Khóc thầm vì chưa được đóng phí giao thông!
(Trái hay Phải)- Một lần nữa, trang nhất các báo ngày 4/4 lại tràn ngập hình ảnh Bộ trưởng Đinh La Thăng khi ông lên tiếng vừa phân trần vừa nhắc nhở người dân rằng nên hạnh phúc và tự hào khi được đóng phí giao thông, vì đóng phí cũng là yêu nước.
Khố tâm vì không được đóng phí giao thông! Ôi chà, tất cả những người biết chữ, tức là đọc được những lời của ông Bộ trưởng trên mặt báo, cần úp mặt vào tường mà suy nghĩ, mà xấu hổ. Ừ, nói đi nói lại mãi rồi mà dân chẳng chịu nghe, trong khi đâu cần phải động não nhiều lắm mới hiểu nguyên nhân vì sao đường giao thông Việt Nam có tuổi thọ thuộc hàng thấp trên thế giới.
Này nhé, đất nước sáng chắn bão giông chiều ngăn nắng lửa, thời tiết thiên tai khắc nghiệt nên có những con đường chưa kịp khánh thành đã vội vàng ôm ấp những ổ voi, ổ trâu. Chưa kể, đất nước đang ngày càng phát triển đi lên, xe cộ ngược xuôi chạy không lúc nào ngơi nghỉ, cầu đường bị quá tải nên xuống cấp càng nhanh (chuyện này người viết đã nói nhiều lần, nhưng cứ nhắc đến ngành giao thông là lại phải tua lại cho nó khách quan, rất mong độc giả thể tất!).
Còn cái chuyện ăn bớt vật liệu, bê tông cốt tre như thủa nào PMU 18 từng làm chỉ là chuyện cá biệt, to đùng mà cá biệt nên thôi, không chấp, vả lại, đã xử trước công luận làm gương tày liếp rồi đó thôi. Đất nước đâu có thiếu vật liệu xây dựng (cưỡng chế 2 hòn đá chỉ là chuyện hi hữu xưa nay chưa từng có ở Việt Nam), xi măng sắt thép thì cũng đang thừa ê hề, nên ăn bớt làm chi cho mệt? Theo lý thì cần tư duy mở thêm nhiều dự án để tiêu thụ sắt thép, xi măng đang đắp chiếu nằm chờ kia mới phải chứ.
Các doanh nghiệp ngành giao thông có kiếm chút đỉnh thì cũng kiếm bằng cách khác, nhàn nhã và thảnh thơi hơn nhiều, như chính một quan chức của Bộ Giao thông từng thừa nhận: nhiều ban quản lý dự án đồng thuận với nhà thầu làm chậm tiến độ dự án, “ủ” giá vật liệu lên ăn chênh lệch, cứ chờ giá lên là đệ đơn kiến nghị xin điều chỉnh theo giá thị trường. Tức là, việc đường sá xuống cấp nhanh chả có liên quan gì đến trách nhiệm của các bên trong việc xây dựng, thi công hết. Rút ruột công trình ăn bớt vật liệu khiến công trình chưa bàn giao đã xuống cấp là chuyện xưa rồi Diễm ơi.
Vì vậy, nếu người dân ta quả thật có trình độ học vấn ngày càng cao như báo cáo của ngành giáo dục thì không cần phải đợi đến ông Bộ trưởng nhắc nhở mới mở hầu bao mà đóng phí, thậm chí dân chúng ta cần thiết tha đề xuất được đóng phí giao thông mới thật là yêu nước. Dân làm hỏng đường thì dân phải đóng phí mà sửa là đúng lẽ quá rồi, còn kêu cái nỗi gì?
Hãy học các doanh nghiệp ấy, giữa lúc lãi suất cao vời vợi mà vẫn giành nhau từng cái hợp đồng giao thông để được dựng xây, được cống hiến cho đất nước! Hay hãy học chính Bộ trưởng Thăng, bị dư luận phản đối như vậy mà vẫn hiên ngang tuyên bố làm mọi chuyện đều vì việc công, nên không sợ tín nhiệm cao hay thấp! Chả nhẽ chúng ta không thấy vị quan thanh liêm ở tận Tây Nguyên cũng vì tận trung báo quốc nên cũng không sợ tín nhiệm cao hay thấp đó thôi.
Biết chân lý thì là như vậy, đạo lý cũng là như vậy, nhưng chắc chắn nhiều người cũng chưa thông lắm đâu. Này nhé, lâu nay dân có phải đóng phí đâu mà Nhà nước vẫn xây dựng, vẫn bảo trì đường luôn chân luôn tay đấy thôi, nay các vị đòi dân đóng phí, thế bấy lâu nay Nhà nước toàn tự in tiền ra mà đắp đường, mà xây cầu à? Hay các doanh nghiệp xây đường xong thì nhận công bằng không khí? Xin thưa nhất định là không phải thế rồi, nhưng trong buổi thắt lưng buộc bụng hôm nay, nguồn ngân sách dành cho ngành giao thông quả cũng có phần eo hẹp hơn trước.
Chắc quý vị vẫn còn nhớ, trong năm 2011, Bộ Giao thông đã từng xin Chính phủ thêm 6.800 tỷ ngân sách, sau đó đích thân Bộ trưởng Thăng lại đăng đàn trước Quốc hội xin 40.000 tỷ đồng lãi to của ngành dầu khí. Tiếc thay, sáng kiến ấy của Bộ chẳng được chấp nhận. Không cần thông minh lắm người ta cũng phải lẩn thẩn tự hỏi rằng, phải chăng Bộ Giao thông không xin được ngân sách nên quay sang “xin” phí từ dân?
Ngân sách thì cũng là tiền thuế, là mồ hôi nước mắt, là máu xương của nhân dân cả, nhưng nói gì thì nói, tiền vào ngân sách rồi thì Bộ Giao thông muốn xin cũng chẳng thể nào tùy tiện được, xin dân đóng phí xem chừng khả thi và tiện hơn nhiều! Các bộ ngành khác nếu gặp khó khăn gì xin cứ học theo Bộ Giao thông, không xin được Quốc hội, Chính phủ thì xin dân!
Mà càng nghĩ càng thấy tội nghiệp! Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định như đinh đóng cột rằng thu phí giao thông là chủ trương chung, tuyệt nhiên không phải sáng kiến của Bộ. Ừ, nhất định là những “sáng kiến” mà bị dư luận phản đối ầm ầm thì nhất định là của chung rồi, chỉ có thành tích tai nạn giao thông giảm trên cả 3 mặt là của riêng ngành Giao thông thôi.
Nhưng mấy cái thành tích ấy làm sao mà bù lại cho được những lúc bị cánh nhà báo nó lèn, có kẻ còn ngứa mồm bảo nếu đấy là chủ trương chung thì hóa ra Bộ chẳng phải làm gì, chẳng phải nghĩ gì hay sao, thế thì ai làm Bộ trưởng cũng được à?
Riêng những người đang hàng ngày phải đi xe công tới nơi làm việc (đôi khi phải đi cả đám cưới, đám ma, đi đền, đi chùa) còn có một nỗi khổ tâm thầm kín khác. Nghe nói khi Bộ Giao thông vận tải đề xuất xe công không phải đóng phí, nhiều người trong số họ đã tỏ ý không bằng lòng đấy.
Một số hay để ý tới tiểu tiết thì so bì rằng xe công thì cũng là xe, xe nào chẳng làm hỏng đường, sao xe công lại được miễn phí, số khác thông minh sáng láng biết lấy đại cục làm trọng thì thở dài, có đóng phí cũng tiền thuế của dân thôi,
bỏ tiền từ túi này sang túi kia làm gì cho phức tạp .
Chỉ còn biết than thân trách phận là ngày ngày phải đi xe công, mà chẳng có cơ hội nào để thể hiện lòng yêu nước theo lời kêu gọi của Bộ Giao thông!