TOUR DE CAO BANG - ĐỘC HÀNH
Day 03: Khuổi Ky - Nơi con sông Quây Sơn chảy vào đất Việt - Ngọc Côn - TT Trùng Khánh
Tổng cự ly:
69.48 km; Tốc độ TB:
12,3 km/h - Max:
41,5 km/h
Tổng năng lượng tiêu thụ:
2008 kcal
Độ cao thấp nhất so với mực nước biển:
405 m
Độ cao cao nhất so với mực nước biển:
628 m
Độ cao leo được:
223 m
Do chai rượu táo mèo của homestay nên ngủ ngon quá, sáng thấy ồn ào từ sớm nên dậy thấy đồng hồ chỉ 7h30, ô hôm nay dậy sớm vậy á. Làm vòng dạo bộ quanh làng đá cổ Khuổi Ky cái đã.
Sáng sớm trời âm u, nhiều mây và hơi lay phay mưa, tôi dạo quanh làng đá cổ, đa số các nhà ở đây đã bán hoặc cho thuê làm du lịch lác đác còn lại vài nhà thôi. Có nhà bỏ hoang vì chủ nhà đi làm xa lâu ko về. Dạo một vòng rồi về ăn sáng và dọn đồ lên đường thôi. Trời hai hôm nay mát hơn nên đạp cảm thấy nhẹ nhàng hơn, tôi quay trở lại Trùng Khánh để ngược lên điểm đầu tiên con sông Quây Sơn chảy vào đất Việt.
Trên đường đạp về tôi có rẽ vào hồ Bản Viết, tuy nhiên chưa phải mùa thay lá nên cũng không có gì lắm, nhưng đường vào thì vô cùng ấn tượng bởi màu vàng của lúa chín. Chắc mọi người sẽ cảm giác bội thực vì màu vàng của lúa chín. Nhưng phải đạp thực tế và ngắm nhìn những khung cảnh muôn hình vạn trạng lúa chín của Cao Bằng thì cảm giác nhàm chán bội thực sẽ không có. Vì phải nói thực sự sắc vàng của màu lúa chín Cao Bằng thật vô cùng vi diệu. Đường vào hồ Bản Viết cũng thế, làm tôi cứ ngẩn ngơ dạo chơi ở đây mãi mà quên cả vào hồ.
Hồ Bản Viết thì ai đạp đừng ham hố mà vào vì nó dốc đến khó thở, đoạn này thì dắt thôi chứ làm sao mà quay được vì nó đến tức ngực thế cơ mà.
Quay ra để về Trùng Khánh, mâý cái đèo nho nhỏ thì giờ tôi đã quen dần nên cứ đánh võng và quay đều thôi. Trùng Khánh là thế giới của hạt dẻ, nhìn đâu cũng thấy rừng hạt dẻ, làm tôi lại lọ mọ tìm vào cây dẻ cổ thụ, nhưng đường vào đến đoạn cuối quá bẩn vì mưa nên tôi đành quay ra hẹn dịp khác quay lại, lúc quay ra tôi tò mò vào một cánh rừng hạt dẻ để tìm cảm giác nhặt hạt dẻ như nào. Gai của nó là vô cùng cứng và sắc nhọn, không biết cách tách là sẽ bị nó đâm buốt luôn.
Rời cánh rừng hạt dẻ tôi đạp về Trùng Khánh để lấy đồ do người bạn đồng hành vĩ đại của tôi gửi đồ tiếp tế từ Hà Nội lên, một cua rơ mới nổi trong làng đạp xe đường dài với lịch đạp hàng ngày cung Thanh Hà 120 km đều như vắt chanh, nhưng nếu đạp 121km là sẽ auto sụt nguồn. Cua rơ đó gửi cho tôi cái lốp để tôi thay cho cái lốp sau đang bể nghiêm trọng. Chạy vào hàng sửa xe máy tự thay rồi nhờ bơm vì cái bơm của tôi ko thể bơm được.
Xong xuôi rồi lại tự tin huýt sáo lên đường thôi, à ghé qua chợ Trùng Khánh làm bát phở đã, hôm nay đúng phiên chợ mà ko đi là quá phí, chợ phiên theo những ngày 5,10,15,20,25,30 âm lịch. Hôm nay đúng Rằm Trung Thu nên lại càng đông vui. Làm bát phở nạp xưởng xong ấm bụng rồi, thẳng tiến nơi con sông Quây Sơn đổ vào đất Việt thôi.
Tôi không đi theo đường tỉnh lộ 211 vì được biết là đường đấy vừa xa vừa xấu, nên tôi chọn đi tắt qua Ngọc Khê, vào đến Ngọc Khê đa số là đường beton khá dễ đi tuy nhiên có tầm 3km là chưa làm nên đường đất và ổ voi, ổ gà nhiều kinh khủng.
Đạp đến đoạn đỉnh Ngọc Côn nơi mà dân ảnh ọt hay trèo lên đê chụp, tôi đi một mình ko có ai dẫn đường nên hỏi dò người dân. Mấy thanh niên người dân tộc đáo để báo em đưa lên phí 300k, giật cả mình chả nhẽ lại cao thế sao, tôi từ chối đi một mình tiết kiệm được gì cứ tiết kiệm. Ảnh ọt chỉ là phụ trải nghiệm và thử ý chí mới quan trọng. Tôi đạp tiếp vào tận bản Nà Giào sát tận đầu nguồn sông Quây Sơn, dạo chơi một lúc tôi lại đạp tiếp sang bờ bề kia của sông, nơi này mới là điểm đầu cao nhất của con sông nổi tiếng này, nơi đó có cột mốc biên giới và tôi đạp vào nhưng không được phép ra mốc nên chỉ đạp vào gần đến nơi rồi quay ra, như vậy là cũng đã tới điểm đầu tiên mà con sông Quây Sơn đổ vào đất Việt rồi đó. Khung cảnh thì quá tuyệt vời không thể diễn tả bằng lời được. Chỉ có bằng mắt, tận mắt chứng kiến mới thấy vẻ đẹp quá tuyệt vời của nơi này.
Tôi quay ra vì chấp hành đúng yêu cầu, rồi đạp quay lại về Trùng Khánh nghỉ đêm vì ở đây không có nhà nghỉ hay ks gì cả. Lúc tôi quay ra trời bắt đầu hửng nắng, khi có nắng và mây tan trời trong thì cảnh nó lại là cái tầm khác, quá huyền ảo làm tôi cứ vừa đạp lại vừa dừng lại chụp.
Về đến điểm leo Ngọc Côn trời đẹp quá, tôi dừng lại nhờ một thằng ku học lớp 6 dẫn lên để chụp cái ảnh chả nhẽ đạp đến tận đây rồi mà trời đẹp thế này. Thế là leo lên thôi, đạp gần 3 ngày rồi nên leo lên đây cũng oải phết, công nhận leo lên đến điểm chụp cảnh đẹp một cách khó tả, chụp vài cái ảnh checkin rồi leo xuống rồi đạp về Trùng Khánh không muộn. Xuống đến nơi tôi cho thằng bé ít tiền cho nó mua sách và trung thu luôn.
Đạp về Trùng Khánh mà ông mặt trời bắt đầu xuống núi, vùng núi khi ông mặt trời đi ngủ thì màn đên buông xuống rất nhanh, tôi cố đạp nhanh về mà cũng không kịp. Trời tối nhanh, mà lại đạp trên cung đường này rất xấu, may có cái lốp của người đồng hành vĩ đại nên tôi tự tin lao ổ gà, ổ voi mà không sợ bị bể nên cũng đạp được khá nhanh. Nhưng đường xấu quá mà lại đạp trong trời tối nên tôi phải hết sức cẩn thận khéo léo để không bị xoè, xoè là toang đó vì toàn nước bùn đỏ quạch.
Rồi cũng về đến Trùng Khánh, lúc này trời quang hẳn lên và chị Hằng trong đêm Rằm Trung Thu cũng kịp toả sáng rực rỡ để đón Tết Trung Thu cùng trẻ em miền viễn biên Trùng Khánh.
Lấy phòng, tắm rửa rồi đi ăn tối mà thấy nhộn nhịp vui vẻ quá lại hùa theo cùng đoàn đón Trung Thu của trẻ em Trùng Khánh một đoạn, không khí rất vui vẻ, trẻ em vùng quê thật là sướng, không như bọn trẻ ở thành phố, chúng thật tội nghiệp
Và tôi nghĩ hôm nay cung đạp này là ngày mà tôi cảm thấy nhiều hỉ nộ ái ố nhất trong những cung đường mà tôi đã đạp trước đây. Nó bao hàm rất nhiều cung bậc cảm xúc khó diễn tả
TT Trùng Khánh - 01.2020