, làm nhục quan quân, bắt hiếp vợ con dân gian, thậm chí đến giết sứ giả Trịnh Sâm sau khi hỏi một câu rất hách: “Chúa là cái gì?”
Chúa là cái gì? Thực vậy, Chúa bị khinh khi vì gia đạo không yên. Trịnh Sâm yêu quý Thứ phi Đặng Thị Huệ, muốn cho con Huệ là Trịnh Cán lên nối nghiệp. Con trưởng Sâm là Trịnh Tông tưởng có thể nhân lúc Sâm nổi chứng đau bụng kinh niên nguy kịch mà mưu đồ giành quyền binh, nhưng thất bại gây ra vụ án Canh Tý (1780) mà lời than van uất ức của một nạn nhân là lời kết án chế độ: “Trời không có mắt, trào không có quan để cho Quốc Chấn chết oan”.
Đám ưu binh Tam phủ mà số lượng độ chừng 25 - 30.000 người1 dùng để bảo vệ Chúa, thường ngày không có việc gì làm ngoài việc phá phách dân chúng, đe doạ các quan, bây giờ mới chen vào việc nhà Chúa. Trịnh Sâm mất sau hàng năm sống tránh ánh sáng mặt trời2 để Trịnh Cán lên ngôi gây nên cái hoạ tương tranh. Kiêu binh phế Cán sau khi giết Huy Quận công Hoàng Đình Bảo, người che chở Nguyễn Hữu Chỉnh, rồi lập Trịnh Tông lên ngôi Chúa trong một cảnh mà Ngô Thì Chí tả một cách mỉa mai.
Quyền binh từ nay ở trong tay Kiêu binh. Chúa lập được thì vua cũng do họ lập được nốt. Họ hoành hành tàn phá phố phường dữ dội nhất vào những tháng đầu năm Giáp Thân (1781)3.
Tình hình Bắc Hà như vậy, Chỉnh hay biết cặn kẽ nhờ căn vặn một thuyết khách của Chúa Trịnh. Cuối mùa xuân Bính Ngọ (1786), Trịnh Phu Như từ Thuận Hoá vâng mệnh trấn tướng Phạm Ngô Cầu vào Tây Sơn điều đình việc biên giới nhưng lại thóc mách nói cho Chỉnh rõ về tình hình đói kém ở Bắc Hà, dân với lính không ưa gì nhau. Với một viên trấn tướng đần độn, chậm chạp như Phạm Ngô Cầu thì ba vạn quân dưới quyền điều khiển của các viên Đại tướng, Phó tướng, Đốc thị, Phó Đốc thị cũng không thành một lực lượng gì hết, huống hồ là cách cai trị gay gắt, cướp bóc trong một xứ vừa qua nạn đói lại khiến cho người dân càng thù ghét lính tráng.
Cho nên, cuối tháng tư âm lịch Bính Ngọ, quân Tây Sơn trực phát Thuận Hoá dưới quyền Nguyễn Huệ có Vũ Văn Nhậm làm Tả Đô đốc, Nguyễn Hữu Chỉnh làm Hữu Đô đốc với Tiết chế Nguyễn Lữ đi tiếp ứng4. Đánh trúng vào tâm lý mê tín của Phạm Ngô Cầu, Tây Sơn mưu khiến Cầu lập đàn chạy suốt 7 ngày đêm, mệt mỏi tướng sĩ, để hoảng hốt thấy giặc ầm ầm kéo đến không đường chống cự5. Đại diện cho nhóm “treo cờ điều” quyết chiến6ba cha con Hoàng Đình Thể và tướng Vũ Tá Kiên chết ở ngoài thành Phú Xuân vì Cầu muốn hàng đã không tiếp tế thuốc đạn. Số mệnh của ông quan Đại muốn “treo cờ bạc” này cũng không hơn gì: ông bị tống về Quy Nhơn rồi bị giết. Tây Sơn ca khúc khải hoàn vào Huế ngày 14-6-1786.
Trong trận này, quân lính Bắc Hà ở Phú Xuân rất ít người chạy trốn được về, lớp bị Tây Sơn giết, lớp bị dân chúng Thuận Hoá trừ.
Chiến tranh tàn sát vẫn được coi là vết nhơ cho Tây Sơn, nhưng không phải họ không có lý do để bào chữa. Lý do đó nằm trong nguyên tắc hành quân của họ. Đánh mau, đánh mạnh, đánh bất thần thì tất luật lệ giết chóc của chiến tranh được thi hành triệt để.
Người ta cũng có thể coi việc Tây Sơn trong trận đánh Thuận Hoá phá huỷ một chiếc tàu Bồ từ Macao tới, dìm nước anh em viên chủ tàu, giết hai người thuỷ thủ7 như là một chứng cứ về lòng hiếu sát của họ. Thực ra, chúng ta lưu ý rằng thuỷ quân của họ chỉ là một đoàn thuyền8 tuy tới hơn 400 chiếc, nhưng vẫn ọp ẹp so với chiếc tàu đồng Tây phương ở vùng tiến quân. Họ đã có kinh nghiệm của trận chiến mùa xuân 1782 ở sông Ngã Bảy. Phải đánh ồ ạt để lấp liếm cái yếu kém kỹ thuật của họ. Cho nên, phải tàn sát. Chứ bình thường họ cũng biết cố tìm cách lôi kéo các nước Tây phương theo họ.
Cuối năm 1785, một chiếc tàu Macao bị gió bạt vào Quy Nhơn. Nguyễn Nhạc tịch thu chiếc tàu đó, cho người lái nhưng vụng về để chìm mất. Chủ tàu và thuỷ thủ được trả về Macao có lẽ vào lúc xuất quân đánh phú Xuân (5-1786). Tây Sơn cho người theo mang thư cho toàn quyền Manille xin giao thương và mua đại bác để đánh giặc, mua đồng để đúc tiền và luôn thể dò xét xem Nguyễn Ánh có đi Manille với Bá-đa-lộc không9. Nhưng dù sao chiến tranh cũng đưa họ tới chỗ cô lập với bên ngoài cũng như sẽ cô lập với dân chúng vì tính cách tận dụng nhân lực của họ.
Sau khi chiếm được Đồng Hới, đuổi tướng Ninh Tốn chạy về Bắc, Tây Sơn dừng lại. Thực vậy, vì như đã nói, đó là cùng tột ước muốn của Nhạc: chiếm để làm chủ cả giang sơn “họ ngoại” của mình. Ý định đó thể hiện trong việc xây lại luỹ Thầy cao 19 bộ, dày 1 sào. Không ai được ở nhà, cả đàn bà, con gái, người goá - trừ người còn cho con bú, đều phải đi đắp luỹ hoặc vào rừng đốn cây. Dịch vụ đó lại làm hao tốn thêm một xứ sở đã ít người sẵn vì chiến tranh, dịch tể, đói kém.10
Nhưng nếu Tây Sơn của Nguyễn Nhạc bắt đầu phải dè dặt thì Tây Sơn của Nguyễn Huệ với viên tướng chưa hề thua 33 tuổi tất không thể dừng lại bên dưới sông Gianh mà phải làm cái gì để “phô trương lòng gan dạ của họ”. Lại thêm vào đó là viễn tượng chiếm lại số vàng trong kho Phú Xuân mà Trịnh đã lấy về 12 năm trước, chưa kể kho vàng của chính họ Trịnh11.
Nếu Nguyễn Huệ còn ngần ngừ thì có Nguyễn Hữu Chỉnh để đốc xúi thêm vào. Đem binh pháp ra để khuyến dụ Huệ, vạch rõ đất Bắc chỉ còn cái vỏ rỗng không “tướng trễ, binh kiêu, triều đình không kỷ cương”, dùng chiêu bài Phù Lê, diệt Trịnh để tiến quân, dùng viễn tượng thành công lớn trong lời sấm để ngăn cái sợ trái lệnh Vua Anh, Chỉnh thực đã hết lòng tìm cách để trở về quê cũ với uy danh sấm sét vậy.
Nhưng đi đánh một xứ xa cũng phải cần tổ chức thêm lực lượng. Quân của họ lúc từ Quy Nhơn cũng lẫn lộn đủ thứ hạng và giống người. Ngoài người Việt Nam Hà, tất nhiên, họ còn có “những người Mường, Man di và các bọn mọi khác như Cao Miên, Cambien (?), Xiêm..”.12, nghĩa là có thể nói đám người thiểu số miền núi, đồng bằng Nam Hà, đám tù binh ở chiếc tàu Bồ, trong các trận chiến thắng trước ở Gia Định. Bây giờ họ phải lấy thêm quân Thuận Hoá, Bố Chính. Tù binh Bắc Hà thì không còn nữa. Dân số ở đây lại sụt xuống nhiều vì đói, dịch tể đến nỗi người ta phải lôi đàn bà đi đắp luỹ sửa đường. Chỉ còn những người của các tôn giáo lẩn lút đứng ngoài chiến tranh là còn đông đúc. Cho nên, từ Phú Xuân cho tới sông Gianh, chỉ trong 5 ngày, tất cả đều bị bắt đi. Tây Sơn phá các chùa chiền và ép các nhà sư phải mang khí giới đi đánh giặc13. Những tín đồ Công giáo cũng không được chừa, hầu hết đều phải gia nhập vào đoàn quân viễn chinh ra Bắc14. Ngoài ra, Tây Sơn cũng cần kim khí. Họ phá nhà thờ, chùa chiền, một phần để bắt người, một phần để tìm các tượng và các chuông về đúc súng đại bác15. Đáng lưu ý là đám tân binh bị bắt buộc vác súng này, một khi bị lôi cuốn vào trận địa, vẫn trở nên những người lính can đảm, có kỷ luật.
Trước khí thế ào ạt như vậy, Thăng Long lại không nghĩ gì đến chống đánh. Họ cho đất Thuận Hoá là đất Nam Hà, mất đi cũng là “điều may”, chỉ cần giữ Nghệ An là được. Quân tướng sai đi trấn Nghệ An dưới quyền Trịnh Tự Quyền thì trùng trình đến 10 ngày chưa xong việc chỉnh bị.
Trong lúc đó thì Tây Sơn đã ra. Nguyễn Hữu Chỉnh lãnh 150 thuyền16. đi trước vào cửa Đại An nhắm vào kho lương Vị Hoàng (Nam Định) tấn phát. Trên đường đi, trấn thủ Nghệ An Bùi Thế Toại, Thanh Hoá - Tạ Danh Thuỳ nghe gió bỏ thành chạy. Tướng giữ Vị Hoàng cũng không hơn gì. Chỉnh thu được ở đây hàng trăm vạn hộc lương, giải quyết chắc việc tiếp tế cho quân đội rồi đốt lửa làm hiệu cho Nguyễn Huệ hay biết chiến thắng mà đến (16-7-1786).
Trịnh phải vội vã tổ chức quân chống cự. Trịnh Tự Quyền xuống giữ Sơn Nam đóng ở Kim Động. Bùi Thế Dận đem bộ binh yểm hộ cho Đinh Tích Nhưỡng dẫn thuỷ binh đến cửa Luộc. Nhưng quân Tây Sơn cũng vừa đến đánh tan quân Nhưỡng, xua Dận, Quyền chạy rồi chiếm giữ phố Hiến ngày 19-7. Hôm sau đoàn thuyền trực chỉ Thăng Long 17.
__________________________________________
1. Thư G.M Ceram, 29-5-1784 (RI, XII, 1910, t. 522, 523).
2. Thư ông Breton kể trước.
3. Thư G.M Ceram kể trên.
4. Chi tiết Nguyễn Lữ làm Tiết chế là của Liệt truyện, q30, 12ab.
5. Ngoài Hoàng Lê, Liệt truyện, còn có thư ông Le Breton đã dẫn, thư Labartette gởi cho Le Blandin 23-6-1786 (BEFEO, 1912. t. 12, 13).
6. Thư ông Doussain gởi ông Blandin 6-6-1787 (Sử Địa, số 9-10, t. 232-233).
7. Thư 10-7-1786, 1-8-1786 của Labartette gởi cho Descourvières, của Longer gởi cho Le Blandin (BEFEO, 1912, t. 14, 15, 17), thư của Labartette gởi cho Letondal ở Macao, 10-8-1786 (A. Launay, III, t. 124).
8. Thư Longer gởi cho Le Blandin (BEFEO, 1912, t. 15 có một lối nói đáng chú ý: “chiều ngày 13 tháng này (6). Thuỷ quân, hay nói rõ ràng hơn, cácghe thuvền Tây Sơn tiến vào cửa Huế”. (Chúng tôi nhấn mạnh).
9. Trích từ nhật ký của ông Letondal (A. Launay, III, t. 154, chú số l).
10. Thư Labartette, G.M Veren, cho Boiret, 15-7-1786 (RI, XIV, 1910, t. 43); thư của Doussain, tạp chí trên, t. 47. Cả hai đều ở Bố Chính trong chiến tranh.
11. Thư Labartette cho Le Blandin. 23-6-1786 (BEFEO, 1912, t. 13, 14).
12. Thư Le Roy cho Le Blandin 6-12-1786 kể trước.
13. Thư Labartette, 23-6-1786 kể trước. Cũng thấy ở A. Launay, III, t. 122.
14. Thư Longer gởi cho Juilhard (A. Launay, III, t. 122).
15. Thư Labartette gởi cho Boiret. 15-7-1786 (A. Launay, III, t. 123).
16. Thư La Mothe, 3-12-1786 (RI, XII, 1910, t. 532.
17.BEFEO, 1912. t. 7.