[Funland] Trong vòng lửa ( Dốc núi )

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
...Sau khi mai táng các liệt sĩ về, Ngọc và Thuỳ được gọi lên bổ sung vào bộ phận nuôi quân của tiểu đoàn. Hai cô bé này đã đi cùng với đơn vị chúng tôi cho đến hết chiến tranh. Khi nhìn hai cô bé, thắt lưng gài lựu đạn, vai đeo cái ba lô tự tạo làm bằng cái quần dài hai ống buộc túm lại giống hệt các chiến sĩ khi rút lui khỏi trận địa phòng ngự, tôi cười bảo:
- Hai em đã là chiến sĩ thực sự rồi đấy nhé!
- Chúng em sẽ cố gắng anh ạ!
Tôi dặn:
- Trong tình huống nào cũng phải cố mà bám bằng được theo bộ đội nhé!
Cả hai gật đầu. Nhớ đến Mai, tôi lại cầu mong cho hai cô bé sẽ bình an để được trở về với mẹ, tiếp tục học hành. Trong đêm vượt vây Ngọc và Thuỳ đã cứu được một em bé. Đó là hôm đơn vị rút sang Nguyên Bình, Ngọc và Thuỳ đi phía sau đội hình có nhiều bà con đồng bào các bản. Đoàn người gồng gánh, bế bồng con cái bám theo bộ đội vượt đường quốc lộ. Giữa lúc cả đoàn người đang âm thầm len lỏi đi dưới chân điểm chốt của địch thì xảy ra sự cố. Một đứa trẻ chưa đầy tháng mà người mẹ trẻ đang ôm trên tay bỗng giật mình bật lên tiếng khóc. Tiếng khóc của một sinh linh chưa hiểu chiến tranh và sự hiểm nguy là gì. Người mẹ trẻ ấy sợ bọn địch phát hiện ra đội hình đang vượt vây sẽ dẫn đến cái chết của hàng trăm người nên vội vàng lấy khăn bịt miệng con không cho khóc nữa. Lúc sang đến bên kia cánh đồng thì đứa bé ngừng thở. Tưởng đứa con chưa đã chết, người mẹ ấy vội đặt con vào hốc đá rồi dắt đứa lớn chạy theo đoàn người. Đứa trẻ số không chết. Khi được đặt xuống đất lạnh, nó dần tỉnh lại. Ngọc và Thuỳ đi gần cuối đội hình chợt nghe tiếng trẻ con khóc bèn quay lại tìm. Ngọc liền cởi áo bọc đứa trẻ ôm chạy theo bộ đội. Nhận lại đứa con từ tay hai cô nữ thanh niên xung phong, người mẹ ấy cứ khóc mãi
Khi sương mù vừa tan thì tiếng súng nổ chát chúa khắp Lũng Mật. Đó là tiếng súng 12ly7 và tiếng cối 60. Thung lũng mù mịt lửa khói. Tiếng kêu hoảng loạn của nhiều người vang lên.
Khi xác định được hướng bắn của bọn địch chúng tôi càng sợ. Bọn địch đã vác được súng 12ly7, đại liên và cối 60 lên một mỏm núi cheo leo dốc đứng đầu Lũng Mật mà từ đây chúng có thể khống chế toàn bộ Lũng Mật. Bọn này chắc chắn phải là lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ của quân địch.
Chúng tôi vội ép người sau các mô đá chống trả. Nhưng có nhiều người nấp sau mô đá vẫn bị trúng đạn của bọn đang ngồi trên cao. Những viên đạn bắn tỉa của chúng xỉa xuống khá chính xác. Tiểu đoàn trưởng Thêm và chính trị viên Hoàng lệnh cho các đơn vị vượt qua đoạn dốc yên ngựa rút đi. Nhưng nếu không khống chế được hoả lực địch trên mỏm núi đầu Lũng Mật thì đội hình leo lên dốc sẽ làm những tấm bia sống cho bọn giặc thử súng.
Trong lúc tình hình vô cùng nguy ngập ấy, đại đội trưởng Bàng đi đến một quyết định táo bạo. Anh lệnh cho một khẩu đội 12ly7 vòng ra phía sau lưng địch. Họ leo lên một mô đá trống trải phơi mình ra cho bọn bắn tỉa. Nhưng từ đây họ có thể dùng hỏa lực mạnh bắn thẳng lên mỏm núi bọn địch đang đặt hoả lực khống chế bộ đội ta ở Lũng Mật.
Khẩu 12ly7 do đại đội trưởng Bàng chỉ huy bắt đầu lên tiếng. Đạn 12ly7 nổ choang choác xả vào vị trí của bọn địch. Bị bất ngờ, bọn địch trên mỏm núi lúng túng. Chúng phải quay súng về phía mô đá. Lợi dụng cơ hội đó, tiểu đoàn trưởng Thêm lệnh cho các bộ phận nhanh chóng vượt qua dốc yên ngựa rút sang thung lũng bên cạnh. Chúng tôi chạy gằn trên đoạn dốc trống trải, vừa chạy vừa tránh đạn địch. Đó là một cuộc chạy đua với cái chết thực sự. Cứ chạy một đoạn chúng tôi lại nằm sấp xuống mặt đường tránh đạn. Đạn bắn xối xả, khói bụi mù mịt. Vẫn có những người bị trúng đạn chới với ngã gục xuống mặt đường hoặc lăn nhào xuống sườn núi. Linh tính hình như giúp tôi thoát khỏi những loạt đạn bắn đuổi của bọn địch. Tôi đeo ba lô, xách súng, chạy ngược dốc. Cứ chạy được một đoạn khi tôi vừa nằm ép xuống mặt đường thì đạn lại bắn chiu chíu ngay sát trên lưng, lá cây ven đường rụng lả tả. Thật may, lần nào cũng thoát cả. Thằng Hoà, trợ lý chính trị tiểu đoàn chạy trước tôi. Khi nấp được sau một mô đá khá an toàn, nhìn thấy tôi lúc chạy gằn, lúc nằm bẹp xuống mặt đường nó bèn gọi to:
- Hà ơi! Cứ bình tĩnh mà chạy lên đây, tao yểm hộ cho...
Nó cầm khẩu M79 giơ giơ lên động viên tôi. Tôi nghe tiếng nó gọi vừa ngước lên nhìn nó thì nghe rầm một tiếng. Quả đạn cối 60 nổ ngay trên vách núi gần chỗ nó đang nấp. Khói bụi mù mịt. Tôi hốt hoảng nghĩ: "Thôi chết! Không khéo thằng này tan tành thành từng mảnh mất rồi!".

Lợi dụng địch vừa ngừng bắn, tôi nhỏm ngay dậy lao lên. Lúc tôi lăn được sang phía bên kia dốc yên ngựa, khuất hẳn tầm bắn của bọn địch thì gặp thằng Hoà đang ngồi thu lu trong một hẻm đá. Thấy nó không bị sây sát gì tôi mừng lắm. Tôi bảo:
- Chờ mày yểm hộ thì tao toi mạng từ tám hoánh nào rồi...
Nó cười hề hề tuy mặt thì vẫn còn tái đi:
- Nói thế để cho mày yên tâm! Tao chỉ còn mỗi hai viên đạn thì yểm hộ cái cóc khô gì được nữa.
- Thảo nào nó mới choang cho một quả cối mày đã chuồn nhanh thế!
- Hì... suýt nữa thì tao tan xác với nó đấy! Mà này, đói chưa?
- Từ sáng đến giờ nó choảng cho tối mắt, tối mũi đã kiếm được cái gì cho vào bụng đâu!
Thằng Hoà lục cóc ba lô lôi ra nửa con gà luộc. Nó xé đưa cho tôi cái đùi và bảo:
- Hôm qua xuống bản, bà con cho đấy! Mày ăn lấy một miếng đi.
Thịt gà ăn vã, không muối, nhạt bã ra trong miệng.
Đến gần trưa thì các bộ phận đều rút ra khỏi được Lũng Mật. Cũng chẳng biết ai hy sinh, ai bị thương nữa. Tôi kiểm tra bộ phận của mình thấy còn đủ là biết an toàn thôi. Chúng tôi tiếp tục đi tìm vị trí ẩn náu mới tìm thời cơ phá vây rút lui sang Nguyên Bình theo mệnh lệnh của trung đoàn.
Buổi chiều, tôi và thằng Quý đang đi tìm kiếm mạch nước thì gặp anh Bàng trong một khe núi. Tay trái anh băng kín treo lên cổ. Tôi liền nhao đến hỏi:
- Anh bị thương à?
- Gãy mẹ nó một tay rồi mày ạ!
- Trúng đạn à?
- Đạn nào bắn trúng tao được. Lúc tao lăn từ mô đá xuống bị ngã đấy!
- Anh phải cố định thật cẩn thận đấy!
- Mẹ kiếp! Kiểu này thì leo vách đá thế quái nào được nữa. Mà tao cũng đếch cần rút lui nữa. Bọn chúng truy đuổi đến đây tao thí mạng với chúng luôn. Tay phải tao vẫn bắn súng ngắn tốt, mày yên tâm...
Tôi định chào anh để đi thì nhác thấy bóng cô tiểu đội trưởng dân quân bản Táp Ná đang lúi húi mắc võng trong khe đá. A! Ông này số vẫn đào hoa ghê. Tôi nháy mắt khẽ nói:
- Bây giờ chắc không lo bị bắt quả tang nữa anh nhỉ?
- Dân quân các bản cũng đã chạy hết lên núi cùng bộ đội. Cô ấy đến giúp đại đội tao khoản hậu cần ấy mà...
- Cả cái khoản XYZ nữa chứ?
- Thôi mày biến đi! Đánh nhau mệt bỏ mẹ còn XYZ gì được nữa!
Tôi bữu môi:
- Mỡ đến miệng mèo kiêng làm sao được... hi...hi...
Tôi vừa quay đi thì anh gọi giật lại:
- Khoan đã, quay lại tao bảo.
Tôi dừng lại. Anh Bàng rút từ cái túi đeo bên người đưa cho tôi một cái gói nhỏ và dặn:
- Ruốc bông trộn mỳ chính đấy! Lúc nào đói khát và mệt quá thì ngậm một nhúm vào miệng cho lại sức. Nhìn mày ốm yếu thế tao lo lắm!
- Vâng... anh phải cẩn thận nhé!

- Mày cũng phải cẩn thận đấy! Nghe nói mày hay liều lĩnh lắm phải không?
- Em có liều gì đâu?
- Bọn nó nói hôm nọ mấy thằng chúng mày xuống bản Nà Nghiềng bị một trận hút chết hả?
- Hì... tại hôm ấy đói quá...
- Đói thì đói cũng không được chủ quan nhá!
....................
 

ynhi2208

Xe điện
Biển số
OF-80429
Ngày cấp bằng
16/12/10
Số km
2,118
Động cơ
435,741 Mã lực
Nơi ở
Bốn bể là nhà,quê hương chỉ một
Thì ra, khi lên tới Lũng Mật đã gần sáng, hai cô bé này mệt và buồn ngủ quá liền chui bừa vào một hốc đá chỗ có các chiến sĩ đang nằm định ngồi nhờ cho đỡ rét. Thấy có mấy người đang trùm chăn nằm ngủ hai cô bé liền ôm nhau nằm cạnh. Họ kéo cái chăn họ đang trùm đắp ké cho đỡ lạnh. Sáng ra, hai cô bé mới biết là suốt đêm qua họ đã nằm cùng các liệt sĩ khi trung đội trưởng Thành và mấy chiến sĩ vận tải đến để chuẩn bị việc mai táng. Hai cô bé thanh niên xung phong sợ tái nhợt cả mặt mũi. Bây giờ các cô mới hiểu thảo nào cả đêm nằm sát các anh mà vẫn cứ lạnh và lạ nhất suốt đêm chả thấy ai trở mình cục cựa lần nào. Cả hai lại cứ nghĩ là các anh mệt quá nên ngủ chìm đi.
Rõ mọi chuyện, tôi tìm cách an ủi:
- Đừng sợ! Đó đều là đồng đội của chúng ta cả thôi. Các anh ấy vì Tổ quốc mà hy sinh chẳng có gì phải sợ cả.
Hix, biết là đồng đội vào sinh ra tử, nhưng đọc vẫn thấy gai hết cả người
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
...Nghe anh Bàng dặn, tôi ậm ừ để anh yên tâm. Nhớ lại hôm ở Nà Nghiềng tôi cũng thấy sởn gai ốc. Hôm đó khi trời vừa mới nhá nhem tối, tôi, thằng Quý và hai chiến sĩ đã tụt xuống núi. Nhiệm vụ của chúng tôi là tìm cách trở lại vị trí kho quân khí của tiểu đoàn để tìm đạn súng bộ binh và lựu đạn chuẩn bị cho cuộc phá vây. Chúng tôi lần mò theo con mương nước mà hôm trước đã theo nó để rút ra. Bọn địch đã chiếm được thị trấn đổ nát không còn quân ta. Lực lượng của chúng còn lại phòng ngự thưa hơn. Sau khi tìm được mấy hòm đạn AK, tôi bảo:
- Vào bản kiếm cái gì ăn đã, đói lắm rồi!
- Nhưng lỡ chạm bọn địch thì sao?
Thằng Quý gàn. Tôi nói:
- Đừng sợ! Bọn chúng tưởng quân ta đã rút hết rồi nên để lại rất ít lực lượng ở thị trấn. Ta vào bản Nà Nghiềng xem kiếm được cái gì ăn rồi rút luôn.
Đúng như tôi nghĩ, bản chẳng có một bóng người. Bầu trời sáng lờ mờ. Ánh trăng xuyên qua làn sương mù dày đặc. Các lối đi trong bản cây cối bị đạn bắn đổ ngổn ngang. Chúng tôi phải lách người len lỏi trong đống đổ nát. Trong cảnh hoang vắng chết chóc, sương rơi ướt vai áo làm cho chúng tôi càng thấy lạnh lẽo, cô quạnh. Vừa lặng lẽ bước đi tôi vừa chú ý quan sát, nghe ngóng. Chúng tôi leo lên một ngôi nhà sàn kiếm được một ít ngô thì nghe tiếng chạy huỳnh huỵch dưới gầm sàn. Tôi hỏi:
- Thằng nào chạy đi đâu đấy?
- Không... không... phải quân ta, bọn địch đấy!
Tiếng thằng Quý líu cả lưỡi đi vì sợ. Tôi vội nhô ra nhìn xuống gầm sàn. Bóng mấy tên lính địch đang vác súng cối chạy qua vườn chuối vào gầm ngôi nhà sàn mà chúng tôi đang ở trên. Bỏ mẹ rồi, tôi nghĩ bọn này từ đâu xông vào bản vậy. Vào đến gầm ngôi nhà sàn, chúng dừng lại soi đèn pin loang loáng. Hình như chúng định nghỉ đêm dưới gầm nhà. Một thằng trải tấm bạt ra nền đất. Có ánh đèn chiếu ngược lên sàn. Chúng tôi phải nằm ép người xuống sạp nứa không dám thở mạnh. Tôi nghĩ, nếu mà mấy thằng này leo lên nhà thì mình toi mạng hẳn. Tôi lần thắt lưng tìm quả lựu đạn mỏ vịt. Tôi đã tính đến tình huống xấu nhất là sẽ thả quả lựu đạn xuống đầu bọn địch rồi nhảy xuống đất tháo chạy. Tôi khe khẽ sờ tay thằng Quý vỗ vỗ ra hiệu cho nó. Thằng quý hơi gật gật đầu vẻ hiểu ý định của tôi.
Tôi và mấy chiến sĩ vẫn nằm. Dưới gầm nhà sàn tiếng bọn địch trao đổi với nhau rì rầm. Không hiểu bọn chúng nói với nhau cái gì. Đột nhiên có một tiếng hô khẩu lệnh. Chắc là tiếng của thằng chỉ huy khẩu đội. Mấy thằng đang nằm ngồi vội bật dậy. Chúng nhanh chóng thu khẩu cối và trang bị vác lên vai. Hình như bọn này lại chuẩn bị cơ động. Đúng vậy. Bọn chúng chui ra phía bên trái ngôi nhà, lối đường ra thị trấn. Tôi kéo tay thằng Quý thì thào:
- Mày và hai thằng nhanh chóng rút ngay ra phía mương nước để tao xử lý mấy tên địch này nhé!
- Nguy hiểm lắm! Đi ngay thôi anh ơi!
Mặc cho Quý gàn, tôi nhỏm dậy lao ra phía đầu nhà. Mấy tên địch đang lui cui vác súng chạy xuống dốc. Tôi rút chốt quả lựu đạn tung theo. Khi tiếng nổ vang lên thì tôi đã chạm chân xuống đất. Tôi lao luôn về phía mương nước.
Sau tiếng nổ, từ các vị trí phòng ngự tiếng súng của bọn địch bắn rầm rầm vào bản Nà Nghiềng. Chúng tôi chạy hút hơi ra theo con mương ra cánh đồng để vượt lên núi. Cũng may là không vấp phải toán lính địch nào chặn đường. Bọn địch chỉ từ các điểm cao đổ đạn vào bản Nà Nghiềng và sang phía núi đá.
Đến điểm hẹn ở chân núi đá tôi đã thấy Quý và hai chiến sĩ đang chờ ở đó. Thằng Quý hổn hển hỏi:
- Mấy thằng giặc ấy chắc toi hết cả chứ anh?
- Tao cũng chẳng kịp nhìn xem nó có chết hay không! Chạy một phen hết cả hơi mới ra đến đây đấy.
- Anh liều lĩnh quá!
Một chiến sĩ nói. Tôi bảo:
- Thôi rút lên núi ngay. Cấm không được thằng nào báo cáo việc này với chỉ huy tiểu đoàn nhé!
Cũng may hôm ấy không xảy ra thương vong gì. Việc chúng tôi mang được mấy hòm đạn về còn được tiểu đoàn trưởng biểu dương nữa... Ấy thế mà anh Bàng lại biết chuyện. Chắc là anh lại nghe thằng Quý bép xép.
Gói ruốc của anh Bàng tôi đã giữ suốt thời gian trong vòng vây. Khi nào thật cần thiết chúng tôi mới chia nhau một nhúm lấy chất muối để đánh lừa cái lưỡi. Cuộc hành quân trên dãy núi đá thật gian khổ. Đôi chân rã rời vì lao núi suốt ngày đêm. Cái đói, cái khát rồi những lần giặc đuổi chạy đến hút hơi, thở không kịp tôi càng thấy giá trị của gối ruốc bông ấy.
Chính trị viên Hoàng là một người điềm tĩnh. Sự điềm tĩnh của anh khiến những người bĩnh tĩnh nhất nhiều khi cũng hoang mang. Những lúc tình hình gấp gáp, tình huống lâm nguy nhất anh vẫn không rối trí, nét mặt không thay đổi. Tôi còn nhớ hôm sở chỉ huy của tiểu đoàn bị bao vây vòng trong, vòng ngoài, bộ binh địch bu đen như kiến, xe tăng của chúng châu nòng pháo bắn liên tục vào cửa hang. Khói bụi xộc vào cái hang núi thẳng đuột từ cửa chính phun ra phía cửa phụ, cuồn cuộn như khói trong ống khói. Nhiều người tưởng ngạt thở đến nơi rồi. Bộ binh địch bắt đầu đeo bám vào vách đá leo lên gần cửa hang. Trong hang có người đã buột miệng kêu lên những tiếng tuyệt vọng.
Trong khi đó chính trị viên Hoàng vẫn bình tĩnh như không. Lúc này anh là người chỉ huy cao nhất tại sở chỉ huy tiểu đoàn. Tiểu đoàn trưởng Thêm đêm hôm trước đi kiểm tra trận địa của đại đội 4 chưa thấy trở về. Có lẽ anh bị mắc kẹt trên núi do mũi tiến quân của bọn địch lên mỏm Đầu Bò cắt ngang con đường độc đạo từ hang chỉ huy tiểu đoàn lên vị trí bố trí hoả lực của đại đội 4.
Chính trị viên Hoàng hỏi bộ phận thông tin của chúng tôi:
- Vẫn giữ được liên lạc bằng vô tuyến với các đơn vị chứ?
- Vâng ạ!
Anh Cường, tiểu đội trưởng tiểu đội vô tuyến sóng cực ngắn đáp.
- Cố gắng giữ liên lạc nhé! Mất liên lạc lúc này là mất luôn trận địa đấy.
- Báo cáo! Đại đội 2 xin hoả lực bắn mạnh vào toạ độ M ạ!
- Hả! Hỏi lại ngay, bắn vào đấy tức là bắn thẳng vào trận địa của đại đội 2 đang phòng ngự à?
Anh Hoàng lệnh cho bộ phận thông tin điện hỏi lại. Chiến sĩ thông tin vô tuyến sau khi kiểm tra lại thông tin từ đại đội 2 lập tức báo cáo:
- Bọn địch đã tràn lên trận địa phòng ngự của đại đội 2 rồi. Đại đội trưỏng Bổn xin pháo bắn trùm lên trận địa của đơn vị ạ!
Chính trị viên Hoàng hơi nhíu mày. Tình hình thật là nguy ngập. Cả hang chỉ huy tiểu đoàn ắng hẳn đi. Theo lệnh của chính trị viên tiểu đoàn, số anh em thông tin chúng tôi chỉ để lại một chiến sĩ vô tuyến còn thì tất cả ra cửa hang chính tham gia chặn địch cùng các chiến sĩ đang phòng ngự ở đây. Tôi và thằng Minh lựa lúc bọn địch ngớt bắn một chút nhao ra tụt ngay xuống gộp đá to bên trái cửa hang. Trợ lý tham mưu Thọ đang chỉ huy bộ phận chiến đấu ở đây. Vừa nhìn thấy tôi, anh Thọ đã quát:
- Thâm thấp cái đầu xuống kẻo bọn nó mượn mất cái đội nón bây giờ!
Tôi thở hổn hển hỏi lại:
- Tình hình thế nào hả anh?
- Nó đông bỏ mẹ, cứ đà này không biết có giữ được đến tối không! Mày nhìn mà xem kìa!
Tôi hơi nhô người lên nhìn theo tay anh chỉ. Phía trước trận địa của đại đội 2 hàng chục chiếc xe tăng của địch đang lổm ngổm bò vào. Hai chiếc xe tăng đang sục đầu xuống dòng suối vượt sang thị trấn. Còn trên cánh đồng dưới chân đồn công an vũ trang hơn chục chiếc xe tăng địch đang chĩa nòng pháo hướng lên chỗ chúng tôi đang phòng ngự. Bộ binh địch vừa đánh lên trận địa của đại đội 2, vừa tổ chức bắn vào khu đồi cửa hàng thực phẩm. Đội hình tiến công của chúng hướng về phía hang chỉ huy của tiểu đoàn.
Trợ lý Thọ hỏi:
- Mày kiểm tra xem có viên đạn lửa nào không đưa cho tao. Có mấy thằng đang nấp sau cái cây rơm dưới chân núi kia. Kiếm tao viên đạn lửa tao bắn cháy cái cây rơm, dọa cho chúng nó một phen...
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
...Tôi định nhô lên để quan sát thì anh Thọ kéo ngồi thụp xuống:
- Mày muốn chết à. Chúng nó bắn tỉa lợi hại lắm.
Tôi nghiêng người tìm băng đạn trong bao-xe đưa cho anh Thọ. Trong băng có mấy viên đạn có vạch sơn màu đỏ. Anh Thọ thay băng đạn mới. Anh bò sang bên trái gộp đá tìm vị trí thuận lợi điểm xạ liền mấy loạt vào cái cây rơm ở chân dốc núi. Rơm khô bốc cháy rần rật. Mấy tên lính đặc nhiệm của địch chạy toé ra, rạt về phía sau.
Tôi và anh Thọ đang khoái trí cười ngặt nghẽo thì một trận pháo kích dữ dội của địch trùm lên cả quả núi hang chỉ huy. Khói bụi, đất đá văng mù mịt. Anh Thọ quát:
- Tất cả rút vào trong hang tránh pháo ngay!
Các chiến sĩ ở hai bên cửa hang vội nhào vào trong hang. Tôi vừa lao lên thì đạp luôn vào một hòn đá đã bị đạn địch bắn lỏng chân. Hòn đá trượt xuôi kéo tôi tụt theo xuống một đoạn. Tôi cố toài người bò lên dốc. Đá tảng từ trên đỉnh núi lăn tồng tộc xuống như bẫy đá tuột dây. Anh Thọ gào lên:
- Hà ơi! Cố leo lên hang ngay, nhanh lên.
Tôi cố miết mũi giày vào vách đá nhao lên. Chật vật một lát tôi cũng bám vào được một mô đá sát cửa hang. Anh Thọ giơ tay cho tôi bám rồi kéo vào hang. Tôi vừa nhào người lăn được vào trong cửa hang thì một quả đạn pháo địch choảng đúng ngay sát cửa hang. Khó bụi mù mịt cuồn cuộn xộc vào trong hang. Hú vía. "Mẹ kiếp! Chỉ chậm vài giây thì mình tan xác với chúng nó!". Tôi lẩm bẩm.
Anh Thọ bảo:
- Cố giữ được đến tối là yên tâm.
- Sao lại chỉ cần giữ đến tối hả anh?
- Đó là mệnh lệnh của chính trị viên Hoàng.
Tôi nhìn vào giữa hang. Chính trị viên Hoàng tay chắp sau lưng đi đi lại lại có vẻ anh đang phải suy tính điều gì đó rất căng thẳng. X
Có điện từ xê 2. Bọn địch tổ chức tấn công vào trận địa rất ác liệt. Khả năng không giữ nổi nữa. Đại đội hoả lực đã cạn kiệt đạn cối 82 nên cũng chả chi viện cho đại đội 2 được nữa. Chính trị viên Hoàng quyết định thành lập một tiểu đội cơ động chiến đấu chi viện cho đại đội 2. Đó là các chiến sĩ thông tin, trinh sát, vận tải đang có mặt trong hang. Trọng, tiểu đội phó truyền đạt được chỉ định chỉ huy. Trọng dẫn năm chiến sĩ tụt cửa hang phụ vòng phía sườn trái mỏm núi tụt xuống núi đánh địch chi viện chia lửa cho đại đội 2. Bộ phận chiến đấu nhỏ nhoi của Trọng ôm B41 vận động dọc theo con mương nhỏ phía trước nhà bưu điện thị trấn. Họ lợi dụng các bờ ruộng bò ra giữa cánh đồng để chặn bắn những chiếc xe tăng của bọn địch đang vượt qua con suối cạn đánh tạt sườn bên trái đại đội 2.
Với hai khẩu B41 và vài quả đạn năm chiến sĩ cảm tử ấy đã bắn cháy, bắn đứt xích ba chiếc xe tăng của bọn địch khi chúng vừa nhô lên khỏi dòng suối cạn. Tuy nhiên, thấy hoả lực của ta bất ngờ giữa cánh đồng, bọn bộ binh giặc từ các ngõ ngách trong thị trấn lao ra bắn xối xả. Từ trên cửa hang chúng tôi nhìn rất rõ từng chiến sĩ trong tiểu đội cảm tử ngã gục giữa cánh đồng. Cảnh những người lính đau đớn giãy giụa trước khi chết trông thật xót thương và đau nhói trong tim. Có một người bị thương, cánh tay đỏ máu cứ giơ lên hướng lên phía cửa hang vẫy vẫy có vẻ cầu cứu nhưng chúng tôi không thể xuống được. Cái chết đến với anh ấy thật chậm chạp. Anh chết ngay trước mắt chúng tôi.
Trên mỏm đồi đại đội 2 chốt giữ súng vẫn nổ. Như thế là đại đội 2 vẫn giữ vững được trận địa. Sau này tôi mới biết để giữ vững trận địa trong vòng hai tiếng đồng hồ chờ trời tối gần một nửa đại đội 2 đã hy sinh. Trong đó có Trần Công Tân, người bạn thân cùng nhập ngũ với tôi. Gần một nửa đại đội hy sinh, cái giá thật đắt, thật đau. Vị trí chỉ huy tiểu đoàn của chúng tôi được bảo vệ đến tối là nhờ một nửa đại đội 2 và những chiến sĩ tiểu đội cảm tử hy sinh như thế.
Chính trị viên Hoàng căn dặn trung đội trưởng trung đội vận tải:
- Bằng mọi giá tối nay cũng phải lấy cho được thi hài năm đồng chí đưa đi mai táng nhé!
Trung đội trưởng Hanh hứa nhất định sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Anh Hoàng cũng dặn tôi điện ngay cho chỉ huy đại đội 2 bằng mọi cách phải chôn cất hoặc đem các liệt sĩ, đưa thương binh ra khỏi trận địa. Đại đội 2 là đơn vị cuối cùng của tiểu đoàn rút lui ra khỏi thị trấn Sóc Giang. Họ đã chiến đấu kiên cường nơi cửa ngõ thị trấn cho các đơn vị rút đi.
Cuộc rút lui của đại đội 2 vô cùng gian khổ. Bởi gần như trên lưng tất cả những người lính đại đội 2 rút ra khỏi trận địa là xác một người đồng đội của họ. Những cái xác được buộc chặt trên lưng người lính chiến. Họ phải vừa cõng đồng đội vừa đánh địch trên đường máu rút lui. Có nhiều viên đạn, mảnh pháo giặc đã không găm được vào thân thể người còn sống nhờ những người đã chết vẫn chở che cho họ trong một cuộc phá vây vượt ra khỏi cái thị trấn biên giới hoang tàn nhung nhúc những tên xâm lược.
Chúng tôi đón các chiến sĩ của đại đội 2 ở chân núi đá lối lên Lũng Mật. Nhìn đội hình những người từ trong vòng lửa vượt ra tơi tả, trên lưng cõng liệt sĩ, chính trị viên Hoàng ngậm ngùi nói với chúng tôi:
- Họ đã chết cho chúng ta sống để rút lui an toàn đấy! Không được một ai quên điều này...
Chúng tôi lầm lũi đi trong đêm đầy gió bấc. Cái lạnh lùng của sương gió, cái chết chóc của chiến tranh vây bủa xung quanh. Và, cái chết luôn đồng hành cùng chúng tôi suốt chặng đường chinh chiến gian lao. Lời căn dặn của chính trị viên Hoàng khiến tôi cứ thấy nao nao trong lòng. Nhìn những thi thể đồng đội tả tơi đẫm máu và lấm láp đầy bùn đất, tôi cứ nghĩ mãi về số phận của con người trong chiến tranh. Nó nhỏ nhoi và mong manh quá. Nhưng nó cũng thật là bi hùng, vĩ đại quá. Cái chết chẳng còn là gì so với những con người đã dám đối mặt với nó trong từng trận đánh giữa vòng đạn lửa tơi bời.
Tôi chợt nhớ tới Mai. Em cũng đã hoá thân vào trời đất bao la trong một trận đánh không cân sức. Em đã đi rất xa, rất xa rồi. Nhưng hơi thở của em vẫn đang ấm nóng ở trên vai tôi. Em như đang ở đâu đây cùng những người lính chiến. Đôi mắt sáng trong của em như vẫn dõi theo tiếp sức cho tôi suốt chặng đường hành quân đầy gian khổ.
Dọc lối mòn ngược lên đỉnh núi, những mô đá lô nhô trong đêm trông tựa như những nấm mồ liệt sĩ lạnh lẽo nhưng điềm đĩnh kiên gan trấn trạch ở nơi biên ải...
Tôi và Lam cùng nhập ngũ, lại là người cùng làng. Lam kém tôi một tuổi. Nếu xét về họ hàng xa bắn "ba tầm súng đại bác" thì Lam còn phải gọi tôi là anh họ. Nhưng vì cùng lớn lên chung ngõ, học với nhau từ lớp một cho đến hết cấp ba nên chúng tôi cứ mày tao quen rồi. Khi cùng học phổ thông, Lam học môn toán rất giỏi. Nhiều lần nếu không có nó cho nhìn bài thì chỉ còn nước nộp giấy trắng.
Tôi chỉ bực tính tình Lam nhút nhát, hay sợ ma. Ngày xưa ở làng quê không có điện. Đêm đến quanh năm ánh đèn dầu lù mù. Buổi tối ngồi học chúng tôi cũng chỉ có ánh sáng của những cái đèn dầu nhỏ như hạt đỗ. Đêm đến xóm làng âm u. Đường làng tối om. Tối nào học nhóm nếu tôi đi qua cổng không gọi thì Lam không dám đi. Con đường sang xóm bên với các bạn cùng nhóm phải đi qua một bãi tha ma chi chít mả cũ, mả mới có những con đom đóm to bằng hạt ngô bay chập chờn xanh lét, các vàng thằng Lam cũng chả dám một mình đi qua. Ban ngày vắng người nếu không có tôi đi cùng là nó phải đi vòng xa thêm mấy cây số để đến lớp.
Vào bộ đội tôi và thằng Lam vẫn ở cùng tiểu đội. Sau thời gian huấn luyện chiến sĩ mới, nhờ năng nổ, xông xáo, xung phong nhận các nhiệm vụ nên tôi được bổ nhiệm giữ chức vụ tiểu đội phó. Còn thằng Lam đã là quân nhân rồi mà mãi cũng không bớt được cái tính nhút nhát. Những ca gác đêm một mình một vị trí, hay đi chuyển công văn khẩn qua cánh rừng hoang vắng là nó rất ngại. Nhiều lần tôi phải xin đổi phiên gác cho nó, tránh bớt những thời điểm đêm khuya thanh vắng hay các vị trí đứng gác gần bãi tha ma hoặc chỗ ngôi miếu cổ cạnh doanh trại.
Khi đơn vị hành quân lên tuyến trước, tôi và Lam đều được biên chế vào tiểu đội thông tin hữu tuyến do anh Bùi làm tiểu đội trường.
Thằng Lam vẫn có ước mơ làm sinh viên đại học. Nó bảo tôi: "Khi nào ra quân nhất định sẽ thi vào đại học. Em sẽ học ngành nông nghiệp để tìm ra một giống lúa mới có năng xuất thật cao phù hợp với vùng đất phèn chua, lầy thụt quê mình". Tôi bảo: "Mày chỉ viển vông, chiến tranh, đánh nhau đến nơi rồi còn học hành gì nữa! Vứt mẹ mấy cuốn sách đi mà đeo thêm vài cân gạo...". Thằng Lam im lặng không tranh cãi với tôi nữa. Nó và thằng Đan gặp nhau lúc nào là cũng thấy bàn về định luật Niu-tơn và bài toán của Ga-loa chưa giải được...
Tình hình biên giới căng thẳng, chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Mọi sự chuẩn bị cho cuộc chiến đều rất khẩn trương. Để phòng tình huống xấu xảy ra trong chiến đấu, mỗi người chúng tôi đều có một mã số riêng thêu trên nắp túi áo bên trái và in vào mảnh giấy nhỏ bằng ba đầu ngón tay ép plastic để trong túi quần, túi áo. Một hôm nhận quân trang chiến đấu gồm các loại tăng, võng, bi đông về, tiểu đội trưởng Bùi tập trung cả tiểu đội lại cấp phát cho mọi người. Còn một cuộn vải cuối cùng anh bảo:
- Đây là hai tấm vải dùng để khâm liệm, gói ghém liệt sĩ! Tiểu đội giao cho đồng chí Tự tiểu đội phó và đồng chí Lam mỗi người giữ một cái.
Nghe vậy cả tiểu đội đều lặng đi. Thằng Lam mặt tái mét, cắt không còn giọt máu. Tôi cũng hơi thảng thốt nhưng định thần được ngay. Chiến tranh là như vậy. Khi nó chưa nổ ra thì công tác chuẩn bị phải thật chu đáo, tỷ mỷ đến mức tối đa để người chiến sĩ khi vào trận có thể chiến đấu tốt nhất và xử lý tốt nhất mọi tình huống sẽ xảy ra.
Vừa nghe tiểu đội trưởng Bùi nói, thằng Lam chối đây đẩy:
- Em không... không giữ cái đấy đâu...
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
...Nhìn mặt thằng Lam tái dại, đôi mắt lộ vẻ hoảng hốt và như sắp phát khóc tôi thấy thương nó quá. Anh em khác trong tiểu đội cũng ngại phải giữ tấm vải liệm nên tìm cách lảng đi. Tôi ngần ngừ rồi nói:
- Thôi được! Nếu không ai muốn giữ thì tôi xin nhận cầm một tấm vải liệm.
Giọng tôi cũng hơi run run. Anh Bùi bảo:
- Đồng chí Tự, tiểu đội phó sẽ nhận quản lý một cái, cái còn lại giao cho đồng chí Hà.
Tôi nhận tấm vải. Tôi trải tấm vải liệm ra để gấp lại cho gọn. Đó là một tấm vải mỏng gần giống cái vỏ chăn đơn nhưng người ta chỉ may kín hai cạnh, để hở hai cạnh. Tấm vải có đính sẵn ba giải dây vải ở giữa và hai đầu. Khi dùng khâm liệm thì chỉ cần đặt xác người vào gấp lại, dùng ba giải dây may sẵn đó để bó buộc ngang lưng, buộc cổ và buộc chân, vừa nhanh vừa gọn.
Tôi nhét tấm vải liệm vào ba lô đeo về ở.
Từ lúc tôi mang cái ba lô về nhà ở, thằng Lam vội vàng ôm chăn chiếu chuyển ra một góc nhà sàn nằm. Lâu nay nó vẫn nằm cạnh tôi. Cũng từ ấy không bao giờ thấy nó lục ba lô của tôi tìm lương khô hay lấy kem đánh răng nữa.
Chiến tranh nổ ra. Những trận đánh vô cùng ác liệt. Quân địch bị tiêu diệt nhiều sinh lực nhưng đơn vị chúng tôi cũng bị nhiều tổn thất. Sau một tuần bị bao vây trong thị trấn Sóc Giang, tiểu đoàn chúng tôi gần cạn hết đạn dược, lương thực, nước uống, quân số bị tiêu hao. Đêm hôm trước khi xảy ra trận đánh ở mỏm Đầu Bò anh Bùi căn dặn chúng tôi:
- Ngày mai sau khi dụ bọn địch vào bãi mìn chúng ta sẽ rút đi. Nhớ là cố gắng đem hết súng đạn, lương thực. Cái gì không cần thiết thì bỏ lại vì khi đột phá vòng vây chúng ta sẽ phải vượt qua suối và leo lên một vách núi dựng đứng rất khó đi và nguy hiểm.
Chúng tôi khẩn trương chuẩn bị chiến đấu và chuẩn bị rút lui. Quần áo ngoài bộ đang mặc trên người thì thêm một bộ để thay đổi, chỉ đem theo tăng võng, chăn màn vứt bớt, hai cái khăn mặt, hai đôi tất vừa mới phát cũng vứt một, giữ một cho đỡ nặng. Giấy tờ, nhật ký, sổ sách ghi chép chúng tôi đốt hết đi để đề phòng khi phá vây bị bắt lọt vào tay bọn địch. Trong túi quần, túi áo, trong ba lô chỉ còn có những mảnh giấy ghi mã số riêng của từng người để lỡ ai hy sinh thì chôn theo đánh dấu mộ phần.
Nhưng sau trận đánh ở mỏm Đầu Bò anh Bùi ở lại chặn giặc cho chúng tôi rút đi. Sau trận huyết chiến ở hang chỉ huy tiểu đoàn phải rút chạy lên Lũng Mật, anh em tiểu đội phân tán mỗi người một đơn vị thì tôi và Lam vẫn cùng ở một bộ phận với nhau.
Còn nhớ đêm rút lui tôi được giao giao nhiệm vụ cùng trợ lý tham mưu Thọ chỉ huy bộ phận đi cuối cùng khoá đuôi đội hình, sẵn sàng lập thành một chốt đánh chặn địch truy kích cho đơn vị rút lui an toàn. Tôi dặn anh em trong bộ phận:
- Nhớ bám sát nhau! Lúc qua bản Nà Nghiềng phải hết sức nhẹ nhàng tránh gây tiếng động chó sủa, bọn địch phát hiện.
Tôi kéo tay thằng Lam khẽ dặn:
- Đi sát ngay sau tao nhé!
- Vâng! A... n... h... cứ... yên... tâm.
- Sao mày có vẻ run lập cập thế?
- Em thấy hơi sợ...
- Không việc gì đâu, đừng lo.
Tôi động viên thằng Lam. Suốt tuần vừa rồi nó được phân công trực máy điện thoại ở trong hang sở chỉ huy chưa phải trực tiếp đánh trận nào.
Đúng như chỉ huy tiểu đoàn đã tính toán. Đơn vị chúng tôi bí mật vượt qua vòng vây của địch một cách an toàn. Chúng tôi phải mất gần như suốt đêm mới vượt qua được vách núi cheo leo, đá tai mèo sắc như dao để lên Lũng Mật. Trời sáng rõ. Sương mù tan. Nhìn xuống dưới cánh đồng thấy rõ cả xe tăng và bộ binh địch đang lúc nhúc hành quân. Thỉnh thoảng tiếng pháo lại nổ chói tai vì bắn vào vách đá và gây nên những vọng âm mãi mới tan làm màng nhĩ tai u u rất khó chịu.
Chúng tôi được lệnh dừng lại nghỉ. Trời rét lắm lại ở núi đá nên càng thêm lạnh buốt. Tôi vội cùng anh em tìm những khe đá hơi bằng phẳng rải tăng võng ra để nằm tranh thủ ngủ để tối đến còn hành quân tiếp hoặc xuống bản tìm kiếm lương thực. Chợt thấy thằng Lam đang ôm súng ngồi co ro ở một góc khe đá tôi bảo:
- Mày tìm chỗ phẳng nằm mà ngủ một lát đi chứ! Tối nay còn đi lấy gạo đấy.
- Lúc vượt qua suối vì đỡ anh thương binh trượt ngã, cái ba lô của em bị trôi mất rồi.
- Thế thì nằm vào đây với tao cho khỏi rét mà ngủ.
Thằng Lam vừa chui vào nằm xuống cạnh tôi đã bật ngay dậy vẻ hốt hoảng:
- Anh... anh... dám đắp bằng tấm vải liệm à?
Thì ra nó vừa nằm xuống thì cái dây buộc của tấm vải liệm loằng ngoằng vướng ngay vào cổ. Tôi phì cười:
- Đó chỉ là một tấm vải thôi, việc gì mà sợ! Nằm xuống cạnh tao đi cho ấm!
Lam lùi ra ngồi dựa vào một mô đá và chối đây đẩy:
- Thôi... thôi... anh cứ ngủ đi... em... em chịu thôi...
Tôi cáu vì cái tính nhút nhát của nó:
- Thế thì mặc xác mày!
Nói vậy nhưng tôi cũng không ngủ được. Tôi lồm cồm ngồi dậy lột cái võng đang rải ném cho nó. Đoạn, tôi chui hẳn vào trong tấm vải liệm, nửa rải, nửa đắp rồi ngủ thiếp đi vì mệt.
Đơn vị chúng tôi cứ ban ngày thì ẩn nấp trong các thung lũng, khe đá, buổi tối thì chuyển quân sang vị trí khác tránh sự truy kích của bọn địch và tổ chức cho các bộ phận đột nhập xuống bản tìm lương thực. Nhiều hôm chạm địch không lấy được lương thực mà còn tổn thất thêm lực lượng. Quân số của đơn vị cứ vơi dần sau những chặng hành quân gian khổ trên vách đá núi cao đói rét và bị địch đuổi đánh. Một số anh em lực lượng thanh niên xung phong bị thất lạc chạy lên núi cũng nhập luôn vào đội hình đơn vị chúng tôi.
Sau trận đơn vị bị lực lượng tinh nhuệ của địch tập kích vào đội hình trú quân thì cả hai tấm vải liệm của tiểu đội tôi đều được sử dụng hết. Cũng từ sau hôm ấy thằng Lam mới dám nằm gần tôi. Hai đứa đắp chung một cái võng mỏng manh. Lúc tạnh thì tăng rải làm chiếu, võng làm chăn cho ấm. Lúc mưa thì rải võng làm chiếu, tăng làm chăn đắp cho khỏi ướt. Mùa Xuân năm ấy sao mà mưa rét nhiều đến thế. Cái rét, cái đói hành hạ chúng tôi ngày càng khốn khổ. Rồi cả cái võng hai đứa đắp chung ấy cũng không còn. Chúng tôi không nỡ để một cô thanh niên xung phong nằm xuống không có cái gì bó buộc.
Một buổi sáng còn sương muối còn mù mịt khắp các khe núi tiểu đội phó Tự đã gọi tôi:
- Hà ơi đi ngay!
- Đi đâu!
- Đi xuống bản Nà Sác! Bộ phận của thằng Lam tối hôm qua xuống bản tìm kiếm lương thực đến giờ vẫn chưa thấy về! Có chuyện không hay rồi.
Tôi vội vàng xách súng cùng tiểu đội phó Tự và một chiến sĩ trinh sát tiểu đoàn tụt xuống dốc núi. Chúng tôi tìm được chiến sĩ Lai nằm gục ở chân dốc. Cái ba lô gạo nó đeo trên lưng thấm máu. Lai bị thương nhẹ vào đùi nhưng vì đói quá nên lả đi không leo lên núi được. Lai thều thào cho chúng tôi biết hai người vào bản lấy được ít gạo, ngô quay ra thì gặp địch. Lam đã dừng lại chặn địch và bảo Lai rút lui. Lam đã dũng cảm chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Lam bị bọn địch bắn chết bên bờ suối.
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
... Mãi đến tối chúng tôi mới tiếp cận được chỗ Lam hy sinh. Chúng tôi đưa Nam qua suối, rửa mặt cho nó. Chúng tôi dùng dây võng buộc chặt Lam vào người để leo lên vách đá tai mèo. Mấy anh em chúng tôi thay nhau cõng nó lên trên núi.
Chúng tôi dùng xẻng bộ binh cố đào một cái huyệt chỉ sâu như một cái rãnh trong khe đá rồi đặt Lam xuống. Không còn một tấm vải liệm nào để bó buộc cho nó. Trước khi lấp đất, tôi lục tìm trong cóc ba lô lấy ra cái khăn mặt duy nhất của mình phủ lên mặt cho Lam để cát bụi khỏi rơi vào mắt nó.
Sau này, Lam đã được đưa về quê hương. Hài cốt của nó được gói trong tấm vải liệm bằng lụa và đặt trong hộp gỗ sạ hương phủ quân kỳ mai táng trong nghĩa trang liệt sĩ của huyện. Lam đã trở về với quê hương với gia đình, làng xóm như thế. Chiến tranh lùi xa rồi nhiều người sẽ lãng quên vì cuộc mưu sinh thường nhật. Nhưng câu chuyện về Lam và tấm vải liệm thì tôi sẽ mãi chẳng bao giờ quên.
Trời đã về khuya. Gió bắc thổi mạnh. Cái lạnh nơi biên ải như càng lạnh lẽo hơn trong đêm chiến tranh đầy bom đạn và chết chóc. Tiếng pháo của bọn giặc thỉnh thoảng lại nổ oành oành vọng vào vách đá tạo thành âm thanh man dại nối dài không dứt. Những đốm lửa bùng lên chỗ đầu đạn rơi tạo nên những ánh sáng chập chờn, ma quái.
Số các chiến sĩ mới được bổ sung về cơ quan tiểu đoàn bộ đã có mặt tập kết ở tràn ruộng phía sau mỏm núi đá. Tôi được phân công giúp trợ lý tham mưu Thọ đi nhận quân cho tiểu đoàn bộ. Tôi và trợ lý tham mưu Thọ phải lần từng bước đi hết hàng quân để nhận mặt từng chiến sĩ mới. Đến cuối đội hình tôi chợt giật mình ngạc nhiên nhận ra một người trong số tân binh đang đứng trước mặt mình. Tôi khẽ kêu lên:
- Thầy Thám! Sao thầy lại ở đây?
- Ơ... - Thầy Thám cũng ngạc nhiên: - Tôi... tôi hiện đang là quân nhân mà!
- Thầy nhập ngũ từ bao giờ, mà sao lại lên tận trên này?
- Tôi nhập ngũ ngay sau khi có lệnh tổng động viên...
Tôi chợt hiểu. Gần tháng trời nay khi chiến tranh nổ ra, chúng tôi lăn lộn chiến đấu trong vòng vây hãm của quân thù. Cái sống, cái chết cận kề. Ngày giữ chốt, đêm đi phản kích giành lại điểm tựa hoặc lần mò xuống các bản làng tìm lương thực, lấy nước, thông tin chúng tôi mù mờ chả rõ ràng gì ngoài mệnh lệnh chiến đấu. Trung đội bị tổn thất, cầm cự mãi nhiều khi tưởng không giữ nổi trận địa nữa. Ở tuyến trước chúng tôi không biết là ngay sau khi chiến tranh nổ ra đã có lệnh tổng động viên. Nhiều người như thầy Thám được gọi nhập ngũ, huấn luyện sơ sài rồi được đưa ngay lên tuyến trước bổ sung vào các đơn vị chiến đấu đã bị hao hụt quân số. Tôi hỏi:
- Thầy đã biết sử dụng những loại súng nào?
- Chỉ biết mỗi súng AK, đã được bắn bài 1, ba viên trúng bia được hai viên, đủ điểm đạt yêu cầu...
Có tiếng cười khùng khục trong hàng quân. Trợ lý tham mưu Thọ động viên các chiến sĩ mới:
- Các đồng chí yên tâm, anh em chiến sĩ cũ sẽ hướng dẫn thêm cho các đồng chí sử dụng các loại vũ khí trang bị khác, nhất là các loại hỏa lực đơn vị ta được trang bị như cối 60, trung liên, đại liên, B40, B41...
Sau khi trợ lý Thọ đọc biên chế số anh em chiến sĩ mới về các tiểu đội, tôi gặp lại thầy Thám và dặn:
- Thầy nhớ phải thật cẩn thận nhé!
- Anh cứ yên tâm...
Nghe thầy nói như vậy nhưng tôi vẫn không yên lòng. Nhìn cặp kính cận dày cộp trên mắt thầy tôi cứ thấy lo lo cho thầy. Từ ngày lâm trận rồi tôi mới hiểu, chiến tranh khác hẳn những miêu tả trong những bài thơ ca viết về nó mà thầy từng giảng cho chúng tôi nghe ngày còn đi học.
Đó là năm cuối cùng tôi học cấp 3. Thầy Thám về trường tôi công tác. Thầy còn rất trẻ, có lẽ chỉ hơn cánh học sinh cuối cấp chúng tôi vài tuổi. Là giáo viên mới ra trường, thầy Thám được phân công dạy các lớp dưới. Nhưng thầy vốn là một học sinh giỏi văn, từng đoạt giải nhì môn văn toàn miền Bắc nên thầy được hiệu trưởng phân công kèm cặp, phụ đạo thêm cho nhóm học sinh giỏi môn văn của khối lớp 10 chúng tôi. Thầy giảng văn rất hay. Thầy sinh hoạt cùng chi đoàn lớp tôi. Giữa tôi và thầy có nhiều kỷ niệm vui buồn. Thầy giúp tôi rất nhiều trong quá trình học tập và tiếp cận với văn học. Nhiều bài văn, bài thơ của tôi được thầy góp ý để sửa chữa, có bài được đăng báo từ ngày ấy. Nhưng cũng có một chuyện buồn nho nhỏ mà tôi thầm oán trách thầy mãi.
Lần vào khoảng cuối mùa đông năm 1973. Hôm đó chi đoàn lớp tôi tổ chức lao động lấy tiền mua sách vở giúp các bạn nghèo và mua sổ tay, giấy pơ-luya, tem thư tặng các bạn sắp lên đường nhập ngũ. Chúng tôi tiến hành đào đãi sỏi ở dưới sông Phó Đáy đem lên bán cho công trường khai thác cát sỏi. Thấy việc đãi cát ở giữa dòng sông cạn rất vất vả và năng xuất thấp, tôi và mấy bạn nữa vào sát bờ sông phía bên lở để moi sỏi. Ở những chỗ ấy sỏi nhiều, chả phải đãi lâu mất thời gian, chỉ việc cào sỏi vào rổ sảo khua khua qua nước cho sạch đất là gánh lên bờ. Giữa lúc chúng tôi đang mải mê làm thì thầy Thám hết tiết dạy buổi chiều ra sông tham gia cùng lao động với chúng tôi. Thấy cách mà chúng tôi lấy sỏi thầy hốt hoảng kêu lên:
- Dừng lại ngay, các bạn khai thác sỏi kiểu này rất nguy hiểm!
- Không việc gì đâu thầy ơi!
- Không là thế nào! Cứ moi sâu vào bờ thành một cái hầm ếch như thế này, bờ sông bất ngờ sụp xuống nguy hiểm lắm!
- Thầy yên tâm! Khi nào bờ sông sắp sập thì nó phải kêu răng rắc chứ, lúc đó chạy vẫn kịp.
Nhưng đất sập thì làm gì có chuyện kêu "răng rắc" như cây sắp gãy, nhà sắp đổ. Giữa lúc tôi và thầy còn đang tranh luận thì bờ sông sụp xuống thật. Thấy đất vụn đột nhiên rơi lả tả tôi hét to:
- Đất sập đấy... chạy... chạy... ngay...
Tôi và mấy bạn nữa vội lao ra ngoài hầm ếch khai thác sỏi. Riêng cô bé Lương đang mải mê moi sỏi thì không để ý. Thầy Thám vội lao vào kéo Lương ra khỏi hầm ếch. Một tảng đất to ụp xuống. Lương bị đất đè chẹn ngang người, mặt úp xuống mặt sông cạn. Tôi nhào đến cố nâng đầu Lương lên cho khỏi bị ngạt nước. Trong khi đó thì thầy Thám và các bạn khác ra sức moi đất để lôi cô bé ra khỏi nơi nguy hiểm. Khi chúng tôi đưa được cô bé Lương chạy ra xa thì cả một đoạn bờ sông đổ sập xuống. Thật hú vía. Không ai việc gì nhưng tất cả bị một phen sợ hãi. Buổi lao động phải bỏ dở chừng vì gần như toàn bộ quang gánh, cuốc xẻng đều bị đất sập vùi lấp hết.
Buổi sinh hoạt chi đoàn sau đó tôi bị thầy Thám phê bình rất gay gắt vì tổ chức cho đoàn viên lao động mất an tòan. Cũng kể từ đó tôi không ưa gì thầy Thám nữa. Khi tôi lên đường nhập ngũ thì thầy cũng được chuyển về trường chuyên của tỉnh. Không ngờ hôm nay tôi gặp lại thầy ở nơi biên giới xa xôi này.
Nhận chiến sĩ mới xong, một số được bổ sung ngay vào các bộ phận chiến đấu trấn giữ điểm chốt ngăn chặn quân giặc từ phía biên giới tràn xuống thị trấn Sóc Giang. Tình hình chiến sự ngày càng ác liệt. Trong số chiến sĩ mới bổ sung về đơn vị có người chưa đủ một ngày có tên trong biên chế của trung đội thì đã hy sinh. Thầy Thám qua mấy trận vẫn bình yên. Một lần gặp tôi thầy khoe:
- Tôi đã biết cách sử dụng súng phóng lựư M79 và súng chống tăng B41 rồi đấy!
Tôi dặn:
- Trong chiến đấu thầy phải thật cẩn thận, nhớ lấy đoạn dây dù buộc cặp kính cận đeo vào cổ cho chắc kẻo đạn pháo nổ gần văng mất kính coi như bị mù đấy!
Thầy Thám cười bắt tay tôi rồi rẽ vào một ngách chiến hào. Nhìn theo hút thầy tôi chợt nghĩ: "Sau trận này trở lại trường, thầy mà giảng về văn học chiến tranh sẽ còn hay hơn nữa...".
...
(còn nữa )
 

pain

Xe ba gác
Biển số
OF-26066
Ngày cấp bằng
19/12/08
Số km
20,420
Động cơ
128,016 Mã lực
Nơi ở
Tháng 3
Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trên khắp dải biên cương tổ quốc!
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
...Các đơn vị nhận được lệnh bỏ điểm chốt rút lui về phía sau khi mà không thể giữ vững được trận địa trước lực lượng đông đảo và sức tấn công rất mạnh mẽ, ác liệt của bọn giặc. Để rút lui được sang dãy núi bên kia cánh đồng cũng là cả một sự khó khăn. Chúng tôi tổ chức cho một bộ phận đưa anh em thương binh đi trước. Một bộ phận sẽ ở lại hôm sau mới rút đi gồm những người khỏe mạnh, nhanh nhẹn sẽ đánh chặn bọn giặc khi đơn vị đã lên núi an toàn mới rút lui theo. Lúc điểm danh những người ở lại chợt nhìn thấy thầy Thám đang đứng cuối hàng quân tôi bảo:
- Tôi sẽ đề nghị tiểu đoàn cho thầy đi cùng bộ phận anh em thương binh nhẹ rút sang sườn núi trước!
Thầy Thám nói ngay:
- Tôi xin được ở lại đấy!
- Thầy nên đi trước, ở lại, đi phía sau đội hình nguy hiểm lắm...
- Anh đừng lo cho tôi! Tôi sẽ không sao đâu!
Tôi định cố khuyên thầy thì chiến sĩ liên lạc của tiểu đoàn gọi tôi lên gặp tiểu đoàn trưởng Thêm nhận mệnh lệnh mới.
Thêm nhiều chiến sĩ nữa hy sinh khi rút lui. Nhưng đơn vị chúng tôi cũng đã vượt qua được cánh đồng bám trụ được vào chân núi đá để chuẩn bị vượt lên núi. Hình như đã phát hiện ra được việc lui quân của đơn vị chúng tôi bọn địch lập tức tập trung hỏa lực bắn chặn và tổ chức bộ binh đuổi theo. Bộ phận ở lại triển khai trận địa ở ngay chân núi đá đánh chặn kìm chân địch cho đơn vị rút lên trên núi cao. Và trong số người ở lại phía sau chặn quân địch ấy có thầy Thám.
Khi chúng tôi đã rút lên được lưng chừng dãy núi đá khá an tòan rồi thì trận đánh chặn quân giặc truy kích của các chiến sĩ rút theo sau vẫn diễn ra rất ác liệt. Địch tập trung xe tăng, bộ binh tràn qua cánh đồng áp sát trận địa của những người ở lại. Từ trên núi chúng tôi nhìn rất rõ những người lính không có công sự, họ nằm phơi trên mặt đất, nấp sau những mô đá chiến đấu với kẻ thù đông gấp bội. Trận dánh cuối cùng của họ diễn ra ngay trước mắt những người vừa rút lên núi trước đó. Chúng tôi nhìn thấy những người lính đã bị trúng đạn và hy sinh như thế nào. Nhìn thấy cả người lính bị thương giẫy giụa vì đau đớn. Và cũng chính người lính ấy đã rút chốt quả lựu đạn cuối cùng chết cùng bọn giặc khi chúng ập đến.
Nghe tiếng súng thưa dần, tiếng reo hò của bọn giặc ầm ĩ chúng tôi biết những đồng đội của mình đã hết đạn và tàn kiệt sức chiến đấu. Khi chuẩn bị rời vị trí để tiếp tục rút lên cao trên dãy núi thì tôi nghe tiếng một chiến sĩ nằm bên cạnh kêu lên:
- Thầy Thám...
Tôi vội nhìn xuống chân dốc. Đúng là thầy Thám rồi. Thầy Thám đang bò lết ở phía sau một mô đá. Phía trước mô đá ấy là một chiếc xe tăng và lúc nhúc bộ binh địch đang hò hét tiến vào. Tôi chăm chú theo dõi hành động của thầy. Thầy Thám cố thu người nép vào mô đá để tránh bọn địch phát hiện. Đột nhiên thầy nhổm dậy. Thầy quỳ sau mô đá và đặt khẩu súng chống tăng B41 lên vai. Tôi hốt hoảng thốt lên: "Không được! Không được bắn thầy ơi!". Bởi lẽ đuôi khẩu B41 của thầy đang kề sát vách núi đá dựng đứng. Khi thầy bắn luồng lửa phụt ra ở đuôi khẩu súng chống tăng sẽ không có đường thoát. Với luồng lửa cả ngàn độ bật trở lại thầy sẽ chết cháy trước khi viên đạn của thầy bắn ra bay tới mục tiêu.
Tôi hét to:
- Thầy không được bắn!
Từ trên sườn núi đá cũng có nhiều tiếng kêu lên thảng thốt như thế. Tiếng gào của chúng tôi chìm trong tiếng súng, không biết thầy có nghe được không? Thầy đã biết cách sử dụng súng chống tăng B41 rồi sao lại định bắn trong tư thế ấy. Tôi nín thở nhìn thấy, lòng đầy lo lắng, sợ hãi. Thầy Thám vẫn lặng lẽ điều chỉnh đường ngắm vào chiếc xe tăng quân giặc đang chồm tới. Rồi tôi thấy thầy đưa tay lau mặt và sửa lại cặp kính cận.
Một vầng lửa bùng lên ở khe núi trước khi một vầng lửa khác bùng lên trên chiếc xe tăng quân giặc. Thầy Thám đã bắn quả đạn B41 trong tư thế ấy. Thầy đã hy sinh trước khi nhìn thấy mục tiêu bị tiêu diệt. Chắc chắn thầy đã hiểu điều này trước khi bình tĩnh xiết cò.
Nhìn quầng lửa vẫn còn đang bùng lên nơi thầy vừa bắn quả đạn B41, tôi bật lên tiếng gọi: "Thầy ơi!".
Chuẩn bị thi đại học thì nhận lệnh nhập ngũ. Tôi tống luôn những tập sách giáo khoa và những cuốn vở viết dở cho con em họ đang học lớp dưới. Con bé mừng hú, năm học tới nó có sẵn sách giáo khoa và tha hồ xé những trang vở tôi viết dở làm giấy kiểm tra 15 phút và làm nháp.
Hôm lên huyện tập trung để làm lễ giao nhận quân tôi chỉ có một bộ quần áo mặc trên người và cái túi đựng cuốn sổ ghi lưu bút của bạn bè. Trong khi đó thằng Đan đeo một cái bọc to kềnh càng sau lưng. Nó cũng học năm cuối cấp 3 nhưng ở chuyên của tỉnh. Chúng tôi quen nhau từ trước sau một lần đi hội trại thanh niên của huyện. Tôi hỏi:
- Mày mang theo đồ đạc gì mà nhiều thế?
- Tao mang theo sách vở để lúc nào rỗi thì học thêm! Hoàn thành nghĩa vụ trở về tao lại thi đại học.
- Mày viển vông quá! Giống hệt thằng Lam em họ tao. Đang chiến tranh thế này biết bao giờ mới trở về đi học được?
- Chiến tranh rồi cũng phải kết thúc chứ!
- Nhưng hành quân súng đạn gạo củi nặng bỏ mẹ mày còn đeo thêm sách vở thế nào được.
- Tao sẽ cố...
- Thôi mặc xác mày!
Nhận quân trang xong, lại được cấp thêm 7 ki-lô-gam gạo nữa nên ba lô của chúng tôi căng phồng. Tôi cứ tưởng là sẽ leo luôn lên ô tô rầm rập phóng ra mặt trận ngay. Nhưng không, chúng tôi được biên chế vào một đơn vị thuộc tỉnh đội. Và việc đầu tiên là hành quân bộ vượt sông Lô sang huyện Lâm Thao. Đoạn đường năm mươi cây số không xa nhưng lần đầu tiên cuốc bộ lại không quen với đôi dép cao su mới phát nên chân tôi chầy chật rớm máu. Tôi để ý thấy thằng Đan vẫn lặng lẽ bước đi phía trước. Trong nó vóc dáng đã bé nhỏ nên như bị cái ba lô đè gập người xuống. Tôi nghĩ: "Cứ đà này thì qua phà nó ném bọc sách vở cho trôi sông luôn!".
Nhưng Đan vẫn đeo được bọc sách vở về đến đơn vị. Suốt thời gian huấn luyện chiến sĩ mới thời gian được nghỉ tôi thường thấy Đan chúi đầu vào mấy cuốn sách. Mặc cho tôi và mấy thằng cùng tiểu đội khích bác nhưng Đan vẫn bỏ ngoài tai. Nhiều lần gặp tôi nó khoe vừa giải được một bài toán khó trong tuyển tập đề thi đại học. Tôi bảo:
- Biết bao giờ mới được ra quân mà thi, mày học làm gì cho tốn công tốn sức?
- Thì rồi cũng phải ra quân chứ! Chiến tranh chống Mỹ kết thúc, rồi họ sẽ phải cho tụi mình xuất ngũ về thôi! Thời bình quân đông quá để làm gì?
Nhưng chúng tôi không được xuất ngũ như thằng Đan nói. Đơn vị chúng tôi nhận lệnh hành quân lên Hà Giang làm kinh tế. Chúng tôi nhận nhiệm vụ mở con đường lâm nghiệp giữa rừng sâu. Đó là những ngày gian khổ nhất của cuộc đời chiến sĩ chúng tôi. Sống giữa rừng sâu ăn uống thiếu thốn, làm việc vất vả. Tôi và thằng Đan mỗi người về một đơn vị khác nhau. Hôm đi công tác qua tiểu đoàn 1, tạt vào thăm Đan, tôi vẫn thấy trên giá ba lô chỗ nó nằm những cuốn sách ôn thi địa học đã sờn gáy. Thì ra nó vẫn không quên việc học tập. Hình như đối với nó học là một niềm vui, niềm hy vọng của cuộc sống.
Niềm hy vọng vào đại học của thằng Đan lại có nguy cơ không thể thực hiện được. Chiến tranh biên giới lại đang có nguy cơ nổ ra bất cứ lúc nào. Khi đơn vị biên chế lại, từ đội hình làm kinh tế sang đội hình chiến đấu thì tôi và Đan lại về cùng một trung đội thông tin. Từ những người lính chuyên cuốc đất, đặt mìn phá đá mở đường, chúng tôi quay về nghề cũ từ ngày mới nhập ngũ là lính thông tin. Tôi về tiểu đội hữu tuyến, Đan là chiến sĩ tiểu đội truyền đạt của trung đội thông tin tiểu đoàn 3.
Đơn vị chúng tôi lật cánh sang hướng Cao Bằng. Hôm gặp nhau ở vùng đồi núi cỏ tranh thuộc huyện Ngân Sơn để huấn luyện tôi vẫn thấy thằng Đan đeo một cái ba lô đầy sách vở. Sau gần một tháng huấn luyện, đại đội thông tin chúng tôi được lệnh hành quân bộ lên biên giới để nhận quân. Vốn toàn là lính cũ nên việc hành quân bộ đường dài đối với chúng tôi là chuyện bình thường. Chúng tôi vượt qua đèo Mây, đèo Cao Bắc, dốc Sìn Hồ về Hoà An. Con đường gập ghềnh dốc cao hun hút. Tôi còn nhớ mãi chuyện anh Lộc, đại đội trưởng vốn là một giáo viên vừa ở trường về có lẽ chưa quen đi bộ nên hai chân anh bị phỏng rộp chảy máu ròng ròng, thấm đẫm ra cả lớp băng trắng. Thế mà anh ấy vẫn luôn luôn đi trước hàng quân. Tôi để ý thấy thằng Đan vẫn lặng lẽ đi ở phía sau hàng quân. Tôi biết trong cái ba lô nặng trĩu của nó vẫn có những cuốn sách giáo khoa.
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
...Tới Hoà An, đại đội huấn luyện của chúng tôi giải thể. Mỗi người về một hướng. Tôi và thằng Đan cùng nhau lên Hà Quảng. Trung đội thông tin lúc này đang đóng quân trong nhà dân ở sát đường biên giới. Chiến tranh chắc chắn sẽ nổ ra. Mọi công tác chuẩn bị cho cuộc chiến diễn ra rất khẩn trương. Dọc con đường độc đạo từ biên giới xuống thị trấn huyện lỵ nằm chênh vênh trên miệng vực đơn vị xây dựng các trận địa chặn giặc. Chúng tôi đào các hố tại các vị trí mà có thể đổ hàng trăm cân thuốc nổ đánh sập cả đoạn đường xuống vực sâu khi cần thiết để chặn xe tăng và bộ binh địch.
Một buổi tối tôi đang nằm nghỉ sau một ngày đào hầm, củng cố trận địa thì Đan ở đâu về đưa cho tôi hơn một miếng bìa cứng có những ký hiệu bằng chữ và số, được ép platstic cẩn thận bảo:
- Đây là mã số của từng người trong trung đội. Nhớ dặn mọi người luôn luôn để trong túi ngực, phòng khi...
Nghe thằng Đan nói, tôi hiểu. Đây là mã số riêng của từng người để khi ai hy sinh thì chôn theo sau này còn biết danh tính liệt sĩ. (Nếu tôi nhớ không nhầm thì mã số của tôi ngày ấy là JA-301).
Đưa cho tôi miếng mã số để đánh dấu mộ chí khi cần thiết xong thằng Đan thần mặt ra một lúc rồi hỏi:
- Không biết sau trận này mình có được ra quân về đi học tiếp không nhỉ?
- Chắc chắn rồi! Mày cứ yên tâm...
Nói vậy nhưng tôi cũng không tin lời mình lắm. Thằng Đan cũng lặng lẽ không nói gì thêm. Hai đứa cùng nhìn ra ngoài trời. Ánh trăng mờ nhạt trong hơi sương lạnh lẽo. Rừng núi âm u. Cuộc chiến tranh vẫn lẩn khuất ở đâu đó bên kia biên giới.
Tôi cũng thấy ngạc nhiên là khi chiến tranh nổ ra mình lại bình tĩnh thế. Chập tối có lệnh triển khai đưòng dây hữu tuyến và các tổ đài về các vị trí đảm bảo liên lạc. Mãi đến hơn 12 giờ đêm chúng tôi mới triển khai xong các tuyến đường dây về đến nhà ở thì hai mắt tôi ríu lại. Tôi vừa chợp mắt thì nghe tiếng súng nổ ầm ầm. Giật mình tỉnh giấc, tôi nghĩ là bọn địch đánh bộc phá lấy đá làm công sự như mọi bữa. Kéo chăn kín đầu định ngủ tiếp thì tôi nghe tiếng tiểu đội trưởng Bùi quát:
- Tất cả ra hang chỉ huy của tiểu đoàn ngay! Bọn địch bắt đầu tấn công rồi đấy!
Tôi bật ngay dậy vớ khẩu súng AK, cuộn dây điện thoại và chiếc ba lô lao ra ngoài sàn nhà. Bầu trời sáng rực những luồng đạn pháo của bọn giặc từ bên kia biên giới bắn sang. Tôi nhảy bổ xuống đất. Mấy anh em các tiểu đội chạy theo. Chúng tôi men theo chiến hào chạy ra vị trí chỉ huy của tiểu đoàn.
Chạy ra đến giữa cánh đồng thì đạn địch bắt đầu bắn vào bản. Tiếng đạn pháo va vào vách đá nổ chát chúa, lộng óc. Những ánh lửa bùng lên. Chớp đạn lằng nhằng như sấm sét dọc ngang trên bầu trời. Khói bụi mù mịt. Ngôi nhà sàn tôi vừa ở lửa cháy bùng lên. Trong bản tiếng người kêu khóc, trâu bò rống, tiếng gà vịt, tiếng chó sủa hoảng loạn. Đạn súng 12li7 của bọn địch từ trên cao quét sàn sạt xuống mặt ruộng. Chúng tôi phải bò ép người sau những bờ ruộng cao để tránh đạn.
Đến gần sở chỉ huy của tiểu đoàn thì tôi gặp thằng Đan đang hộc tốc chạy ngược trở lại. Nhận ra tôi, nó bảo:
- Chạy lên hang ngay đi, pháo địch sắp bắn tới đây đấy!
- Thế mày còn đi đâu đấy?
- Tao lên vị trí chỉ huy đại đội 1 truyền đạt mệnh lệnh chiến đấu của tiểu đoàn trưởng.
Nói xong nó lao về phía súng đang nổ dữ dội. Lên đến vị trí chỉ huy của tiểu đoàn, chúng tôi nhanh chóng mắc dây nối máy điện thoại và kéo ăng-ten cho máy vô tuyến điện, nối thông liên lạc với các hướng. Mệnh lệnh chiến đấu được truyền đi thông suốt, chỉ huy tiểu đoàn bớt gào thét, quát mắng. Lúc này tôi mới nghĩ đến chiến tranh. Thế là nó đã xảy ra thật rồi. Và thế là mình cũng được chứng kiến giờ phút đầu tiên một cuộc chiến tranh đã nổ ra như thế nào, còn sự ác liệt, sự chết chóc và nỗi kinh hoàng của nó thì những ngày sau tôi mới hiểu hết.
Tảng sáng, xe tăng và bộ binh địch bắt đầu tấn công. Cuộc chiến đấu ở điểm tựa cây đa sát cửa khẩu rất ác liệt. Sau một ngày chặn địch, đại đội 1 tổn hao gần hết quân số, điểm chốt khó có thể trụ thêm một ngày nữa. Sáng ngày thứ hai, tiểu đoàn trưởng Thêm quyết định chặt đứt đoạn đường phía bên trái chốt cây đa để chặn xe tăng quân giặc tràn về phía sau. Trung đội thông tin chúng tôi nhận được lệnh chi viện cho tổ công binh phá đường. Đã gần sáng. Anh nuôi vừa đem cơm nắm lên. Đang ăn thì có lệnh, thằng Đan vội đưa cho tôi nắm cơm nó vừa cắn được một miếng bảo:
- Cầm lấy cất cho tao! Tao nhận được lệnh dẫn mấy anh em gùi thuốc nổ lên hỗ trợ bộ phận công binh phá đường chặn địch.
- Nhớ thật cẩn thận nhé!
Thằng Đan đi rồi, tôi nhét nắm cơm ăn dở vào cóc ba lô để nó về còn có cái mà ăn. Cả ngày chiến đấu có khi chỉ có mỗi một nắm cơm nhỏ này thôi. Đan đi được một lúc thì tôi cũng nhận được lệnh đi gùi thuốc nổ cho công binh phá đường. Chúng tôi đeo trên lưng mỗi người hơn ba mươi ki-lô-gam thuốc nổ và mấy hộp kíp mìn. Khi chạy, lúc bò dưới làn đạn địch tôi cũng hơi hoảng. Lỡ mà đạn địch bắn trúng khối thuốc nổ trên lưng thì mình tan thành cát bụi. Tuy vậy, chúng tôi cũng đem được thuốc nổ đến vị trí ấn định sẽ phá hỏng con đường chặn bước tiến của quân giặc. Hơn hai trăm cân thuốc nổ mạnh cùng hàng trăm cái kíp kích nổ được nhồi xuống một cái hố đã đào sẵn. Việc chắp nối dây cháy chậm và khối bộc phá được bộ phận công binh hoàn thành khá nhanh gọn, chính xác.
Trời đã sáng hẳn. Đạn pháo của bọn giặc bắn dữ dội. Xe tăng và bộ binh địch đánh lướt qua trận địa của đại đội 1 tràn xuống phía thị trấn Sóc Giang. Anh Tâm, tiểu đội trưởng tiểu đội công binh giật chiếc nụ xoè lắp ở đầu một đoạn dây cháy chậm khá dài để điểm hoả khối thuốc nổ. Chúng tôi nhanh chóng lui về vị trí an toàn.
Nhưng mãi không thấy tiếng nổ, anh Tâm lấy ông nhòm quan sát rồi kêu lên:
- Hỏng rồi! Có lẽ mảnh pháo địch cắt đứt mất dây cháy chậm rồi.
Anh Tâm lăn ngay xuống vệ đường. Anh cố gắng tiến lên phía trước tiếp cận khối bộc phá để kiểm tra. Nhưng anh vừa nhô lên khỏi rãnh nước ven đường thì gục xuống. Tôi lo lắng nhìn mãi không thấy anh động đậy gì. Có lẽ anh ấy trúng đạn hy sinh rồi. Thằng Đan đang nằm ép bên cạnh tôi nói:
- Để tao lên kiểm tra lại khối thuốc nổ!
Nói xong, nó lăn xuống con mương toài người lao lên phía trước. Tôi hồi hộp nhìn theo Đan. Một chiếc xe tăng của địch đã nhô ra ở quãng đường ngoặt, cách khối bộc phá không xa. Đạn bắn thẳng của bọn địch cày trên mặt đường. Thằng Đan vẫn theo cái rãnh thoát nước bên đường cúi thấp người chạy lên. Khi nó chỉ còn cách khối bộc phá vài mét thì chới với ngã sấp xuống lòng rãnh nước. Một quả đạn pháo nổ gần chỗ chúng tôi đang nằm, khói bụi mù mịt. Tôi vẫn cố căng mắt quan sát, vẫn không thấy thằng Đan động đậy. Khi chúng tôi chuẩn bị cử người lên tiếp ứng thì lại thấy thằng Đan nhỏm dậy. Nó cố lết lên phía trước. Qua ống nhòm, tôi thấy một bên chân nó đẫm máu và hình như không còn cử động được nữa.
Chiếc xe tăng của bọn đich chồm tới rất nhanh trong khi thằng Đan vẫn nhích lên từng đoạn một. Khi thằng Đan đến được chỗ đặt khối bộc phá thì chiếc xe tăng địch chỉ cách nó một đoạn.
Chiếc xe tăng dừng lại rê nòng pháo bắn thẳng vào vách đá chỗ chúng tôi đang ẩn nấp. Tôi vẫn theo dõi thằng Đan. Nó nằm nghiêng người rút dao găm ra kê đoạn dây cháy chậm lên báng súng xiết mạnh. Khi thấy anh gắn nụ xoè vào đoạn dây cháy chậm ngay phía trên khối thuốc nổ hàng trăm cân, tôi chợt hiểu và thấy lạnh cả xương sống. Thằng Đan định điểm hoả cho khối bộc phá hàng trăm cân phát nổ tức thì. Đúng như tôi dự đoán. Sau khi lắp xong nụ xoè, thằng Đan nằm im như chết dưới lòng rãnh nước bên đường.
Khi chiếc xe tăng và bộ binh địch tiến sát khối thuốc nổ thì thằng Đan nhỏm dậy. Nó nhoài người dậy nằm đè lên phía trên khối thuốc nổ và giật nụ xoè, điểm hoả. Gần như đồng thời với hành động của thằng Đan là một tiếng nổ rung trời chuyển đất dội tới. Cả một đoạn đường cuồn cuộn mịt mù khói bụi. Đất đá văng rào rào. Tiếng súng của ta và địch đều lặng đi. Khi khói lửa dần tan tôi nhìn thấy cả một một đoạn đường đã bị đánh sập xuống vực. Chiếc xe tăng đi đầu cùng những tên lính giặc hung hăng biến mất.
Chúng tôi đắp cho thằng Đan một nấm mộ ở ven rừng trước khi rút lui khỏi thị trấn. Nấm mộ không có hài cốt. Hình hài và hồn phách của nó đã tan hoà cùng sông núi. Tôi đặt xuống xuống lòng cái hố đào vội nông choèn nắm cơm thằng Đan cắn dở và một cuốn sách giáo khoa nó vẫn đem theo từ ngày mới nhập ngũ.
Nấm mộ nơi biên ải không có mã số nhưng mãi mãi sẽ chẳng bao giờ vô danh.
 

bridge

Xe điện
Biển số
OF-41446
Ngày cấp bằng
24/7/09
Số km
4,979
Động cơ
307,859 Mã lực
Nơi ở
Hà Nội
Hồn thiêng núi sông sẽ mãi ghi công của các anh hùng liệt sĩ ...
Mời cụ chủ tiếp tục ạ !!
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
...Bọn địch bám theo dấu vết của tiểu đoàn chúng tôi dai như đỉa đói. Kể từ khi phát hiện ra và tập kích vào đội hình tiểu đoàn tôi ở Lũng Mật thì hình như bọn chúng theo sát bước chân chúng tôi tùng ngày. Chúng là lực lượng đặc nhiệm rất thiện chiến và liều lĩnh. Có khi chỉ với một lực lượng nhỏ mà bọn chúng dám đánh thẳng vào giữa đội hình đóng quân của tiểu đoàn. Với một đội hình đói, mỏi mệt và nhiều người bị thương, chúng tôi nhiều khi phải rất khó khăn mới ngăn chặn được sức tiến công mạnh mẽ của chúng để cho thương binh, nhân dân và các bộ phận có thời gian rút đi. Sau trận đánh ở Lũng Mật đơn vị cứ phải rút lui liên tục.
Đơn vị chúng tôi lang thang lẩn tránh trên các triền núi. Con đường chúng tôi đi là những vách đá chênh vênh trên lưng chừng núi đá, qua những thung lũng bản làng của người Mông lưa thưa vài nóc nhà trình tường thấp lè tè, ám khói và ướt sũng sương mù.
Một buổi tối chúng tôi đến một thung lũng nhỏ có mấy ngôi nhà của bản người Mông. Tiểu đội tôi chui vào một ngôi nhà lẻ loi tận cuối bản. Chủ nhà là một người bé nhỏ. Anh ta có đôi mắt sùm sụp luôn nhìn xuống đất. Người Mông suốt ngày leo vách núi đá tai mèo nên mắt thường quen nhìn xuống chân như thế. Thằng Lâm thì thào bảo tôi:
- Tên chủ nhà này hai mắt trông có vẻ gian lắm anh ạ! Có khi nó là gián điệp. Nó mà báo cho bọn giặc ta trú quân ở đây thì nguy anh ạ!
- Đừng có nghi ngờ bậy bạ!
Tôi nhắc nó nhưng trong lòng cũng băn khoăn suy nghĩ. Việc kẻ thù luôn nhanh chóng phát hiện ra nơi chúng tôi vừa dừng chân khiến chúng tôi phải hết sức cảnh giác. Trời đã tối hẳn. Anh chủ nhà đang lúi húi nhóm bếp. Theo anh ta cho biết vợ và hai đứa con đã trốn vào hang đá tránh giặc, chỉ có một mình anh ta ở coi nhà. Khi bếp lửa vừa nhen lên thì anh ta lặng lẽ rút con dao gài trên vách lẻn ra máng nước phía sau nhà ngồi mài. Thằng Lâm lập tức bám theo ngay.
Giữa lúc tôi đang tìm chỗ mắc võng ngoài vườn thì nghe tiếng ồn ào trong nhà. Tôi vội lao vào xem chuyện gì xảy ra. Thằng Lâm đang lôi tay chủ nhà vào trong nhà giọng vẻ gay gắt, đầy vẻ nghi ngờ:
- Tại sao mày dám làm như vậy?
- Tao không biết...
Anh chủ nhà gãi đầu. Trông anh ta nhỏ bé gầy gò. Nét mặt anh ta khắc khổ. Bộ quần áo đen anh đang mặc cũ rách bạc phếch. Tay phải anh ta vẫn còn đang cầm con dao chọc tiết lợn nhọn hoắt, sáng loáng.
- Mày không biết hay là nói dối hả?
- Tao không biết chữ thật mà!
Lúc này tôi mới để ý nhìn theo tay thằng Lâm đang chỉ. Đó là một bức tranh treo trên tường. Bức tranh có ghi dòng chữ "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Bức tranh được dán trên tường rất cẩn thận. Chỉ có điều khác thường là nó bị treo ngược.
Thằng Lâm nói vẻ hằn học:
- Mày đúng là một thằng ********* nên mới treo bức tranh có dòng chữ lời dạy của Bác Hồ lộn ngược như thế này hả?
- Ô... ô... tao không biết chữ đâu! Tao đi chợ thấy nó đẹp thì mua về treo thôi mà.
Thằng Lâm tiếp tục cật vấn:
- Có đúng là mày không biết chữ chứ?
- Đúng mà! Tao có được đi học bao giờ đâu mà biết chứ!
- Thế mày không nhìn thấy cái gì đây à? Đây là bông hoa sen. Mày không biết chữ thì cũng phải biết đó bông hoa sen chứ. Mày treo bông hoa sen ngược cuống hoa lên thế này hả?
- Tao... tao... cũng không biết đó là bông hoa... hoa... Tao chưa nhìn thấy loại hoa này bao giờ.
Tôi gạt thằng Lâm ra và bảo:
- Thôi đi! Nó quanh năm sống trên đỉnh núi cao, xuống đến chợ thị trấn là cùng, có về xuôi bao giờ đâu mà biết hoa sen là thế nào mà mày bảo nó treo ngược cuống hoa lên trời! Đừng nghi oan cho đồng bào hiểu không?
Thằng Lâm vẫn chưa chịu. Nó tiếp tục vặn vẹo:
- Thế đang đêm mày lấy dao đi mài để làm gì hả! Định chờ chúng tao ngủ say là ra tay à?
- Không... không phải đâu! - Anh chủ nhà ấp úng: - Tao mài dao để thịt con lợn lấy thịt cho bộ đội ăn đấy mà!
- Chuồng lợn nhà mày trống trơn, làm gì có con lợn nào mà thịt? Đừng có mà trí trá.
- Thật mà... cái bộ đội theo tao!
Anh ta nói rồi rút một mảnh gỗ nghiến đang cháy rừng rực ở bếp làm đuốc soi đường dẫn chúng tôi ra phía bìa rừng. Mấy thằng chúng tôi xách súng bám theo sát anh ta. Đến chỗ lùm cây trong một hốc đá thì nghe có tiếng ủn ỉn. Tôi dọi đèn pin. Một chú lợn béo múp độ hai chục cân được buộc ở gốc cây. Anh chủ nhà bảo:
- Tao giấu nó ở đây mấy ngày rồi đấy! Cả nhà tao chỉ có mỗi một con lợn này thôi!
Nói xong, anh ta túm hai chân sau con lợn nhỏ vác lên vai quay về nhà. Trở lại bếp, anh chủ nhà chọc tiết con lợn. Nồi nước trên bếp cũng đã sôi. Anh chủ nhà và mấy chiến sĩ nhanh chóng cạo lông con lợn.
Bữa tối hôm ấy thật ngon. Có ít gạo nấu một nồi cơm vơi mỗi người được hai sét bát. Lại có nồi thịt lợn tươi của chủ nhà thật hấp dẫn. Khi cắn miếng thịt lợn ngọt, ngậy mỡ tôi chợt nhớ đến anh chủ nhà. Từ lúc làm thịt xong con lợn thì không nhìn thấy anh ta đâu. Tôi vội đặt bát xuống đảo ra phía sau nhà. Bên đống lửa đã tàn anh chủ nhà đang ngồi ăn. Trên cái loa mẻ chỉ có một chút mèn mén đồ bằng bột ngô rời rạc, khô cứng.
Tôi ngồi xuống bên anh ta và hỏi:
- Sao anh không vào nhà ăn với bộ đội?
- Bộ đội ăn nhiều đi lấy sức mà đánh nhau với bọn giặc, đừng để nó cướp mất nước mình! Mình ăn thế này là được rồi.
Tôi nhúm một chút mèn mén đưa lên miệng. Miếng mèn mén bột ngô khô khốc ăn như nhai bột, nhạt thếch và tắc nghẹn ở cổ. Tôi kéo anh chủ nhà đứng dậy mời anh vào nhà cùng ăn cơm với bộ đội. Anh dứt khoát không chịu. Giữa lúc hai chúng tôi còn đang co kéo thì có lệnh tiếp tục hành quân. Mọi người nhanh chóng đeo ba lô rời khỏi ngôi nhà. Nồi cơm, nồi thịt ăn dở khênh đi theo luôn. Tôi gọi thằng Quý lại bảo nó lục ba lô đưa cho tôi gói muối dự trữ của tiểu đội. Tôi vốc một vốc muối gói vào mảnh giấy đưa cho anh chủ nhà. Anh chủ nhà chụm cả hai bàn tay chìa ra nhận món quà quý giá mà tôi cho.
Chúng tôi nhanh chóng nhập vào đội hình hành quân của tiểu đoàn. Ngoảnh lại nhìn ngôi nhà mình vừa trú quân, trong ánh sáng chập chờn của ngọn lửa tôi thấy bóng anh chủ nhà vẫn đứng ở cửa bếp.
Chúng tôi tiếp tục hành quân. Chúng tôi đi suốt đêm trên những lối mòn ngang lưng chừng núi ướt đẫm sương đêm. Gần sáng, chúng tôi mới được lệnh tạm dừng lại nghỉ. Nằm vật xuống một hốc đá bên lối đi, tôi duỗi thẳng hai chân mỏi rã vì leo núi. Đang nắn đôi chân cho đỡ mỏi thì Hải, chiến sĩ liên lạc tiểu đoàn chạy đến gọi:
- Anh lên gặp chỉ huy tiểu đoàn ngay!
- Có việc gì thế?
- Em không rõ! Anh đi luôn đi, tiểu đoàn trưởng và chính trị viên đang đợi!
Tôi vội xách súng đi theo Hải. Vòng qua một gộp đá to chúng tôi đến một khe núi. Tiểu đoàn trưởng Thêm và chính trị viên Hoàng đang ngồi chụm đầu trong một khe đá. Nhìn thấy tôi, chính trị viên Hoàng vẫy vẫy tay chỉ vào một mô đá ý bảo tôi ngồi chờ. Chỉ huy tiểu đoàn đang hội ý. Tôi vừa ngồi xuống mô đá thì trợ lý tham mưu Thọ cũng đến. Anh Thọ túm ghé tai tôi thì thào:
- Tao với mày và tổ trinh sát sẽ xuống núi trước. Bọn mình trinh sát tìm đường để tối nay đón đơn vị vượt qua quốc lộ rút về hướng Nguyên Bình đấy!
Tôi hồi hộp hỏi lại:
- Đây là đâu hả anh?
- Vị trí mình đang ém quân ở đây là dãy núi sát con đường quốc lộ lên huyện lỵ Thông Nông. Lát nữa sương mù tan sẽ nhìn rất rõ con đường dưới chân núi. Bọn địch chốt chặn dày đặc hai bên đường. Tao với mày phải tìm cho được chỗ bọn địch sơ hở để đưa đơn vị bí mật vượt qua đường an toàn nhất...
Chỉ huy tiểu đoàn đã hội ý xong. Tiểu đoàn trưởng Thêm gọi anh Thọ, tôi và hai chiến sĩ trinh sát đến giao nhiệm vụ đi trinh sát, tìm đường. Anh căn dặn rất cẩn thận khi có tình huống xấu nhất xảy ra. Tóm lại, bộ phận chúng tôi xuống núi nếu bị lộ, bọn địch truy sát thì dứt khoát không được chạy ngược trở lại vị trí ém quân của tiểu đoàn, cũng không được để lọt vào tay bọn địch. Và, tóm lại một lần nữa là chúng tôi sẽ phải tự sát không để bọn địch bắt sống. Tôi hiểu, tính mạng của mấy trăm cán bộ, chiến sĩ, thương binh, thanh niên xung phong và nhân dân đang ở trên núi rất mong manh, mọi sự sơ xuất có thể dẫn tới sự tổn thất lớn hơn. Anh Thọ thay mặt toán trinh sát hứa với tiểu đoàn trưởng sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ
 

ynhi2208

Xe điện
Biển số
OF-80429
Ngày cấp bằng
16/12/10
Số km
2,118
Động cơ
435,741 Mã lực
Nơi ở
Bốn bể là nhà,quê hương chỉ một
Ám ảnh ấy cũng sẽ theo suốt cuộc đời chúng tôi khi chứng kiến cảnh cả trăm người gái bị lột hết quần áo tả tơi đi giữa vòng vây quân thù. Sau này tôi còn được biết đơn vị nữ thanh niên xung phong ấy bị bọn địch bất ngờ tập kích. Gần như tất cả đều bị bắt, bị làm nhục. Một người con gái trong đơn vị có khẩu súng để canh gác đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Hết đạn cô sa vào tay giặc. Bọn địch thay nhau cưỡng hiếp cô bé đến chết đi sống lại. Dã man hơn chúng đã buộc cô bé trần truồng ấy ôm chặt lấy nòng pháo để làm mát súng khi bắn. Cô gái ấy co quắp cháy đen, chết khô trên nòng khẩu pháo 122ly của bọn giặc.

Đọc xong đoạn này em thấy cay cay, khô cả miệng, đúng là loài cầm thú
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
...Khi chúng tôi chuẩn bị lên đường thì chính trị viên Hoàng kéo tay tôi lại khẽ dặn:
- Phải thật cẩn thận Hà nhé!
- Anh cứ yên tâm! Em không việc gì đâu, anh đừng lo.
- Mày là rất hay liều lĩnh đấy!
Tôi gãi đầu. Trong chiến đấu sự dũng cảm hay liều lĩnh nhiều khi cũng chả phân biệt rõ ràng. Mấy lần tôi bị anh nhắc nhở vì cái tội chủ quan, liều lĩnh. Tôi biết anh lo lắng cho tôi. Tôi với anh là đồng hương đất Tổ Vĩnh Phú, lại ở cùng với nhau từ thời đào đất làm đường ở Hà Giang. Ngần ngừ một lát, chính trị viên Hoàng ngậm ngùi bảo tôi:
- Anh Bính hy sinh rồi mày biết chưa?
Tôi sững sờ trước tin anh Bính hy sinh. Anh Bính là người cùng xã với tôi. Anh ấy nhập ngũ từ những năm đầu chiến tranh chống Mỹ. Anh là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1 chốt chặn ở hướng Pác Bó, Đôn Chương. Tôi biết anh Bính từ khi còn ở nhà. Tôi cùng học cấp 3 với bé Hoà, em gái út anh ấy. Một lần lên nhà Hoà chơi, gặp anh ấy về phép. Khi nhập ngũ, bất ngờ tôi gặp anh trong một lần tập trung phát động thi đua toàn trung đoàn. Anh Bính lấy vợ muộn. Mãi sau chiến tranh chống Mỹ anh mới về phép cưới vợ. Con gái anh ấy còn rất nhỏ...
Chính trị viên Hoàng nói tiếp:
- Hôm qua, mấy thằng ở tiểu đoàn 1 vượt vòng vây chạy sang hướng tiểu đoàn ta nói anh Bính hy sinh anh dũng lắm. À! Mấy thằng tiểu đoàn 1 có gửi cho mày cái áo anh Bính mua cho con gái. Anh ấy dặn lại nhờ mày cầm về đưa cho con anh ấy. Cái áo ấy tao đang giữ đây, lúc nào mày đi trinh sát về thì cầm giúp anh ấy nhé!
- Vâng ạ!
Tôi đáp và chào anh để lên đường đi làm nhiệm vụ. Chúng tôi lợi dụng sương mù tụt xuống núi, vượt qua những mỏm đồi trồng sắn trống trải. Khi sương mù tan hẳn thì chúng tôi đã tiếp cận được sát mép đường quốc lộ. Tôi và anh Thọ nằm ém trong một bụi cây xấu hổ chỉ cách mặt đường vài mét. Trên đường bọn địch đi lại ồn ào, nhốn nháo. Nghe tiếng gầm rú, tiếng xích xe tăng nghiến ken két xiết trên đất đai của ta khiến lòng tôi cứ thấy quặn lên...
Sương mù tan hẳn. Từ trong bụi cây xấu hổ trên gò đất thấp sát bên đường chúng tôi tiến hành quan sát, theo dõi nắm quy luật đi lại của bọn địch. Trên quả đồi bên phải chỗ chúng tôi ẩn nấp, hướng từ biên giới xuống là một điểm chốt của bọn địch. Chúng tôi nhìn thấy rất rõ những cái mũ vải với ngôi sao màu đỏ của bọn chúng nhấp nhô bên cạnh những họng súng đen sì chốc chốc lại khạc lửa về hướng chân núi đá và phía bờ suối. Anh Thọ bảo tôi toài người lùi lại một chút nằm ép sau gờ đất cao để đề phòng bọn địch bắn bừa bãi lỡ dính phải một viên đạn lạc.
Bọn kiến làm tổ trong bụi cây xấu hổ bắt đầu hoạt động. Thỉnh thoảng chúng lại nổi hứng chích vào người tôi một phát đau nhói giật nảy mình mà không dám cục cựa mạnh. Trên con đường bọn địch vẫn hành quân rất đông. Bộ binh, xe tăng, xe vận tải rầm rập chạy vào đất ta. Chiến sự hình như đã tiến sâu xuống phía Hoà An nên tiếng súng nghe vọng lên xa xôi quá. Bọn địch tin chắc đã đẩy lùi quân ta xa đường biên giới sâu vào nội địa nên chúng có vẻ chủ quan. Chúng đi lại nghênh ngang trên đường cứ như là đang đi trên lãnh thổ của chúng vậy.
Đang ngoái đầu quan sát cái lối mòn nhỏ chạy dưới chân điểm chốt của địch ước lượng khoảng cách từ đường đến chân núi để xem có thể đưa đơn vị vượt qua được hay không thì anh Thọ chợt thì thào:
- Hà ơi! Nhìn kìa, có rất đông người đang đi ngược lên biên giới...
Tôi vội quay lại nhìn ra mặt đường. Một đoàn người đang đi ngược dòng quân lính địch hướng lên biên giới. Khi đoàn người rã rượi ấy tiến đến gần thì cả tôi và anh Thọ đều run lên bàng hoàng, kinh hãi. Anh Thọ khe khẽ thốt lên đau đớn: "Bọn thú vật, chúng nó dã man quá!".
Một đoàn người khoảng hơn một trăm cô gái tả tơi đang bị bọn lính giặc dẫn giải về hướng biên giới. Đó là các nữ thanh niên xung phong của ta. Cả trăm cô gái bị lột trần, không quần, không áo bị áp giải đi trong tiếng cười khả ố của bọn xâm lược. Những tiếng kêu khóc rên rỉ gọi mẹ, gọi cha thê thảm của những em gái bị bọn địch làm nhục khiến tôi thấy tim mình đau nhói. Tôi đặt tay lên cò súng. Anh Thọ vội giữ tay tôi lại. Anh nghiến răng kèn kẹt nói:
- Không được! Nổ súng bây giờ là giết các cô ấy đấy. Bọn chúng bắn chết hết các cô ấy ngay, hiểu không?
Tôi buông khẩu súng ôm mặt. Tôi không dám nhìn ra đường nữa. Nhưng dù tôi có nhắm mắt lại thì hình ảnh những cô gái trên người không còn một mảnh vải giữa vòng vây của bầy sói man rợ vừa đi vừa kêu khóc cứ hiện ra trong tôi. Tiếng khóc của các cô gái thanh niên xung phong thê thảm cứ văng vẳng mãi mặc dù họ đã bị dẫn đi xa dần, khuất hẳn sau mỏm đồi đất. Đầu óc tôi ong ong căng thẳng. Tôi thấy vô cùng chản nản, bất lực. Cơ thể tôi rã rời như sắp bị tan rữa ra thành đất bụi. Sao tự dưng tôi thấy sợ hãi và căm hận chiến tranh đến thế. Chiến tranh đã biến con người thành sắt thép, nhưng cũng biến con người thành bầy dã thú như thế. Có lẽ tất cả những tên lính giặc đã gí lưỡi lê, lột xé quần áo hãm hiếp những người con gái yếu ớt, tay không tấc sắt kia cũng có em gái, cũng có mẹ, cũng có một tình yêu đẹp. Nhưng chiến tranh đã làm cho chúng nó mất hết tính người, trở lại cái bản năng của loài cầm thú. Không hiểu rồi sau chiến tranh chúng nó sẽ sống thế nào khi bản tính con người của chúng đã mất! Chắc chắn là chúng nó sẽ sống như những con thú thực sự cho đến hết cuộc đời. Nỗi ám ảnh của chiến tranh rồi sẽ theo suốt cuộc đời nó. Ám ảnh ấy cũng sẽ theo suốt cuộc đời chúng tôi khi chứng kiến cảnh cả trăm người gái bị lột hết quần áo tả tơi đi giữa vòng vây quân thù. Sau này tôi còn được biết đơn vị nữ thanh niên xung phong ấy bị bọn địch bất ngờ tập kích. Gần như tất cả đều bị bắt, bị làm nhục. Một người con gái trong đơn vị có khẩu súng để canh gác đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Hết đạn cô sa vào tay giặc. Bọn địch thay nhau cưỡng hiếp cô bé đến chết đi sống lại. Dã man hơn chúng đã buộc cô bé trần truồng ấy ôm chặt lấy nòng pháo để làm mát súng khi bắn. Cô gái ấy co quắp cháy đen, chết khô trên nòng khẩu pháo 122ly của bọn giặc.
Đã quá trưa. Tôi chợt thấy đói. Cái đói quằn lên trong bụng. Nhưng khi anh Thọ đưa cho nắm gạo sấy thì tôi lại không muốn ăn. Có cái gì đó đầy ứ anh ách trong bụng. Có lẽ là sự đau đớn, căm thù đã chứa chất đầy trong tôi sau khi nhìn thấy cảnh các em gái bị bọn giặc hành hạ tả tơi, co rúm, rét mướt kêu khóc thảm thiết ở nơi biên ải này mà mình đành bất lực không làm gì được.
Lại có tiếng ồn ào rậm rịch trên đường. Tôi giật thót người lo lắng nghển cổ nhìn ra mặt đường. Lần này là một toán người lôi thôi, lếch thếch cũng đang đi ngược về hướng biên giới. Họ là dân thường. Nhưng không phải là dân ta mà là dân bên phía đối phương. Họ bị bắt đi vận chuyển xăng dầu, đạn dược vượt qua biên giới phục vụ quân đội của họ. Lúc quay trở về họ tranh thủ nhổ sắn, bẻ ngô và bắt trộm trâu bò gà lợn của dân ta. Nhìn những người dân đối phương đói khát bẩn thỉu, lôi thôi, trên lưng gùi vác đủ thứ lấy được đang lôi kéo theo những con trâu, con lợn của dân ta. Tôi và anh Thọ cùng lẩm bẩm: "Mẹ kiếp! Đồ ăn cướp...".

Có tiếng chân lịch bịch. Tôi ngẩnh đầu nhìn lên. Một con trâu mẹ và một con nghé chạy xuống sát chỗ tôi và anh Thọ đang nằm. Con trâu mẹ vừa cúi đầu gặm cỏ đã giật mình ngóc đầu lên nhìn. Nó đã trông thấy hai chúng tôi đang nằm ép mình trong bụi cây xấu hổ. Có lẽ nó ngạc nhiên không hiểu vì sao. Tôi nhìn chằm chằm vào mắt con trâu như muốm bảo nó hãy đi đi, miệng khẽ "xuỳ... xuỳ...xuỳ..." để xua đuổi nó. Nhưng mẹ con con trâu vẫn không hiểu cứ đứng sững nhìn chúng tôi nằm ép trong bụi cây gai. Tôi lo lắng. Bọn địch trông thấy hai con trâu mà ngứa mắt lia cho một loạt đạn thì chúng tôi nguy to. Tôi vừa định thọc nòng súng ra để doạ con trâu thì bỗng đất đá tới tấp ném đến. Một người dân đối phương đang đứng trên đường ném để lùa hai con trâu đi theo đàn trâu ăn cướp được. Một hòn đá ném trúng lưng anh Thọ. Chắc là đau nên tôi thấy anh khẽ vặn người. May quá, hai con trâu lồng lên chạy theo đàn.
Đến cuối chiều sương mù lại buông xuống mù mịt. Bộ phận trinh sát của chúng tôi co cụm về gần chân núi đá. Sau khi nghe các chiến sĩ trinh sát báo cái tình hình, anh Thọ quyết định chọn lối mòn ngay dưới chân điểm chốt của địch để đến đêm đưa đơn vị vượt qua đường. Đây là một lối đi bất ngờ và có thể giữ được bí mật. Vì chỗ vượt đường quốc lộ sát vị trí chốt chặn của địch nên bọn chúng không thể ngờ hai nữa lại gần suối nước chảy ào ào sẽ át tiếng động của đoàn người vượt vây. Cũng bởi trong đội hình đêm nay bí mật vượt vây còn có gần một trăm người dân trẻ già, ốm yếu đều đủ cả.
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
...Sau khi thống nhất ý kiến về phương án đưa đơn vị vượt đường quốc lộ, anh Thọ bảo:
- Bây giờ tao và một chiến sĩ trinh sát sẽ lên núi báo cáo tình hình với chỉ huy tiểu đoàn. Mày và thằng Tuất trinh sát tiếp tục bám đường. Khi đơn vị rút qua mày sẽ tiếp tục ở lại bên này đường chốt giữ, yểm hộ và rút theo phía sau cùng đội hình nhé!
- Rõ rồi! Anh cứ đi đi!
- Nhớ ám hiệu liên lạc là tiếng tắc kè kêu chẵn ba lần nhé!
- Vâng! Anh cứ yên tâm...
Anh Thọ và chiến sĩ trinh sát đi rồi tôi và thằng Tuất chui vào một khe đá tranh thủ chợp mắt. Khoảng nửa đêm chúng tôi sẽ trinh sát lại lối thoát một lần nữa để gần sáng đón đơn vị vượt đường. Mệt bã người và cả ngày căng thẳng nhưng tôi không sao ngủ được. Cứ nhắm mắt lại là tôi lại thấy hình ảnh các em thanh niên xung phong không quần, không áo tả tơi lết đi trên con đường chiến tranh đầy máu và nước mắt.
Nửa đêm, tôi và Tuất lại lần ra hướng con đường quốc lộ. Chúng tôi đi dưới chân điểm chốt của bọn giặc. Hình như bọn chúng cũng đã ngủ nên không thấy bắn bừa bãi ra xung quanh nữa. Mặt đường quốc lộ cũng không còn bóng lính hay xe cộ của bọn địch qua lại. Gần sáng đơn vị vượt qua đường sẽ giữ được bí mật, an toàn. Tôi hy vọng là như vậy. Nhưng chúng tôi đã không phát hiện ra từ lúc chập tối có một chiếc xe vận tải của bọn địch bị chết máy ở giữa đoạn đường ngầm qua suối khuất ở phía sau quả đồi nơi bộ phận trinh sát chọn đưa bộ đội vượt qua đường.
Khi đội hình tiểu đoàn và nhân dân vượt qua đường gần hết thì chiếc xe vận tải của địch bất ngờ rú máy từ dưới con suối đang chảy ào ào vọt lên. Qua một đoạn cua ngắn ánh đèn pha sáng rực của chiếc xe vận tải đầy những tên lính giặc ngồi trên đã dọi thẳng vào đoàn người đang chạy qua đường. Đó là tốp cuối cùng do trung uý Tuấn, đại đội trưởng đại đội 1 chỉ huy. Tiếng súng, tiếng bọn địch hò hét rộ lên. Đạn địch từ trên quả đồi bên đường lập tức đổ xuống mặt đường như mưa. Có mấy người ngã sấp ngay trên mặt đường. Một số chiến sĩ đại đội 1 và đại đội trưởng Tuấn bị đánh bật trở lại mé bên này đường. Đang đi cuối đội hình, tôi vội nhao lên. Tôi gặp đại đội trưởng Tuấn đang nấp sau một mô đất. Không thể vượt qua đường được nữa vì bọn địch từ trên đồi đang lao xuống phối hợp với bọn ngồi trên xe vận tải chặn đường. Đường đạn của địch đan dày khắp mặt đường. Tiếng xích xe tăng địch xoang xoảng. Tôi và đại đội trưởng Tuấn quyết định dẫn số anh em chưa vượt được qua đường chạy ngược trở lại. Cũng may đại bộ phận tiểu đoàn và nhân dân đã vượt qua đường sang bên kia bờ suối lên được sườn núi bên kia an toàn.
Bọn địch tập trung hoả lực hướng về phía chúng tôi. Chúng tôi vừa nổ súng thu hút hoả lực địch vừa lùi dần về phía chân dãy núi đá nơi đơn vị vừa ém quân lúc nãy. Khi bám vào được lối mòn ngược lên đỉnh núi tôi dừng lại chờ đại đội trưởng Tuấn và các chiến sĩ đại đội 1. Bọn địch không truy đuổi mà chỉ bắn theo. Chúng tôi co cụm ở một hốc đá lưng chừng núi. Điểm lại quân số còn đúng mười bốn người, đủ các thành phần lính trinh sát, thông tin, vận tải và mấy chiến sĩ thuộc đại đội 1.
Theo điều lệnh chiến đấu của quân đội, anh Tuấn quân hàm cao nhất sẽ là người chỉ huy chung, tôi sẽ là chỉ huy phó. Kể từ đây, bộ phận của chúng tôi hoàn toàn bị tách khỏi đội hình của tiểu đoàn, độc lập chiến đấu. Và cũng kể từ đây chúng tôi bắt đầu những ngày gian khổ nhất trong vòng vây khép chặt của quân thù.
Mười bốn người chúng tôi quay lại ngược lên đỉnh núi, trở lại trong vòng vây của kẻ thù. Đại đội trưởng Tuấn lầm lũi đi trước. Tôi và thằng Tuất, thằng Lâm đi sau cùng. Không khí nặng nề, không ai nói với ai câu nào sau cuộc cãi vã giữa tôi và anh Tuấn. Anh Tuấn đã chỉ trích rất gay gắt việc tổ trinh sát chúng tôi chủ quan, không phát hiện ra chiếc xe vận tải của địch bị chết máy giữa suối dẫn đến đơn vị bị bất ngờ, bị địch cắt ngang đội hình khiến bộ phận đi sau không thoát ra ngoài được.
Sự sơ xuất trong chiến tranh nhiều khi khó mà tránh khỏi. Tình huống chiến đấu bất ngờ luôn luôn xảy ra. Người lính chiến phải luôn luôn bình tĩnh, sẵn sàng đối phó với bất cứ tình huống nào khi nó xuất hiện, kể cả tình huống xấu nhất. Bộ phận trinh sát chúng tôi rất mỏng, chỉ có bốn người lại chia làm hai hướng tìm đường đưa đơn vị rút ra. Chúng tôi đã không cử người nằm lại bám đường nên không biết có một chiếc xe tải chở tốp lính giặc chết máy ở giữa suối nên mới xảy ra tình huống bị chúng phát hiện lao lên cắt ngang đội hình rút quân của ta. Bị đại đội trưởng Tuấn phê bình, chỉ trích tôi không tự ái, tôi chỉ thấy bực tức vì anh nghĩ bộ phận trinh sát chúng tôi hèn nhát, sợ chết, trinh sát nắm địch không cẩn thận nên để xảy ra sơ xuất trên. Đúng là tôi có sợ chết. Ai chả sợ chết. Nhưng trong chiến tranh có nhiều điều còn khủng khiếp, kinh hãi hơn rất nhiều cái chết. Điều quan trọng là ai sẽ đứng vững được trong chiến tranh và trước bom đạn của kẻ thù. Có một điều là tôi không hèn nhát. Từ lúc chiến tranh xảy ra được giao nhiệm vụ gì tôi cũng đều cố gắng hoàn thành. Có những lúc tưởng không còn có thể chịu đựng nổi sự ác liệt của chiến tranh nữa tôi vẫn cắn răng chịu đựng, không rút lui, bỏ vị trí khi chưa có lệnh.
Trung uý Tuấn là người Hà Nội. Trong chiến tranh chống Mỹ anh thường ở khung A huấn luyện tân binh rồi bàn giao cho chiến trường. Lần anh vào sâu nhất là đến Quảng Bình giao quân, bị một trận B52 suýt chết. Lên biên giới đại đội 1 của anh bố trí ở điểm chốt là hai quả đồi nối tiếp nhau sát cửa khẩu. Trên mỗi quả đồi có một cây đa nên còn gọi là chốt cây đa thứ nhất và chốt cây đa thứ hai. Khi chiến tranh nổ ra trận địa của đại đội 1 bị quân địch tấn công liên tục. Cuộc chiến đấu ở đây rất ác liệt. Đến hai phần ba quân số của đại đội 1 bị thương vong. Gần như toàn bộ ban chỉ huy của đại đội 1 hy sinh và bị thương. Riêng anh Tuấn vẫn bình an vô sự vì khi tác chiến xảy ra anh chủ yếu ở vị trí chỉ huy là một mỏm núi đá nhô lên phía sau mỏm đồi thứ hai. Tại mỏm đá này có một cái hang nhỏ nhưng lại như một căn hầm lớn, bom tấn có ném vào cũng chả việc gì. Tôi nhớ hôm đang chuẩn bị trận địa ở mỏm Đầu Bò gần trường cấp 1 thị trấn gặp bộ phận còn lại của đại đội 1 rút qua, nhìn thấy đại đội phó Hoàn đầu quấn băng kín nhưng vẫn đi lại nhanh nhẹn bình thường, tôi hỏi:
- Anh bị thương nặng không mà băng bó kín cả đầu trông ghê thế?
- Nặng quái gì đâu! Sướt da vớ vẩn ấy mà!
- Sao vậy?
- Tao đang chỉ huy chiến đấu ở chốt cây đa phía trước thì thấy bỏng rát bên má trái, máu chảy ròng ròng. Sờ tay lên thấy bay đâu mất mẹ nó một mẩu tai phải rồi. Mẹ kiếp, thằng giặc chỉ cần nhích mũi súng sang bên trái vài li thì viên đạn cắm thẳng vào giữa mặt tao rồi. Mấy đứa chúng nó thấy mặt mũi tao be bét máu liền băng bó ngang dọc chứ tao có bị gì nặng đâu.
Tôi bảo:
- Anh đừng chủ quan. Nó nhiễm trùng thì khốn.
- Đúng... đúng... nguy quá rồi mày ơi!
- Sao thế?
- Thì... sau trận này vác cái tai cụt về khéo người yêu tao nó bỏ chạy luôn một mạch mất mày ạ!
- Không việc gì đâu anh ạ! Sau chiến tranh vào thẩm mỹ viện họ lắp cho một cái tai giả. Tai vẫn vẫy được, vẫn đẹp trai như thường...
- Mày chỉ được cái khéo động viên!
Tôi hỏi tiếp:
- Anh em đại đội 1 thế nào hả anh?
Đang tếu táo, anh Hoàn sầm ngay mặt lại ngậm ngùi:
- Gần như toàn bộ cả hai ban chỉ huy đại đội đều hy sinh cả rồi.
- Sao lại những hai ban chỉ huy?
- Thì mày tính, chiến đấu được hai ngày ban chỉ huy đại đội hy sinh gần hết. Chính trị viên Toàn, chính trị viên phó Lân chết ở chốt cây đa thứ nhất. Trên bổ sung về anh Phương, học viên Trường sĩ quan Chính trị làm chính trị viên, đôn thằng Ngọc trung đội trưởng lên làm đại đội phó cũng chỉ được thêm vài ngày là người thì trúng đạn pháo hy sinh, người bị thương nặng đưa về chết ở trạm phẫu tiền phương. Còn mỗi tao sống sót thì lại bị cụt mẹ nó mất một tai, thật chả ra làm sao.
- Thế còn anh Tuấn, đại đội trưởng?
- À... à... ông ấy á! Bom có ném trúng cũng chả việc gì!
- Tại sao vậy?
- Thì... ông ấy cứ ở lì trong hang đá thì việc quái gì chứ?
Thiếu uý Hoàn trả lời một cách quấy quá rồi lừ lừ đi mất. Anh Hoàn là một lính chiến ở mặt trận phía Tây Nam. Thành tích chiến đấu của anh khá dày dặn. Anh là một người chỉ huy gan lỳ. Hầu như suốt thời gian đại đội 1 chống chọi với các đợt tấn công ác liệt của địch, anh luôn luôn có mặt ở chốt cây đa thứ nhất chỉ huy bộ đội và trực tiếp bẻ gãy các đợt tấn công liên tiếp của chúng. Trong khi đó thì đại đội trưởng Tuấn ở trong hang đá chỉ huy bằng điện thoại và qua liên lạc truyền đạt. Mệnh lệnh lúc tới được các trung đội, lúc thì không.
Bây giờ khi bị thất lạc khỏi đội hình của tiểu đoàn, còn mười bốn người, tôi đang là cấp dưới của anh Tuấn. Tôi không nề hà gì việc ai là người chỉ huy mình. Tôi chỉ sợ khi tình huống chiến đấu khẩn cấp xảy ra phải chấp hành những mệnh lệnh thiếu chính xác.
...
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
...Chúng tôi tiếp tục rút sâu vào trong dãy núi đá. Chúng tôi đi qua những thung lũng hoang vắng không một bóng người. Mười bốn người chia làm hai bộ phận. Tôi dẫn hai chiến sĩ đi trước trinh sát địch và tìm đường, tìm vị trí tạm trú quân khi đêm đến và quan trọng nhất là tìm được dân để xin chi viện lương thực, thực phẩm. Bộ phận hơn mười người do trung uý Tuấn chỉ huy hành quân ở phía sau. Bộ phận này chỉ cơ động sau khi chắc chắn phía trước không có địch vì trong đội hình có mấy anh em bị thương, ốm yếu. Bọn địch cũng đã bắt đầu lùng sục để tìm và tiêu diệt các đơn vị của ta đang rút lui, ẩn náu lẩn khuất trên núi đá.
Đến đầu bản Kép Ké, thằng Lâm chợt dừng lại bảo tôi:
- Anh và thằng Tuất ém tại đầu bản để em mò vào trước xem sao. Lỡ có bọn địch phục kích trong bản.
- Mày phải thật cẩn thận đấy!
- Bản này em đã đến một lần rồi, em thông thạo địa hình.
Thằng Lâm nói rồi lẩn nhanh vào mấy bụi cây lúp xúp đầu bản. Trời đã sâm sẩm tối. Suốt một ngày lần mò leo trèo vật vã trên vách núi chân tay tôi mỏi nhừ. Tôi ngồi dựa vào một mô đá. Thằng Tuất cảnh giác quan sát xung quanh. Bản Kép Ké nằm trong một thung lũng khá rộng. Đây cũng là trung tâm hành chính của xã Kép Ké. Có một con đường nhỏ chạy ngang qua bản và ngược lên sườn núi ở phía cuối bản. Nếu tình hình không có gì đặc biệt, bọn địch chưa đánh đến đây thì cả bộ phận của chúng tôi sẽ ở lại bản vài ngày để tìm cách vượt qua con đường gần thị trấn Thông Nông tìm lối rút sang Nguyên Bình tìm về với đội hình của tiểu đoàn. Thằng Lâm đi một hồi lâu thì quay lại, nó dẫn theo một nam một nữ là hai dân quân của bản. Nó chỉ anh dân quân giới thiệu:
- Đây là anh Phủng, trung đội trưởng dân quân xã. Còn đây là em Hoa dân quân của bản Kép Ké.
Chúng tôi nắm chặt tay nhau. Anh Phủng thông báo cho tôi biết tình hình địch. Bọn địch chỉ bắn pháo và đưa trinh sát thăm dò chứ chưa đánh vào khu vực Kép Ké. Hiện trung đội dân quân của xã vẫn chốt chặn ở đầu lối vào thung lũng Kép Ké. Có một số chiến sĩ các đơn vị rút chạy về đây cũng ở lại tham gia chốt chặn đánh địch. Anh đề nghị bộ phận của chúng tôi ở lại giúp dân quân bản Kép Ké chặn giặc. Tôi đồng ý nhưng nói với anh việc này phải xin ý kiến đại đội trưởng Tuấn vì tôi không thể quyết định được. Tôi lệnh cho Tuất quay lại phía sau thông báo cho bộ phận của trung uý Tuấn di chuyển vào bản Kép Ké. Đến khoảng tám giờ tối thì tất cả chúng tôi đã tập trung đầy đủ ở khu bản nhỏ trong thung lũng.
Anh Phủng, trung đội trưởng dân quân xã mời chúng tôi ăn cơm. Hai mâm cơm khá thịnh soạn. Cơm trắng. Có thịt lợn luộc, bí ngô nấu canh, rau cải xào và cả một chai rượu ngô nữa. Chúng tôi mỗi người làm một chén cho khí thế. Bao nhiêu ngày rồi chúng tôi mới lại được ăn một bữa no và ngon đến thế. Ánh lửa bập bùng soi không rõ mâm cơm. Nhưng tôi vẫn nhận thấy rõ những khuôn mặt bộ đội, dân quân hốc hác vì đói ăn, đói ngủ bao ngày. Đêm biên giới âm u. Những người lính, người dân ngồi sát bên nhau bên mâm cơm, chia nhau từng miếng cháy đáy nồi. Trận chiến đấu ngày mai ai trong số những người đang ngồi quanh mâm cơm hôm nay đây sẽ nằm xuống. Ôi chiến tranh thật là không thể biết trước điều gì. Tôi thấy nghèn nghẹn trong cổ họng khi nhớ lại những đồng đội đã hy sinh...
Ăn xong chúng tôi tranh thủ bàn việc phòng ngự chặn quân giặc tấn công vào Kép Ké. Trung uý Tuấn có vẻ hơi bực. Anh không bằng lòng vì tôi đã vượt quyền khi tỏ ý nhận lời ở lại chiến đấu với dân quân Kép Ké. Anh muốn tiếp tục hành quân đi tìm đội hình của tiểu đoàn ngay. Tuy vậy anh cũng cùng chúng tôi bàn phương án chiến đấu. Đường vào bản Kép Ké rất dễ phòng thủ nhưng cũng lại rất khó rút lui. Nếu để bọn địch chiếm được vị trí chốt phòng ngự đầu bản Kép Ké thì chúng có thể khống chế toàn bộ thung lũng và dùng hoả lực bắn thẳng chặn bít ngay con đường rút lên núi ở phía cuối bản. Lúc ấy toàn bộ bộ đội và dân quân sẽ như là nằm trong lòng bàn tay quân giặc.
Bàn bạc xong phương án chiến đấu, cắt cử người phối hợp với dân quân tuần tra canh gác, bộ phận chúng tôi phân tán chia nhau về trú quân trong các nhà dân. Tôi, Tuất và Lâm theo cô Hoa về nhà. Tổ tiền trạm của chúng tôi sẽ ở nhà của cô Hoa sát chân núi đá. Leo lên sàn nhà, tôi nhìn thấy bên bếp lửa bập bùng một ông già đen đúa đang ngồi vót chông. Cô Hoa giới thiệu:
- Đây là ông của em!
Tôi vội chào ông và ngạc nhiên hỏi:
- Ông vẫn chưa đi sơ tán ạ?
Ông già lắc đầu:
- Sao tao phải đi sơ tán hả? Mà sơ tán đi đâu, bỏ đi đâu! Đất của mình đây thì mình phải ở chứ. Chúng mày ở mãi tận dưới xuôi còn kéo nhau lên đây để giữ đất. Chúng tao ở đây lại bỏ đi à?
Cô Hoa nói:
- Đấy! Ai bảo ông em cứ nói như thế đấy! Em bảo ông sơ tán lên hang đá trên núi cho an toàn khi bọn địch tấn công vào bản nhưng ông không chịu. Ông bảo là ở lại giúp đỡ bộ đội và dân quân đánh giặc. Anh khuyên ông giúp em với nhé!
Tôi im lặng. Tôi đang suy nghĩ về câu nói của ông già. Một câu nói mộc mạc nhưng đó lại chính là một chân lý giản dị mà có lẽ cả ngàn đời nay rồi mỗi người dân đất Việt đều hiểu, đều ghi tạc trong lòng.
Ông già ngồi bên bếp lửa. Tay phải ông cặp chặt con dao quắm vuốt dài trên thanh tre đực già. Những cây chông nhọn sắc từ bàn tay ông sau khi được hơ qua lửa cho cứng được xếp cẩn thận cạnh bếp.
Sương mù tạt qua cửa sổ bay vào trong nhà lành lạnh. Ông già chỉ mặc độc cái quần cộc nhuộm chàm, người ông đen bóng tựa cái cột nhà.
Ánh lửa bập bùng. Trên vách nứa in hình ông sù sì, gân guốc với cây chông trên tay nhọn hoắt, rung rung. Tiếng dao vuốt trên thanh tre sàn sạt. Trong đêm vắng, âm thanh đó tạo nên những cảm giác nhòn nhọn, gai gai...
Dân bản Kép Ké quen gọi ông là Đăm. Tên thật của ông hình như không ai còn nhớ. Đăm-tiếng Tày nghĩa là đen. Đã từ lâu rồi dân bản quen thấy ông quanh năm chỉ mặc độc một chiếc quần cộc chàm, đầu không mũ, không nón nên người ông đen nhẻm. Mùa đông lạnh giá, ông mới khoác thêm cái chăn sui rách lua tua. Ông đi cày thuê, đẵn gỗ thuê, kiếm từng bát gạo về nuôi vợ, nuôi con. Nhưng vợ ông chết từ khi thằng con độc nhất chưa đầy mười tuổi. Ông ở vậy nuôi con cho đến khi cách mạng thành công. Lớn lên, anh con trai ông theo du kích rồi vào bộ đội. Anh đi hết chiến dịch biên giới lại xuôi đồng bằng. Anh bị thương nặng, điều trị tận dưới xuôi. Mấy năm sau hoà bình, ông xuống tận nơi điều dưỡng đón con về. Ông lấy vợ cho anh. Được vài năm vết thương tái phát, anh mất khi đang là phó chủ nhiệm hợp tác xã. Ông phải khuyên giải mãi, cô con dâu mới chịu đi bước nữa. Đứa cháu gái ở với ông. Thế là bao nhiêu vụ ngô làm hạt trên nương, bao mùa lúa chín dưới đồng, ông vẫn cô độc nuôi con, nay lại nuôi cháu. Nhưng đời ông không phải cuốc mướn, cày thuê nữa. Ông đã có cơm ăn, áo mặc. Ông sống trọn lòng với dân, với bản. Ai dựng nhà mới, ông cũng vác rìu đến đẽo gỗ, chặt cây. Ai đau ốm, ông lên rừng tìm giúp cái lá thuốc...
Đêm đã về khuya. Tôi tôi gấp cuốn sổ ghi chép những chuyện xảy ra trong ngày lại rồi lăn ra góc sàn cố chợp mắt lấy một lúc. Ngày mai sẽ lại là một ngày ác liệt đây. Lâm và Tuất đều đã ngủ ngon. Đứa nào đó còn tóp tép miệng như trẻ con.
Chợt có tiếng kẹt cửa nhè nhẹ, tiếng chân bước nhón khẽ trên sàn nhà. Tôi quay lại nhận ra cô Hoa. Chắc cô vừa đi tuần tra về. Hoa mới mười tám tuổi, là một cô gái xinh đẹp. Khẩu súng vẫn khoác trên vai, cô đến bên ông ngồi xuống. Hai ông cháu thì thào với nhau bằng tiếng dân tộc. Tôi không rõ cô gái nói gì, chỉ thấy ông ngước nhìn về phía mấy chiến sĩ đang nằm ngủ, rồi ông rút bớt củi trong bếp ra. ánh lửa chập chờn yếu đi. Đêm càng về khuya, chỉ còn tiếng dao vẫn miết dài trên thanh tre tạo nên những âm thanh nhòn nhọn, gai gai.
Tôi cũng không thể nào ngủ được nhớ lại câu chuyện trung đội trưởng Phủng kể lúc chập tối về người ông nội của cô Hoa.
Cách đây gần một năm, vào một buổi sáng khi người dân bản Nà Sao ở gần cửa khẩu thức dậy thì đã thấy cột mốc biên giới từ giữa cánh đồng bỗng nhiên lù lù đến đứng ở ngay đầu bản. Bọn lấn chiếm lợi dụng đêm qua trời mưa đã rời cột mốc vào sâu đất ta hơn 300 mét. Dân bản nhìn nhau: "Nó định chiếm cả cánh đồng của ta à?". Người bàn Kép Ké chưa kịp ăn bữa sáng nghe tin cũng vội kéo nhau lên. Một toán dân binh đêm qua làm cái nhiệm vụ mở rộng bờ cõi vẫn còn lố nhố ở đó. Thấy dân ta kéo đến, chúng khua cao lá cờ của chúng ý muốn nói đây là lãnh thổ nước chúng. Một tên côn đồ có bộ mặt hung hãn đứng cạnh cột mốc gườm gườm nhìn mọi người. Mấy người dân bản Nà Sao xông vào định đào cột mốc lên đưa về chỗ cũ, nó xô ngã và giật xẻng cuốc trên tay họ vứt đi. Giữa lúc đó thì ông già Đăm từ phía sau rẽ mọi người tiến lên.
Tên giặc nhìn ông già chăm chú. Nó không hiểu một ông già nhỏ bé, đen đúa thế kia sẽ làm gì được nó. Dẫu vậy cũng phải đề phòng, nó xuống tấn. Người lúc dân hai bản lo lắng cho ông mặc dù họ biết ông là người giỏi võ. Giữa lúc đó thì nghe "hự" một tiếng. Sau đó là tiếng rú lên. Những người đứng phía sau xôn xao:
- Ông Đăm bị nó đánh chết rồi!

Những người đúng phía sau kêu lên. Còn những người đứng phía trước thì ồ lên khoái chí. Tên giặc bị một cú đấm bất ngờ như trời giáng vào giữa mặt. Nó bật ngã ngửa, máu mũi, máu miệng nó trào ra. Dân các bản hò reo vung cuốc xẻng lên. Những tên lấn chiếm hoảng hốt tháo chạy. Cái cột mốc biên giới được đưa về đúng vị trí cũ. Tên giặc bị đánh đang còn choáng váng cũng được khênh đặt về phía bên kia cột mốc. Dân các bản hể hả nói:
- Chỗ của nó phải giữ là ở đó!
Tôi nằm thao thức mãi với câu chuyện của trung đội trưởng Phủng kể lại. Đêm lành lạnh. Trăng nhô lên. ánh trăng lọt qua khe liếp rơi trên sàn nhà những giọt sáng long lanh.
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
... Sáng sớm, sương mù còn dày đặc khắp thung lũng cách ba mét nhìn chẳng rõ người, trung đội trưởng Phủng đã tìm đến. Anh gọi tôi cùng đi ra chỗ đầu dốc lối vào bản Kép Ké kiểm tra việc bố trí phòng ngự chặn địch. Tôi để yên cho Tuất và Lâm ngủ thêm và lặng lẽ khoác súng theo anh Phủng. Chúng tôi không đi đường lớn mà men theo con đường mòn ven suối đi ra dầu bản để tránh pháo. Vừa đi. Anh Phủng vừa bảo:
- Đêm hôm qua bộ phận phục kích của bộ đội và dân quân bắt được hai tên thám báo!
- Thế đã khai thác được thông tin gì không?
- Chưa! Bọn này không biết tiếng Tày, tiếng Mông, chúng tôi lại không ai biết tiếng Tàu...
- Thế hiện nay để bọn này ở đâu?
- Đang trói để trên hang đá sau bản.
- Phải rất cẩn thận đấy! Bọn thám báo đã mò vào trinh sát tức là bộ binh của chúng sắp tấn công vào đây. Phải hết sức đề phòng, không được để bọn tù binh trốn thoát chúng dẫn quân đánh vào thì nguy to anh ạ!
- Anh yên tâm! Tôi đã căn dặn anh em rồi.
- Sau khi kiểm tra trận địa xong quay về tôi sẽ hỏi chuyện bọn tù binh này xem có khai thác được thông tin gì không!
- Anh biết tiếng của bọn chúng à?
- Cũng biết võ vẽ từ hồi còn đi học, vừa rồi lại được bồi dưỡng thêm mấy tuần ở lớp tập huấn công tác binh địch vận của trung đoàn.
- Hay lắm! Nếu mà nắm được ý định của bọn địch thì tốt quá anh ạ! Biết rõ địch thì trăm trận trăm thắng mà...
Tôi mỉm cười vì vẻ tự tin của trung đội trưởng Phủng. Anh cũng là một người lính chống Mỹ về phục viên. Anh đã có những ngày chiến đấu ở mặt trận Bình Trị Thiên. Do bị sức ép do bom, yếu sức khoẻ nên anh được ra quân ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trở về quê sau bao năm xa nhà, lấy vợ ra ở riêng chưa kịp làm lấy một căn nhà tử tế thì chiến tranh biên giới xảy ra anh liền xung phong vào dân quân. Anh cũng không ngờ là mình lại cầm lại khẩu súng nhanh đến như thế. Từng là một người lính chiến nên anh được bổ nhiệm ngay chức vụ trung đội trưởng dân quân. Có tin xã còn đang định rút anh lên làm xã đội trưởng.
Anh Phủng dẫn tôi đến các vị trí bố trí lực lượng, nơi đặt hoả lực trên đầu con dốc. Bọn địch muốn tiến vào thung lũng Kép Ké chỉ có một con đường độc đạo duy nhất này. Ta chỉ cần một lực lượng nhỏ nhưng vẫn có thể chặn được bọn địch vì con đường độc đạo một bên là vách đá, một bên là vực sâu rất khó đi. Nhớ đến bài học bị địch tập kích khi còn ở Lũng Mật tôi bàn với anh Phủng bố trí thêm một tổ chặn địch ở vách núi bên phải đề phòng bọn lính đặc nhiệm bám vách núi leo lên. Anh Phủng đồng ý ngay. Anh lập tức cho điều lực lượng lên ngay. Bộ phận tổ ba người của cô Hoa được giao nhiệm vụ chặn địch ở khu vực vách đá dựng đứng. Nhận mệnh lệnh xong cô Hoa cố nán lại đưa cho tôi một cái gói lá dong bảo:
- Anh đi sớm quá chưa kịp ăn gì! Cơm em vừa nắm đấy anh cầm đi.
- Cám ơn em...
Chẳng kịp nghe lời cám ơn của tôi Hoa đã chạy vụt theo đồng đội. Trận địa phòng ngự đầu dốc đã sẵn sàng. Mấy chục dân quân, bộ đội và cả thanh niên xung phong nữa. Tất cả đều sẵn sàng. Mọi người đều bình tĩnh chờ trận đánh nổ ra. Trong những người ở đây phần lớn chưa trực tiếp giáp mặt với kẻ thù trừ mấy chiến sĩ ở các đơn vị thất lạc về đây. Mọi người đều có vẻ háo hức, tin tưởng chờ quân giặc tới.
Tôi và anh Phủng cùng ngồi nghỉ trên một hòn đá bằng phẳng. Tôi bẻ đôi nắm cơm của cô Hoa đưa cho anh một nửa. Hai chúng tôi tranh thủ vừa ăn vừa bàn tiếp việc phòng ngự. Do dự mãi tôi mới nói với anh Phủng về tình huống sẽ không giữ được trận địa phòng ngự, bọn địch sẽ tràn vào thung lũng Kép Ké và phương án ta phải rút chạy thế nào để đỡ tổn thất nhất. Anh Phủng tỏ vẻ rất ngạc nhiên nhìn tôi. Anh ngừng ăn cau mày. Có lẽ trong đầu anh đang nghĩ tôi là một kẻ hèn nhát, chưa đánh mà đã bàn lui. Lặng đi một lát, anh mới nói:
- Vậy theo anh liệu mình có thể giữ được bao lâu?
- Theo cách đánh và tình thế của ta của địch bây giờ với lực lượng của ta thế này thì sẽ không giữ được lâu lắm đâu!
- Vậy theo anh thì...
- Mình phải có một phương án rút lui lên núi. Hiện nay cũng không hiểu tình hình toàn bộ mặt trận thế nào, địch đã tiến đến đâu rồi, quân ta liệu có tổ chức phản công hay vẫn đang rút lui... Tất cả thông tin đều mù mịt. Do đó chúng ta vừa đánh vừa phải có phương án bảo vệ lực lượng, tránh hy sinh quá nhiều...
Anh Phủng im lặng suy nghĩ. Nét mặt anh đăm chiêu. Hồi lâu anh nhìn thẳng vào mặt tôi gật đầu tỏ vẻ đồng ý. Chắc anh đã hiểu vì sao tôi bàn với anh như vậy. Bọn địch chưa tiến quân vào thung lũng Kép Ké nhưng chúng đã chiếm hết các khu vực xung quanh. Kép Ké chỉ là một ốc đảo giữa chập trùng vòng vây và bốn bề lửa đạn của quân thù. Là một người lính chiến, anh hiểu tại sao những đơn vị tương đối tinh nhuệ của bộ như đơn vị chúng tôi mà cũng không giữ nổi trận địa phòng ngự phải rút lui sang Nguyên Bình rồi bị đánh bật lại giạt về đây. Vậy thì với một nhúm dân quân, hơn chục chiến sĩ đã quá mỏi mệt cùng mấy khẩu súng bộ binh đã gần hết đạn liệu có thể bảo vệ Kép Ké được mấy hôm. Hơn nữa mấy ngày nay không còn liên lạc được với xã đội trưởng, không nhận được tiếp tế đạn dược, lương thực của trên nữa.
Anh Phủng lặng lẽ nắm chặt bàn tay tôi. Hồi lâu anh mới hỏi giọng run run:
- Liệu rồi chúng ta có bảo vệ được đất nước mình không anh?
Tôi xiết chặt tay anh gật đầu:
- Nhất định chúng ta sẽ giành lại từng tấc đất bị mất. Lịch sử ngàn năm chưa bao giờ cha ông chúng ta thua chúng nó cả anh ạ!

Anh Phủng nhìn tôi. Ánh mắt của anh có đôi chút xao động. Tôi hiểu anh rất lo lắng cho bà con dân bản Kép Ké và rất nhiều bà con các nơi đã chạy rạt về đây hiện đang ẩn náu trên núi. Tôi muốn động viên anh một câu nhưng chợt hiểu là chính trong tôi cũng đang phấp phỏng một nỗi lo cho mình và những người đồng đội còn sống sót qua bao lần chạm địch chạy được về đây và lo cho cả những người dân quân tuổi đời còn rất trẻ đang chuẩn bị đối mặt với kẻ thù trong một trận đánh không cân sức...
Sương mù đã tan hẳn. Thung lũng Kép Ké sáng dần. Tiếng pháo địch vẫn ầm ầm đâu đó không dứt. Phía cuối con đường trước mặt có tiếng xe tăng và tiếng súng bộ binh rộ lên. Những người lính và những người dân quân đứng cạnh nhau bình tĩnh chờ giặc tới.
Suốt một ngày bọn địch chỉ tấn công thăm dò vào thung lũng Kép Ké. Chắc chúng chưa rõ lực lượng của ta ở đây thế nào. Tốp biệt kích thám báo tung vào hôm trước bị dân quân phát hiện bắn chết một tên, bắt sống hai tên nên có lẽ bọn chúng chưa có đầy đủ thông tin về lực lượng và các vị trí phòng ngự của ta ở Kép Ké. Chúng đâu có biết chỉ có một trung đội dân quân và hơn chục chiến sĩ đang chặn đánh chúng trên đầu dốc núi, nơi con đường nhỏ chạy vào thung lũng.
Anh Phủng quả là một người chỉ huy thông minh, dũng cảm. Anh bình tĩnh chỉ huy dân quân bộ đội đánh trả các đợt tấn công của bọn địch. Đoán được ý định tấn công thăm dò của bọn chúng nên anh tìm cách sử dụng hoả lực và lực lượng một cách khéo léo để đánh lừa bọn địch. Với một khẩu 12ly7, hai khẩu cối 60 và cơ số đạn ít ỏi nhưng trung đội dân quân vẫn tạo được sự khống chế mạnh mẽ, áp đảo bọn địch làm như lực lượng của ta rất mạnh. Gần tối, khi bọn địch đã ngừng tấn công và pháo kích thưa thớt vào thung lũng, đại đội trưởng Tuấn mới ra chỗ đầu dốc để quan sát trận địa. Anh kéo tôi ra một khe đá khuất và nói:
- Đã xác định được khu vực đóng quân của tiểu đoàn, chúng ta phải nhanh chóng rời khỏi Kép Ké, tìm cách vượt vòng vây về với đội hình của đơn vị.
Tôi bảo anh:
- Chắc chắn Kép Ké cũng không thể giữ được lâu. Khi đồng bào và dân quân rút hết sang bên kia núi thì chúng ta hẵng lên đường đi tìm đơn vị...
- Nhưng... - Đại đội trưởng Tuấn cau mày: - Nhưng... liệu đến lúc đó ta còn có thể chạy thoát ra được khỏi thung lũng này nữa không mà đi tìm đơn vị?
- Nhưng ta cũng không thể bỏ đi lúc này vì anh chị em dân quân Kép Ké đang rất cần sự có mặt cùng chiến đấu của chúng ta!
- Biết không giữ được thì còn ở lại làm gì, còn cố giữ làm gì, chỉ thêm tổn thất lực lượng?
- Nhưng hiện nay nhân dân, bộ đội, thanh niên xung phong và thương binh chưa rút hết đi được. Các hướng đều vướng phải vòng vây của địch nên cứ phải loanh quanh tìm đường. Mình cố giữ vững trận địa vài hôm, càng lâu càng tốt anh ạ!
- Đây không phải là nhiệm vụ của ta...
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
... Anh Tuấn đang định nói tiếp thì trung đội trưởng Phủng lách người qua khe đá đi đến chỗ chúng tôi. Anh muốn bàn với chúng tôi về kế hoạch ngày mai. Đại đội trưởng Tuấn bảo tôi trao đổi với trung đội trưởng Phủng rồi cùng chiến sĩ liên lạc đi về phía hang núi sau bản Kép Ké. Một cơn gió lạnh từ dưới chân dốc thổi thốc ngược lên xộc vào mũi chúng tôi cái mùi khen khét của thuốc súng. Tôi khẽ rùng mình vì lạnh. Anh Phủng kéo tôi ngồi xuống khuất sau gộp đá to tránh gió. Anh mở cái túi đeo bên mình lôi ra một tấm bản đồ địa hình khu vực. Ánh đèn pin che bằng chiếc khăn tay chỉ đủ soi sáng một góc tấm bản đồ. Chúng tôi cùng nhau trao đổi về một phương án xấu nhất cho ngày hôm sau.
Anh Phủng kéo tôi cùng đi kiểm tra các vị trí của bộ đội và dân quân. Gặp thằng Lâm đang ôm súng ngồi co ro trong một hốc đá, tôi hỏi:
- Số anh em chiến sĩ tiểu đoàn mình thế nào rồi?
- Tất cả anh em trung đội thông tin và trung đội vận tải của tiểu đoàn đều ở cả đây. Mấy người thuộc đại đội 1 thì đại đội trưởng Tuấn gọi về bản Kép Ké hết rồi!
- Mấy thằng ấy đều ốm yếu hoặc bị thương để chúng nó về phía sau cho yên tâm. Nhớ là dặn anh em khi tình huống chiến đấu xảy ra nhất nhất phải chấp hành mệnh lệnh và sự chỉ huy chung của trung đội trưởng Phủng nhé!
- Rõ rồi ạ!
- Bảo thằng Tuất lấy khăn quấn cái cổ cho ấm. Nó ho khù khụ mấy ngày rồi đấy. Gió lạnh thế này đừng chủ quan.
- Vâng! Nó vừa về bản lấy cơm cho anh em.
Anh Phủng bảo:
- Ngày mai anh trực tiếp chỉ huy anh em bộ đội ở phía bên phải đường, tôi cùng anh em dân quân ở hướng chính diện. Nhớ là chi viện cho nhau thật tốt nhé!
- Để anh em bộ đội chúng tôi tham gia ở hướng chính diện anh ạ!
- Không được! Các anh ở bên phải sát vách núi tránh được hoả lực địch khi cơ động. Chúng tôi thông thạo địa hình, ở hướng chính diện khi có tình huống phải rút về phía sau thì thuộc địa hình cơ động hơn. Chúng ta sẽ gặp nhau ở hẻm núi phía sau bản Kép Ké như phương án đã bàn.
Anh Phủng và tôi đến vị trí chốt chặn chỗ vách đá của bộ phận do cô Hoa đảm nhiệm. Anh Phủng gọi cô Hoa cùng tôi ra phía sau một gộp đá nói:
- Con bé này đang học trường cao đẳng sư phạm ở Thái Nguyên. Ngày nghỉ nó về thăm ông. Chiến tranh nổ ra, nó không thể về trường được nên tham gia dân quân chiến đấu bảo vệ bản. Ngày mai khi bộ phận của anh Hà rút đi nhờ các anh cho nó đi theo. Chỉ cần nó sang đến Nguyên Bình thì sẽ có đường để về Thái Nguyên tiếp tục học tập.
Cô Hoa vội chối đây đẩy:
- Em không về trường đâu! Cho em ở lại chiến đấu với trung đội dân quân của bản!
Anh Phủng gạt đi:
- Không phải việc của mày! Mày phải về trường ngay hiểu không!
- Em không đi đâu...
- Phải đi! - Anh Phủng nói: - Ngày mai bàn giao súng lại cho cái Liên rõ chưa?
- Nhưng còn ông em...
- Ông khắc có dân quân và bà con dân bản lo. Mày là phải về trường ngay.
Cô Hoa lắc đầu vẻ không đồng ý nhưng anh Phủng tỏ vẻ dứt khoát:
- Nhiệm vụ của mày là phải về trường tiếp tục học tập cho thật tốt! Sáng mai bàn giao súng lại cho cái Liên về bản chuẩn bị rồi rút theo bộ đội sang Nguyên Bình tìm đường về trường!
Nói xong anh Phủng kéo tôi đi tiếp lên kiểm tra vị trí đặt khẩu cối 60. Vừa đi anh vừa nói về hoàn cảnh của hai ông cháu cô Hoa. Anh lo lắng cho bé Hoa - đứa con duy nhất còn lại của một người lính chiến đã mất.
*
Đúng như chúng tôi đã dự đoán. Hôm sau bọn địch tấn công ác liệt hơn. Hoả lực địch dội xuống trận địa phòng ngự của bộ đội và dân quân. Tuy nhiên đến cuối chiều chúng mới phá vỡ được tuyến phòng ngự mỏng manh của bộ đội và dân quân. Cũng không còn biết rõ ai còn ai mất nữa. Phương tiện thông tin không có chỉ nghe tiếng súng ở các hướng mà đoán tình hình địch ta. Khi ở hướng chính diện của trung đội trưởng Phủng tiếng súng lịm dần thì tôi hiểu đã đến tình huống phải bỏ vị trí chiến đấu rút lui. Tôi cố gào to gọi thằng Lâm và mấy chiến sĩ vận tải. Không thấy ai đáp lại. Thằng Tuất và một anh dân bò đến bảo:
- Rút thôi anh ơi!
- Anh Phủng và trung đội dân quân thế nào?
- Anh ấy lệnh cho chúng em rút lui và cử em sang gọi các anh rút còn anh ấy vẫn ở trên trận địa.
Tôi chợt nhớ:
- Thế bộ phận của cô Hoa đã rút chưa?
- Cũng không rõ anh ạ!
Tôi cố nhìn về phía anh Phủng ở trên mỏm đồi chính diện chắn ngang con đường dẫn vào thung lũng. Khói lửa mù mịt. Tiếng kèn sừng dê, tiếng hô hét "tả... tả... tả..." của bọn địch ầm ĩ. Hình như không còn nghe thấy tiếng súng kháng cự của quân ta nữa.

Thế là hết! - Tôi nghĩ. Không còn thời gian nữa, tôi vội theo Tuất và anh dân quân lẩn nhanh vào khe đá chạy xuôi về phía bản Kép Ké.
Ba chúng tôi chạy về bản Kép Ké. Tôi và Tuất phóng ngay về nhà cô Hoa. Có mấy anh em thương binh đang ở đó để ông nội cô Hoa chữa trị vết thương bằng lá thuốc. Ông già Đăm đang ngồi cẩn thận nhặt từng cái lá thuốc vừa hái trên núi về. Mấy ngày nay nhờ những thứ thuốc lá cây của ông nên anh em thương binh nhiều người thấy đỡ đau, vết thương nhanh lành hơn.
Khi tôi đang giục ông già Đăm và anh em thương binh thu dọn để cơ động lên núi thì cô Hoa rồi cả thằng Lâm từ phía trận địa vừa thất thủ chạy về. Quần áo đầu tóc cô Hoa tả tơi. Mặt cô gái hơi tái đi, giọng hổn hển:
- Ông ơi, các anh bộ đội ơi! Bọn giặc đã... đến đầu bản rồi!
Ông già đứng phắt dậy, trợn mắt:
- Thật không Hoa?
- Thật mà! Chúng nó đông lắm, thằng Phù thợ chữa đồng hồ ở thị trấn dẫn đường. Cháu nhìn rõ mặt nó lắm!
- A... a... a... - Ông kêu lên.
Thấy ông có vẻ cuống, tôi chụp khẩu AK lên đạn. Nhưng ông nói như quát:
- Ra ngườm đá sau nhà mau lên!
Ông giục Hoa dìu thương binh đi ngay. Anh em thương binh đã ngồi hết cả dậy. Theo phản xạ của người lính, ai cũng hiểu tình hình rất gấp. Phía đầu bản có tiếng lựu đạn nổ, rồi tiếng súng ran lên, đạn chiu chíu bay vào trong bản...
 
Chỉnh sửa cuối:

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
... Ông già vừa cõng vừa dìu hai đồng chí thương binh nặng nhất. Một đồng chí thương binh băng kín mắt được Tuất dắt chạy theo. Tôi mở băng đạn kiểm tra lại rồi mở khoá nòng lên đạn. Hoa cũng tháo súng ra khỏi vai. Cô vừa chạy theo tôi vừa nói:
- Bọn địch bám được vào vách đá đánh lên. Bộ phận chốt chặn chỗ vách núi chỉ có mình em chạy thoát được về đây...
Tiếng đạn cối oành oành dội vào vách núi. Địch đang bắn vào bản. Cũng may, ông già và anh em thương binh đã chạy tới gần chân núi um tùm những dây leo.
Tôi và Hoa đang len lỏi qua những mỏm đá thì thấy ông đi ngược lại. Ông già Đăm vội vã nói với cháu gái một câu gì đó bằng tiếng dân tộc. Hình như hai ông cháu đang giành nhau làm một việc gì đó. Rồi cô gái quả quyết xách súng quay lại. Tôi cũng vội quay phắt lại định chạy theo thì bàn tay cứng như kìm của ông lão đã chụp lấy vai tôi:
- Bộ đội! Mày định đi đâu?
- Cháu quay lại với cô Hoa chặn bọn chúng!
- Không được! Lên hang đi...
Ông vừa nói, vừa dứt khoát kéo tôi lên hang đá.
Hang thực ra là một hốc đá khuất sau những đám dây leo um tùm. Ông kê mấy mảnh ván và lót rơm dạ nằm. Góc hang để ít đồ đạc và một bồ lúa nhỏ. Tôi vừa lên tới cửa hang thì thằng Tuất chạy ra vẻ thảng thốt:
- Cô Hoa nguy mất! Cô ấy chạy ra cánh đồng để đánh lạc hướng bọn địch đấy, thằng Nông nghe thấy hai ông cháu nói với nhau như vậy.
Thằng Nông là người Tày nên tôi tin ngay. Tôi quay ra ngoài cửa hang. Ông già đang đứng sau một hòn đá to nhìn xuống bản. Bọn địch đã vào đến giữa bản, thằng nào thằng ấy súng lăm lăm trên tay. Nhưng, chúng không vấp phải sự đánh trả nào khác ngoài một quả lựu đạn gài làm ba thằng toi mạng và một tên bị thương đang kêu la ầm rĩ. Một thằng mặc quần áo trắng mốc có vẻ là chỉ huy. Đứng cạnh nó là một tên thấp bé. Tên này đang chỉ tay về phía chân núi, nơi chúng tôi đang ẩn nấp. Ông già Đăm nghiến răng: "Thằng Phù!".
Cách đây hơn chục năm, có đôi vợ chồng người Hoa ăn mặc rách rưới chạy qua biên giới. Họ nói phải trốn sang Việt Nam nương nhờ để tránh cuộc cách mạng văn hoá. Dân thị trấn đã giúp họ làm một căn nhà nhỏ. Người chồng là thợ sửa chữa đồng hồ. Anh ta tên là Phù. Rồi sau nhiều năm làm ăn, buôn bán, đôi vợ chồng ấy xây dựng một ngôi nhà to hơn cả cửa hàng bách hoa thị trấn. Năm ngoái, họ kéo nhau chạy về nước...
Bây giờ, thằng Phù dẫn quân trở lại chém giết những người đã từng che chở, đùm bọc gia đình nó. Nó biết lối vượt qua núi nên đưa đường quân định vượt qua vách đá định tập kích vào phía sau trận địa của ta. Bị bộ phận của cô Hoa phát hiện đánh trả quyết liệt, nhiều tên bỏ mạng nên chúng thêm điên cuồng. Theo hướng tay tên chỉ điểm, bọn giặc bắt đầu tràn vào các ngôi nhà sát chân núi. Tiếng đập phá loảng xoảng, tiếng tre nứa từ những ngôi nhà bị đốt cháy nổ lốp bốp. Tôi lo lắng cho tính mạng của các thương binh và nhiều bà con dân bản đang ẩn nấp trên sườn núi phía sau bản. Chúng tôi gom tất cả số lựu đạn của anh em thương binh lại. Nếu cần, chúng tôi sẽ quyết tử.
Ông già Đăm vẫn đứng cạnh tôi. Mắt ông chăm chú nhìn ra phía cánh đồng trước bản. Từ phía ấy, tiếng súng AK bỗng vang lên từng loạt. Bọn giặc trong bản nhốn nháo. Rồi, theo lệnh của chỉ huy, chúng hò hét gọi nhau ùa hết cả ra phía cánh đồng. Bụng tôi như lửa đốt. Bọn chúng đông như vậy nên ai cũng rất lo lắng cho cô Hoa. Nhìn thấy những tên giặc chới với ngã gục ngay bãi cỏ trước bản, tôi đoán cô gái đã ra tới bờ suối.
Nhìn tên chỉ huy mặc áo trắng đang đứng trên mỏm đá quay lưng về phía chúng tôi đang hò hét xua bọn lính ào ra phía cánh đồng, bất giác tôi nâng khẩu súng kê lên tảng đá trước mặt. Ông già Đăm chộp lấy tay tôi gằn giọng:
- Không được bắn!
Tiếng súng chìm dần trong sương loãng cuối chiều. Ông già vẫn đứng lặng yên. Nghe hướng súng nổ, tôi bỗng giật mình. Cô gái đang dẫn địch về phía bãi mìn. Tôi thấy tim mình thắt lại. Thời gian vẫn chậm chạp trôi đi. Có tiếng nổ lục bục ở cuối cánh đồng.
Trời tối dần. Tôi dặn Tuất ở lại với anh em thương binh rồi xách súng nhảy qua lèn đá lần xuống bản. Tôi vượt qua bãi trống lổm ngổm những mô đá như những hình người đang đứng sát nhau trong đội ngũ. Đi làm gì tôi cũng chưa rõ. Tôi cứ đi như người vô thức. Hình ảnh ông già và cô cháu gái rồi cả hình ảnh những tên giặc hung hãn cứ hiện lên trong đầu tôi.
Tới gần ngôi nhà chân núi, trong chớp lửa loàng nhoàng của một quả pháo bắn vào vách đá, tôi thoáng thấy một bóng người con gái nhỏ bé đang lảo đảo tiến lại.
- Hoa! - Tôi kêu lên.
Cô gái một vai khoác súng, một cánh tay bị thương thõng xuống được buộc tạm bằng một chiếc khăn. Tôi vội khoác súng qua vai đỡ cô. Nhận ra tôi, Hoa gái khẽ kêu lên:
- Chúng nó vướng mìn chết nhiều lắm anh ạ!
- Thế hả! Để anh băng vết thương cho!
- Ông và các anh thương binh hiện sao rồi anh?
- Đang ở trên hang, an toàn cả...
Bất giác, tôi và Hoa đều cùng quay người lại. Ông già đang đứng trên một mỏm đá phía ở sau chúng tôi. Hình như ông đang mỉm cười. Bóng ông sừng sững như tạc vào vách núi đá dựng thành luỹ trùng trùng nơi biên ải...
Chúng tôi rút lên sườn núi đá. Bộ đội và dân quân phân tán lẩn khuất trong các hang hốc, khe đá để tìm cách rút đi. Số chiến sĩ đại đội 1 do đại đội trưởng Tuấn chỉ huy đã vượt được qua dốc yên ngựa sang bên kia dãy núi an toàn từ chiều hôm trước khi bọn địch đang tấn công vào trận địa của dân quân đầu thung lũng Kép Ké. Sau khi chiếm được thung lũng bọn địch dùng bộ binh và hoả lực mạnh khống chế bịt chặt con đường duy nhất thoát ra khỏi thung lũng nên bộ phận do tôi chỉ huy và số anh em dân quân không vượt được qua dốc yên ngựa để rút đi. Chúng tôi đành cố thủ để chờ đêm đến. Nhưng cũng may là phần lớn bà con dân bản và thương binh đã thoát ra khỏi Kép Ké. Số anh em bộ đội và dân quân co cụm trên sườn núi cố gắng không để bọn địch phát hiện truy đuổi. Nhờ sườn núi có nhiều hang hốc nên chúng tôi dễ ẩn náu.
Mãi đến cuối buổi chiều tôi mới gặp được anh Chấn và mấy dân quân ở trận địa phòng ngự chính diện rút lên núi. Nghe anh Chấn kể lại tôi mới biết cụ thể về sự hy sinh của trung đội trưởng Phủng. Cái chết của anh Phủng khiến tôi thấy lạnh buốt trong lòng.
Bắn đến viên đạn cuối cùng anh Phủng sa vào tay giặc. Anh không thể rút lui như chúng tôi vì đã quá muộn. Bọn địch đã tràn lên trận địa một bên đùi anh lại bị gãy nát do trúng mảnh đạn pháo. Hai tên lính địch xô vào giằng khẩu súng hết đạn của anh ném đi. Chúng túm lấy chân anh lôi tuồn tuột lên khỏi công sự kéo xuống mặt đường. Thân hình anh tả tơi rách nát. Máu từ vết thương trên đùi anh thành vệt trên sườn đồi đất đá bị băm nhừ vì đạn giặc cày sới. Xuống tới mặt đường bọn chúng để anh ngồi dựa vào thành ta-luy chờ thằng chỉ huy đến. Mấy tên giặc xúm xít xung quanh anh. Chúng thi nhau đá mạnh vào vết thương đang rỉ máu của anh. Máu trong người anh đã chảy ra gần hết. Anh Phủng nghiến răng chịu đau. Đôi mắt anh căm hờn nhìn bọn cướp nước. Có lẽ anh đang ao ước giá mà mình còn một quả lựu đạn khi bọn chúng xông đến.
Bọn giặc đã làm chủ trận địa của ta lối vào thung lũng Kép Ké. Chúng lùng sục từng ngách chiến hào, các khe kẽ đá xung quanh để tìm những bộ đội và dân quân của ta bị thương không kịp rút đi. Thêm một nữ dân quân bị chúng bắt sống lôi đến. Thằng chỉ huy thấp lùn mặc cái áo trắng mốc từ phía chân dốc đi lên. Nó đưa mắt nhìn anh Phủng và người nữ dân quân. Một khẩu lệnh ngắn "lảo xảo" từ cái mồm ám khói thuốc lá của nó phát ra. Mấy tên giặc liền lôi cô dân quân ra giữa đường. Mặc cô giãy giụa kêu khóc, chúng lột hết quần áo của cô rồi thay nhau hãm hiếp. Anh Phủng hét lên căm phẫn:
- Quân lang sói, đồ mặt người dạ thú...
Tên chỉ huy nhếch mép cười. Chắc chắn không biết tiếng Việt nhưng nó hiểu là anh đang chửi nó. Nó rút con dao găm đang đeo bên hông ra tiến lại phía anh. Một tên lính giặc hiểu ngay ý định của chỉ huy. Hoặc việc này nó đã quen làm từ khi tấn công vào đất ta. Nó lao vào giật tung mấy chiếc cúc áo còn sót lại của anh Phủng. Thằng giặc cúi người xuống sát mặt anh Phủng. Hơi thối từ mồm nó phả ra khiến anh ngộp thở phải cố nghiêng mặt đi. Rất từ từ nó thọc sâu mũi dao găm vào giữa bụng anh Phủng rồi ấn mạnh xuống. Lưỡi dao sắc lẹm của thằng chỉ huy rạch một đường mổ phanh bụng người trung đội trưởng dân quân. Anh Phủng vẫn không kêu rên. Anh nghiến răng cố hét lên:
- Lũ cướp nước dã man, rồi chúng mày sẽ...
Anh không nói thêm được nữa. Hai tên giặc đã kéo rộng vết rạch trên bụng anh lôi ruột ra rải trên mặt đường. Cô gái dân quân cũng bị bọn địch mổ bụng sau khi chúng thay nhau hãm hiếp. Chúng moi ruột gan của hai người dân quân ném ra mặt đường. Máu của họ nhuộm đỏ mảnh đất quê hương thân yêu mà họ đã quên thân mình chiến đấu bảo vệ...
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
... Chúng tôi gặp bộ phận của đại đội trưởng Tuấn ở một hẻm núi. Cũng chẳng biết đây là đâu nữa. Tình hình cũng chưa rõ thế nào. Chúng tôi vẫn chưa bắt liên lạc được với chỉ huy tiểu đoàn. Một số chiến sĩ được cử đi tìm đường là mất hút luôn, không thấy ai quay lại. Có thể họ bị bọn địch phát hiện bắn chết. Cũng có người khi đã ra đến bên ngoài vòng vây, an toàn rồi thì sợ không dám quay lại tìm bộ phận của chúng tôi nữa. Chúng tôi không tìm được đường thoát ra. Lối nào cũng chạm địch. Có lần xảy ra nổ súng, thêm hai người hy sinh.
Bộ phận của chúng tôi chỉ còn có mười người. Đại đội trưởng Tuấn vẫn là chỉ huy chung. Tôi với anh ít đi gần nhau. Khi nào thấy phía trước có thể có địch phục kích nguy hiểm thì anh cử tôi dẫn một chiến sĩ đi trước trinh sát, tìm đường. Khi bị bọn địch truy đuổi thì anh cử tôi ở lại cùng vài chiến sĩ chặn địch. Tôi cũng không tranh cãi với anh nữa mà lầm lũi chấp hành mệnh lệnh được giao. An hem đã kiệt sức và đói lắm rồi. Cơn đói hành hạ làm những cơ thể chiến sĩ tả tơi. Có ngày mỗi chúng tôi chỉ có một nắm ngô rang độ vài chục hạt nhai khô không khốc trong miệng. Chúng tôi lặng lẽ đi trong cái rét cái đói tưởng như không thể lê bước được nữa.
Đến gần một bản nhỏ chân núi thằng Lâm bảo tôi:
- Anh cho em xuống kiếm cái gì ăn nhé! Đói quá không chịu nổi nữa rồi.
- Lỡ có bọn địch phục kích thì sao?
- Thì đánh nhau một trận, chết thôi chứ cứ chịu đói thế này thì cũng đến chết khổ chết sở anh ạ!
- Thôi được! Chiều tối nay tao với mày cùng xuống bản.
- Có báo cáo với đại đội trưởng Tuấn không hả anh?
- Thôi khỏi! Ông ấy đang ở tít phía trên đỉnh núi, bây giờ mà leo lên báo cáo ông ấy có mà hết hơi chả còn sức mà xuống bản nữa. Lấy được lương thực chúng mình sẽ đưa lên cho bộ phận trên núi!
Trời chưa tối, tôi và thằng Lâm đã lần xuống bản. Bản không có một bóng người. Bà con đã chạy hết lên rừng tránh bọn địch ngay từ ngày đầu chiến tranh nổ ra. Bản lại bị bọn địch cướp bóc nên chúng tôi lần mò qua mấy nhà mà chỉ kiếm được vài bắp ngô và một bó lúa. Tôi và thằng Lâm đành quay ra phía chân núi. Qua ngôi nhà sàn sát chân núi chợt thằng Lâm khẽ kêu lên:
- Anh Hà ơi có nhiều cá quá!
- Cá ở đâu?
- Cá ở cái vũng nước dưới sàn nhà ấy!
Chúng tôi cùng lẩn nhanh vào căn nhà sàn. Bà con dân tộc thường đào một cái ao nhỏ dưới sàn rửa rau, đãi gạo để thả cá. Những con cá chép núi đỏ au lớn rất nhanh nhờ ăn cơm canh rau thừa đổ xuống. Nhìn đàn cá lượn lờ dưới vũng nước thằng Lâm bảo:
- Anh cảnh giới để em xuống bắt cá!
- Ừ! Nhanh lên, cố bắt lấy vài con nấu cháo thì tốt.
Thằng Lâm nhảy luôn xuống vũng nước. Nó dùng tay không lùa đàn cá vào góc ao để bắt. Nhưng mãi nó chẳng tóm được một con cá nào cả. Trong khi đó thì những con cá cứ nhảy loạn cả lên trong vũng nước. Tôi sốt ruột khi nghe tiếng súng rộ lên ở phía đầu bản. Tôi bảo:
- Mày lên đi, để tao quăng cho nó một quả lựu đạn rồi muốn nhặt con nào thì nhặt chứ mò mẫm mãi thế này làm sao bắt được cá!
Thằng Lâm vội vọt lên bờ. Nó ngăn tôi:
- Đừng đừng, tốn mất một quả lựu đạn. Chỉ cần bắn vài loạt đạn là lũ cá sẽ chết thôi. Hồi làm đường ở Hà Giang chúng em vẫn dùng AK bắn được cả cá ở suối đấy.
Nói xong nó mở khoá nòng. Chờ khi có một tiếng pháo của địch nổ vang lên nó liền xả một loạt đạn xuống vũng nước, chỗ những con cá đang lượn lờ túm tụm lại ở gần tảng đá. Quả đúng như nó nói. Mấy con cá chép to bị những viên đạn đập vào đá làm điếng óc nhao lên ngửa bụng bơi lờ đờ. Tôi và Lâm tóm được năm sáu con cá chép đỏ bằng bàn tay xâu vào dây rừng xách lên núi. Tôi hôm ấy còn một ít gạo chúng tôi nấu nồi cháo cá. Mọi người được một bữa tuy không đủ no nhưng quả là ngon nhất kể từ sau khi rời khỏi thung lũng Kép Ké.
Ăn xong, đại đội trưởng Tuấn gọi tôi ra một hẻm đá phê bình gay gắt về tội tự ý xuống bản, nhất là chuyện dùng súng bắn cá trong ao của dân. Tôi không cãi lại nhưng trong lòng cứ ấm ức mãi.
Sáng hôm sau, đại đội trưởng Tuấn quyết định chia số chiến sĩ làm hai bộ phận. Bộ phận của đại đội trưởng Tuấn sẽ ở lại ém trên hang đá ở sườn núi. Bộ phận của tôi gồm hai chiến sĩ sẽ tìm mọi cách vượt bằng được con đường bọn địch đang khống chế về Nguyên Bình tìm chỉ huy tiểu đoàn sau đó sẽ quay lại đón bộ phận còn đang ở trong vòng vây. Như vậy là đã đến lúc tôi độc lập chỉ huy một bộ phận đi làm nhiệm vụ. Biết là sẽ rất nguy hiểm nhưng tự dưng tôi thấy phấn chấn hẳn lên. Để lại hết số ngô hạt và đậu tương cho bộ phận ở lại, tôi dẫn Lâm và Tuất lên đường. Tôi thấy lo lắng cho hai chiến sĩ bị thương. Mấy chiến sĩ phải ở lại đều muốn đi theo tôi. Những ánh mắt nhìn tôi như trách móc vì tôi đã không chọn họ cùng đi.
Chúng tôi tụt xuống núi bám con đường quốc lộ để tìm cách vượt sang phía bên kia. Bọn địch đang đi lại dày đặc trên đường. Vì lo lắng việc vượt đường mà tôi không chú ý hướng hành quân của bọn địch. Chúng đang hành quân về phía biên giới. Lần mò cả đêm, gần sáng hôm sau, chúng tôi vượt qua được con đường một cách khá dễ dàng.
Khi trời sáng hẳn thì chúng tôi đã vượt lên được dãy núi ngăn cách giữa hai huyện Thông Nông và Nguyên Bình. Vậy là chúng tôi sắp gặp lại đơn vị cũ rồi. Khi lên đến đỉnh dốc của con đường mòn, tôi nằm lăn ra cho đỡ mệt và để thở. Bầu trời trong trẻo. Nắng lấp loá trên những gộp đá xám lạnh. Cái rét cũng đã giảm hẳn rồi tuy cơn gió vẫn còn se se lạnh.
Giữa lúc tôi đang mơ màng thì thằng Lâm đang làm nhiệm vụ cảnh giới kêu lên:
- Có một đoàn người đông lắm từ phía Nguyên Bình đang đi lên dốc!
Tôi quờ khẩu súng ngồi bật ngay dậy.
Chúng tôi hồi hộp quan sát hàng quân đang bám theo con đường mòn tiến lên đỉnh núi. Thằng Tuất chợt reo lên vui mừng:
- Quân ta!
Đúng là quân ta rồi. Tôi nhận ra cái dáng đi luôn chúi người về phía trước của trợ lý tham mưu Thọ và bước đi khoan thai của chính trị viên Hoàng ở tốp đầu hàng quân. Ba chúng tôi cùng đứng bật dậy giơ súng lên trời khua khua làm hiệu. Các chiến sĩ trinh sát đi phía trước đội hình của tiểu đoàn cũng đã nhận ra chúng tôi. Họ ào đến ôm lấy chúng tôi, tay bắt, mặt mừng. Tôi hỏi:
- Tiểu đoàn ta hành quân về đánh chiếm lại Sóc Giang hả?
- Thế bọn mày không biết à! Bọn địch tuyên bố rút khỏi nước ta từ mấy hôm trước rồi. Tiểu đoàn ta được lệnh quay về chiếm lĩnh lại thị trấn Sóc Giang đấy!
- Thế à! Bọn tao ở trong vòng vây có đài điện gì đâu mà biết. Khổ quá! Bọn địch nó đang rút lui thế mà mấy hôm trước gặp chúng hành quân, bọn tao còn tổ chức đánh một trận làm mấy thằng trong bộ phận bị chết. Biết thế thôi đừng đánh nữa có phải mấy anh em bây giờ vẫn còn sống không!
Tôi nói vẻ ngậm ngùi. Anh Thọ vỗ vỗ vào vai tôi an ủi:
- Chiến tranh ai biết thế nào mà nói trước...
Anh nắm chặt tay tôi. Tiểu đoàn trưởng Thêm, chính trị viên Hoàng cũng đã lên tới nơi. Mọi người xúm lại xung quanh ba chúng tôi hỏi han. Tôi cũng nhớn nhác nhìn mọi người. Vắng bóng mấy thằng bạn thân. Tiểu đoàn rút sang Nguyên Bình tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ khu mỏ thiếc Tĩnh Túc. Vì thế có thêm nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống ở Minh Tâm, Hoàng Tung để chặn con đường quân giặc tiến vào mỏ thiếc...
 

Xe đạp ViHa

Xe tăng
Biển số
OF-159708
Ngày cấp bằng
7/10/12
Số km
1,004
Động cơ
360,454 Mã lực
...Chúng tôi trở về thì trấn Sóc Giang sau chiến tranh.
Một thị trấn đổ nát hoang tàn. Hơn tháng trước đây chính là "toạ độ lửa", là nơi bao nhiêu đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống. Cũng là nơi tiểu đoàn chúng tôi đã bẻ gãy bao nhiêu đợt tấn công vô cùng ác liệt của kẻ thù. Vậy mà bây giờ chúng tôi, những người quay trở lại Sóc Giang ai cũng có một tâm trạng bùi ngùi. Kẻ thù đã bị đánh lui nhưng cái cảm giác chiến thắng trong những người lính chúng tôi mờ nhạt. Không có cái háo hức, tưng bừng của ngày 30-4 năm nào, chỉ có nỗi bàng hoàng, xót xa về sự đổ nát hoang tàn. Không có một bóng dáng người dân nào trong thị trấn. Chúng tôi là những người đầu tiên trở về Sóc Giang. Chúng tôi lầm lũi bước đi trong sự hoang vắng sau trận chiến. Một đội hình cán binh quần áo tả tơi bẩn thỉu. Nhiều người băng còn quấn trên đầu loang lổ màu máu, tay gãy còn treo trên cổ.
Tất cả những căn nhà trong thị trấn đều bị đánh sập hoặc bị đốt cháy. Cây cối, cột điện đổ ngổn ngang. Mùi xác chết của người và động vật khăn khẳn khắp nơi. Chỗ nào cũng gặp những quả mìn bọn địch gài lại trước khi rút đi. Bộ phận công binh phải dò dẫm phía trước mở đường. Chúng tôi phải đặt bước chân theo dấu đã vạch sẵn trên đường của công binh. Người đi sau bước đúng bước chân người đi trước để tránh dẫm vào mìn.
Đội hình hành quân một hàng dọc chậm chạp vừa đi vừa quan sát xung quanh, cảnh giác. Không ai nói một câu nào chỉ nghe tiếng thở dốc của những người mang vác nặng ở bộ phận hoả lực. Bỗng nghe một tiếng nổ "oành" ở phía sau đội hình. Đất cát bay mù mịt. Tất cả chúng tôi vội ngồi thụp xuống chĩa súng ra xung quanh, sẵn sàng chiến đấu. Những tiếng mở khoá nòng lách cách. Mọi người đều tưởng là bị bọn địch phục kích. Hoá ra không phải. Một quả mìn bọn giặc gài lại ngay bên cạnh lối đội hình hành tiến đi đã phát nổ.
Người hy sinh là một chiến sĩ còn rất trẻ thuộc trung đội vận tải. Người lính này vừa mới được bổ sung về tiểu đoàn, chưa được hai tháng tuổi quân. Nguyên nhân là cậu ta đi giữa đội hình, lại có mấy cô bé ở đơn vị thanh niên xung phong đi ngay phía sau. Đang đi buồn tiểu tiện, cậu ta chỉ mới bước chệch có một bước định vào đứng khuất sau mô đá thế mà đạp trúng luôn một quả mìn chống bộ binh của địch.
Sau vụ này, tiểu đoàn trưởng Thêm nổi cáu. Anh đi dọc theo hàng quân quát tháo ầm ĩ:
- Đánh nhau không chết, lại chết vì sĩ diện... ngu... ngu quá...
Quát tháo một lúc anh ra lệnh giọng vẫn còn cáu gắt:
- Kể từ bây giờ cho đến lúc vào vị trí trú quân trong thị trấn, thằng nào buồn *** cứ đứng ngay giữa đường mà ***. Con gái cũng vậy. Ai xấu hổ thì nhắm mắt lại...
Tiểu đoàn trưởng Thêm nóng tính thì quát vậy thôi chứ tôi biết anh thương lính lắm. Cái chết của người chiến sĩ trẻ làm anh rất đau đớn. Sau một tháng chiến đấu, đơn vị tổn hao quá lớn, chỉ còn lại một nhúm người. Hôm tập trung đội hình toàn tiểu đoàn để quán triệt nhiệm vụ lúc chuẩn bị xuống núi để chiếm lĩnh lại thị trấn Sóc Giang trông thưa thớt, thiếu vắng quá nhiều vị trí chiến sĩ, vị trí chỉ huy. Vậy nên sau chiến tranh lại vẫn có người phải ngã xuống như vậy khiến ai cũng đau xót.
Đơn vị về đến vị trí đóng quân. Đó là đám ruộng ngay dưới chân mỏm núi có hang chỉ huy tiểu đoàn mà một tháng trước chúng tôi đã chiến đấu đánh lui bao đợt tấn công của bọn địch. Chúng tôi nhặt nhạnh những gì còn sót lại trong khu nhà vốn là trụ sở của uỷ ban nhân dân huyện để dựng tạm những căn nhà một mái trông giống như những cái chuồng lợn để trú quân tạm thời để bảo vệ thị trấn và giải quyết hậu quả của cuộc chiến. Các bộ phận lần mò lên các vị trí chiến đấu đào bới tìm kiếm liệt sĩ. Khắp nơi mùi thối rữa của tử thi, xác động vật bốc lên thật là kinh khủng. Việc xác định, phân biệt hài cốt đâu là quân ta, đâu là địch, đâu là dân cũng thật khó khăn. Mặc dù đã được chuẩn bị trước khi chiến tranh xảy ra như các bộ phận đều được cấp phát những tấm vải liệm may sẵn. Mỗi người đều có mã số riêng của mình ghi trong một mảnh bìa cứng ép plastic để sẵn trong túi áo phòng khi hy sinh chôn theo sau này còn biết danh tính. Nhưng đánh nhau cả tháng nhiều người đã không giữ nổi mảnh bìa mã số của mình. Mà người giữ được thì vẫn còn sống. Người hy sinh thì lại chẳng còn giữ được mã số để đánh dấu mộ chí của mình.
Một buổi chiều, thằng Lợi ở trung đội vận tải đi tìm kiếm liệt sĩ ở khu vực sát biên giới về gặp tôi ngậm ngùi bảo:
- Tìm thấy hài cốt thằng Đan rồi!
Tôi vô cùng kinh ngạc:
- Nó nằm đè lên khối bộc phá hàng mấy trăm cân, điểm hoả đánh sập cả một đoạn đường rơi xuống vực làm sao mà còn gì nữa...
- Chuyện là thế này. Sáng nay, bọn tao đi tìm kiếm liệt sĩ ở khu vực bờ suối dước chân chốt cây đa của đại đội 1. Lúc cả bọn ngồi nghỉ giải lao thì một thằng chợt phát hiện ra có một con chó đang lúi húi cào cào bới đất ở bờ suối. Nó bàn với tao bắn hạ con chó lấy thịt ăn. Đã bao nhiêu ngày nay rồi ăn uống kham khổ nên tao đồng ý ngay. Bọn tao liền tiếp cận con chó. Thấy động, nó liền bỏ chạy miệng cố càm theo một vật gì đó. Tao liền nổ súng. Con chó trúng đạn ngã gục ngay bên bờ ruộng. Mọi người chạy đến. Hoá ra vật mà nó đang ngoạm trong miệng một bàn tay người đã khô đen. Trên bàn tay ấy vẫn còn có một chiếc nhẫn vàng vướng ở khốc ngón tay. Tao cầm lên xem. Mặt chiếc nhẫn có khắc chữ "Đ". Có một vết xước sâu rạch ngang chữ Đ. Tao nhận ngay ra đó chính là chiếc nhẫn của thằng Đan. Vết xước ấy là do một lần tao với nó vật nhau. Tay nó bị tao miết vào vách đá cứng làm cái nhẫn xước một vết gạch ngang chữ Đ. Cũng vì vết xước ấy mà nó giận tao mấy ngày đấy. Khi tìm thấy bàn tay đeo nhẫn của nó tao đã bật khóc vì thương nó quá.
- Thế chúng mày xử lý thế nào?
- Tao lập tức báo cáo với chỉ huy tiểu đoàn. Sau khi nghe báo cáo, tiểu đoàn trưởng lệnh cho bộ phận của tao đặt bàn tay ấy vào một cái hộp gỗ rồi mai táng trong ngôi mộ giả mà bọn mày đã đắp cho nó ở bìa rừng bữa trước, vẽ lại sơ đồ cẩn thận. Tiểu đoàn trưởng nói sẽ đưa vào nghĩa trang liệt sĩ của thị trấn.
Tôi và Lợi cùng lặng đi một lát. Thằng Lợi nói thêm:
- Chúng tao cũng đắp cho con chó một nấm mộ. Khốn nạn, nó gầy trơ xương. Chiến tranh xảy ra nó chạy khỏi nhà lang thang ngoài rừng cả tháng rồi còn gì.
Nghe thằng Lợi nói, tôi cũng thấy ngậm ngùi. Mấy ngày rồi chúng tôi đã tìm kiếm, đào bới ở khu vực mỏm Đầu Bò vẫn không tìm thấy gì. Hay là anh Bùi bị địch bắt. Điều đó khó có thể xảy ra vì chúng tôi ai cũng dành cho mình một quả lựu đạn cuối cùng để lỡ khi sa vào tay giặc thì quyết liều chết với chúng nó luôn.
Con đường xuôi về phía Đôn Chương, Hoà An đã khai thông. Chuyến xe chở hàng đầu tiên đã lên tới thị trấn Sóc Giang. Đơn vị chúng tôi được tiếp tế lương thực, thực phẩm. Có một chút thịt lợn ướp muối. Mỗi chúng tôi còn được phát một bộ quần áo mới, một đôi giày. Thằng nào cũng diện ngay quần áo, dày mới. Ăn uống cũng no hơn nên trông dáng vẻ lính tráng khoẻ khoắn hơn. Nhiều thằng trông hai má đỡ hóp hơn, mặt mũi đỡ hốc hác như những hôm đầu về thị trấn nhưng chưa hết vẻ nhợt nhạt của dài ngày đói khát, gian khổ.
Nhưng chúng tôi chưa kịp mừng thì xảy ra một chuyện. Hôm đó tôi vừa lên sát đường biên giới về thì nghe tiếng người quát to, dọa bắn ở nhà sở chỉ huy tiểu đoàn. Tôi vội chạy lên xem có chuyện gì. Tới nơi, tôi thấy y sĩ Tính đang run cầm cập đứng trước mặt tiểu đoàn trưởng Thêm. Tiểu đoàn trưởng tay đang cầm khẩu súng ngắn mặt hằm hằm giận dữ. Tôi len vào kéo tay trợ lý tham mưu Thọ hỏi:
- Có chuyện gì thế hả anh?
- Chuyện nghiêm trọng lắm! Thôi tý nữa nói, tao với mày phải vào can tiểu đoàn trưởng đã kẻo ông ấy cáu tiết bắn chết tay y sĩ Tính đấy!
Chúng tôi cố lựa lời can tiểu đoàn trưởng nhưng cũng hoảng. Ông này tính nóng như lửa, lỡ vạ lây. Giữa lúc đó thì chính trị viên Hoàng đi họp trên trung đoàn về. Anh Thọ vội báo cáo ngay tình hình với chính trị viên Hoàng để khuyên tiểu đoàn trưởng Thêm.
Thì ra nguyên do chuyện là do y sĩ Tính. Đó là từ hôm đơn vị mới chuyển về vị trí này trú quân. Ngay khi vừa đến đây, tiểu đoàn trưởng Thêm giao cho y sĩ Tính nhiệm vụ phải kiểm tra kỹ nguồn nước chảy vào máng dẫn về. Dân bản thường đắp đập trên núi rồi bắc máng dẫn nước tự chảy về bản. Y sĩ Tính chỉ đi đến chân núi rồi quay về vì sợ lên núi vướng phải mìn hoặc gặp bọn thám báo của địch. Ngay chân núi có đoạn máng từ trên núi dẫn nước xuống vẫn đang có nước chảy nên y sĩ Tính bảo anh em nuôi quân làm đường ống dẫn nước về bếp sử dụng. Do không đến tận nơi nguồn nước chảy ra nên anh Tính không phát hiện là ngay trên bờ đập nước có mấy xác người chết đang bắt đầu thối rữa. Khi trời mưa xuống đã gây ô nhiễm nguồn nước. Thế là cả đơn vị chúng tôi gần một tháng nay nấu ăn, lấy uống đã dùng nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Thảo nào mà nước cứ có mùi hôi hôi. Chúng tôi lại toàn uống nước lã mới ghê chứ. Một số anh em vì thế ngã nước nên mặt mũi sưng phù thũng lên chứ không phải là sau chiến tranh được ăn no mấy bữa đã béo khỏe lên.
Khi thấy nguồn nước có mùi hôi, tiểu đoàn trưởng đã đích thân cùng một chiến sĩ trinh sát đi kiểm tra. Phát hiện ra xác người chết thối rữa trong đập nước anh nổi điên lên dọa bắn y sĩ Tính, may mà anh Thọ kịp can ngăn. Rõ mọi chuyện, chính trị viên Hoàng nghiêm khắc bảo y sĩ Tính về làm bản kiểm điểm. Y sĩ Tính cúi đầu đi ra. Nhìn anh, tôi không thấy cái dáng vẻ hùng hồn như hôm trước chiến tranh duy trì buổi sinh hoạt kiểm điểm để khai trừ tôi và thằng Lâm ra khỏi đoàn...
 
Thông tin thớt
Đang tải

Bài viết mới

Top