... Tôi vô cùng sửng sốt. Tưởng là nghe nhầm tôi thảng thốt hỏi lại:
- Anh ấy là cán bộ tiểu đoàn cơ mà, có phải chiến sĩ đâu mà lại đào ngũ?
- Thế đấy! Ông ấy bỏ đơn vị về nhà đã mấy tháng nay rồi. Trung đoàn đã gọi điện, rồi cho cán bộ mấy lần về tận nhà xem xét tình hình động viên nhưng ông ấy vẫn không chịu trở lại đơn vị. Thế chả là đào ngũ thì là gì nữa!
Tôi vẫn không hiểu. Sao có chuyện tày trời thế. Tôi chỉ mới ở quân ngũ dăm năm. Trong chiến tranh chống Mỹ thì chả nói làm gì còn bây giờ sao lại có sĩ quan đào bỏ ngũ chứ. Hay là có chuyện gì đã xảy ra đối với anh Tuấn. Anh ấy vừa được bổ nhiệm lên chức vụ tiểu đoàn phó, lại chuyển về tuyến sau huấn luyện chiến sĩ mới mà lại đào ngũ thì vô lý quá. Hơn nữa bây giờ chiến tranh đã tạm thời kết thúc rồi làm gì còn nguy hiểm, ác liệt, chết chóc nữa mà phải bỏ ngũ. Tôi cảm thấy hoang mang và băn khoăn về chuyện này quá. Tôi hỏi lại anh Hoàng:
- Hay là hoàn cảnh gia đình anh ấy có vấn đề gì khó khăn hả anh?
- Chả có vấn đề gì đâu! Ông ấy bỏ ngũ thật đấy, trung đoàn đã thẩm tra, xác minh chuyện này rất kỹ rồi. Kết luận về hành động của một người sĩ quan, cán bộ quân đội phải rất thận trọng, cân nhắc kỹ. Nhưng thôi việc này mày nghe biết thế thôi, không nên nói cho ai nữa. Trung đoàn đang nghĩ cách xử trí việc ông ấy bỏ ngũ. Có thể làm chế độ để cho ông ấy ấy về phục viên. Dù sao ông ấy cũng là một người lính tham gia quân đội từ thời chống Mỹ...
Tôi vẫn không thể tin nổi việc anh Tuấn đã bỏ ngũ là sự thật. Chính uỷ Hoàng bảo:
- Ông ấy bỏ ngũ nên những việc ông ấy đã nói trong chiến đấu cũng cần phải xem xét lại. Chuyện ông ấy từng báo cáo về mày coi như là không thật chính xác. Vì thế chỉ huy trung đoàn mới gọi mày lên đây và quyết định cho mày về trường văn hóa của quân khu để ôn thi vào đại học.
Tôi thở phào nhưng trong lòng không thấy nhẹ nhõm hơn chút nào. Tôi cứ bị ám ảnh về việc anh Tuấn-một sĩ quan trung cấp, một cán bộ tiểu đoàn mà lại đào ngũ. Thật chả còn hiểu ra làm sao. Thấy tôi im lặng có vẻ vẫn chưa yên tâm, anh Hoàng cũng trầm ngâm có lẽ anh cũng đang suy nghĩ rất lung về việc của anh Tuấn. Một lát sau anh nói với tôi như nói với chính mình giọng anh chùng hẳn xuống xót xa: "Bản chất người lính chiến là thế! Sự hèn nhát không thể giấu kín mãi được đâu, hiểu không!".
Tiểu vĩ thanh
Mấy năm sau, tôi được cử đi học tại trường sĩ quan. Một hôm được nghỉ tôi đạp xe đi tranh thủ về thăm nhà. Lúc đi qua thị trấn Phù Vân tôi chợt nhìn thấy một người đang đạp xe phía trước trông có vẻ quen quen. Ông ta vừa đạp xe vừa huýt sáo một giai điệu quân hành. Một bên ghi đông cái xe đạp tồng tộc của ông treo lủng lẳng cái thủ lợn và chiếc chân giò, một bên treo xâu dồi lòng lợn. Tôi liền đạp rấn lên và nhận ra anh Tuấn. Anh Tuấn cũng nhận ngay ra tôi. Chúng tôi vui vẻ hỏi chuyện nhau. Anh Tuấn bảo tôi rẽ vào nhà anh chơi. Tôi liền đạp xe theo anh. Té ra anh mở quán bán cháo lòng tiết canh. Anh đi chợ mua đồ về để làm hàng.
Tôi và anh ngồi nói chuyện với nhau khá lâu. Có lẽ anh Tuấn không biết chuyện tôi đã rõ cái việc anh tố cáo tôi trong buổi họp đảng uỷ tiểu đoàn sau chiến tranh nên anh nói chuyện có vẻ rất tự nhiên, vô tư. Còn tôi thì chuyện cũ đã qua lâu rồi, cũng chả còn thấy bận tâm gì nữa. Tôi vui vẻ chén một bát cháo lòng anh bưng ra. Có lẽ do đang đói nên tôi thấy bát cháo ấy thật ngon...
Tôi rời Cao Bằng về xuôi để ôn thi vào đại học. Trong đoàn cán bộ, chiến sĩ về xuôi có nhiều người được cử đi đào tạo tại các trường sĩ quan. Tôi và mấy anh em nữa về trường văn hoá của quân khu. Chúng tôi sẽ ôn tập để thi vào các trường đại học. Khi còn đi học phổ thông tôi vẫn ước mơ thi vào khoa văn của trường đại học tổng hợp Hà Nội. Nhưng sau cuộc chiến tranh biên giới này tôi lại muốn thi vào trường đại học nông nghiệp. Tôi muốn mình thành một kỹ sư trồng lúa. Tôi nghĩ đến đồng bào biên giới thiếu đói quanh năm mà khi chiến tranh xảy ra vẫn giành gạo ngô cho bộ đội. Tôi nhớ đến cái đói run người những lần leo dốc hành quân. Cái đói khiến bao người lính gục ngã nơi chân dốc núi trong một trận đánh không cân sức. Cái đói đã giết chết mấy chục cán bộ, chiến sĩ trong hang sâu khi họ bị bọn giặc đánh sập cửa hang. Nghĩ đến lúc được ra quân trở thành một sinh viên tôi lại thấy nao nao trong lòng. Tôi có biết đâu cuộc đời thường không định trước được mọi việc. Sắp đến kỳ thi đại học thì tôi lại được cử đi học tại một trường sĩ quan.
Ngày ấy, trước khi rời mảnh đất Cao Bằng đầy gian khổ hy sinh ấy tôi rủ thằng Lâm ra đến thăm mộ em Mai. Thằng Lâm được cử đi đào tạo tại trường sĩ quan thông tin.
Đêm trước tôi đã thức và viết một bài thơ để sáng nay đọc cho em nghe. Mộ của Mai trên một bãi đất phẳng ven bờ con suối nhỏ. Sau khi dọn cỏ sạch sẽ, tôi bảo thằng Lâm châm mấy nén nhang.
Quỳ trước nấm mộ người em gái dũng cảm tôi đọc cho em nghe bài thơ của mình đã viết. Bài thơ "Thôi em ở lại"
.
Đọc xong tôi xoè diêm đốt tờ giấy ghi bài thơ ấy để gửi cho người liệt nữ đang ở một thế giới xa xôi. Tờ giấy chép thơ cháy bỏng trên tay tôi. Một cơn gió từ đâu thổi đến làm ngọn lửa bùng cháy lên sáng bừng rồi lụi tàn dần. Một chút tro tàn rơi trên nấm mộ cỏ đã lên xanh...
*
Hai mươi năm sau cuộc chiến tranh biên giới, mãi năm 1999, tôi mới lại có dịp trở lại Cao Bằng. Tôi lại đi theo đúng con đường ngày xưa mình hành quân ra trận. Thị xã Cao Bằng hai mươi năm trước đầy dấu vết chiến tranh, xác xe tăng quân giặc vương vãi ở Bế Triều, Hoà An. Hai mươi năm sau, thị xã đầy ăm ắp hàng hoá mang nhãn hiệu "made in China". Quá khứ lùi xa, lòng nhân ái vượt lên trên sự hận thù. Chiến tranh là ý chí, hành động của những người lãnh đạo, của thượng tầng kiến trúc. Hoà bình là xu hướng, là mong mỏi của nhân dân, của hạ tầng cơ sở.
Ở thị xã vùng biên này tôi lại gặp những người Trung Quốc sang buôn bán, du lịch, nét mặt thân thiện. Hơn hai mươi năm trước, trước khi cuộc chiến xảy ra, tôi cũng đã gặp những người dân Tàu sang chợ vùng biên của ta ở Hà Quảng. Họ mua xôi, thịt, thức ăn ngon của bà con ta rồi ăn luôn tại chợ, họ chỉ mua sắn, ngô gùi về nhà. Hỏi ra mới biết ngày ấy người dân Trung Quốc cũng rất nghèo, rất đói, ăn không dám ăn ngon, mặc không dám mặc đẹp. Cũng như ở ta thời bao cấp, để hoà đồng với mọi người, nhà mình có được ăn no vẫn phải kêu đói, áo lành, áo mới mặc lận vào trong, áo rách khoác ra ngoài để tránh bị quy kết này nọ.
Cao Bằng ngày chúng tôi lên giữ đất (1979) cũng rất nghèo, dân cũng còn thiếu đói. Nhưng tôi nhớ mãi một chuyện gặp ở chợ Sóc Giang. Hôm đó đơn vị chúng tôi đi huấn luyện triển khai mạng thông tin dã ngoại. Được thanh toán tiền ăn, anh em trong tiểu đội kéo nhau ra chợ mua thêm cân thịt lợn cải thiện thêm bữa ăn. Khi tôi hỏi giá, bà bán thịt lợn bảo tôi:
- Một cân bán cho dân hai mươi đồng, bán cho bộ đội chỉ lấy mười tám đồng thôi! (Không biết tôi có nhớ nhầm trị giá đồng tiền ngày ấy không?).
Tôi ngạc nhiên hỏi lại:
- Tại sao lại thế ạ?.
Bà bán hàng người dân tộc cười nói rất tự nhiên:
- Chả tại sao cả! Cái gì bán cho bộ đội cũng cứ thấp hơn thế đấy!
Thì ra ở chợ có một quy định không thành văn là hàng hoá bán cho bộ đội đều thấp hơn so với bán cho người khác từ 15 đến 20%. Mà có điều lạ là chả ai phổ biến, quán triệt nhưng bà con dân tộc đem hàng ra chợ ai cũng làm như vậy. Và không ai từ chối khi bộ đội hỏi mua hàng. Quy định bất thành văn đó chính là lòng dân thương yêu bộ đội mà có. Một lần đi công tác dừng lại nấu cơm dọc đường, thấy vườn đu đủ trên sườn núi trĩu quả, tôi hỏi mua, ông chủ vườn bảo: "Chú cứ lấy mà ăn! Để lại cái hột là được". Đu đủ chín đầy vườn bộ đội muốn ăn thì cứ lấy, ăn xong để lại cái hạt cho những cây con mới mọc lên.
Chính nhờ lòng dân như vậy đã giúp chúng tôi đứng vững và chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Trong những trận đánh ác liệt để giữ từng tấc đất thiêng liêng nơi biên giới ấy có bao người dân đã ngã xuống cùng người lính trong chiến hào. Thời phong kiến xa xưa, các vua quan Việt Nam từng coi dân bản xứ ở nơi biên thuỳ như là những người lính tiền tiêu trấn giữ nơi biên ải vì thế. Tôi đã viết các truyện ngắn Gió núi, Đá dựng, Nước lũ... từ những câu chuyện về tình quân dân ngày ấy. Tôi cũng đã hoàn thành bản thảo truyện dài này viết về chiến tranh biên giới.
Mong rằng trong tương lai thế hệ con em chúng ta sẽ không còn phải trải qua bất cứ một cuộc chiến tranh mới nào nữa. Máu đổ đã quá nhiều rồi, trên dải đất hình chữ S mong manh này biết bao mất mát, đau thương. Tôi không bao giờ quên một vùng biên giới Cao Bằng với bao nhiêu đồng đội của tôi còn nằm lại. Nhớ về họ tôi muốn gọi một câu: "Đồng đội ơi! Bao nhiêu năm rồi tôi vẫn nhớ một vùng đất thân yêu chúng mình từng gắn bó mà bạn đã lên đó không trở về...".
Cao Bằng, 6-1979
Hà Nội, 7-2009
Hết.