Hiệp hội vì sự tiến bộ khoa học Hoa Kỳ định nghĩa giáo dục khai phóng (Liberal Education) là nền giáo dục tạo ra những con người có tư tưởng cởi mở và thoát khỏi chủ nghĩa cục bộ địa phương, giáo điều, định kiến và ý thức hệ; có ý thức về các ý kiến và đánh giá của họ; phản ánh hành động của họ và nhận thức được vị trí của chính họ trong thế giới xã hội và tự nhiên.
Giáo dục các môn khai phóng (Liberal Arts Education) tại châu Âu có nguồn gốc từ giáo dục toàn diện / toàn năng (ἐγκύκλιος παιδεία / enkúklios paideía) của Hy Lạp cổ đại để đào tạo ra các công dân với phổ kiến thức rộng, uyên bác và phẩm hạnh đoan chính (bác nhã).
Nhà thông thái người La Mã là Marcus Terentius Varro (116-27 TCN) phát triển và hệ thống hóa chương trình giảng dạy toàn năng Hy Lạp cổ đại này thành 9 bộ môn (biện chứng/logic, tu từ, ngữ pháp, số học, hình học, âm nhạc, chiêm tinh/thiên văn, kiến trúc, y học).
Các học giả nổi tiếng sau đó như Thánh Augustine (354-430), Anicius Manlius Severinus Boethius (480-524) và Magnus Aurelius Cassiodorus (485-585) đã chắt lọc và phát triển truyền thống này; và đến khoảng thế kỷ 5-6 thì một tiêu chuẩn gồm 7 môn khai phóng (trừ kiến trúc và y học) đã được thiết lập và đưa vào nền giáo dục Cơ đốc. Đó là 7 cột trụ của trí tuệ châu Âu thời kỳ đó, chia thành 3 khoa (trivium) ngôn từ (biện chứng/logic, tu từ, ngữ pháp) và 4 khoa (quadrivium) lý số (số học, hình học, âm nhạc, chiêm tinh). Nhà thần học Thomas Aquinas (1225-1274) nói rằng chúng là “những môn học chuẩn bị trí tuệ cho các môn triết học khác”. Các môn học khai phóng là cơ sở, là nền tảng của nền giáo dục khai phóng đầy đủ, phát sinh từ chúng và vượt xa chúng.
Tại châu Á, khái niệm tương tự như giáo dục khai phóng này là lục nghệ (6 nghề) mà người quân tử/quý tộc phải tinh thông. Theo sách Chu lễ thì 6 nghề này là nghi lễ (lễ), âm nhạc (nhạc), bắn cung tên (xạ), đi xe/cưỡi ngựa (ngự), thư pháp (thư), số học (số). Từ thời Hán trở đi thì nho sĩ phải tinh thông lục kinh (thực tế là ngũ kinh) được người ta cho là do Khổng Tử soạn thảo/hiệu đính. Chúng bao gồm: Kinh Thi, Kinh Thư (Thượng Thư), Kinh Lễ (Lễ Ký), Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu và Kinh Nhạc (do bị Tần Thủy Hoàng đốt mất nên chỉ còn lại 1 thiên gọi là Nhạc ký gộp trong Kinh Lễ).
Chương trình giảng dạy các môn học khai phóng trong giáo dục phổ thông (General Education) tại Harvard College hiện nay bao gồm các nhóm sau:
a) Mỹ học và Văn hóa (Aesthetics & Culture);
b) Luân lý học và Công dân học (Ethics & Civics);
c) Lịch sử, Xã hội và Cá nhân (Histories, Societies, Individuals);
d) Khoa học và Công nghệ trong Xã hội (Science & Technology in Society).
Tại Đại học Lĩnh Nam (嶺南大學, Hong Kong) các môn học khai phóng/bác nhã này chia thành 4 nhóm:
a) Tư duy lý trí (Rational Thinking);
b) Giá trị và Xã hội (Values & Society);
c) Văn hóa và Tư tưởng (Culture & Ideas);
d) Khoa học (Science).
Có thể học thành cụm các môn học như sau:
a) Sáng tạo và Cải tiến (Creativity & Innovation);
b) Nhân văn và Nghệ thuật (Humanities & Arts);
c) Quản lý và Xã hội (Management & Society);
d) Khoa học, Công nghệ, Toán học và Xã hội (Science, Technology, Mathematics & Society);
e) Giá trị, Văn hóa và Xã hội (Values, Cultures & Society).