http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/rung-trong-rung-dong-co-phai-la-rung-38347.bld
Rúng trong rúng động: Có phải là rung? - 11:31 AM, 14/01/2011
Khi thấy tôi viết bài Câu chuyện “tây” và “ta” trả lời bạn đọc trên Lao Động Cuối tuần (số 2 -2011) vừa rồi, một anh bạn mê thể thao có gọi điện cho tôi và nói: “Này ông ạ, trên báo Thanh Niên, ra ngày 8-2-2011, có đăng bài Bóng đá Indonesia rúng động vì “giải đấu nổi loạn”.
Bọn tôi đang cãi nhau vì từ rúng động này đấy. Tôi bảo đây chính là từ rung động theo cách phát âm địa phương (Dân trong Nam họ vẫn nói chệch thế mà!). Nhưng “tụi” bạn tôi chúng nó lại bảo rúng là rúng, rung là rung, giống nhau thế nào được. Tôi nghĩ là tôi đúng. Ông giúp tôi như vẫn trả lời trên báo nhé!”.
Ông bạn nọ còn phân tích dài dòng, để tăng thêm luận cứ khẳng định lý lẽ của mình là hoàn toàn xác đáng. Tôi nhớ tại Hội thảo Ngữ học toàn quốc (do Hội Ngôn ngữ học tổ chức thường niên) năm 2010 vừa rồi, tiểu ban của chúng tôi cũng đã cãi nhau về chuyện này. Có một vị (giống như anh bạn tôi) cho rằng rúng động chỉ là cách phát âm khác của rung động (vốn có 2 nghĩa: 1. Chuyển động qua lại liên tiếp không theo một hướng xác định, do tác động từ bên ngoài; 2. Tác động đến tình cảm, làm nảy sinh cảm xúc).
Theo vị này thì gần đây “mấy ông nhà báo” thích dùng chữ rúng để làm mới, nghe lạ tai, quảng cáo cho báo chứ “chẳng phải sáng tạo, chẳng giải quyết được cái gì”. Ông còn bảo, cách đọc rung và rúng giữa miền Bắc và miền Nam cũng giống như các trường hợp: mẹc-xì/méc-xi (merci: cám ơn), cạc/các vi dít (carte de visite: tấm danh thiếp), puộc/puốc-boa (pourboire: tiền thưởng thêm)... thôi. Lúc đó, tôi phân vân và cũng định lên tiếng phản bác. Nhưng sự tự tin quá mức của vị nọ, lại được mấy báo cáo viên khác gật gù tán thưởng làm cho sự hăng hái của tôi hơi bị chùn. Thực ra, đó cũng chỉ là chuyện nhỏ và rồi cũng bị quên đi. Đến bây giờ có anh bạn nhắc lại, tôi mới giật mình và vội vàng tra cứu xem sao.
Việt Nam Tự-điển của Hội Khai trí tiến đức (Hà Nội, 1931) không thống kê rúng động, chỉ có từ rúng và định nghĩa rúng: “cũng như nghĩa bóng tiếng rung”. Nhưng Từ điển Việt Nam của Thanh Nghị (Sài Gòn, 1958) thì các từ rung, rung động, rúng, rúng động được sắp xếp riêng biệt:
RUNG bt. Động đậy quanh đều; làm cho động đậy quanh đều.
RUNG ĐỘNG bt. Rung và chuyển động; ngb. Làm cảm động.
RÚNG đt. Làm cho chột dạ.
RÚNG ĐỘNG đt. Nht. Rúng.
Như vậy, theo Thanh Nghị, nghĩa của rung và rúng có sự khác hẳn nhau.
Từ điển tiếng Việt (Văn Tân chủ biên, Hà Nội, 1977) không có từ rúng, rúng động. Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên, Hà Nội, 1999) thì cho rằng:
RÚNG1 đgt. Chống đỡ làm cho ngay thẳng lại.
RÚNG2 tt. Núng, nao núng.
RÚNG ĐỘNG đgt. Nao núng, giao động.
Còn theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, Hà Nội, 2007):
RÚNG đg. (cũ) núng, nao núng.
RÚNG ĐỘNG đg. 1.[ph.] rung chuyển, rung động, 2 (cũ) nao núng, dao động.
Như vậy, các cuốn từ điển gần đây đã ghi nhận 2 nét nghĩa của rúng động. Một là có nghĩa “giống rung động” (một biến thể phương ngữ), hai là chỉ “sự nao núng, dao động”. Có lẽ các từ rúng động mà báo chí đang sử dụng nghiêng về nét nghĩa 2: Đối tượng đã có sự nao núng, dao động và tiếp đó là có sự chuyển động do chịu một sự tác động bên ngoài nào đó. Thí dụ: Chính trường Pakistan rúng động sau vụ ám sát ...; Thị trường vàng thế giới đột nhiên rúng động; Việc phát hiện ra một loạt bê bối dùng doping đã làm rúng động Olympic...
Rung động cũng là sự rung chuyển từ tác động khách quan nhưng sự ảnh hưởng và mức độ chuyển động bất thường của rúng động cao hơn, khó lường hơn... Như vậy là các nhà báo kia dùng rúng động là có ý riêng chứ không đơn thuần chỉ là cách nói khác lạ, cốt gây ấn tượng. Dù quý anh bạn và được anh tin tưởng “giao nhiệm vụ” hỗ trợ anh, tôi cũng không chiều lòng anh được mà phải nói theo xu hướng sử dụng từ ngữ trên thực tế.
PGS.TS PHẠM VĂN TÌNH