Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng.
Khái niệm hàng giả được quy định tại khoản 8 Điều 3 Nghị định 185, theo hình thức liệt kê, từ điểm a) đến điểm h). Khái niệm hàng giả bao gồm bốn trường hợp:
1) Trường hợp giả về nội dung: Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hoá; Có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký; Hàng hóa có hàm lượng, định lượng chất chính, tổng các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hoá; Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, vật nuôi không có dược chất, có dược chất nhưng không đúng với hàm lượng đã đăng ký, không đủ loại dược chất đã đăng ký, có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hoá; Thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất, có hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng, không đủ loại hoạt chất đã đăng ký, có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa.
2) Trường hợp giả về hình thức (giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa), bao gồm: Hàng hóa có nhãn hàng hoá, bao bì hàng hoá giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; Giả mạo tên thương mại, tên thương phẩm hàng hoá, mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc bao bì hàng hoá của thương nhân khác; Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hoá, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa.
3) Trường hợp giả mạo về sở hữu trí tuệ, được quy định tại Điều 213 Luật sở hữu trí tuệ 2005.
4) Trường hợp các sản phẩm là tem, nhãn, bao bì giả cũng được coi là hàng giả
Căn cứ vào các quy định trên, thuốc H-Capita có thể coi là hàng giả bởi:
1. Giả về nội dung: Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hoá (Lý do: H-Capita chưa trình được Giấy chứng nhận sản phẩm dược phẩm (gọi tắt là CPP), Giấy phép sản xuất, kinh doanh thuốc do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nước ngoài cấp, giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc (gọi tắt là GMP) theo quy định về đăng ký thuốc - Các Giấy mà VN-Pharma trình trước đây đã bị chứng minh là giả, và VN-Pharma đến giờ chưa trình lại được các giấy chứng nhận thật cho thuốc này).
2. Giả về hình thức (giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa): Giả mạo về nguồn gốc hàng hoá, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa vì hồ sơ khai là xuất xứ Canada đã bị chứng minh là giả, và giờ VN-Pharma không chứng minh được là nó SX tại Canada.
H-Capita là hàng giả, và mặt hàng bị làm giả thuộc loại thuốc chữa bệnh, nên có thể gọi tên là thuốc giả mà không cần phải dẫn chiếu quy định về thuốc giả trong Luật dược.
Cũng nên hiểu là việc áp dụng thứ tự luật nào trước, luật nào sau chỉ là trong trường hợp các quy định giữa các quy định trong các luật có sự mẫu thuẫn hay xung đột, còn nếu không mâu thuẫn/xung đột mà bổ xung cho nhau thì đều có thể áp dụng mà không loại trừ nhau.