Nói có sách mách có chứng chứ: Đơn cử, khi đặt vé máy bay của hãng hàng không Vietjet Air chặng Hà Nội đi Điện Biên Phủ ngày 22.5, giá vé máy bay khi chưa có thuế, phí chỉ là 290 nghìn đồng, thuế VAT của vé là 23 nghìn đồng.
Tuy nhiên, khách sẽ phải trả 584 nghìn tiền thuế phí, bao gồm, phụ thu dịch vụ hệ thống (quốc nội) là 215 nghìn, phí an ninh soi chiếu là 20 nghìn, phí sân bay quốc nội là 100 nghìn, phụ thu quản trị hệ thống 215 nghìn đồng, phần thuế VAT của phí là 34,4 nghìn đồng.
Như vậy, để đến được tay người tiêu dùng, giá cuối cùng của vé máy bay lên tới con số 897 nghìn đồng.
Nghĩa là giá vé máy bay chưa có thuế, phí chỉ bằng 1/3 với giá vé có thuế phí.
Theo Thông tư số 53/2019 của Bộ GTVT quy định, các hãng hàng không phải chịu tới 16 loại phí do nhà nước quy định.
Trong số này gồm có 5 loại dịch vụ do nhà nước quy định mức giá, 8 loại dịch vụ do nhà nước quy định khung giá và 3 loại dịch vụ phi hàng không do nhà nước quy định khung giá.
Các hãng hàng không phải nộp 16 loại phí này cho 3 đơn vị đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước là Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam và các cảng vụ hàng không.
Ngoài ra, hãng bay phải nộp những khoản phí dịch vụ hàng không khác cho các cảng hàng không như phí thuê quầy bán vé giờ chót; phí thuê quầy hành lý thất lạc; phí thuê phòng tác nghiệp, phòng nghỉ, trực ca cho nhân viên; phí thuê phòng máy của hãng; phí thuê kho; phí sử dụng thiết bị đầu cuối...
Người dân vào sân bay còn phải nộp thêm các loại phí như phí vào sân bay, phí đỗ xe...
Như vậy, để thực hiện được một chuyến bay, bình quân một vé máy bay sẽ phải gánh trên 20 loại phí cả trực tiếp và gián tiếp.
Một trong những nguyên nhân khiến vé máy bay tăng cao là do mức thu thuế, phí hiện nay không hề nhỏ.
amp.laodong.vn