Những vũ khí nguy hiểm nhất của Iran
(Vũ khí) - Xin giới thiệu nhận định của giới chuyên gia quân sự Mỹ về những mẫu vũ khí của Iran qua bài viết của chuyên gia Nga Yuferev Xergey cùng tham khảo.
Bài đăng trên “Bình luận quân sự” ngày 13/11/2021.
|
Các tổ hợp tên lửa Iran, ảnh ghép: twitter.com/imamedia_org |
Hiện nay, Iran là một đối thủ địa chính trị ra mặt của Mỹ. Quan hệ ngoại giao giữa hai nước bị cắt đứt vào năm 1980.
Việc này xảy ra sau vụ bắt giữ các nhân viên của đại sứ quán Mỹ làm con tin ở Tehran. Kể từ thời điểm đó, hai bên đã nhiều lần tiến sát tới bờ vực của một đối đầu quân sự trực tiếp.
Lần quan hệ hai nước gia tăng căng thẳng gần đến ngưỡng giới hạn gần đây nhất là vào tháng 1/2020, sau khi Mỹ hạ sát người đứng đầu đơn vị đặc nhiệm Al-Quds, tướng Iran Qasem Soleimani trong một cuộc không kích gần sân bay Baghdad.
Để đáp trả, Iran đã tiến hành một cuộc tấn công tên lửa nhằm vào các căn cứ của Mỹ trên lãnh thổ Iraq vào ngày 8/1/ 2020.
Với lịch sử mối quan hệ giữa hai nước như vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà báo và chuyên gia Mỹ thường xuyên tìm hiểu, nghiên cứu và đánh giá các mẫu vũ khí và trang thiết bị quân sự của Iran.
Trường hợp cụ thể, các nhà báo và chuyên gia của tờ báo mạng Mỹ 19FortyFive đã lập danh sách những mẫu vũ khí và khí tài được coi là đáng sợ và nguy hiểm nhất của Iran trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột quân sự.
1. Máy bay không người lái (UAV, drone)) tấn công Shahed-149 "Gaza"
Lẽ dĩ nhiên, Iran không đứng bên lề các xu hướng chế tạo - phát triển vũ khí chung trên thế giới và cũng rất tích cực thiết kế các phương tiện bay không người lái.
Tuy vậy, trong tất cả các thiết kế mới nhất của Iran đều có thể thấy dấu vết của công nghệ sao chép. Các phương tiện được Iran nghiên cứu sao chép là những UAV trinh sát và tấn công của Mỹ đã bằng một cách nào đó lọt vào tay Iran.
Ngay từ năm 2012, Iran đã cho giới thiệu máy bay không người lái Shahed-129.
Đến năm 2021, mẫu UAV này đã được phát triển thành UAV tấn công Shahed-149 "Gaza",- được đặt để vinh danh khu lãnh thổ của người Palestine - Dải Gaza. Nhìn bề ngoài, những chiếc UAV này có nhiều nét giống với các UAV tấn công và trinh sát MQ-1 Predator và MQ-9 Reaper của Mỹ.
|
Máy bay không người lái tấn công Shahed-149 "Gaza", ảnh: twitter.com/imamedia_org |
Shahed-149 là phiên bản cải tiến và lớn hơn phiên bản trước nó (Shahed-129) . Trọng lượng cất cánh 3 100 kg. Sải cánh- 21 mét. Độ cao bay tối đa- 10.700 mét (35.000 feet).
UAV này mới được giới thiệu lần đầu tiên vào tháng 5/2021. Shahed-149 có thể mang trong khoang đến 13 quả đạn có điều khiển có khả năng tiêu điệt các mục tiêu cơ động.
Bán kính hoạt động của UAV là hơn 2.000 km. Ngoài tên lửa và bom, Shahed-149 có thể mang tới 500 kg các trang thiết bị trinh sát khác nhau.
Thời gian bay liên tục của Shahed-149 được phía Iran công bố là 35 giờ, còn phiên bản Shahed-129 trước nó - đến 24 giờ.
Tốc độ hành trình - 350 km / h. Các chuyên gia cho rằng Iran đã cải thiện được đáng kể các tính năng bay- kỹ thuật nhờ sử dụng các động cơ turbin cánh quạt công suất lớn hơn và hoàn thiện hơn.
2. Tên lửa đạn đạo tầm trung Sejjil-2
Tên lửa đạn đạo tầm trung của Iran hiện đang là mối quan ngại của Quân đội Mỹ và Quân đội Israel. Dòng tên lửa Sejjil được thiết kế- chế tạo tại Iran trong những năm 2008-2009. Sejjil-2- đó là tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn hai tầng, được phóng thử lần đầu vào tháng 5/2009.
Tầm bay của tên lửa Sejjil-2 được tăng lên tới 2.400-2.500 km. Tên lửa này đã được thử nghiệm thành công nhiều lần, trong đó có cả các lần phóng thử nghiệm với tầm bắn tối đa trên Ấn Độ Dương.
So với các tên lửa của sery đầu tiên, mẫu tên lửa Sejjil-2 có tầm bay tăng rất đáng kể và sai số xác suất vòng tròn (độ lệch mục tiêu) giảm mạnh.
|
Phóng tên lửa Sejjil, ảnh: wikimedia.org |
Tải trọng hữu ích tối đa của tên lửa Sejjil-2 ước tính là 1.000 kg. Các chuyên gia cho rằng nếu giảm trọng lượng đầu đạn của tên lửa, tầm bay của nó có thể được tăng lên nhiều hơn. Trong trường hợp này, rất có thể tên lửa chỉ được lắp khối tác chiến đơn.
3. Tên lửa chống hạm Khalij Fars
Một điểm nhấn rất quan trọng trong các chương trình tên lửa Iran là chuyển sang sử dụng tên lửa nhiêu liệu rắn. Trước đó, trong kho vũ khí của Quân đội Iran chỉ có các mẫu tên lửa nhiên liệu lỏng- vì thế nên cần nhiều thời gian để chuẩn bị phóng.
Một số chuyên gia cho rằng có thể Trung Quốc đã giúp Iran thiết kế- chế tạo tên lửa nhiên liệu rắn.
Tên lửa chống hạm Khalidj Fars (Vịnh Ba Tư) là phiên bản cải tiến của tên lửa lớp “Đất đối đất” nhiên liệu rắn Fateh-110 của Iran.
Đây là tên lửa lớp chiến thuật- chiến dịch nhiên liệu rắn một tầng, được thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2001. Phiên bản chống hạm của tên lửa Fateh-110 được giới thiệu với công chúng sau đó 10 năm - vào năm 2011.
Phiên bản chống hạm này được định danh là Khalij Fars, bán kính tác chiến của nó được tăng lên 300 km.
Khalij Fars là phiên bản phát triển từ tên lửa Fateh-110 thế hệ ba. Tầm bắn của tên lửa đủ để tiêu diệt bất kỳ mục tiêu nào trên Vịnh Ba Tư từ lãnh thổ Iran.
|
Tên lửa chống hạm Khalij Fars, ảnh: wikimedia.org |
Tên lửa chính xác cao Khalij Fars với hệ thống dẫn đường quang- điện tử có khả năng tấn công bất kỳ tàu nổi nào. Ưu thế nổi bật của nó là tốc độ bay lớn. Khalij Fars- là tên lửa chống hạm siêu âm và có thể tăng tốc lên tới Mach 3.
Tên lửa có chiều dài khoảng 8,86 mét, đường kính 0,61 mét. Sai số xác suất vòng tròng (độ lệch mục tiêu) được ước tính vào khoảng 2 mét. Nó được trang bị đầu tác chiến nổ mảnh trọng lượng tới 650 kg.
Có một số nguồn khẳng định rằng ngoài việc được sử dụng để tấn công các mục tiêu trên mặt biển, trong trường hợp cần thiết, tên lửa này còn có tấn công các mục tiêu trên mặt đất, trong đó có cả radar đối phương .
4. Xe tăng chiến đấu chủ lực Karrar
Sức mạnh tấn công chủ yếu của Lục quân Iran vẫn là xe tăng. Nhiều chuyên gia nhận định rằng mẫu xe tăng Karrar là mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại nhất của Iran.
Chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực mới này lần đầu tiên được ra mắt trước công chúng vào năm 2017. Iran khẳng định rằng mẫu xe tăng này do mình tự thiết kế, mặc dù trên thực tế nó được phát triển từ các dự án Liên Xô / Nga.
Xe tăng này có hình dạng bên ngoài rất giống xe tăng T-90M. Rất rõ ràng, đây là phiên bản Iran hiện đại hóa từ chiếc xe tăng T-72 phổ biến rộng rãi trên thế giới.
Các phiên bản hiện đại hóa khác nhau từ chiếc xe tăng này hiện cũng đang có trong trang bị của quân đội một số nước Đông Âu.
|
Xe tăng chiến đấu chủ lực Karrar của Iran, ảnh: wikimedia.org |
Xe tăng có kiểu bố trí cổ điển, hình dáng thân và thiết kế rất giống T-72 . Nhưng cùng với đó, các kỹ sư Iran đã gia cố tối đa khả năng của lớp giáp bảo vệ xe.Ở phần mặt trước xe, sử dụng lớp giáp hỗn hợp.
Ngoài ra, trên xe tăng còn có lớp giáp phản ứng nổ và một bộ treo để tăng khả năng bảo vệ cho lớp giáp. Ở phía sau thân xe,có các lớp màn lưới. Trọng lượng xe vì thế nên lên tới 51 tấn.
Như đã biết, kíp lái xe tăng Karrar gồm 3 người, vũ khí chính là pháo nòng trơn 125 ly, Trên xe tăng, ngoài các phương tiện bảo vệ thụ động còn có tổ hợp bảo vệ chủ động.
Xe có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại: thiết bị tầm nhiệt, máy đo xa laze, hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại...
Các nhà báo Mỹ cho rằng hiện Lục quân Iran có thể đang có tới 800 xe tăng kiểu này trong trang bị.
5. Khinh hạm Moudge của Iran
Hải quân Iran không phải là một lực lượng quá đáng gờm, nhưng trong trang bị của nó có các tàu chiến khá lớn mang vũ khí tên lửa.
Theo các chuyên gia, những tàu chiến cỡ lớn như vậy là các khinh hạm hạng nhẹ lớp Moudge có lượng choán nước khoảng 1.500 tấn. Nếu tính theo tiêu chí lượng giãn nước, những tàu này gần với tàu hộ tống hơn.
Những tàu này tương đối hiện đại, mặc dù vẻ bề ngoài có thể tạo cảm giác ngược lại. Hiện tại, Hải quân Iran có 4 khinh hạm như vậy. Tất cả chúng đều được đóng trong những năm từ 2007 đến năm 2021.
|
Khinh hạm hạng nhẹ kiểu Moudge của Iran, ảnh: wikimedia.org |
Các khinh hạm này được trang bị vũ khí tên lửa để chống lại các mục tiêu trên mặt biển / trên mặt đất và trên không. Nói cho thật chính xác thì cơ số vũ khí tên lửa rất hạn chế, - mỗi tàu chỉ mang không quá 4 quả tên lửa chống hạm.
Vũ khí pháo binh gồm có một pháo đa năng 76 ly và các hệ thống cỡ nòng nhỏ hơn. Tên lửa chống hạm “Nur “ trang bị cho tàu có tầm bắn tới 170 km.
Chiều dài tối đa của khinh hạm này là 95 mét, rộng 11,1 mét và mớn nước 3,25 mét. Kíp thủy thủ gồm 140 người. Tốc độ di chuyển tối đa lên đến 30 hải lý / giờ. Trên tàu có một máy bay lên thẳng Bell 214 ASW.