Chân tướng của Vũ trụ nhân sinh:
Trích LỢI ÍCH KHI NIỆM PHẬT
Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: ngày 23 tháng 06 năm 2003
Giảng tại: Học Viện Tịnh Tông Australia
Sự việc thứ ba nói về ‘nguyên khởi của vũ trụ, hư không, thế giới, tinh cầu, sanh mạng, vạn vật từ đâu đến?’ Nói thật ra thì là từ ‘không’ sanh ra ‘có’. Những bài báo cáo của khoa học hiện nay hoặc trước đây đều nói về ‘một sự bùng nổ to lớn’, sự bùng nổ to lớn này từ cái gì nổ ra? Hiện nay họ tìm ra cái điểm khởi đầu của sự bùng nổ này. Đây cũng vẫn còn từ lý luận mà suy diễn ra nhưng trên thực tế thì không có phương cách gì có thể tìm ra. Họ nói cái ‘điểm khởi đầu’ của sự bùng nổ này bao lớn? Quý vị nghe báo cáo của tiến sĩ Chung đều biết, ông nói cái ‘điểm’ này rất là nhỏ, nhỏ đến chúng ta không thể nào tưởng tượng nổi.
Ông đề ra một thí dụ, thí dụ này là do một khoa học gia đề ra. Cắt ngang sợi tóc của chúng ta ra rồi nhìn thẳng vào mặt cắt ngang của sợi tóc (thiết diện) thì chúng ta thấy một hình tròn. Có thể đem điểm bắt đầu của sự bùng nổ này (điểm khởi nguyên của vũ trụ) xếp dọc theo đường kính của hình tròn này, có thể xếp được bao nhiêu điểm? Một triệu ức ức ức (10mũ6 x 10mũ8 x 10mũ8 x 10mũ8 = 10mũ30 ), có ba chữ ức sau chữ triệu. Sắp một triệu ức ức ức cái điểm bắt đầu này dọc theo đường kính của mặt cắt ngang (của sợi tóc). Cái điểm này nổ ra thì thành vũ trụ. Chuyện này chúng ta trong kinh Hoa Nghiêm nói qua không biết bao nhiêu lần rồi! Kinh Hoa Nghiêm cũng nói giống như vậy.
Kinh Hoa Nghiêm nói trong vi trần (hạt bụi) có chứa thế giới, thế giới không lớn, hạt bụi không nhỏ. Hạt bụi nói trong kinh Hoa Nghiêm có thể là ‘điểm bắt đầu’ mà khoa học gia diễn tả ở trên. Dọc theo đường kính của mặt cắt ngang (của sợi tóc) có thể xếp 10 mũ 30 cái điểm bắt đầu này, trong nhà Phật được gọi là vi trần. Ai có thể đi vào thế giới của vi trần? Đó là Phổ Hiền Bồ Tát. Trong kinh Hoa Nghiêm, chúng ta thấy Phổ Hiền Bồ Tát có thể đi vào. Phổ Hiền Bồ Tát là hạng Bồ Tát gì? Là Đẳng Giác Bồ Tát. Đó là nói cho bạn biết, khi bạn chứng được Đẳng Giác Bồ Tát, bạn có thể đi vào điểm bắt đầu của vũ trụ. ‘Đương xứ xuất sanh, tuỳ xứ diệt tận’, cho nên nói vũ trụ hiện nay là từ điểm bắt đầu này bùng nổ tạo thành; hiện nay vũ trụ còn đang nở rộng ra. Tất cả sanh mạng cũng đều đến như vậy cả. Ngày hôm đó tôi hỏi tiến sĩ Chung: ‘Khi nào bùng nổ?’ Khi nào vũ trụ chúng ta bùng nổ? Ông ta đáp không được. Tôi nói rằng tôi biết.
Thiệt ra chuyện này tôi đã nói qua rất nhiều lần; nếu bạn nghe hiểu được thì khi người ta hỏi những câu về khoa học như vậy, bạn liền lập tức có thể trả lời ngay. Lúc nãy tôi có nói qua, trong kinh Lăng Nghiêm nói đến ‘Đương xứ xuất sanh, tùy xứ diệt tận’. Kinh Nhân Vương có nói cho chúng ta biết một khảy móng tay có 60 sát na, một sát na có 900 lần sanh diệt, cái sanh này tức là ‘hiện’, diệt tức là ‘quay về’. Hiện tượng chúng ta thấy ngày hôm nay là hiện tượng gì? Tướng tương tục? Cho nên kinh Kim Cang có nói: ‘Tất cả các pháp hữu vi, như mộng ảo và bóng của bọt nước, như sương cũng như điện, phải nên quán sát như vậy’. Tất cả hiện tượng trong vũ trụ này không phải chân thật, ‘phàm những gì có tướng đều là hư vọng’. Nó bùng nổ, nổ quá nhanh, lập tức liền tiêu diệt mất. Cái thứ nhì lại bùng nổ tiếp tục. Điểm khởi đầu đó nhiều vô số, không biết là nhiều đến mức nào.
Điểm khởi đầu này là gì? Các nhà khoa học trả lời không được, đức Phật cũng không nói đến. Tuy là đức Phật không có nói, không có nói đến điểm bắt đầu của vũ trụ nhưng chúng ta biết được. Điểm đó là gì? Đó chính là hạt giống trong A lại gia thức. Đức Phật nói hạt giống trong A lại gia thức không có hình tướng; nếu nó có hình tướng thì tận hư không khắp pháp giới cũng chứa không hết. Hiện nay họ suy đoán về điểm khởi đầu rất nhỏ này, vì quá nhỏ cho nên cũng có thể xem như là không. Bạn xem có thể xếp một triệu ức ức ức cái điểm bắt đầu này dọc theo đường kính của mặt cắt ngang của sợi tóc, cho dù dụng cụ khoa học tối tân nhất hiện nay cũng không thể nào quan sát được. Tại sao vậy? Nếu bạn đem phóng đại cái điểm khởi đầu này gấp một triệu ức ức ức lần (10 mũ 30) thì cũng vẫn chưa thấy được. Phải phóng đại thêm một lần nữa thì bạn mới có thể xem cái điểm khởi đầu này và [khi đó] thấy nó cũng chỉ giống như một chấm nhỏ bằng sợi tóc mà thôi. Đúng là không thể tưởng tượng nổi! Đây là cảnh giới không thể nghĩ bàn.
Đây là chân tướng của vũ trụ mà đức Phật nói trong kinh; hiện nay khoa học gia dùng toán học để suy luận ra, nhưng vẫn không có biện pháp để nhìn xem được. Tại vì không có cách nào để đem một sợi tóc phóng đại lên gấp đôi triệu ức ức ức lần. [Cho dù có thể làm được thì] bạn cũng chỉ có thể nhìn thấy được một chấm nhỏ xíu, chỉ giống như một chấm, lớn bằng chiều ngang của một sợi tóc. Chúng ta biết tiến sĩ Giang Bổn Thắng dùng kính hiển vi chỉ phóng đại lên 250 lần để quan sát sự kết tinh của nước. Nếu bạn muốn quan sát vi trần (trong kinh điển gọi là vi trần, khoa học gia gọi là điểm khởi đầu của vũ trụ) thì phải dùng kính hiển vi có độ phóng đại bao lớn? Bình phương của một triệu ức ức ức lần thì bạn mới có thể thấy được. Hiện nay thế giới của chúng ta chưa có kỹ thuật cao đến mức này. Cho nên đây là thật tướng của chư pháp.
Đẳng Giác Bồ Tát rất là tự tại, có khả năng để đi vào điểm khởi đầu này. Nói cho chúng ta biết rằng không có lớn nhỏ, đều là do tự tánh biến hiện ra; không có lớn nhỏ, điểm khởi đầu này không nhỏ, vũ trụ không lớn; không có xa gần, không có trước sau. Không có xa gần nghĩa là không có khoảng cách; không có trước sau nghĩa là không có quá khứ, hiện tại, và vị lai. Ngày nay chúng ta nói đến không gian, thời gian, khi đó [khi vào cảnh giới này] thì đều bằng không (những quan niệm này không tồn tại nữa). Đây là thật tướng! [Mục đích] chúng ta học Phật không gì khác hơn là để hiểu rõ cái chân tướngnày. Chúng ta phải sanh hoạt trong cái chân tướng này, đó là cảnh giới của Phật.
...................
Khi chúng ta tu hành có đầy đủ công phu và trình độ, đủ trình độ nghĩa là sao? Nghĩa là đủ định công (khả năng định tâm). Có đủ định công thì có thể giảm bớt vọng tưởng, phân biệt, và chấp trước của chúng ta; giảm đến một mức nào đó thì cái cảm ứng này sẽ trở nên hiện thực (rất rõ ràng). Họ đến thăm chúng ta hoặc là chúng ta đi thăm họ; cho nên đây là cảnh giới trong [trạng thái] định, không gian và thời gian đều không còn tồn tại nữa, là trong khi nhập định không tồn tại. Cho nên trong định có thể qua lại, liên lạc, có thể đi về quá khứ và có thể đi đến tương lai. Hiện nay nhà khoa học biết được rằng không gian thực sự có nhiều duy thứ tồn tại, nhưng không biết dùng phương pháp gì để đột phá nó (vượt quaranh giới giữa những duy thứ này).
Giống như những khoa học gia nói đến, trên lý luận họ dùng ‘gia tốc độ’. Nếu tốc độ này nhanh hơn vận tốc ánh sáng trên lý luận thì có thể đi ngược về quá khứ, có thể đột phá không gian. Cho nên trong khi nhập định những người học Phật chúng ta biết được. Trong nhà Phật nói ‘pháp giới’ là danh từ mà khoa học gia gọi là ‘không gian duy thứ’. Tại sao có nhiều pháp giới như vậy? Từ đâu đến? Đều là từ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước biến hiện ra. Nếu vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của bạn đã dứt hết, thì không gian duy thứ sẽ không còn nữa, hoàn toàn phá tan. Cho nên không cần biết người thân bạn bè của chúng ta ở trong không gian duy thứ nào chúng ta đều có thể nhìn thấy được, chúng ta đều có thể trực tiếp liên lạc.
Người có thể tiếp xúc với những không gian duy thứ khác sớm nhất [trong lịch sử nhân loại] là những người theo Bà La Môn giáo. Bà la môn giáo có khoảng một vạn năm lịch sử, Phật giáo chúng ta chỉ có khoảng ba ngàn năm lịch sử. Họ cũng là tu ‘định’, từ trong thiền định có thể phá tan không gian duy thứ, cho nên hiện tượng lục đạo luân hồi họ nhìn thấy sớm nhất. Tuy là họ nhìn thấy, nhưng họ không hiểu từ đâu mà có lục đạo. Mãi cho đến lúc đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thế, ngài mới giải thích rõ ràngsự việc này. Cũng có thể nói trong quá khứ họ biết được sự việc nhưng không hiểu rõ nguyên do tạo thành hiện tượng này. Sau khi đức Phật ra đời mới đem nguyên do của lục đạo luân hồi giải thích rõ cho mọi người biết. Đó là do vọng tưởng, phân biệt, và chấp trước biến hiện làm thành; khi xa lìa vọng tưởng, phân biệt, và chấp trước thì pháp giới này sẽ biến thành ‘nhất chân’ [pháp giới], thập pháp giới sẽ không còn nữa? Nói một cách khác, không gian duy thứ là không thật có và chỉ là một ảo tướng, không phải chân tướng sự thật.