Một vài cụ bảo rằng không thằng nào kiếm được tiền mà lại chịu lộ ra nó kiếm tiền như thế nào, đúng là như vậy. Có thể tôi đã khinh suất và bốc đồng khi định kể lại chuyện lập nghiệp của mình, nhưng sự thực là khi nhìn xung quanh và đọc trên mạng, tôi cảm thấy rất bứt rứt vì hình như người Việt nam đang đi sai đường. Ai có tí tiền cũng nhao đi buôn, hầu như bỏ qua sản xuất, trong khi sản xuất mới là gốc của mọi của cải. Cho nên với một chút thiện ý và tâm huyết còn sót lại, tôi cũng liều mở thớt này dù biết có thế mình sẽ bị lộ vài bí mật làm ăn.
Dẫu sao tôi cũng phải tự bảo vệ mình bằng cách ẩn danh hoàn toàn, nghĩa là tôi sẽ không post ảnh nhà xưởng, không giao lưu offline, cũng không bàn thảo hợp tác xin việc gì hết. Tôi sẽ chia sẻ chuyện lập nghiệp và một số chuyện kinh tế khác trung thực và chân thành, nhưng mong các cụ để tôi chỉ là một nick trên mạng. Thế là quá đủ.
Trở lại chuyện lập nghiệp của tôi.
Tôi sinh ra lớn lên ở một xã đồng bằng Bắc bộ. Quê tôi là vùng thuần nông nghèo, hầu như không có nghề gì ngoài làm ruộng. Ngày bé tôi chịu thiếu thốn đủ thứ, vào đại học cao mét 73 mà nặng có 52 cân. Bố mẹ tôi thuộc một loại người mà tôi thấy khá nhiều ở miền Bắc, nghĩa là học rất nhiều, rất giỏi nhưng hành chẳng được bao nhiêu. Mẹ tôi học đai học sư phạm bằng giỏi, đầu tiên được phân công dạy cấp 3 ở Hoà bình, sau xin chuyển về dạy cấp 2 ở tỉnh, sau lại xin về dạy cấp 1 xã cho gần nhà và trở thành cô giáo làng đúng nghĩa. Còn bố tôi ngày xưa là tấm gương cho cả vùng, chỉ tự học mà tốt nghiệp phổ thông đã đọc thông viết thạo tiếng Nga, thế mà cuối cùng cũng chỉ là ông kỹ sư quèn chuyên sửa máy bơm nông nghiệp, bao nhiêu kiến thức đại học đều xếp xó.
Cả bố mẹ tôi đều rất tự hào về quá khứ đi học của mình nhưng ngay từ lúc bé tôi đã thấy không ổn. Học được thì phải làm được chứ không phải là học xong bỏ đấy rồi thỉnh thoảng lôi ra thẩm du. Thành ra không ít lần tôi phản kháng lại hai cụ khi bắt tôi học gạo, nhất là mấy năm 88,89, xung quanh đói bỏ mẹ ra mà đi tập văn nghệ cứ phải hát em là búp măng non. Tôi không tập bỏ về bị mẹ quật cho mấy roi, cuối cùng cũng hoà cả làng.
Bắt đầu năm 91 bình thường với Trung quốc, hàng TQ tràn qua biên giới vào VN, tôi đã tự đặt cho mình câu hỏi tại sao người VN không làm được những thứ đó, kể cả những mặt hàng đơn giản như bộ bài Tây du ký. Nhưng thằng bé 15 tuổi chỉ tự hỏi thôi chứ không trả lời được. Cứ lẩn mẩn như thế, năm 94 tôi vào đại học, chuyên ngành kinh tế.
Lên Hà nội tôi không có họ hàng nào, chỉ ở ký túc xá, có cái xe đạp cũ của bố cuối tuần đạp đi ngắm phố phường. Hà nội hồi ấy đang ở lúc giao thời gữa bao cấp và mở cửa, tôi cứ thấy mang máng đâu đó những cơ hội cho mình nhưng thân cô thế cô, không biết bắt đầu từ đâu, cuối cùng đành tự tích luỹ bằng cách lao đầu vào học tiếng Anh.