Thế giới Ta Bà chúng ta đang sống và núi Tu Di trong Kinh điển:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 04)
Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Khởi giảng năm 1998
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ
Thế giới Ta Bà chúng ta hiện tại là ở trong đại thiên thế giới. Địa cầu này của chúng ta là một tinh cầu nhỏ trong đại thiên thế giới. Lúc trước người thông thường đa phần cho rằng đại thiên thế giới mà nhà Phật đã nói đại khái là hệ Ngân Hà mà các nhà thiên văn học hiện tại chúng ta phát hiện ra. Thế nhưng cách nhìn của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ (Kim Cang Thượng Sư của Mật Tông) không như vậy, ông có viết một đoạn văn chương ở phía sau quyển chú giải kinh Vô Lượng Thọ. [Khi tôi ở Đài Loan, ông từ Bắc Kinh gởi đến, đây là lần sau cùng ông gởi cho tôi, hy vọng tôi đem thiên văn chương này để vào phía sau phần chú giải, bởi vì lúc ông giảng kinh để sót đoạn này]. Ông là một nhà khoa học, dạy vô tuyến điện trong trường đại học Thiên Tân, ông là giáo thọ khoa học của trường đại học Thiên Tân. Căn cứ cách nhìn của ông, hiện tại chúng ta gọi là hệ Ngân Hà, trên thực tế chỉ là một đơn vị thế giới mà trong Phật pháp thường gọi, cũng chính là nói, đơn vị thế giới này ở trên kinh Phật nói là lấy núi Tu Di làm trung tâm, thái dương cũng là xoay vòng theo núi Tu Di. Núi Tu Di rốt cuộc là cái gì? Từ xưa đến giờ chưa có người nào có thể đem việc này nói cho rõ ràng. Hoàng Lão cư sĩ nói, “núi Tu Di chắc là lổ đen mà thiên văn đã phát hiện”. Ông nói cũng có đạo lý. Lỗ đen chính là ngày nay chúng ta gọi là trung tâm của vũ trụ, trung tâm của hệ Ngân Hà, thái dương đích thực là đang xoay quanh chỗ này. Giả như lời nói này của ông có thể chứng thực, vậy thì một đại thiên thế giới có bao nhiêu hệ Ngân Hà? Mười vạn ức hệ Ngân Hà. Mười vạn ức hệ Ngân Hà là một đại thiên thế giới mà trong kinh Phật nói. Một đại thiên thế giới là khu vực giáo hóa của một vị Phật, các vị phải rõ ràng, phải tường tận. Vậy Thích Ca Mâu Ni Phật có diệt độ hay không? Không hề, Thích Ca Mâu Ni Phật ở thế giới này của chúng ta thị hiện diệt độ rồi, nhưng có thể Ngài lại thị hiện ở một tinh cầu khác, không hề có diệt độ. Nơi nào duyên đã chín muồi rồi thì Phật ở ngay nơi đó hiện thân, như trong phẩm Phổ Môn đã nói: “Thiên xứ sở cầu thiên xứ ứng”, trên kinh Lăng Nghiêm nói là “tùy loại hóa thân, tùy chúng sanh tâm ứng sở tri lượng”. Phật không có thân tướng nhất định, nơi nào có duyên thì hiện thân đến nơi đó, nơi nào không còn duyên nữa thì thân cũng sẽ không còn, cho nên không có sanh tử, mà là tùy loại hóa thân. Đó là thật, không phải là giả. Thế nên, ở trong Hiền kiếp có một ngàn vị Phật đến thế giới Ta Bà để thị hiện thành Phật (theo lời của Hoàng Lão cư sĩ đã nói, thế giới Ta Bà chính là một đại thiên thế giới, là mười vạn ức hệ Ngân Hà, trong một phạm vi lớn đến như vậy). Thích Ca Mâu Ni Phật là vị thứ tư, Phật Di Lặc là vị thứ năm, về sau còn có 995 vị Phật. Hiện tại địa vị các Ngài là Bồ Tát, tương lai liên tục thảy đều thay nhau thành Phật trong Hiền kiếp này, những người này đều đến dự hội. Ý này rõ ràng nói với chúng ta, trong vạn Phật không một vị Phật nào mà không nói kinh này, không một vị Phật nào mà không tuyên dương pháp môn này, không một vị Phật nào không khuyên tất cả chúng sanh niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Chúng ta phải giác ngộ ở ngay chỗ này, phải chân thật nắm được.