Vì sao Việt Nam 'mất hút' trong bản đồ ẩm thực ngon nhất thế giới?
Không phải Việt Nam không có các món ăn ngon, nhưng vấn đề là chúng ta không biết cách giới thiệu, quảng bá, đưa chúng vươn tầm thế giới.
Theo danh sách 10 nước có đồ ăn ngon nhất thế giới mà CNN công bố mới đây, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ là bốn quốc gia châu Á có mặt. Cá nhân tôi là một người may mắn có dịp đến và thưởng thức ẩm thực của hầu hết các quốc gia này và nhận thấy một điều rằng thực chất chúng không quá nổi bật, nếu không muốn nói là không ngon bằng đồ ăn Việt Nam. Vậy tại sao chúng ta không có tên trong top 10 quốc gia có đồ ăn ngon nhất thế giới?
Đánh giá một cách công bằng, món ăn Việt Nam không hề thua kém với các nước về độ phong phú cũng nhưng hương vị. Nhiều tạp chí uy tín về ẩm thực quốc tế đã vinh danh, xếp các món ăn đến từ Việt Nam vào hạng nhất nhì thế giới từ cách đây nhiều năm. Chuyên gia ẩm thực, đầu bếp nổi tiếng Gordon Ramsey thậm chí còn từng nhận xét rằng: "Trước đây tôi rất thích những món ăn của Thái Lan và tôi tin đây là quốc gia có nền ẩm thực ngon nhất Đông Nam Á. Nhưng khi tôi đến Việt Nam thì ý nghĩ này đã hoàn toàn thay đổi. Nếu bạn muốn có được những món ăn ngon thì Thái Lan vẫn nằm trong danh sách đáng được chọn. Nhưng nếu bạn muốn nếm những món ăn thật sự đỉnh cao thì Việt Nam mới là lựa chọn ưu tiên cho những người sành ăn".
Theo tôi, không phải Việt Nam không có các món ăn ngon. Nhưng vấn đề là chúng ta không biết cách quảng bá các món ăn đó, đưa chúng vươn tầm thế giới, tiếp cận với nhiều bạn bè quốc tế. Nếu hỏi phần lớn những người nước ngoài về món ăn nổi tiếng ở Việt Nam, có lẽ họ sẽ chỉ kể quanh quẩn mấy món phở, bánh mỳ, nem... Thậm chí, họ chỉ biết đến tên gọi chứ chưa thử qua lần nào. Trong khi thực tế chúng ta còn có nhiều món ngon hơn nhiều ở khắp các vùng miền trên cả nước.
Điều này lại liên quan đến câu chuyện làm du lịch và quả bá hình ảnh của đất nước ra quốc tế. Có thể nói, cách làm du lịch, hỗ trợ phát triển du lịch của Việt Nam vẫn còn rất kém so với tiềm năng thực sự của chúng ta. Điều đó dẫn tới các đặc sản, món ăn, cảnh đẹp, con người Việt Nam thường không được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Một phần vì họ không biết, không được giới thiệu, trải nghiệm một cách rộng rãi.
Một nước rất gần chúng ta là Thái Lan lại có cách làm du lịch hoàn toàn khác biệt. Bản thân tôi cũng như bất cứ ai từng có dịp đến đất nước này du lịch, chắc chắn sẽ bị ấn tượng bởi ẩm thực nơi đây. Người ta có thể kể ra vô số những món ăn nổi tiếng của Thái Lan, dù về cơ bản nó cũng không quá khác biệt so với ẩm thực Việt. Đó là nhờ quảng bá, giới thiệu du lịch tốt, gây ấn tượng mạnh với du khách.
Trong khi đó, ở Việt Nam, dù có vô vàn các món ngon đường phố, chẳng kém gì Thái Lan, nhưng đa phần thực khách ăn xong là đi, mà chẳng để lại được chút ấn tượng gì. Điều đó bắt nguồn từ cách phục vụ, cách giới thiệu ý nghĩa món ăn và văn hóa địa phương ở ta dường như vẫn chưa được chú trọng. Hệ quả là du khách đến rồi đi và không quay trở lại nữa.
Nếu có dịp qua Mỹ hay các nước châu Âu, chúng ta có thể thấy một thực trạng, đó là dù người bản địa rất thích các món ăn Việt Nam nhưng dường như rất khó để người ta có thể tìm được những nhà hàng bán đồ ăn Việt tại các trung tâm. Nhà hàng Việt ở Mỹ tuy có nhưng nhìn chung vẫn nằm rải rác chứ không phân bố rộng khắp như nhà hàng Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản... Vì không thuận tiện để tiếp cận món ăn Việt, nên người ta có tạo cảm giác rằng món ăn Việt không phổ biến. Điều đó cho thấy khả năng giao lưu văn hóa và mở rộng tầm nhìn, thị trường ẩm thực của chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế.
Trong khi đó, cứ đi dọc những con phố lớn về ẩm thực tại các thành phố lớn ở Việt Nam, chúng ta chẳng khó để bắt gặp các hệ thống nhà hàng Nhật, Hàn, Thái mọc lên như nấm khắp nơi. Người Việt giờ đi ăn món ngoại còn nhiều hơn ăn đồ thuần Việt. Ngay trên sân nhà mà chúng ta còn đi chậm, đi sau quốc tế như vậy, thì không khó hiểu khi đồ ăn Việt bị thất thế trên trường thế giới.
Một khía cạnh khác cũng góp phần quảng bá ẩm thực, văn hóa đất nước đó là thông qua điện ảnh, nghệ thuật. Tôi xem phim Hàn, luôn thấy trên bàn ăn của họ có kim chi, mỳ lạnh, mỳ tương đen, tokbokki, rượu sochu... Phim Nhật luôn có sushi, mỳ ramen,; phim Ấn Độ thì có cà ri; phim Trung Quốc có lẩu, vịt quay, màn thầu... Những hình ảnh đó khiến người ta nhớ ngay đến ẩm thực của đất nước. Trong khi đó, xem
phim Việt, tôi thấy người ta lấy bối cảnh quay ở những nhà hàng Âu, Á cho sang thay vì đưa những món ngon thuần Việt lên bàn ăn. Khi chúng ta không cho người xem thấy được món ăn Việt xuất hiện trên mâm cơm thường nhật của người Việt, thì làm sao có thể thuyết phục được bạn bè thế giới?
Và một điều cuối cùng nữa, đó là sự bảo thủ của nhiều người Việt khi mang ẩm thực dân tộc ra trường quốc tế. Tôi còn nhớ, trên YouTube, trong một chương trình nấu ăn, từng có một đầu bếp nổi tiếng thế giới làm món phở Việt theo cách biến tấu của cá nhân. Ngay lập tức, có hàng trăm người Việt lao vào chỉ trích, cho rằng vị đầu bếp kia không hiểu gì, phá nát món ăn... Dường như họ chỉ cố gắng thể hiện cái tôi của mình, thay vì học cách chấp nhận thay đổi, biết tấu sao cho món Việt phụ hợp hơn với khẩu vị của người nước ngoài. Vô tình, chúng ta gây ác cảm cho bạn bè các nước, khiến họ mất dần cảm tình với món ăn, văn hóa và con người Việt Nam.
Tóm lại, còn rất nhiều vết gợn trong công cuộc quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, ẩm thực, con người Việt Nam ra thế giới. Nó không chỉ ảnh hương trực tiếp đến cơ hội phát triển của du lịch nước nhà, mà xa hơn còn khiến chúng ta tụt lại trong cuộc đua hội nhập của thời đại 4.0.
Không phải Việt Nam không có các món ăn ngon, nhưng vấn đề là chúng ta không biết cách giới thiệu, quảng bá, đưa chúng vươn tầm thế giới.
vnexpress.net