Bức tranh toàn cảnh của nghành luyện kim vn đây các cụ, nói chung khá đìu hiu nhưng vẫn hơn thời bao cấp nhiều
"..Việt Nam cần phải chủ động nhiều hơn để cung cấp phôi thép (thép thô) cho ngành thép, trừ phôi thép để sản xuất thép xây dựng. Một lượng lớn phôi thép xây dựng được sản xuất từ lò điện với nguyên liệu là thép phế liệu nhập khẩu, có chất lượng không ổn định và giá thành cao. Năng lực gia công thép (cán thép) các nhà máy đều phải vận hành dưới công suất thiết kế, làm cho khả năng cạnh tranh của ngành thép xây dựng rất yếu kém. Trong những năm qua, nhiều nhà máy thép đã ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến như sử dụng công nghệ sấy liệu trước khi vào lò điện (Công ty Thép Việt, Công ty cổ phần Thép Việt Ý), công nghệ đúc liên tục – cán phôi nóng (Công ty TNHH Vinakyoei Việt Nam), công nghệ luyện xỉ bọt, … Đồng thời, trong giai đoạn vừa qua, Công ty cổ phần tập đoàn Hòa Phát đã đầu tư xây dựng và vận hành có hiệu quả lò cao có dung tích 700 m3, lớn hơn nhiều so với các lò cao đang vận hành (Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên 120m3; Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung 500m3; Nhà máy giai đoạn 1, Công ty cổ phần tập đoàn Hòa Phát 350m3).
Tuy nhiên, ngoại trừ Công ty cổ phần tập đoàn Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh đầu tư Khu liên hợp Gang thép với đầy đủ các công đoạn Luyện cốc, thiêu kết, lò cao, lò thổi ô xy, cán thép và một nhà máy phát điện tận dụng nguồn khí thải từ lò cao và lò cốc, đa số các nhà máy thép khác đều có quy mô vừa và nhỏ, công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng nên khả năng cạnh tranh thấp. Một số nhà máy công nghệ lạc hậu hoạt động không hiệu quả, thua lỗ. Đặc biệt, trong thời gian qua, một số nhà máy thép quy mô nhỏ lẻ, gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn lao động đã gây bức xúc cho dân cư xung quanh.
Tóm lại, ngành thép Việt Nam còn việc phải làm để đáp ứng được yêu cầu là một ngành vật liệu cơ bản đầu vào cho các ngành công nghiệp quan trọng khác như cơ khí chế tạo, đóng tàu, chế tạo thiết bị đồng bộ, chế tạo máy móc ngành công nghiệp nặng… và công nghiệp hỗ trợ. Gần như toàn bộ các chủng loại thép dùng cho công nghiệp chế tạo đang phải nhập khẩu. Đây chính là “nút thắt” về vật liệu, cản trở rất lớn đến sự phát triển của công nghiệp chế tạo ở Việt Nam. Năm 2016 và năm 2017, khối lượng nhập khẩu thép lần lượt là 18,4 và 15 triệu tấn, tương ứng 8 và 9 tỷ USD. Mức sử dụng thép bình quân trên người ở Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước đang phát triện, trong khu vực và trên thế giới. Nhu cầu về thép trong những năm gần đây vẫn tiếp tục tăng. Vì vậy, định hướng đầu tư trong giai đoạn tới cần chú ý đến việc ưu tiên các công nghệ tiên tiến, công suất lớn và đồng bộ từ luyện thép đến cán thép đảm bảo tự động hóa cao thì hiệu quả sản xuất mới cao, hạ giá thành sản phẩm và có thể cạnh tranh với các nước có công nghệ tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc và đặc biệt là sản xuất thép từ Trung Quốc. Chỉ có đầu tư đồng bộ, bài bản thì vấn đề về tiêu hao trong nhà máy luyện, cán thép mới giảm và vấn đề xử lý các chất phát thải mới triệt để và bảo vệ được môi trường.
Bên cạnh đó, để các nhà máy thép họạt động hiệu quả cũng cần có chính sách bảo vệ thị trường và tạo điều kiện cho xuất khẩu thép bền vững, đặc biệt trong bối cảnh các nước đang tăng cường hảo hộ ngành thép...."
https://tapchiduan.info/tong-quan-tinh-hinh-su-dung-cong-nghe-trong-cac-nha-may-san-xuat-thep-tai-viet-nam/