Đối với Xiêm La, ngay trước khi lên ngôi, Gia Long đã từng sáu lần cho sứ mang hoa vàng hoa bạc sang tặng vua Rama I nhằm cảm ơn Xiêm giúp đỡ; và dù ngay sau khi lên ngôi gặp phải vấn đề Chân Lạp thì mối quan hệ Việt Nam-Xiêm La vẫn được cả hai nước cố gắng giữ gìn. Gia Long còn nhiều lần bày tỏ sự lo ngại của ông nếu ngôi vua Xiêm bị bỏ trống, và ông đã nhiều lần gây áp lực lên triều vua Rama I chọn ra một thái tử nối ngôi (đặc biệt vào các năm 1804 và 1805). Cuối cùng vua Xiêm cũng chọn Rama II, một người được triều Gia Long yêu thích. Tuy vậy, nhà vua vẫn đề phòng Xiêm La, điều này được thể hiện qua việc ông đã nhiều lần xét đến việc thành lập liên minh với Miến Điện để chống Xiêm (khi này Miến Điện và Xiêm La đang có chiến tranh) nhưng vẫn chưa quyết, để rồi sau này vị vua nối ngôi Minh Mạng từ chối hẳn việc Miến Điện. Đối với Vạn Tượng, Việt Nam và Xiêm La hình thành một thế giằng co ảnh hưởng: vua Vạn Tượng Inthavong trước kia có cùng hỗ trợ Gia Long đánh Tây Sơn thường tỏ ra ngả về phía Việt Nam nhiều hơn là phía Xiêm dù lúc này cả Xiêm và Việt Nam đều đang có ảnh hưởng tại Vạn Tượng. Gia Long đưa ra nhiều chính sách chiêu dụ Inthavong: tại Việt Nam, Inthavong được đón tiếp dưới danh hiệu quốc vương, trong khi ở Xiêm ông vua này chỉ được gọi là Chao (lãnh chúa); và vào khoảng năm 1802 Gia Long công nhận quyền cai trị của Inthavong trên đất Xiang Khouang . Vị vua nối ngôi của Inthavong là Chao Anou cũng tiếp tục chính sách tương tự, và Việt Nam tuy vẫn đối xử tốt với Vạn tượng nhưng vẫn vị nể Xiêm trong vấn đề về Anou. (trích Wiki)