[Funland] Trong vòng lửa ( Dốc núi )

buicongchuc

Xe ngựa
Biển số
OF-146822
Ngày cấp bằng
23/6/12
Số km
25,371
Động cơ
628,250 Mã lực
Nơi ở
Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Em đánh dấu ạ! Cảm ơn các cụ!
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
...Tiểu đoàn bắt đầu khôi phục, củng cố trận địa phòng ngự như trước khi xảy ra chiến tranh. Các điểm chốt, hầm hào, công sự, căn cứ hậu cần, quân y của tiểu đoàn bây giờ chỉ là những đống đất đá lổn nhổn. Trước khi rút lui về nước bọn giặc đã dùng thuốc nổ phá huỷ tất cả các công trình quân sự, kinh tế, văn hoá của ta. Bọn giặc cẩn thận tỷ mỷ đánh gãy gục từng cột điện cao thế, điện thoại, mỗi căn nhà nếu không đốt được thì chúng dùng mìn đánh sập. Chúng phá huỷ, đánh sập các hang đá, hốc núi nơi ta có thể dấu quân, làm nơi phòng thủ. Chúng còn đang tâm đánh sập hang Pác Bó nơi Bác Hồ đã, phá nát tượng Các Mác ở trong hang. Các công trình quân sự do ta xây dựng ở khu vực Sóc Giang và các điểm chốt đều bị phá tan nát hết.
Các đại đội về lại vị trí phòng ngự của mình trước chiến tranh sửa sang lại hầm hào, công sự và tiến hành việc tuần tra canh gác. Việc đi lại đều phải bí mật, tránh để lộ liễu mục tiêu vì bọn địch thỉnh thoảng vẫn bắn bừa bãi hoặc tung thám báo sang đất ta. Đã có bộ phận chạm súng với bọn lính trinh sát của địch.
Tôi dẫn mấy anh em trèo lên mỏm Đầu Bò vừa nạo vét lại công sự vừa cố gắng tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Buổi trưa nghỉ, tôi và thằng Lâm xuống khu trường cấp 1. Lính công binh đã rà phá, gỡ hết các quả mìn gài trong sân trường còn sót lại. Gần như tất cả các lớp học đều bị phá sập. Sách vở học sinh rơi tung toé khắp các lớp. Tôi nhặt được một cuốn sách ở trong ngôi nhà đổ nát. Lần giở từng trang sách của cuốn sách giáo khoa cháy dở trong lòng tôi dâng dâng lên một nỗi buồn da diết. Bài thơ này tôi đã viết ngay tối hôm ấy.
Trường các em bị cháy!
Truy kích địch qua đây
Chúng tôi cùng sững lại
Trường các em bị cháy
Giặc vừa đốt hôm qua.
Một quyển sách lớp ba
Ám khỏi đen nham nhở
Tôi nhặt lên lần mở
Từng trang sách, từng trang.
Những phép tính trẻ con
Bốn cộng ba bằng bảy
Lửa cháy quằn trang giấy
Con số cuối mờ đi.
Ôi quyển sách nói gì
Bên ngôi trường đổ nát?
Hàng cây non lửa táp
Vết đạn cày sân chơi.
Tôi đứng lặng cắn môi
Nghe đâu đây trong gió
Nghe từ trang sách nhỏ
Tiếng các em gọi mình!
*
"Báo động!". Mệnh lệnh được thông báo rất nhanh. Bộ phận chúng tôi được lệnh tiếp cận bọn thám báo vì chúng tôi đang ở gần bờ suối nhất. Tôi nhét cuốn sách giáo khoa lớp 3 vào cóc ba lô vớ khẩu súng lao ra khỏi lán. Trời đã gần tối. Ra đến gần bờ suối bản Nà Sác, tôi gặp chính trị viên Hoàng, anh Thọ và các chiến sĩ tiểu đội trinh sát. Anh Thọ nói nhanh:
- Trinh sát vừa phát hiện có bóng người lạ ở gần bờ suối bản Nà Sác gần đường biên. Dân bản Nà Sác chưa trở về nên chỉ có thể là bọn thám báo mò sang trinh sát trận địa của ta.
Các chiến sĩ trinh sát dẫn chúng tôi nhanh chóng tiếp cận bờ suối. Chúng tôi phát hiện ra một người mặc bộ quần áo rách rưới đang đi lom khom dọc theo bờ ruộng sát con suối. Nó đang đi về hướng biên giới. Nhìn vẻ tả tơi của nó chúng tôi biết đó chắc chắn chỉ là một tên tàn quân địch. Tên giặc đã chạy đến gần đoạn suối nông nước chảy rào rào. Đây là điểm tiếp giáp giữa hai nước. Lội qua sang bờ bên kia đã là đất của chúng nó rồi. Tôi đề nghị:
- Để chúng tôi xông ra bắt sống nó!
- Không được! - Chính trị viên Hoàng vội ngăn lại: - Vượt qua khoảng ruộng trống bọn địch bên kia biên giới sẽ phát hiện và sẽ lập tức bắn sang ngay. Hơn nữa đám ruộng này vốn là bãi mìn chống bộ binh chưa nổ hết nguy hiểm lắm!
- Vậy thì nó chạy thoát mất anh ạ!
Tôi nói và nâng khẩu AK lên lấy đường ngắm. Chính trị viên Hoàng giơ tay khẽ đè nòng súng của tôi chúc xuống. Anh nói nhỏ:
- Thôi để cho nó vượt qua suối.
Tôi ngạc nhiên nhìn chính trị viên Hoàng. Hình như tên giặc cũng đã phát hiện ra chúng tôi. Nó nhớn nhác quay lại nhìn. Chúng tôi đang ở rất gần nó, chỉ cách một mặt ruộng rất hẹp. Nó gần như sụp hẳn người quỳ xuống mặt ruộng khi nhìn thấy những nòng súng kê trên bên kia bờ ruộng đang rê rê theo từng cử động của nó. Nó giơ hai tay lên trời như cầu xin chúng tôi đừng bắn, tha chết cho nó.
Chúng tôi vẫn im lặng không hành động theo lệnh của chính trị viên Hoàng mà chỉ dõi mắt theo từng cử động của tên giặc. Hồi lâu, không thấy chúng tôi xông ra bắt sống hoặc nổ súng, thằng giặc cứ nhìn chằm chằm về phía những nòng súng đang chĩa vào nó không dám nhúc nhích. Anh Thọ khẽ khoát tay ra hiệu. Anh khẽ "xuỳ... xuỳ..." như đang xua đuổi một con chó. Thằng giặc hiểu đối phương đã tha chết và để cho nó chạy về nước. Nó vội lồm cồm nhỏm dậy nhao người bò lên bờ ruộng lăn xuống suối. (Tiếng Việt "xuỳ... xuỳ..." gần giống với tiếng Tàu phát âm từ "đi... đi...").
Sang đến bên kia bờ suối rồi thằng giặc còn ngoái lại như vẫn chưa tin là nó đã được chúng tôi tha chết. Trước khi lẩn vào bụi cây rậm nó còn quay lại hướng về phía chúng tôi vái dài một cái.
Trời tối hẳn. Thằng giặc mất hút trong bụi cây và bóng tối đang tràn đến. Chính trị viên Hoàng lệnh chúng tôi rời khỏi bờ ruộng quay về đơn vị. Trên đường về biết chúng tôi còn ấm ức thắc mắc, chưa thông về việc đã tha chết cho thằng giặc xâm lược, anh Hoàng bảo: "Cha ông ta ngày xưa có lúc còn tha chết cho hàng vạn tên xâm lược lại còn cấp lương ăn để chúng nó trở về quê hương đấy!". (*)
Một buổi trưa đi đào công sự về mệt, ăn cơm xong tôi lăn ra ngủ. Vừa chợp mắt được một lát thì có người lay gọi:
- Dậy... dậy... ngay...
- Dậy làm gì, đào công sự cả buổi mệt đứt hơi chưa ngủ đã gọi cái gì... - Tôi càu nhàu.
- Dậy đi có việc gấp đây!
Nghe rõ tiếng chính trị viên Hoàng, tôi ngồi bật dậy. Vốn là lính chiến, quen những tình huống chiến đấu bất ngờ nên nghe tiếng của cấp trên gọi là tôi tỉnh ngay. Tôi quờ tay với khẩu súng dựa cạnh chỗ ngủ nhảy xuống đất. Anh Hoàng phì cười:
- Mày định đi đâu đấy?
- Chắc lại có bọn thám báo nó mò sang ạ?
- Thám báo nào! Cất súng đi ra đây tao bảo.
Lúc này tôi mới nhìn kỹ chính trị viên Hoàng. Anh ăn mặc chỉnh tề, tay đang cầm một cuộn giấy, nét mặt vui vẻ. Anh cười vì cái tính hấp tấp của tôi, cứ có ai gọi việc đầu tiên là tìm ngay khẩu súng. Âu đó cũng là tác phong của người lính nơi đối diện với quân thù hàng ngày. Chúng tôi đã có mặt ở biên giới từ những ngày còn kéo nhau mặc quần áo dân thường đi rào đường ¬¬biên, tranh nhau từng tấc đất, ném đá, đánh nhau bằng tay và gậy gộc với bọn lấn đất, xâm lược cho đến lúc đấu súng, đấu pháo thật sự với chúng cho nên ai cũng có cái tác phong luôn luôn sẵn sàng ấy.
Anh Hoàng bảo:
- Đem cuốn sổ ghi chép của mày ra đây!
- Cuốn sổ nào ạ?
- Cuốn nhật ký mà mày vẫn ghi chép tình hình chiến sự hàng ngày trong thời gian đánh nhau ấy!
- Cuốn sổ ấy em đốt nó theo lệnh của tiểu đoàn hôm trước khi phá vây rồi còn đâu nữa ạ!
- Mày đừng có nói dối! Hôm ấy mày chỉ đốt cuốn sổ ghi chép thơ và truyện thôi, còn cuốn nhật ký ghi tình hình chiến sự thì mày vẫn giấu trong người đem đi. Đem ra đây ngay...
Tôi cười hì hì:
- Làm sao anh lại biết ạ?
- Tao biết mày không bao giờ đốt cuốn sổ ấy đâu. Đem nó ra đây có việc cần đấy!
- Việc gì mà lại liên quan đến cuốn nhật ký của em ạ?
Chính trị viên Hoàng vừa đặt tập giấy xuống cái bàn ghép bằng mấy miếng ván giữa nhà vừa nói:
- Tiểu đoàn mình được đề nghị nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng. Do đó, phải chuẩn bị một bản báo cáo thành tích trong cuộc chiến đấu vừa qua. Mày văn hay, chữ tốt, lại nắm được toàn bộ diễn biến của các trận đánh nên chiều nay không phải đi đào công sự nữa mà ở nhà giúp chỉ huy tiểu đoàn viết một bản báo cáo thành tích hiểu không.
Tôi hiểu. Tôi rút trong túi cóc ba lô ra một cuốn sổ nhỏ tự đóng bằng loại giấy đen mặt nhẵn, mặt trơn lấm lem bùn đất. Ngồi xuống bên cạnh anh Hoàng, tôi đặt lên bàn trước mặt anh cuốn nhật ký của mình. Tay tôi run run lật từng trang nhật ký chiến đấu. Anh Hoàng cùng tôi đọc những trang ghi chép nguệch ngoạc trong những ngày gian khổ ác liệt ấy...
 

pajero79

Xe hơi
Biển số
OF-165072
Ngày cấp bằng
3/11/12
Số km
160
Động cơ
348,743 Mã lực
... Ám ảnh ấy cũng sẽ theo suốt cuộc đời chúng tôi khi chứng kiến cảnh cả trăm người gái bị lột hết quần áo tả tơi đi giữa vòng vây quân thù. Sau này tôi còn được biết đơn vị nữ thanh niên xung phong ấy bị bọn địch bất ngờ tập kích. Gần như tất cả đều bị bắt, bị làm nhục. Một người con gái trong đơn vị có khẩu súng để canh gác đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Hết đạn cô sa vào tay giặc. Bọn địch thay nhau cưỡng hiếp cô bé đến chết đi sống lại. Dã man hơn chúng đã buộc cô bé trần truồng ấy ôm chặt lấy nòng pháo để làm mát súng khi bắn. Cô gái ấy co quắp cháy đen, chết khô trên nòng khẩu pháo 122ly của bọn giặc.
... Anh không nói thêm được nữa. Hai tên giặc đã kéo rộng vết rạch trên bụng anh lôi ruột ra rải trên mặt đường. Cô gái dân quân cũng bị bọn địch mổ bụng sau khi chúng thay nhau hãm hiếp. Chúng moi ruột gan của hai người dân quân ném ra mặt đường. Máu của họ nhuộm đỏ mảnh đất quê hương thân yêu mà họ đã quên thân mình chiến đấu bảo vệ
...

Hình như bọn khựa là một dân tộc khát máu và tàn bạo nhất trên thế giới.
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
... Ngày 17-2-79:
- Hướng cửa khẩu Bình Mãng: Bọn địch tấn công đợt 1 lúc 5 giờ sáng. Đợt 2 lúc 8 giờ sáng, chúng chiếm mất 1/2 chốt cây đa thứ nhất. Đợt 3 chúng tấn công vào khoảng 11 giờ chiếm toàn bộ mỏm 1, chốt cây đa thứ nhất.
- Ta: Xê 1 chỉ còn giữ được mỏm 2 chốt cây đa thứ nhất. Đại đội 1 diệt được 2 xe tăng, 300 tên địch.
- Lúc 22 giờ đêm đại đội 1 phản kích chiếm lại được toàn bộ chốt cây đa thứ nhất.
- Các đồng chí hy sinh gồm: Thượng sĩ Trần Văn Ngọc, trung đội phó bắn cháy một xe tăng và diệt nhiều tên địch, hy sinh khi chuẩn bị bắn chiếc xe tăng thứ hai. Binh nhất Nguyễn Văn Nền bắn hết đạn đánh nhau bằng lưỡi lê bị địch đâm chết ở chốt cây đa thứ nhất. Chuẩn uý Dương Đình Hà, chính trị viên phó đại đội cùng Nguyễn Văn Lượng hy sinh khi phản kích chiếm lại chốt cây đa thứ nhất đêm 17-2...
Ngày 18-2-79:
- Hướng cửa khẩu: Địch tấn công 8 đợt cả ngày, bắt đầu từ 5 giờ sáng. Chúng chia làm 3 mũi: Một mũi từ trên sườn núi đá đánh xuống, một mũi từ từ phía bản Nà Sác đánh lên, một mũi từ bờ suối đánh vòng lên bên trái chốt cây đa thứ hai. Rút kinh nghiệm ngày đầu tiên, địch tấn công liên tục để phá vỡ tuyến phòng thủ của ta.
- Ta: Đại đội 1 cùng 1 trung đội của đại đội 2 tăng cường đã dũng cảm chiến đấu giữ vững chốt, tiêu diệt 2 xe tăng, hơn 150 tên địch, bẻ gãy cả 8 đợt tấn công của quân địch. Chuẩn uý Lê Hồng Giang (đại đội 2) bắn hai quả đạn B41 diệt một xe tăng địch, bị thương mù một mắt, gãy một tay còn dung AK bắn địch ngã tơi tả. Đồng chí Giang đã một mình, một súng lên đánh chiếm lại chốt cây đa thứ nhất.
- Hy sinh ngày 18-2: Đại đội 1 có 8 đồng chí hy sinh, nhiều người khác bị thương, có 2 cán bộ hy sinh là đại đội phó Diệp Văn Năm và chính trị viên phó Nguyễn Mộng Lân. Đại đội 1 bị thiệt hại nặng nhưng vẫn kiên cường chiến đấu giữ vững trận địa.
Ngày 19-2-79:
- Địch tấn công liên tục cả ngày không thành đợt rõ ràng. 5 giờ sáng, chúng chiếm mỏm ĐK và mỏm chốt cây đa thứ nhất. 1 giờ chiều chúng chiếm mỏm chốt cây đa thứ hai. Đại đội 1 bị đánh bật ra khỏi trận địa. Cán bộ, chiến sĩ đại đội 1 chiến đấu rất dũng cảm, diệt khoảng 100 tên địch. Tối 19-2, đại đội 1 rút về khu vực trường cấp 2 Sóc Giang.
- Đại đội 4 hoả lực dùng cối và 12ly7 chi viện cho các đơn vị chiến đấu tiêu diệt sinh lực địch. Theo đại đội 4 báo cáo, đơn vị đã dùng cối 82 bắn sang bên kia biên giới trúng một kho xăng của địch cháy liên tục hai ngày liền.
Ngày 20-2-79:
- Địch có khoảng 2 tiểu đoàn đánh từ phía Đôn Chương lên Sóc Giang. Chúng chia làm 2 đợt tấn công. Buổi sáng từ 9 đến 10 giờ, chiều từ 3 đến 5 giờ, có 16 xe tăng trong đội hình tấn công.
- Ta: Đại đội 2 cùng 1 tiểu đội của đại đội 1 tăng cường chiến đấu giữ vững chốt, bẻ gãy các đợt tấn công của địch, tiêu diệt 400 tên địch, 6 xe tăng. Bộ phận của đại đội 3 ở hướng UBND huyện chiến đấu diệt 2 xe tăng và 50 tên địch.
- Sơ đồ trận đánh ngày 20-2-79.
- Một số gương chiến đấu dũng cảm trong ngày 20-2:
+Binh nhất Trần Xuân Quý, 20 tuổi, bắn 5 viên đạn B41 tiêu diệt 4 xe tăng và diệt nhiều tên địch.
+Hạ sĩ tiểu đội trưởng Nguyễn Công Tâm dũng cảm xuống tận bụi tre sát mặt đường quốc lộ để bắn thẳng, tiêu diệt nhiều bộ binh địch, hy sinh cuối buổi sáng 20-2.
+Trung uý Trần Văn Tương, học viên Trường sĩ quan Chính trị thực tập tại đại đội 2, vừa chỉ huy bộ đội vừa trực tiếp chiến đấu, bị thương gãy một tay, một chân vẫn kiên quyết ở lại trận địa, hy sinh sáng 20-2.
+Thượng uý La Quang Tuyến, trung đội trưởng thuộc đại đội 3, bắn cháy 1 xe tăng địch. Binh nhất Hồ Sào Liền, dân tộc Mèo, Hà Giang tiêu diệt được 12 tên địch, đi lấy gạo gặp địch còn bắn chết được 2 tên địch...
- Ngày 20-2, ta có 20 người chết, số bị thương là...

Chính trị viên Hoàng lặng người đi khi đọc những con số ghi chép trần trụi trong cuốn nhật ký của tôi. Những thông tin này trong khi chỉ huy chiến đấu anh cũng như tôi đã biết rõ nhưng bây giờ sau một tháng đọc lại vẫn thấy nhói lên trong tim.
Chúng tôi hoàn thành bản báo cáo thành tích trong cuộc chiến đấu để gửi lên cấp trên đề nghị phong tặng danh hiệu đơn vị anh hùng cho tiểu đoàn. Rồi đây tiểu đoàn tôi trở thành một đơn vị anh hùng, nhưng tự dưng tôi lại không thấy vui mừng mà chỉ thấy man mác một nỗi buồn. Chính trị vên Hoàng đi rồi, anh em trong tiểu đội vẫn chưa đi đào công sự về, chỉ còn một mình tôi. Tự dưng nỗi buồn man mác cứ dâng dâng lên mãi trong tôi. Tôi bước ra khỏi lán ngước nhìn lên bầu trời. Có một cơn giông đang cuồn cuộn phía chân trời. Mây đen vần vũ trên những đỉnh núi lởm chởm nơi biên thuỳ.
Sau chiến tranh nhiều việc phải làm. Tình hình biên giới vẫn căng như sợi dây đàn. Bọn địch vẫn liên tục tung thám báo sang đất ta trinh sát. Thỉnh thoảng hai bên lại xảy ra những vụ nổ súng lẻ tẻ. Vẫn có những người ngã xuống vì chạm súng hoặc vướng phải mìn chưa nổ. Phía biên giới Hà Giang, Lạng sơn vẫn còn xảy ra những trận đánh lớn nữa.
Tiểu đoàn chúng tôi dần ổn định vị trí đóng quân. Những ngôi nhà nửa chìm nửa nổi trên chốt vừa là chỗ ăn nghỉ, vừa làm công sự chiến đấu khi cần thiết. Cùng với việc xây dựng trận địa, ổn định nơi ăn ở, các đơn vị bắt đầu việc bình xét, khen thưởng những người có thành tích trong chiến đấu. Nhiều người được tăng huân chương chiến công, được thăng quân hàm vượt cấp nhờ những thành tích đã lập được. Một số cán bộ cũng được bổ nhiệm chức vụ mới. Phần lớn là lên một chức. Bạn bè tôi đều được thăng quân hàm, bổ nhiệm chức vụ, được xem xét bồi dưỡng cảm tình để kết nạp vào đảng. Duy chỉ có mình tôi là không được phong quân hàm và khen thưởng gì.
Thằng Lợi được bổ nhiệm làm đại đội phó. Buổi sáng hôm lên đường nhận nhiệm vụ nó tìm đến chia tay tôi. Nó cứ băn khoăn mãi:
- Tại sao mày trong chiến đấu nhiệm vụ nào cũng hoàn thành mà lại chả được khen thưởng, thăng quân hàm, cất nhắc chức vụ gì nhỉ?
- Thì ngay trong chiến đấu tao đã được bổ nhiệm làm tiểu đội trưởng còn gì!
Tôi giải thích. Thằng Lợi gạt phắt đi:
- Lúc đánh nhau cấp trên hy sinh thì đôn cấp dưới lên. Chết thằng này thì thằng khác thay. Lúc cần người dẫn đầu đội hình đi mở đường, đi trinh sát thì mày được giao chỉ huy. Mày được chỉ định làm tiểu đội trưởng là do tình huống lúc đó cần chứ có quyết định quái gì đâu.
- Nhưng bây giờ tao vẫn là tiểu đội trưởng cơ mà!
- Tiểu đội trưởng cái tiểu đội có ba bốn người chuyên đi bới tìm liệt sĩ, đào hầm hào, vài hôm nữa xong là giải tán. Trung đội thông tin tiểu đoàn đã có trung đội trưởng mới và cán bộ khung tiểu đội chuẩn bị nhận chiến sĩ mới về huấn luyện rồi đấy!
- Thì kệ họ, tao cần quái gì cấp chức, qua chiến tranh còn giữ được cái chỗ đội nón là tốt rồi, khối thằng đã xanh cỏ rồi đấy.
Thằng Lợi lắc đầu:
- Tao cũng vẫn không hiểu vì sao tất cả đều được tặng huân chương, phong quân hàm, bổ nhiệm chức vụ riêng mày thì chả được cái gì cả... mà không ai giải thích vì sao, tức thật!
- Có nguyên nhân cả đấy! - Trợ lý tham mưu Thọ vừa vào cửa nghe rõ câu chuyện của hai chúng tôi nên lên tiếng. Chúng tôi cùng quay ra cửa. Anh Thọ đeo ba lô bước vào. Anh được bổ nhiệm làm đại đội trưởng một đại đội thuộc tiểu đoàn 2. Anh cũng đến chia tay với tôi để về nhận nhiệm vụ tại đơn vị mới. Đặt cái ba lô xuống sạp, anh chìa tay nắm tay tôi bóp chặt khiến tôi nhăn mặt. Anh nói:
- Mày bị tố cáo là trong thời gian thất lạc, tách khỏi đội hình của tiểu đoàn rất vô kỷ luật, không chấp hành mệnh lệnh của chỉ huy, tự ý đưa bộ đội đi chặn đánh địch ở Kép Ké, rồi vào bản bắt cá trộm, lấy ngô, lúa của dân...
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
... - Ơ... - Tôi há hốc mồm ngỡ ngàng vì những điều mà anh Thọ nói. Trong lúc bị thất lạc, lang thang trong vòng vây của quân thù bộ phận nào chả phải xuống các bản làng để kiếm tìm lương thực, nhặt củ khoai, củ sắn, bắp ngô của dân để ăn có sức mà chiến đấu, mà tìm về đơn vị cũ. Nhưng nếu nói như thế này thì quả tôi vi phạm kỷ luật nghiêm trọng thật. Tôi chợt thấy hơi lo lo... Anh Thọ ngần ngừ rồi nói tiếp:
- Mày còn bị tố cáo là trong lúc đang bị quân địch bao vây còn sử dụng cả... thuốc phiện nữa đấy!
Tôi càng thêm kinh ngạc khi anh Thọ cho biết là những sai phạm của tôi đã được đưa ra thảo luận tại một cuộc họp của đảng uỷ tiểu đoàn. Buổi họp để bình xét công lao, thành tích cuộc chiến đấu vừa qua. Người nêu ra những khuyết điểm của tôi không ai khác chính là đại đội trưởng Tuấn. Tôi chợt hiểu vì sao mọi chuyện anh ấy đều đổ hết cho tôi.
Khi nghe được chuyện này anh Thọ thấy bất bình cho tôi. Anh tin tôi. Nhưng anh Thọ chả thanh minh được cho tôi. Tôi cũng không thể giải thích được vì có ai hỏi lại mình xem những chuyện ấy sai đúng thế nào đâu mà phân bua. Mọi việc cứ âm thầm diễn ra ở đâu đó thế thôi. Đại đội trưởng Tuấn cũng đã được thăng quân hàm thượng uý và bổ nhiệm giữ chức vụ tiểu đoàn phó. Hiện giờ thì anh đã đi nhận nhiệm vụ tại một đơn vị huấn luyện ở tuyến sau, mãi dưới tận Hoà An, gần thị xã Cao Bằng.
Lúc tạm biệt để lên đường anh Thọ và thằng Lợi vẫn có vẻ còn ái ngại và băn khoăn cho tôi. Tôi cười cười động viên hai người:
- Thôi, chuyện đã qua rồi, chả việc gì phải suy nghĩ mãi. Chúc các vị lên đường nhận nhiệm vụ mới công thành danh toại, thăng quan tiến chức đều đều.
Anh Thọ và thằng Lợi đi rồi tôi chợt thấy trống trải và buồn quá. Tôi thả bộ ra thị trấn. Qua bản Nà Nghiềng đã lác đác có người về xem xét, thu dọn nhà cửa. Tôi bất ngờ gặp anh Bàng ở gần nhà bưu điện cũ. Anh đi quân khu công tác vừa mới về. Vừa nhìn thấy tôi anh đã hằm hằm bảo:
- Tao vừa đi công tác về nghe chuyện của mày! Đúng là... là... cái đồ... đồ...
Tôi chặn họng anh:
- Anh lại chuẩn bị phát ngôn bừa bãi vô tổ chức đấy!
- Vô tổ chức cái gì! Có tổ chức hẳn hoi mà lại chỉ nghe một phía, nhận xét không đúng về một con người. Hôm ấy tao đi vắng. Nếu ở nhà thì tao cho cái đồ sợ chết ấy một trận.
- Thôi anh ạ! Mà anh cũng hãy lo cho mình ấy! Cô Lệ thế nào rồi anh nhỉ?
- Chậc! Thì vẫn khoẻ, chúng tao sắp cưới rồi...
- Tốt quá! Chắc là cưới chạy... đẻ chứ gì?
- Mày chỉ được cái lắm chuyện. Thôi vào bản xem có kiếm được cái gì để kin lẩu không rồi lên chỗ tao ăn cơm! (kin lẩu tiếng Tày là uống rượu).
Tôi từ chối và quay về nhà ở. Vừa về đến nhà thì liên lạc gọi lên nhà chỉ huy tiểu đoàn có việc gấp. Tôi vội vã theo chiến sĩ liên lạc đi ngay. Đến cửa nhà chỉ huy tiểu đoàn tôi thấy chính trị viên Hoàng đang ngồi tiếp chuyện một người đàn ông và một cô gái. Hai người này ngồi quay lưng ra cửa. Tôi đứng nghiêm báo cáo:
- Tôi, hạ sĩ Lê Trọng Hà có mặt!
Chính trị viên Hoàng và hai người khách quay nhìn ra. Tôi sửng sốt và vui mừng nhận ra anh Chấn và cô Hoa, dân quân bản Kép Ké. Anh Chấn và cô Hoa cũng rất vui mừng vì nhận ra tôi. Anh Chấn xiết chặt tay tôi. Cô Hoa cũng vui lắm. Ba chúng tôi rối rít hỏi chuyện nhau về sau lần chia tay trong vòng vây của quân giặc ấy đã chạy đi đâu, làm sao mà thoát được sự truy đuổi ráo riết của bọn lính đặc nhiệm xâm lược. Rối rít một lúc, tôi mới chợt nhớ ra và hỏi:
- Thế anh Chấn và cô Hoa đến tận đơn vị tôi có việc gì thế?
- Chuyện là thế này! - Chính trị viên Hoàng từ nãy giờ vẫn im lặng để ba chúng tôi nói chuyện giờ mới lên tiếng: - Anh Chấn bây giờ là phó chủ tịch, kiêm xã đội trưởng Kép Ké và cô Hoa tìm đến tận đơn vị ta nhờ cậu "chứng nhận" cho đấy!
- Chứng nhận cái gì ạ?
Tôi ngạc nhiên hỏi lại và nhìn hai vị khách cũng là hai đồng đội trong chiến đấu. Anh Chấn cười vui vẻ:
- Là thế này! Đơn vị dân quân Kép Ké được đề nghị cấp trên tặng cho cái huân chương chiến công. Bọn mình làm bản báo cáo thành tích, anh Hà là người đã cùng phối hợp chiến đấu, chứng kiến những người trong trung đội dân quân chiến đấu hy sinh dũng cảm như anh Phủng, chị Láy... Đề nghị anh viết cho một giấy chứng nhận để bổ sung vào hồ sơ khen thưởng.
Tôi vội chối ngay:
- Việc này tôi không giúp được đâu! Lúc phối hợp cùng dân quân Kép Ké chiến đấu chặn bọn giặc còn có đại đội trưởng Tuấn. Anh ấy là sĩ quan chỉ huy của chúng tôi. Đề nghị phó chủ tịch xã nên tìm gặp để anh ấy chứng nhận cho.
Anh Chấn vội xua xua tay:
- Bộ đội Hà "chứng nhận" thì được, mình không lấy chứng nhận của chỉ huy Tuấn đâu. Ông ấy có tham gia trận đánh ở Kép Ké đâu mà biết.
Tôi lúng túng không biết xử trí ra sao. Anh Chấn và cô Hoa nhìn tôi chờ đợi. Chính trị viên Hoàng suy nghĩ rồi quyết định. Anh đưa giấy bút cho tôi:
- Thôi thế này! Cậu cứ viết rõ mọi việc đã chứng kiến khi phối hợp chiến đấu với dân quân bản Kép Ké sau đó để anh Chấn và cô Hoa xem lại. Nếu hai người thấy đúng, đồng ý thì tôi sẽ thay mặt tiểu đoàn ký giấy xác nhận cho họ. Nhớ là phải viết cho thật chính xác đấy!
Tôi cắm cúi viết. Tôi viết về những tấm gương chiến đấu, hy sinh dũng cảm của dân quân Kép Ké mà mình đã được chứng kiến, có nêu qua sự phối hợp của các anh em bộ đội chúng tôi nữa. Anh Hoàng xem kỹ nội dung tôi đã viết xong đưa cho anh Chấn đọc lại. Anh Chấn đọc xong kêu lên:
- Không đúng rồi!
Tôi và chính trị viên Hoàng đều ngạc nhiên. Anh Hoàng nhăn mặt hỏi lại tôi:
- Cậu viết sai hả?
Anh Chấn bảo:
- Ô... không sai nhưng không đúng, anh Hà và các đồng chí bộ đội đã dũng cảm chiến đấu chi viện dân quân chúng tôi nhiều thế, đánh địch chết nhiều thế mà trong này lại không viết gì cả. Thế là không thật đúng rồi...
Anh Hoàng thở phào nhẹ nhõm. Tôi giải thích:
- Đây là phần để chứng nhận sự chiến đấu hy sinh của dân quân Kép Ké nên chỉ cần viết về dân quân thôi anh ạ!
Tôi phải nói một hồi anh Chấn mới chịu. Chính trị viên Hoàng ký xác nhận đưa văn thư đóng dấu rồi giao tờ giấy tôi viết cho anh phó chủ tịch xã Kép Ké. Mọi việc xong xuôi tôi mới chợt nhớ ra:
- Ơ... thế cô Hoa không về trường đi học lại à?
- Em về rồi! Nhà trường nghỉ hè nên em về quê thăm ông. Nghe tin chú Chấn đi Hà Quảng tìm các anh để hoàn chỉnh hồ sơ em xin đi cùng đấy!
Hoa nói có vẻ ấp úng. Chúng tôi ngồi nói chuyện, cùng nhau nhớ về những ngày ác liệt đã qua. Bữa trưa, liên lạc lấy cơm về, chính trị viên Hoàng bảo tôi ở lại cùng ăn cơm với hai người khách đặc biệt. Đầu giờ chiều có xe ô tô của trung đội vận tải xuôi Mỏ Sắt nhận lương thực và đạn dược anh Hoàng dặn lái xe cho phó chủ tịch Chấn và cô Hoa đi nhờ để hai người về Kép Ké.
Tôi chia tay với anh Chấn và cô Hoa, những người gặp nhau trong chiến tranh, chiến đấu bên nhau chỉ với thời gian rất ngắn nhưng sao mà tôi thấy thân thiết thế.
...
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
Hình như bọn khựa là một dân tộc khát máu và tàn bạo nhất trên thế giới.
Chuyện này thì chắc chắn rồi. Em nghe các cụ CCB nói chuyện với nhau ngay cả đến đồng bọn chúng nó khi tấn công Cao bằng hay Lạng sơn bị chết chẳng thèm mang xác về mà cho mỗi xác một nhát dao thủng bụng ném xuống sông....cho chìm .
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
...Anh Hoàng được đề bạt làm chính uỷ trung đoàn. Hôm lên trung đoàn nhận nhiệm vụ gặp tôi anh bảo:
- Mày cứ yên tâm! Tao lên trung đoàn rồi sẽ cử người đi xác minh những việc ở Kép Ké xem thực hư thế nào!
Tôi chúc anh được lên chức. Thực ra tôi cũng chả quan tâm nhiều nữa đến những việc đã xảy ra trong chiến tranh. Mọi sự đã an bài. Tôi nghĩ thế. Bởi vì có những chuyện chả bao giờ phân định sai đúng một cách thật rõ ràng được đâu. Nếu nâng quan điểm lên thì là tôi sai rõ ràng. Sai ở chỗ là đã không chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy cao nhất theo điều lệnh chiến đấu của quân đội, dám tự ý dẫn anh em trong bộ phận chi viện dân quân Kép Ké chặn giặc. Tôi không chịu rút lui ngay theo lệnh của đại đội trưởng Tuấn, dẫn đến đã làm thêm tổn thất cho bộ đội. Sai nữa là ở chỗ lấy ngô lúa, bắt cá của dân. Bây giờ bà con dân bản có bỏ qua thì cũng vẫn là vi phạm kỷ luật dân vận. Nên nếu thẩm tra rõ thì mình có khi mình lại nặng tội thêm.
Tiểu đoàn bắt đầu nhận chiến sĩ mới, bước vào huấn luyện. Tôi được cử làm giáo viên huấn luyện vô tuyến 2W cho trung đội thông tin tiểu đoàn. Một buổi sáng tôi đang hướng dẫn bộ đội thực hành thao tác máy ngoài thao trường thì có lệnh về gặp chỉ huy tiểu đoàn. Tiểu đoàn trưởng Thêm dặn tôi:
- Cậu xuống gặp quản lý nhà bếp thanh toán tiền ăn, phiếu gạo, lấy sổ quân trang và giấy cung cấp tài chính... nhớ¬ lấy luôn cả giấy sinh hoạt đoàn rồi lên trung đoàn nhận nhiệm vụ ngay.
- Nhiệm vụ gì thế ạ?
- Không rõ! Cứ lên trên ấy khắc biết.
Tôi hơi hoảng nghĩ: "Hay là trung đoàn họ điều tra ra những vi phạm của mình trong chiến đấu nên triệu lên để thi hành kỷ luật". (Thời gian này ở hướng Lạng Sơn đã có chiến sĩ phải ra toà án binh, bị phạt tù vì đã dùng súng bắn một con bò của nhân dân lấy thịt ăn). Tuy vậy tôi cũng tự động viên chắc chỉ là thuyên chuyển công tác bình thường thôi, chả có chuyện gì đâu.
Tôi khoác ba lô cuốc bộ xuôi hướng Đôn Chương. Dọc đường gặp những đoàn chiến sĩ mới từ phía sau đang hành quân lên biên giới. Nhìn những khuôn mặt trẻ măng đang hăm hở đi lên tuyến trước tôi chợt thấy bâng khuâng một nỗi buồn hưu hắt. Bao giờ đất nước mình hết chiến chinh để những chàng trai trẻ tràn đầy sức sống thế kia không còn phải cầm cây súng nữa. Những người con của bao bà mẹ trên khắp đất này sẽ không còn phải ngã xuống nữa. Tôi chợt thấy lạnh người khi nghĩ cả đoàn quân trai tráng, ồn ào kia nếu chiến tranh lại xảy ra thì chỉ sau vài trận sẽ chỉ còn là những nấm mồ lẫn vào cây lá nơi biên ải. Giá như đất nước mình hoà bình thì những chàng trai này sẽ là những sinh viên, những công nhân, trí thức trên công trường, nhà máy thì hay quá. Đất nước hoà bình sẽ phát triển, không phải nghèo, phải khổ mãi. Hôm qua bưng bát lên thấy cơm của người lính tuyến trước đã phải độn nhiều ngô sắn hơn rồi. Chiến tranh sẽ bòn rút hết tiềm lực kinh tế của đất nước, sẽ quàng cái ách nghèo đói lên đầu lên cổ nhân dân.
Đến lối rẽ vào Pác Bó thì tôi đi nhờ được một chiếc xe vận tải chở vật liệu xây dựng lên biên giới cho bộ đội làm công sự. Đến Nà Giàng nơi trung đoàn bộ đóng quân tôi ghé một nhà dân ven đường nấu cơm nhờ. Chị chủ nhà nhìn tôi hỏi:
- Chú là lính cũ à?
- Vâng đúng thế ạ!
- Thảo nào nhìn mặt mũi hốc hác nhưng nhanh nhẹn lắm!
- Thế ạ!
- Thì chỉ có lính cũ nên chú mới thông thạo việc nấu nướng thế chứ!
Chị cho tôi một ít mỡ lợn, quả đu đủ xanh và nắm rau cải mới nhổ trên nương để làm thức ăn. Nấu cơm ăn xong tôi vào trung đoàn bộ thì đã đến giờ làm việc buổi chiều. Tôi tìm gặp anh trợ lý quân lực để hỏi quyết định chuyển công tác. Anh trợ lý quân lực trung đoàn vốn là người cùng quê Vĩnh Phú với tôi. Vừa thấy tôi anh đã bảo để ba lô lại và theo anh đi ngay. Tôi chột dạ hỏi:
- Đi đâu thế anh?
- Cứ đi khắc biết?
Tôi bồn chồn đi theo anh trợ lý quân lực. Anh dẫn tôi vào một căn nhà nhỏ mới làm, tường đắp bằng đất. Anh bảo tôi đứng ngoài rồi vào trước báo cáo chỉ huy. Tôi đang ngó nghiêng xung quanh thì có tiếng gọi vọng ra:
- Hà đấy à! Vào đi!
Tôi bước vào nhà, nhận ra anh Hoàng đang ngồi sau bàn làm việc. Thấy tôi vào, anh đứng dậy bắt tay và bảo tôi ngồi xuống ghế. Anh trợ lý quân lực chào về tiếp tục làm việc. Chính uỷ Hoàng rót ca nước đưa cho tôi rồi hỏi:
- Chú mày vẫn khoẻ chứ?
- Vâng ạ!
- Vẫn còn bất mãn vì chuyện không được thăng quân hàm và khen thưởng chứ?
- Em là hạ sĩ quan, hết nghĩa vụ thì phục viên về quê đi cày, quân hàm quân hiệu có là cái gì đâu mà bất mãn ạ!
- Nhưng cùng nhập ngũ với mày nhiều thằng sau chiến tranh được phong chuẩn uý, lên chức đại đội phó rồi đấy!
- Thì họ có số làm quan, số em chỉ làm lính tráng thôi anh ạ!
Anh Hoàng mỉm cười:
- Mày cũng lý luận gớm nhỉ?
- Thì em chỉ nghĩ thế nào nói thế thôi chứ lý luận gì đâu ạ!
Anh Hoàng im lặng một lát rồi đột nhiên nói sang chuyện khác:
- Việc của mày xong rồi...
- Anh đã cho người đi Kép Ké điều tra rồi ạ!
- Không... chả cần điều tra làm gì nữa?
- Sao lại thế ạ! - Tôi hỏi lại, giọng hơi run: - Vậy em phải chịu hình thức kỷ luật thế nào ạ?
- Kỷ luật cái gì?
- Thế em cứ tưởng...
Anh Hoàng bật cười:
- Tưởng cái gì! Sao chưa chi mặt mũi mày tái đi thế, lính chiến mà lại thế à. Mày chả phải kỷ luật, kỷ liệc gì cả đâu, yên tâm đi.
- Vậy là tiểu đoàn phó Tuấn đã nói lại việc của em rồi ạ?
Anh Hoàng ngần ngừ một lát rồi nói:
- Nói gì... ông ấy đã... đã... đào ngũ rồi!
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
... Tôi vô cùng sửng sốt. Tưởng là nghe nhầm tôi thảng thốt hỏi lại:
- Anh ấy là cán bộ tiểu đoàn cơ mà, có phải chiến sĩ đâu mà lại đào ngũ?
- Thế đấy! Ông ấy bỏ đơn vị về nhà đã mấy tháng nay rồi. Trung đoàn đã gọi điện, rồi cho cán bộ mấy lần về tận nhà xem xét tình hình động viên nhưng ông ấy vẫn không chịu trở lại đơn vị. Thế chả là đào ngũ thì là gì nữa!
Tôi vẫn không hiểu. Sao có chuyện tày trời thế. Tôi chỉ mới ở quân ngũ dăm năm. Trong chiến tranh chống Mỹ thì chả nói làm gì còn bây giờ sao lại có sĩ quan đào bỏ ngũ chứ. Hay là có chuyện gì đã xảy ra đối với anh Tuấn. Anh ấy vừa được bổ nhiệm lên chức vụ tiểu đoàn phó, lại chuyển về tuyến sau huấn luyện chiến sĩ mới mà lại đào ngũ thì vô lý quá. Hơn nữa bây giờ chiến tranh đã tạm thời kết thúc rồi làm gì còn nguy hiểm, ác liệt, chết chóc nữa mà phải bỏ ngũ. Tôi cảm thấy hoang mang và băn khoăn về chuyện này quá. Tôi hỏi lại anh Hoàng:
- Hay là hoàn cảnh gia đình anh ấy có vấn đề gì khó khăn hả anh?
- Chả có vấn đề gì đâu! Ông ấy bỏ ngũ thật đấy, trung đoàn đã thẩm tra, xác minh chuyện này rất kỹ rồi. Kết luận về hành động của một người sĩ quan, cán bộ quân đội phải rất thận trọng, cân nhắc kỹ. Nhưng thôi việc này mày nghe biết thế thôi, không nên nói cho ai nữa. Trung đoàn đang nghĩ cách xử trí việc ông ấy bỏ ngũ. Có thể làm chế độ để cho ông ấy ấy về phục viên. Dù sao ông ấy cũng là một người lính tham gia quân đội từ thời chống Mỹ...
Tôi vẫn không thể tin nổi việc anh Tuấn đã bỏ ngũ là sự thật. Chính uỷ Hoàng bảo:
- Ông ấy bỏ ngũ nên những việc ông ấy đã nói trong chiến đấu cũng cần phải xem xét lại. Chuyện ông ấy từng báo cáo về mày coi như là không thật chính xác. Vì thế chỉ huy trung đoàn mới gọi mày lên đây và quyết định cho mày về trường văn hóa của quân khu để ôn thi vào đại học.
Tôi thở phào nhưng trong lòng không thấy nhẹ nhõm hơn chút nào. Tôi cứ bị ám ảnh về việc anh Tuấn-một sĩ quan trung cấp, một cán bộ tiểu đoàn mà lại đào ngũ. Thật chả còn hiểu ra làm sao. Thấy tôi im lặng có vẻ vẫn chưa yên tâm, anh Hoàng cũng trầm ngâm có lẽ anh cũng đang suy nghĩ rất lung về việc của anh Tuấn. Một lát sau anh nói với tôi như nói với chính mình giọng anh chùng hẳn xuống xót xa: "Bản chất người lính chiến là thế! Sự hèn nhát không thể giấu kín mãi được đâu, hiểu không!".
Tiểu vĩ thanh
Mấy năm sau, tôi được cử đi học tại trường sĩ quan. Một hôm được nghỉ tôi đạp xe đi tranh thủ về thăm nhà. Lúc đi qua thị trấn Phù Vân tôi chợt nhìn thấy một người đang đạp xe phía trước trông có vẻ quen quen. Ông ta vừa đạp xe vừa huýt sáo một giai điệu quân hành. Một bên ghi đông cái xe đạp tồng tộc của ông treo lủng lẳng cái thủ lợn và chiếc chân giò, một bên treo xâu dồi lòng lợn. Tôi liền đạp rấn lên và nhận ra anh Tuấn. Anh Tuấn cũng nhận ngay ra tôi. Chúng tôi vui vẻ hỏi chuyện nhau. Anh Tuấn bảo tôi rẽ vào nhà anh chơi. Tôi liền đạp xe theo anh. Té ra anh mở quán bán cháo lòng tiết canh. Anh đi chợ mua đồ về để làm hàng.
Tôi và anh ngồi nói chuyện với nhau khá lâu. Có lẽ anh Tuấn không biết chuyện tôi đã rõ cái việc anh tố cáo tôi trong buổi họp đảng uỷ tiểu đoàn sau chiến tranh nên anh nói chuyện có vẻ rất tự nhiên, vô tư. Còn tôi thì chuyện cũ đã qua lâu rồi, cũng chả còn thấy bận tâm gì nữa. Tôi vui vẻ chén một bát cháo lòng anh bưng ra. Có lẽ do đang đói nên tôi thấy bát cháo ấy thật ngon...
Tôi rời Cao Bằng về xuôi để ôn thi vào đại học. Trong đoàn cán bộ, chiến sĩ về xuôi có nhiều người được cử đi đào tạo tại các trường sĩ quan. Tôi và mấy anh em nữa về trường văn hoá của quân khu. Chúng tôi sẽ ôn tập để thi vào các trường đại học. Khi còn đi học phổ thông tôi vẫn ước mơ thi vào khoa văn của trường đại học tổng hợp Hà Nội. Nhưng sau cuộc chiến tranh biên giới này tôi lại muốn thi vào trường đại học nông nghiệp. Tôi muốn mình thành một kỹ sư trồng lúa. Tôi nghĩ đến đồng bào biên giới thiếu đói quanh năm mà khi chiến tranh xảy ra vẫn giành gạo ngô cho bộ đội. Tôi nhớ đến cái đói run người những lần leo dốc hành quân. Cái đói khiến bao người lính gục ngã nơi chân dốc núi trong một trận đánh không cân sức. Cái đói đã giết chết mấy chục cán bộ, chiến sĩ trong hang sâu khi họ bị bọn giặc đánh sập cửa hang. Nghĩ đến lúc được ra quân trở thành một sinh viên tôi lại thấy nao nao trong lòng. Tôi có biết đâu cuộc đời thường không định trước được mọi việc. Sắp đến kỳ thi đại học thì tôi lại được cử đi học tại một trường sĩ quan.
Ngày ấy, trước khi rời mảnh đất Cao Bằng đầy gian khổ hy sinh ấy tôi rủ thằng Lâm ra đến thăm mộ em Mai. Thằng Lâm được cử đi đào tạo tại trường sĩ quan thông tin.
Đêm trước tôi đã thức và viết một bài thơ để sáng nay đọc cho em nghe. Mộ của Mai trên một bãi đất phẳng ven bờ con suối nhỏ. Sau khi dọn cỏ sạch sẽ, tôi bảo thằng Lâm châm mấy nén nhang.
Quỳ trước nấm mộ người em gái dũng cảm tôi đọc cho em nghe bài thơ của mình đã viết. Bài thơ "Thôi em ở lại" (*).
Đọc xong tôi xoè diêm đốt tờ giấy ghi bài thơ ấy để gửi cho người liệt nữ đang ở một thế giới xa xôi. Tờ giấy chép thơ cháy bỏng trên tay tôi. Một cơn gió từ đâu thổi đến làm ngọn lửa bùng cháy lên sáng bừng rồi lụi tàn dần. Một chút tro tàn rơi trên nấm mộ cỏ đã lên xanh...
*
Hai mươi năm sau cuộc chiến tranh biên giới, mãi năm 1999, tôi mới lại có dịp trở lại Cao Bằng. Tôi lại đi theo đúng con đường ngày xưa mình hành quân ra trận. Thị xã Cao Bằng hai mươi năm trước đầy dấu vết chiến tranh, xác xe tăng quân giặc vương vãi ở Bế Triều, Hoà An. Hai mươi năm sau, thị xã đầy ăm ắp hàng hoá mang nhãn hiệu "made in China". Quá khứ lùi xa, lòng nhân ái vượt lên trên sự hận thù. Chiến tranh là ý chí, hành động của những người lãnh đạo, của thượng tầng kiến trúc. Hoà bình là xu hướng, là mong mỏi của nhân dân, của hạ tầng cơ sở.
Ở thị xã vùng biên này tôi lại gặp những người Trung Quốc sang buôn bán, du lịch, nét mặt thân thiện. Hơn hai mươi năm trước, trước khi cuộc chiến xảy ra, tôi cũng đã gặp những người dân Tàu sang chợ vùng biên của ta ở Hà Quảng. Họ mua xôi, thịt, thức ăn ngon của bà con ta rồi ăn luôn tại chợ, họ chỉ mua sắn, ngô gùi về nhà. Hỏi ra mới biết ngày ấy người dân Trung Quốc cũng rất nghèo, rất đói, ăn không dám ăn ngon, mặc không dám mặc đẹp. Cũng như ở ta thời bao cấp, để hoà đồng với mọi người, nhà mình có được ăn no vẫn phải kêu đói, áo lành, áo mới mặc lận vào trong, áo rách khoác ra ngoài để tránh bị quy kết này nọ.
Cao Bằng ngày chúng tôi lên giữ đất (1979) cũng rất nghèo, dân cũng còn thiếu đói. Nhưng tôi nhớ mãi một chuyện gặp ở chợ Sóc Giang. Hôm đó đơn vị chúng tôi đi huấn luyện triển khai mạng thông tin dã ngoại. Được thanh toán tiền ăn, anh em trong tiểu đội kéo nhau ra chợ mua thêm cân thịt lợn cải thiện thêm bữa ăn. Khi tôi hỏi giá, bà bán thịt lợn bảo tôi:
- Một cân bán cho dân hai mươi đồng, bán cho bộ đội chỉ lấy mười tám đồng thôi! (Không biết tôi có nhớ nhầm trị giá đồng tiền ngày ấy không?).
Tôi ngạc nhiên hỏi lại:
- Tại sao lại thế ạ?.
Bà bán hàng người dân tộc cười nói rất tự nhiên:
- Chả tại sao cả! Cái gì bán cho bộ đội cũng cứ thấp hơn thế đấy!
Thì ra ở chợ có một quy định không thành văn là hàng hoá bán cho bộ đội đều thấp hơn so với bán cho người khác từ 15 đến 20%. Mà có điều lạ là chả ai phổ biến, quán triệt nhưng bà con dân tộc đem hàng ra chợ ai cũng làm như vậy. Và không ai từ chối khi bộ đội hỏi mua hàng. Quy định bất thành văn đó chính là lòng dân thương yêu bộ đội mà có. Một lần đi công tác dừng lại nấu cơm dọc đường, thấy vườn đu đủ trên sườn núi trĩu quả, tôi hỏi mua, ông chủ vườn bảo: "Chú cứ lấy mà ăn! Để lại cái hột là được". Đu đủ chín đầy vườn bộ đội muốn ăn thì cứ lấy, ăn xong để lại cái hạt cho những cây con mới mọc lên.
Chính nhờ lòng dân như vậy đã giúp chúng tôi đứng vững và chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Trong những trận đánh ác liệt để giữ từng tấc đất thiêng liêng nơi biên giới ấy có bao người dân đã ngã xuống cùng người lính trong chiến hào. Thời phong kiến xa xưa, các vua quan Việt Nam từng coi dân bản xứ ở nơi biên thuỳ như là những người lính tiền tiêu trấn giữ nơi biên ải vì thế. Tôi đã viết các truyện ngắn Gió núi, Đá dựng, Nước lũ... từ những câu chuyện về tình quân dân ngày ấy. Tôi cũng đã hoàn thành bản thảo truyện dài này viết về chiến tranh biên giới.
Mong rằng trong tương lai thế hệ con em chúng ta sẽ không còn phải trải qua bất cứ một cuộc chiến tranh mới nào nữa. Máu đổ đã quá nhiều rồi, trên dải đất hình chữ S mong manh này biết bao mất mát, đau thương. Tôi không bao giờ quên một vùng biên giới Cao Bằng với bao nhiêu đồng đội của tôi còn nằm lại. Nhớ về họ tôi muốn gọi một câu: "Đồng đội ơi! Bao nhiêu năm rồi tôi vẫn nhớ một vùng đất thân yêu chúng mình từng gắn bó mà bạn đã lên đó không trở về...".
Cao Bằng, 6-1979
Hà Nội, 7-2009
Hết.
 

bridge

Xe container
Biển số
OF-41446
Ngày cấp bằng
24/7/09
Số km
5,109
Động cơ
306,539 Mã lực
Nơi ở
Hà Nội
Em đọc truyện một mạch. Quá hay và đầy nước mắt, rất bi hùng.
Xin cảm ơn cụ chủ thớt và tác gỉa câu chuyện !!
 

Hổ Con

Xe tăng
Biển số
OF-4244
Ngày cấp bằng
14/4/07
Số km
1,818
Động cơ
1,075,649 Mã lực
Nơi ở
Bốn biển là nhà
Em cũng xin cảm ơn cụ chủ và tác giả. Kính cụ 1 ly !!
 

tranvuhoang2005

Xe điện
Biển số
OF-11454
Ngày cấp bằng
7/11/07
Số km
2,683
Động cơ
554,425 Mã lực
Văn thơ, gái mú vào nó mới hấp dẫn người đọc chứ cụ :D

Tiếc hầy, được nặn vú sữa thôi chả có gì khác

Có lẽ đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng người chiến sĩ đó biết mùi đàn ông

Đây không phải chỗ để nói đùa những câu vô cảm như vậy. Cần tôn trọng sự hy sinh mất mát của liệt sĩ chứ? Cụ nói thế dễ bị ném đá lắm đấy
 
Chỉnh sửa cuối:

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
Cảm ơn các cụ đã cho em uống vốt ka.

Thưa các cụ . Chiến tranh tuy đã lùi xa nhưng dư âm và hậu quả của nó vẫn còn để lại đến ngày hôm nay. Em và một số cụ cùng thế hệ may mắn là không phải tham gia vào những cuộc chiến này. Tuy vậy trong gia đình các cụ ở đây chắc là cũng nhiều cụ có bà con, anh em cũng từng là lính thời đó, những câu chuyện ( cho dù có hơi hướng văn học một chút, chủ yếu các tác giả lược đi những đoạn ....rất lính ) nhưng cũng cho thế hệ mai sau hiểu rõ hơn về những hy sinh , mất mát của dân tộc và những người lính đã ngã xuống cho chúng ta có cuộc sống bình yên hôm nay.

Khi nào có điều kiện em tìm lại một số hồi ký, hồi ức của các CCB pots tiếp hầu các cụ.

Một lần nữa cảm ơn các cụ đã đọc, tri ân tác giả và chia sẻ những cảm nhận cùng em !
 

sunghuou

Xe buýt
Biển số
OF-75011
Ngày cấp bằng
9/10/10
Số km
642
Động cơ
426,220 Mã lực
Em đọc một mạch, đọc xong lặng người đi, cảm phục sự hy sinh anh dũng. Kính cẩn nghiêng mình trước vong linh các liệt sỹ!
 

ynhi2208

Xe điện
Biển số
OF-80429
Ngày cấp bằng
16/12/10
Số km
2,277
Động cơ
435,741 Mã lực
Nơi ở
Bốn bể là nhà,quê hương chỉ một
Đây không phải chỗ để nói đùa những câu vô cảm như vậy. Cần tôn trọng sự hy sinh mất mát của liệt sĩ chứ? Cụ nói thế dễ bị ném đá lắm đấy
Cụ thấy em vô cảm chỗ nào ạ, người lính cũng là người thôi cụ. Những cái em nói là những điều tác giả viết lên trong cái đoạn ngay trên bài post của em cụ nhé. Hay cụ chưa đọc đã chém em rồi
 

tranvuhoang2005

Xe điện
Biển số
OF-11454
Ngày cấp bằng
7/11/07
Số km
2,683
Động cơ
554,425 Mã lực
Cụ lưu ý cho, nữ chiến sỹ này đã hy sinh rồi nhé. Nếu còn sống thì có thể nói thế được. Nên tôn trọng vong linh liệt sỹ!
 

c'est_la_vie

Xe hơi
Biển số
OF-63876
Ngày cấp bằng
12/5/10
Số km
144
Động cơ
439,050 Mã lực
Cám ơn chủ thớt đã post lên đây câu chuyện (hồi ký) nhiều ý nghĩa sâu sắc. Ấn tượng với câu nói ở đoạn kết của tác giả ".....Chiến tranh là ý chí, hành động của những người lãnh đạo, của thượng tầng kiến trúc. Hoà bình là xu hướng, là mong mỏi của nhân dân, của hạ tầng cơ sở."
 
Thông tin thớt
Đang tải

Bài viết mới

Top