Em biên tiếp
1.2. Vị trí tương quan với các hệ núi
Núi non trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam thuộc về 3 hệ chính. Đó là hệ núi Việt- Trung, hệ núi Bắc Đông Dương và hệ núi Đông Đông Dương.
- Thuộc về hệ núi Việt- Trung là các khối và dãy núi phân bố ở phía đông bắc của sông Chảy, bao gồm các khối núi cao của vòm Sông Chảy (với các đỉnh Tây Côn Lĩnh- 2419 m, Kiều Liêu Ti – 2402 m), các cao nguyên Đồng Văn- Mèo Vạc, Quản Bạ; cùng bốn dãy núi - cánh cung nổi tiếng: cánh cung Sông Gâm, Ngân Sơn, Bắc Sơn, và cánh cung Đông Triều.
Trong bình đồ sơn văn chung đó, nổi lên vấn đề về vị trí của dãy Tam Đảo. Đó là một dãy núi đột khởi nổi lên giữa vùng đồng bằng đồi núi thấp, kéo dài thẳng tắp theo phương tây bắc - đông nam, tức là cùng phương với các dãy núi Con Voi và Hoàng Liên Sơn, mà có vẻ như xa lạ với các dãy núi cánh cung ở phía đông.
Vậy Tam Đảo có thuộc về hệ núi Việt - Trung? Dãy Tam Đảo cấu tạo chủ yếu bởi các trầm tích - nguồn núi lửa, gồm cát bột kết, phiến sét chuyển lên ryolit porphyr, đacit và các thấu kính tuf (hệ tầng Khôn Làng, T2a). Các đá tương tự còn gặp ở Tiên Yên và Bình Liêu, tức là ở cánh cung Đông Triều, mà không hề gặp ở phía Tây Bắc Bộ.
Ngoài ra, nếu phân tích kỹ hình thái của cánh cung Đông Triều thì thấy rằng nó đã đổi hường từ ĐB (đầu phía đông), sang á vĩ tuyến (vùng núi Yên Tử) và chếch về TB ở đầu phía tây của dãy (vùng Chí Linh, Quế Võ, Yên Dũng), và như vậy là phù hợp với phương TB- ĐN của dãy Tam Đảo. Do đó, có thể khá tin cậy xếp dãy núi này vào cánh cung Đông Triều, nơi có dải núi thiêng và là di sản địa chất - núi Yên Tử.
Có điều, Tam Đảo dường như bị hệ thống sông Cầu - Thương - Lục Nam xuyên cắt qua và bị tách ra khỏi dãy núi mẹ. Như vậy, Thăng Long nằm về phía ĐN của đỉnh Tam Đảo 1591 m (có bản đồ ghi 1592 m) và ở bên ngoài phần cong lồi của cánh cung Tam Đảo- Đông Triều .
Như vậy, đường thẳng chạy dọc sông Chảy rồi viền quanh bên ngoài của vòng cung Tam Đảo - Đông Triều chính là ranh giới phân chia khu tự nhiên Bắc và Đông Bắc Bộ, với khu Tây Bắc Bộ và cực Bắc Trung Bộ
- Thuộc về hệ núi Bắc Đông Dương là toàn bộ các khối và dãy núi phân bố từ phía tây sông Chảy đến sông Cả (còn bao gồm cả Bắc Lào và Mianma), có thể kể lần lượt: dãy Con Voi (1425 m), dãy Hoàng Liên Sơn (3143 m, tài liệu mới: 3147,3 m), dải núi Pu Si lung (3076 m) và các cao nguyên Tà Phìn - Sin Chải - Sơn La - Mộc Châu đến dãy Tam Điệp, dải núi Pu Đen Đinh (1886 m) - Pu Sam Sao (1898 m) - cao nguyên Hủa Phan (Lào) - khối Phu Hoạt ( 2452 m).
Ở đây cũng lại xuất hiện vấn đề về vị trí của núi Ba Vì, còn gọi là núi Tản Viên (1296 m, có bản đồ ghi 1287 m) trong bình đồ sơn văn chung.
Khu vực này có hệ thống sơn văn phức tạp. Sông Đà chảy đến nam huyện Đà Bắc đã tạo thành một vòng cung nổi tiếng, khi đang có hướng chảy về ĐN đã uốn lệch sang Đ rồi ĐB, và thẳng về B, thậm chí có đoạn chảy về TB, để cuối cùng đổ vào sông Hồng từ hướng N.
Vòng cung sông Đà như ôm lấy toàn bộ phần ĐN của dãy núi Hoàng Liên Sơn tiếp nối liên tục với dãy Ai Lao San bên Trung Quốc và được tạo bởi các đá cổ (PR và PZ1), vốn thuộc về địa khu lục địa tiền Cambri. Còn vùng núi Ba Vì cho đến tận Hà Trung (Thanh Hóa) được các nhà địa chất xếp vào một kiến trúc khác - hệ rift nội lục Sông Đà, cấu tạo chủ yếu bởi các đá phun trào basalt và tuf của chúng, với các đỉnh Ba Vì và Viên Nam (1031 m). Các đỉnh này tạo thành một dải núi có đường chia nước uốn lượn phức tạp và độ cao thay đổi do sự tranh chấp giữa các suối của hệ thống sông Đáy với các suối ở hữu ngạn sông Đà phía bắc thị xã Hòa Bình. Nhưng nhìn chung, dải núi này có phương TB - ĐN, là phương chủ đạo của khu Tây Bắc Bộ. Và, thành Thăng Long nằm ở chính Đông của đỉnh Ba Vì.
* Ở đây có thể phân tích thêm sự khác nhau của hai dãy núi Ba Vì và Tam Đảo, có vị trí gần với Thăng Long nhất. Về mặt địa chất, Ba Vì - Viên Nam tạo bởi đá mang tính bazơ (basalt) còn Tam Đảo - tính acit (ryolit), nên đá Ba Vì nặng hơn, có nguồn gốc nằm sâu hơn trong lòng đất và có màu sẫm hơn. Về hình thái và quy mô, Tam Đảo lại thể hiện rõ nét hơn, cao hơn và lớn hơn Ba Vì, còn về tuổi địa hình thì như nhau. Cả hai dãy núi này đều có cấu tạo sườn không đối xứng và phía sườn thoải đều hướng về sông Hồng: Ba Vì là sườn ĐB, còn Tam Đảo là sườn TN. Mạng lưới suối của Tam Đảo có dạng lông chim - các suối từ sườn núi song song đổ thẳng vào các con sông chảy ngang qua: sông Phó Đáy ở phía TN, và sông Công ở phía ĐB.
Trong khi đó suối của Ba Vì có dạng cành cây, đã tập trung nước lại tạo thành một bồn thu nước, một lưu vực khá lớn, để hình thành một dòng sông thực thụ- sông Con, một trong các chi lưu chính của sông Đáy.
Như vậy, Ba Vì có thể coi là núi - đầu - nguồn. Như trên đã nêu, về mặt phân vùng địa lý tự nhiên, Ba Vì nằm trong cùng một khu địa lý với Thăng Long, trong khi Tam Đảo ở bên ngoài (khác hệ núi).
Có một nhận xét khá thú vị: Việt Trì (vùng Đất Tổ) nằm trên đường thẳng nối đỉnh Ba Vì với đỉnh Tam Đảo; trong khi Cổ Loa nằm trên đường nối Ba Vì với Yên Tử; còn đường thẳng nối Ba Vì với Thăng Long kéo dài về Đông cắt qua thành phố Hạ Long và đỉnh núi Bài Thơ, nơi có di tích bài thơ khắc trên đá của vua Lê Thánh Tông (1468) và bài thơ của chúa Trịnh Cương (1686 - 1730).
Như vậy tam giác Ba Vì - Tam Đảo - Yên Tử có nhiều liên hệ về mặt hình học với Việt Trì - Cổ Loa - Thăng Long .
Chỗ này, về phương diện phong thủy thì em xin nhờ cụ [@trauxanh;321342] vào luận giảu hộ
Còn đây là tọa độ các đỉnh:
* Tọa độ của đỉnh Ba Vì ( Tản Viên) : 105022’17’’ KĐ
(1287m - 1296m) 21003’17’’ VB
Đỉnh Tam Đảo : 105033’08’’ KĐ
(1591-1592m) 21034’10’’ VB
Đỉnh Yên Tử : 106042’40’’ KĐ
(1068- 1064m) 21009’28’’ VB
* Cũng có thể xem xét mối tương quan giữa Thăng Long với các dãy núi Con Voi và Hoàng Liên Sơn, đều trải dài theo phương TB-ĐN. Việt Trì và đền Hùng nằm ở phần hạ thấp phía ĐN của dãy Con Voi và được coi như thuộc về dãy núi này. Đất đá của dãy Con Voi theo đường phương tiếp tục chạy về phía ĐN và chìm sâu xuống dưới đồng bằng Hà Nội, nằm sát phía TN của Thăng Long, do đứt gãy sông Hồng và sông Chảy khống chế hai bên sườn của dãy núi này đã đi hơi chếch về NĐN, mà không cắt qua Thăng Long.
Cũng cần nói thêm là dãy Con Voi tạo bởi đá thuộc loại cổ nhất ở Việt Nam (tiền Cambri), đỉnh cao nhất có tên núi Cái, với tọa độ: 104033’41’’ KĐ và 22005’42’’ VB (cao 1425 m, có nơi ghi 1424,6 m).
Dãy Hoàng Liên Sơn, như trên đã nêu, bị sông Đà với khúc uốn tại Hòa Bình chặn lại và bị chìm sâu xuống dưới một cấu trúc trẻ hơn - trũng rift nội lục, mà một thành phần quan trọng của nó là núi Ba Vì. Như vậy Thăng Long không có mối tương quan trực tiếp với Hoàng Liên Sơn.
- Thuộc về hệ núi Đông Đông Dương gồm dãy Trường Sơn, khởi nguồn ở cao nguyên Xiêng Khoảng (Lào), từ TN sông Cả đến bắc sông Đà Rằng, để rồi tíếp đến các cao nguyên và khối núi Nam Trung Bộ. Thăng Long phân bố về phía ĐB của hệ núi này, tuy nhiên không thể hiện mối tương quan trực tiếp.
( em lấy nguồn về thông số, cấu tạo tại tài liệu của Tổng cục Địa chất)