Lính ở các nơi trấn đóng cũng không được ở không. Nơi luỹ Vàm Cỏ ở Gia Định, các quan văn bắt lính ra làm ruộng lấy tên Đồn điền trại. Lúa giống, trâu cày, dụng cụ làm ruộng đều được quan cấp. Lúa thu thành đem bỏ vào kho (tên là kho Tích Trữ sau cải là kho Đồn Điền). Biện pháp này đến tháng tư Tân Hợi (1891) thì được áp dụng lan đến vùng Bà Rịa, Đồng Môn. Lính ở đó phải tìm đất làm đồn điền để “tự thực kỳ lực”1.
Chính sách lan cả đến dân thiểu số. Dân Hoa ngụ cư - Đường nhân - ở Long Xuyên nếu tự nguyện làm đồn điền mà thiếu dụng cụ sẽ được cho mượn. Mỗi người mỗi năm nộp 8 hộc lúa thì được miễn giao dịch. Ai không làm ruộng sẽ phải sung quân. Dân Miên ở Ba Thắc, Trà Vinh cũng không thoát: họ bị buộc khẩn đất, nộp mỗi người 15 đấu lúa (sau giảm còn 5)2.
Nói tóm lại, chính sách đồn điền nhắm vào việc khai phá đất đai làm ruộng bằng cách bắt mọi người không đừng được, phải tham gia với sự đôn đốc, kiểm soát, trợ giúp của chính phủ. Đó là một chính sách nông nghiệp cưỡng ép, tận dụng nhân công, có từ xưa nhưng bây giờ lại được áp dụng trên một quy mô rộng lớn, khiến vùng Gia Định trở nên phồn thịnh, sản xuất dồi dào quyến rũ được đám dân nghèo đói Bình Thuận, Phú Yên... bỏ xứ chạy vào làm tăng dân số, uy tín nội bộ cho Nguyễn Ánh3, để dư gạo giúp Xiêm đói, giúp Thanh đánh Tây Sơn4 và cuối cùng, để đủ binh lương cho quân lính dùng những khi tràn ra phía bắc đánh đám người kiệt thiệt đã làm ông khốn đốn khi xưa.
Công cuộc khai thác ruộng lúa, đối với thương nhân Tây Phương không quan trọng mấy cho việc buôn bán của họ. De Guignes, viên lãnh sự Pháp ở Quảng Châu có tiếc rằng Vua đã không làm chủ được “những tỉnh giàu có hơn ở miền Bắc” mà chỉ chiếm một vùng “không tốt” vì “sản xuất có lúa mà thôi”5. Nhưng nếu ta lưu ý đến công việc buôn bán với người Xiêm, Chà-và, Trung Hoa... và các thương nhân Tây phương thực hiện các chuyến tải hàng trong địa phương - le commerce d’Inde en Inde của họ - thì rõ ràng lúa gạo cũng còn là một sản phẩm trao đổi được để từ đó làm giàu cho quốc khố6. Vả lại, tuy sử quan nói toàn chuyện cày ruộng, thu lúa, nhưng ta vẫn thoáng thấy có những canh tác khác. Các vườn cau mọc lên nhiều để cung cấp một sản phẩm cần thiết cho phong tục địa phương(7. Sản phẩm quan hệ nhất là đường cát. Nguyễn Ánh đã nhắc đi nhắc lại cho dinh Trấn Biên biết rằng đường cát cần thiết dùng để đổi binh khí Tây phương nên phải có chính sách riêng. Một mặt nhà nước ép dân sản xuất, hạn định mỗi năm phải nạp 100.000 cân (6.000KG), một mặt phát tiền cho dân có vốn làm ăn, đến mùa tính theo giá chợ mà nhà nước mua lại. Chính sách có vẻ có hiệu quả vì số lượng sản xuất tăng lên, giá thị trường hạ xuống trong mấy năm thi hành: cuối năm 1789, nhà nước phát trước 10 quan cho mỗi 100 cân còn hẹn đến mùa theo giá chợ phát thêm mà đến gần cuối năm 1796, nhà nước chỉ phát 9 quan cho 100 cân thôi8.
Nguyễn Ánh cũng chú ý đến việc tìm các lâm sản. Người trong các đội Hoàng Lạp mỗi năm nếu nạp 10 cân sáp vàng thì được miễn giao dịch, thuế má, tòng quân. Trầm hương, kỳ nam lấy ở dân Chàm Bình Thuận, đậu khấu, sa nhân cùng với các sản phẩm Cao Miên thì theo đường nước của sông Tiền, sông Hậu chuyển xuống9. Nhưng khi chế độ sản xuất được đôn đốc kỹ lưỡng thì chế độ thương mại cũng phải theo một sự kiểm soát gắt gao. Những thương thuyền ngoại quốc đến buôn bán không được lén chở lúa gạo, kỳ nam, trầm hương, ngà voi, sừng tê. Ai thông đồng buôn bán riêng tư thì phải tội 100 roi, làm phu 3 năm, tài sản bị tịch thu. Người kiểm soát cũng không được lơ là nhiệm vụ: thất thoát, tội cũng như vậy, ai tố cáo được thưởng 300 quan tiền!10. Sở dĩ có sự kiểm soát gắt gao như vậy vì chính quyền muốn giữ các quý vật ấy làm món hàng trao đổi binh khí, đạn dược cần thiết cho binh dụng. Việc mua bán với bên ngoài thực hiện do các tư nhân hoặc chính tay chân Nguyễn Ánh.11. Từ trước khi Cảnh về đã có một chính sách mời gọi các thuyền Thanh đến buôn bán. Nếu họ chở tới sắt, gang, chì đen (?), lưu hoàng thì phải bán cho quan để quan tuỳ theo ít nhiều cho miễn thuế bến đổi gạo mang về nước. Cứ thuyền có các thứ ấy trên 10 vạn cân thì miễn thuế cho chở 30 vạn cân gạo đi, thuyền có 6 vạn cân, chở 22 vạn cân gạo, 4 vạn cân chở 15 vạn cân gạo, đều miễn thuế. Những thuyền ít hơn thì cứ mỗi 100 cân đổi 300 cân gạo về, nộp thuế y lệ định12. Sau đó vào khoảng năm 1791 (tháng hai Tân Hợi), có người Bồ tên là Chu-di-nô-di (?) đến buôn bán, Ánh mới đưa thư cho quốc trưởng (chắc toàn quyền Goa hay Macao) để mua một số lớn binh khí: súng điểu thương 1 vạn cây, súng gang lớn 2.000 cỗ (mỗi cỗ 100 cân), hoả tâm đạn 2.000 viên13.
Về việc người đi buôn thì tay chân Ánh phái đi tuy chắc mang tính cách bầy tôi ăn lương chúa nhưng hẳn cũng có thể kiếm ăn riêng được. Các quan lớn cũng có phương tiện chuyên chở riêng: năm 1800 một ông Chưởng dinh Hữu quân (Nguyễn Huỳnh Đức?) đã bán cho Despiau một chiếc thuyền lớn để ông này đi buôn. Despiau cũng nằm trong sự đãi ngộ chung của Nguyễn Ánh đối với người Tây phương dưới quyền: họ vừa làm cho Ánh vừa kiếm lợi riêng. Những khu vực họ thường lui tới nhất là ở phía Tây: để mua binh khí, Nội viện Trần Vũ Khách đã đi Giang-lưu-ba (Batavia), Cai đội Ô-li-vi, Đội trưởng Ba-la-di đi Goa, Mã-la-kha (Malacca). Tài liệu Tây phương cho biết L. Barizy còn trương hiệu kỳ của chúa Nguyễn buôn bán với thương nhân Đan Mạch, Hanop và Stevenson, trung lập trong chiến tranh Anh - Pháp, làm đại lý cho Ánh ở Tranquebar (Ấn Độ)14. Có lẽ chính vì việc buôn bán hướng về phía Ấn Độ, Mã Lai, nơi người Anh đang phát triển thế lực, danh tiếng vang dội trên mặt biển lúc bấy giờ, nên có việc sử quan ghi rằng Ô-li-vi đi Hồng-mao mua binh khí, có thuyền Hồng-mao đến buôn bán và L. Barizy là dân Hồng-mao15.
Tất cả những hoạt động nông nghiệp, thương mại đó có chủ đích tạo lập một lực lượng khả dĩ chống đối được Tây Sơn, tràn ra Bắc chiếm lại cố đô. Ta đã kiểm xét đám người Tây phương trợ giúp Gia Định. Nhưng điều quan trọng vẫn là việc kết hợp được một lực lượng quân sự gồm những người trong nước, điều hoà được việc binh với sự cần thiết sản xuất16.
_________________________________________
1.Thực lục q5, 6b, 7a, 21b. Về việc cấp lúa giống, Thực lục q5, 22a ghi đã phát đến 1 vạn đấu cho nông dân.
2.Thực lục q5, 15a.
3.Thực lụcq4, 12a: “Sai 4 doanh công đường quan nhóm lưu dân gốc từ Bình Thuận trở ra, biên danh tánh, niên quán để miễn thuế”. Cùng quyển, 17ab ở Ba Thắc: “Bọn phiên dân mới về, vận gạo 500 vuông cho vay để canh tác”. Quyển 6, 2a: “Dân Phú Yên, Bình Khang, Bình Thuận khổ vì giặc tàn bạo, dắt díu vợ con vào Bà Rịa. Sài Gòn, vua khiến cấp đất làm ăn” (Xuân 1792).
4.Thực lục q4, 10b: “Xiêm hạn hán, (Vua) cho 8.800 vuông gạo”. Xem thêm q6, 37b; q5, 2a: “Từ mùa hạ 1789, nghe quân Thanh đánh Tây Sơn, (Vua) sai Phạm Văn Trọng đem thư đi Quảng Đông và lấy 50 vạn cân gạo giúp. Ghe bị chìm”.
5. Thư ngày 29-12-1791. G. Taboulet, La geste française, sđd, t. 242, 243.
6.Thực lục q4, 24b: “Nước Tà-nê (Chà-và) sai sứ hiến phương vật”. Cùng quyển, 28b: “Nước Tam-hoạt sai sứ thần Giáp-tất-đơn, Điền-hoà tới cho binh khí (Vua) tặng lại quốc trưởng họ một chiếc lọng vàng và một vạn cân gạo”. Lưu ý rằng tuế cống, triều cống theo kiểu tương tự là một hình thức buôn bán chính thức ở Đông phương (Jacques Lacour Gayet. Histoire du commerce, t. II, phần về thương mại Trung Hoa: phát triển thương mại và chính sách triều cống, t. 358, 359. Sách Thực lục cũng đầy rẫy các chuyện ta cho Xiêm gạo, kỳ nam, sáp, đường, Xiêm cho lại diêm tiêu, súng ống, voi. Ý nghĩa buôn bán thực quá rõ ràng.
7. Barrow (BSEI, 1926, t. 208) có ghi chuyện Gia Long để phát triển các vườn trầu lấy phẩm vật xuất cảng. Đây chắc là Thập bát Phù Viên, 18 thôn Vườn Trầu ở Hốc Môn mà Trịnh Hoài Đức cũng có nhắc tới.
8.Thực lục q4, 25b; q8, 29a. Xin xem lại tình hình thị trường đường cát ở Quảng Nam đã nói về vùng Tây Sơn để so sánh.
9.Thực lục q4, 18a, 19a; q5, 6a, 17b.
10.Thực lục q4, 11a.
11. “Nội viên Thuyền chủ Huấn Đức hầu là tôi tâm trường. Vả lại gia tư ấy lai khứ tiện thông...” (Phụ lục, thư chữ Nôm số 11).
12.Thực lục q4, 12b. Tỷ lệ đổi chác 3/1 là ở hai đầu tối đa và tối thiểu, còn các mốc ở giữa thì tỷ lệ cao hơn: 3, 6/1 (22/6. 3, 7/1 (15/4). Chắc người ta cũng sợ hết gạo!
13.Thực lục q5, 18a. Điểu thương chắc là loại arquebuse, súng lớn 60kg chắc là loại đại bác di động mà L. Barizy có nói tới trong trận Đông Cây Cầy 1801 sau này. Hoả tâm đạn chắc là đạn nổ mảnh.
14. Suzanne Kapelès. “Un cas de droit maritime international en 1797”. BSEI, XXIII, t 126-131.
15.Thực lục q7, 26a, q9, 3a, 8a.
16.Thực lục q4, 36a.