Chỉ hươu nói gì?
Trần Anh Ngọc10/06/2021 | 15:29
In bài viết
0:00/0:00
0:00
Nam miền Bắc
(Ngày Nay) - Liên danh Tư vấn Apave-Certifer-Tricc (tư vấn ACT) của Pháp đã đưa ra 16 khuyến cáo về nguy cơ mất an toàn trong vận hành tuyến đường Cát Linh - Hà Đông, cho rằng không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của châu Âu. Nhưng Bộ Giao thông Vận tải lại nói điều này xuất phát từ sự khác biệt về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn giữa châu Âu và Trung Quốc.
Trách nhiệm của những hãng xe công nghệ ở đâu?
“Đã thành cơm rồi”, sao lấy lại gạo?
1/ Điển tích Tàu có chép, “chỉ hươu nói ngựa” kể rằng vua nước Tần là Tần Thuỷ Hoàng khi bị Kinh Kha hành thích đã được một hoạn quan tiểu tốt có tên Triệu Cao hộ giá kịp thời nên thoát chết. Với công trạng này, từ một kẻ vô danh, Triệu Cao trở thành triều thần được vua tin cẩn giao việc dạy dỗ Thái tử Hồ Hợi và dần lấn át quyền uy của Thừa tướng Lý Tư.
Trong một lần vi hành, Tần Thuỷ Hoàng lâm trọng bệnh. Lúc kề cận cái chết, vua nước Tần bèn cho viết di chúc truyền ngôi cho Thái tử Phù Tô, anh Thái tử Hồ Hợi. Thế nhưng, khi về đến kinh thành, Triệu Cao âm mưu huỷ di chúc để đưa Hồ Hợi lên. Với quyền lực trong tay, họ Triệu dùng đủ mọi thủ đoạn ép Thừa tướng Lý Tư cùng lập di chúc giả và ép chết Thái tử Phù Tô.
Sau khi có “công lớn” giúp Hồ Hợi lên ngôi vua, Triệu Cao được sủng ái đặc biệt, quyền thế không ai bằng, một tay che trời và ngang ngược can thiệp việc triều chính. Thế nhưng cái gai trong mắt vẫn còn đó, tên hoạn quan lập mưu vu cho con trai Lý Tư theo quân phản loạn để diệt cỏ tận gốc và độc chiếm quyền hành.
Sau khi Lý Tư bị hãm hại, để trừ khử những triều thần bất tuân còn lại, Triệu Cao nghĩ ra một kế vô cùng thâm độc, sai thủ hạ dắt đến buổi thiết triều một con hươu và nói: “Bẩm Đại vương! Thần có một con ngựa quý muốn hiến cho Đại vương”.
Thấy vua ngạc nhiên, Triệu Cao lớn tiếng hỏi các quan đại thần là con gì? Những kẻ xu nịnh nhốn nháo bảo “ngựa”, chẳng mấy người dám nói là hươu. Thấy thế, vua tưởng là ngựa thật, nghĩ mình loạn trí bèn vào Vọng Di cung trai giới (ăn chay). Những quan lại nói lên sự thật bị Triệu Cao để bụng, tìm cách mưu hại ngày sau.
2/ Trở lại với đường sắt Cát Linh – Hà Đông, sau hơn một thập kỷ chờ đợi với tổng mức đầu tư ban đầu hơn 552 triệu USD (chủ yếu vốn vay ODA Chính phủ Trung Quốc) đã đội lên con số 886 triệu USD, tương đương hơn 20.000 tỷ đồng nhưng vẫn xuất hiện những vấn đề đáng lo ngại.
Sau khi đánh giá, tư vấn ACT đã đưa ra 16 khuyến cáo về nguy cơ mất an toàn trong vận hành và nhấn mạnh nếu vận hành, chủ đầu tư là Bộ Giao thông Vận tải phải chấp nhận các rủi ro và hệ quả tương ứng.
Phản ứng trước điều này, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, tư vấn ACT đã đánh giá dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông theo tiêu chuẩn châu Âu. Trong khi đó, dự án được thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn Trung Quốc nên có độ chênh. Chẳng hạn, tiêu chuẩn châu Âu yêu cầu phải đánh giá cả an toàn tín hiệu, an toàn hệ thống điện kéo và phanh điện; còn tiêu chuẩn Trung Quốc chỉ yêu cầu đánh giá và cấp chứng nhận an toàn tín hiệu.
Bộ cũng nói rằng, để vận hành hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Công ty Metro Hà Nội thời gian qua đã cử hàng loạt cán bộ, chuyên gia sang Công ty Metro Bắc Kinh, Metro Thâm Quyến để đào tạo kỹ năng vận hành hệ thống theo tiêu chuẩn Trung Quốc.
3/ Câu chuyện Cát Linh – Hà Đông cũng tựa tựa điển tích “chỉ hươu nói ngựa” bên Tàu vậy.
Chỉ biết răm rắp nghe theo, bảo gì nghe nấy miễn sao để lâu hoá bùn là bình an vô sự hết!
Nguồn:
Chỉ hươu nói gì? (ngaynay.vn)