Hai sự cố liên tiếp liên quan đến gối cao su bị dịch chuyển sau khi các dầm cầu cạn tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên được lắp đặt và hầu như chưa có bất kỳ ngoại lực nào tác động, khiến nhiều chuyên gia nghi ngờ do lỗi thi công của các nhà thầu.
www.tienphong.vn
Trao đổi với
Tiền Phong sáng 17/1, một thành viên trong tổ điều tra về sự cố (đề nghị không nêu tên) cho biết gối cao su của dầm cầu cạn là bộ phận nối từ dầm cầu xuống mố trụ.
Gối có tác dụng chịu tải và giảm lực của kết cấu nhịp truyền xuống mố trụ, đồng thời giúp việc kết nối dầm và mố co giãn ít, tạo sự đàn hồi. Vì vậy, trên tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên xảy ra liên tiếp hai sự cố liên quan đến gối cao su thì việc kiểm tra, rà soát và đánh giá nguyên nhân nhằm có biện pháp khắc phục sự cố trong thời điểm hiện này là hết sức cần thiết.
Chuyên gia này cho biết, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) đã tổ chức nhiều cuộc họp với sự tham gia của các nhà thầu tư vấn, thi công, Hội đồng khoa học gồm nhiều chuyên gia có uy tín để tìm hiểu nguyên nhân.
Theo đánh giá sơ bộ của nhiều chuyên gia thì có 2 khả năng xảy ra sự cố, bao gồm: Chất lượng gối cao su hoặc thi công tiếp giáp giữa các mặt gối cao su không đảm bảo gây ra sự cố trượt gối.
Cụ thể, khả năng thứ nhất là gối biến dạng và chuyển vị xuất phát từ việc nhiệt độ tăng lên đến đâu, dầm bị đẩy ra đến đó. Nếu chất lượng đảm bảo thì gối sẽ biến dạng theo sự dịch chuyển của dầm. Trường hợp chất lượng “có vấn đề”, gối sẽ không biến dạng mà bị trược, xê dịch khỏi vị trí lắp đặt ban đầu khi dầm bị co giãn (do tăng giảm nhiệt độ) và bị rơi.
Khả năng thứ hai là các gối cao su vẫn đảm bảo chất lượng, đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật và làm việc tốt nhưng vẫn xảy ra sự cố trượt là do lỗi thi công dẫn đến tiếp xúc giữa mặt gối, mặt dầm và mặt đá kê gối không đảm bảo.
“Chúng tôi phát hiện gối cao su bị rơi nhẹ hơn 9 kg so với thiết kế được duyệt nhưng việc này chưa thể khẳng định chất lượng gối không tốt. Các chuyên gia đang nghiêng về khả năng thứ hai là do lỗi thi công, dẫn đến việc tiếp xúc đáy dầm với đá kê gối không đảm bảo bởi lẽ chênh lệch về nhiệt độ không lớn. Tàu metro chưa vận hành, hầu như chưa có ngoại lực tác động lên các dầm cầu cạn. Tuy nhiên, đây chưa phải kết luận mà vẫn cần thêm các thử nghiệm, kiểm tra để đánh giá chính xác”, thành viên tổ điều tra sự cố nói và cho biết thêm nếu đánh giá trên là chính xác thì trách nhiệm của các nhà thầu thi công, tổng thầu SCC, Tư vấn giám sát, tư vấn chung,… cần phải được xem xét và xử lý phù hợp.
Thi công lắp dầm cầu cạn tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (ảnh chụp vào tháng 3/2016)
Theo ông Huỳnh Hồng Thanh – Phó trưởng MAUR kiêm Giám đốc Ban Quản lý dự án 1, sự cố gối cao su bị rơi khỏi đá kê gối đã xảy ra vào ngày 30/10/2020 trên đoạn dầm cầu cạn VD14-10. Sự cố đã làm các thanh ray (gác qua 2 dầm chữ U) bị bong bật khỏi bệ đỡ, đồng thời xuất hiện các vết nứt cục bộ tại một số vị trí của bê tông bệ đỡ đường ray. Vị trí xảy ra sự cố thuộc gói thầu CP2 (đoạn trên cao và các depot) do Liên danh Sumitomo – Cienco6 (SCC) làm tổng thầu và Liên danh Tư vấn chung NJPT giám sát.
Sau khi sự cố xảy ra, tổng thầu SCC đã đặt gối thay thế đảm bảo ổn định cho dầm trong thời gian xem xét, đánh giá nguyên nhân vụ việc. Tuy nhiên, do SCC chậm trễ trong báo cáo và đưa ra nhiều nhận định ban đầu sơ sài, kém thuyết phục nên MAUR đã thành lập Tổ điều tra sự cố metro với sự tham gia của nhiều chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực xây dựng và giao thông công trình, để tìm ra nguyên nhân khách quan nhất.
Trong quá trình kiểm tra, Tổ điều tra phát hiện thêm tại trụ VD12-34 thuộc đoạn giữa ngã tư Bình Thái và ngã tư Thủ Đức, một gối cao su khác có dấu hiệu dịch chuyển khỏi vị trí lắp đặt. Đây được coi là sự cố thứ hai liên quan đến gối cao su của dầm cầu cạn tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên.
“Hiện tại, MAUR đã yêu cầu nhà thầu khắc phục sự cố, đồng thời yêu cầu các đơn vị lắp đặt camera để quan sát sự chuyến dịch của gối cao su. MAUR cũng đã yêu cầu nhà thầu tiếp tục giải trình về sự cố trên và tiến hành rà soát lại toàn bộ các gối cao su”, ông Thanh cho hay.