Mỹ sẽ tấn công Nga từ quỹ đạo gần Mặt Trăng
(Bình luận quân sự) - Một chạy đua vũ trang mới trên vũ trụ sẽ dẫn tới đâu...
Xin được giới thiệu cùng bạn đọc bài viết và phỏng vấn các chuyên gia của chuyên gia, phóng viên quen thuộc Andrey Polunhin về những diễn biến gần đây trong quan hệ Nga- Mỹ liên quan đến lĩnh vực vũ trụ. Bài đăng trên “Svobodnaia Pressa” ngày 11/12/2020.
I. Phần dẫn của Andrey Polunhin
Mới đây, tại cuộc họp của Hội đồng Vũ trụ Quốc gia Mỹ, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia nước này
John Ratcliffe đã mạnh mẽ cáo buộc Nga tiến hành "những hành vi khiêu khích" trong vũ trụ, và (cách hành xử này của Nga) đang đe dọa nghiêm trọng lợi ích quốc gia của Mỹ”.
Ông nhấn mạnh: “Nước Nga, nhất là trong khoảng thời gian gần đây, đã hành xử một cách khiêu khích và vì thế có thể gây ra những tình huống rất nguy hiểm”.
Theo John Ratcliffe, Matxcova đã phóng một thiết bị lên vũ trụ và thiết bị này bắt đầu cơ động ngay sát một vệ tinh của Chính phủ Mỹ. Ông cũng nhận định rằng Nga đã từng tiến hành phóng những thiết bị tương tự. Theo các đánh giá của Mỹ, thiết bị này có các dấu hiệu cho thấy nó một loại vũ khí vũ trụ.
Chúng tôi xin nhắc lại một số chi tiết để làm rõ hơn những gì mà chúng ta đang đề cập tới.
Ngày 25/7/2020, Bộ trưởng Quốc phòng Anh
Ben Wallace đã cho đăng tải trên tờ Sunday Telegraph một bài báo lên án Nga thử nghiệm một vệ tinh có khả năng mang “một khối rất có khả năng là một khối tác chiến để vô hiệu hóa các thiết bị trên quỹ đạo gần Trái Đất”.
Trước đó, Bộ Tư lệnh Vũ trụ Mỹ cũng từng đưa ra những tuyên bố tương tự và nhấn mạnh rằng một số thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh đã được Matxcova thực hiện vào ngày 15/7 (2020).
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Nga kiên quyết bác bỏ những cáo buộc trên và nhấn mạnh rằng Bộ Quốc phòng Nga chỉ tiến hành thử nghiệm một vệ tinh- thanh tra (giám sát) nào đó.
Tuy nhiên, Phương Tây vẫn khăng khăng cho rằng những thiết bị mà Nga đã phóng lên vũ trụ là các thiết bị lưỡng dụng. Theo các số liệu của Tạp chí MIT Technology Review thì vào tháng 1/2020, vệ tinh giám sát “Kosmos-2543” của Nga đã cơ động đến rất gần một thiết bị trinh sát vũ trụ của Mỹ.
Thiết bị vũ trụ Mỹ nói trên đã buộc phải thực hiện một số động tác cơ động để “chạy trốn” thiết bị “Kosmos" Nga khi nó chỉ còn cách 150 km.
Xin lưu ý rằng Nga là quốc gia phản đối việc bố trí vũ khí trong không gian vũ trụ. Trong khi đó vào năm 2019, Lầu Năm Góc lại cho thành lập Bộ Tư lệnh Vũ trụ. Tại buổi lễ thành lập, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố không úp mở rằng "Từ thời điểm này trở đi Mỹ xác định vũ trụ là một không gian chiến trường tiềm năng”, và:
"không bao giờ và không ai được phép nghi ngờ quyền thống trị của chúng ta (Mỹ) trên vũ trụ".
Vậy khi nào thì “Chiến tranh giữa các vì sao” sẽ trở thành hiện thực?
II. Phần phỏng vấn các chuyên gia
1/ Chuyên gia quân sự, Đại tá Viktor Litovkin
— Đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu- một chiến lược được soạn thảo theo sáng kiến của Bộ Quốc phòng Mỹ, - về bản chất đó là một cuộc tấn công từ vũ trụ theo cách hiểu của người Mỹ.
Chính người Mỹ đang tìm cách đưa vũ khí vào không gian vũ trụ. Và trong khi rỏ nước mắt cá sấu (nguyên văn) vì những vệ tinh cơ động của Nga, họ đã "quên bẵng" mất chiếc tàu con thoi mini bí mật Boeing X-37 mà họ cùng NASA chế tạo.
Tôi xin nhắc lại, vào tháng 5/2020, X-37 lại được phóng lên vũ trụ từ Mũi Canaveral. X-37 không chỉ có thể cơ động mà còn có thể đánh chặn các vệ tinh và thực hiện các cuộc tấn công từ vũ trụ.
Nói cho đúng ra thì hiện giờ chưa có loại vũ khí nào trên tàu con thoi mini nói trên, nhưng Mỹ đang thử nghiệm nó (X-37) để phục vụ các mục đích quân sự.
Với chúng ta (Liên Xô/Nga), thì những thử nghiệm tương tự đã từng được tiến hành từ những năm 1970. Phòng Thiết kế của
Vladimir Chelomey (Vladimir Nikolaevich Chelomey 1914-1984.
Hai lần Anh hùng Lao động XHCN. Giải thưởng Lenin và ba giải thưởng Nhà nước Liên Xô.
Tổng công trình sư thiết kế động cơ và tên lửa dạn đạo– một trong những cha đẻ của “lá chắn hạt nhân Liên Xô-ND) khi đó đã triển khai thực hiện một dự án trạm vũ trụ có người điều khiển "Almaz" gồm hai phương tiện phóng sử dụng nhiều lần.
Tổ hợp này có thể bắn hạ các vệ tinh của đối phương, tiến hành trinh sát và tấn công các mục tiêu trên bề mặt Hành tinh. Cụ thể, trên trạm có một pháo tự động 23 mm "**** (Lá chắn)-1" được thiết kế đặc biệt để bắn trong môi trường chân không.
Tiếp theo là hệ thống “****-2” với hai tên lửa “vũ trụ đối vũ trụ”. Tuy nhiên, vào tháng 8/1983, Liên Xô đã đơn phương tuyên bố hoãn thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh và cho đến nay (Nga) vẫn tuân thủ tuyên bố này.
Hiện nay,Trung Quốc đang thiết kế chế tạo vũ khí chống vệ tinh – năm 2007, CHND Trung Hoa đã phá hủy một vệ tinh khí tượng cũ của mình bằng tên lửa đạn đạo.
Vâng, và cả người Mỹ cũng vậy, vào năm 2008, Mỹ cũng đã tự bắn hạ vệ tinh do thám USA-193 bằng tên lửa đánh chặn SM-3 phóng từ tàu tuần dương Lake Erie.
Chính vì vậy, những cáo buộc Nga về "hành vi khiêu khích" trong không gian vũ trụ - đó là một tình huống thuộc phạm trù "có tật giật mình” (nguyên văn- trên người thằng kẻ cắp thì đến cái mũ cũng tự bốc cháy".
Rất rõ ràng là người Mỹ đang tìm cách biện minh cho nỗ lực đưa vũ khí vào vũ trụ và việc họ không chấp nhận một hiệp ước quốc tế mà Nga và Trung Quốc đề xuất về việc ngăn chặn những bước đi như vậy.
Đây là một thủ pháp tầm thường và thô thiển mà người Mỹ thường dùng. Tôi muốn nhắc lại rằng trước đó Washington đã nhiều lần cáo buộc Matxcova vi phạm Hiệp ước về tên lửa tầm trung và tầm ngắn (còn gọi là INF-ND) để lấy đó làm cái cớ rút khỏi hiệp ước trên, bất chấp một thực tế là chính người Mỹ mới là bên liên tục vi phạm (hiệp ước) trong nhiều năm.
"SP": - Khi nào thì xuất hiện vũ khí trong vũ trụ?
- Chuyện này có thể xảy ra trong vòng 5-10 năm tới – tất cả sẽ phụ thuộc vào tình hình trong giới tinh hoa lãnh đạo Mỹ.
Nhưng còn một câu hỏi vẫn để ngỏ, - đó là người Mỹ muốn bố trí loại vũ khí nào trên quỹ đạo. Hiện vẫn chưa thể đưa vũ khí laser vào vũ trụ do những hạn chế công nghệ thuần túy. Nhưng hoàn toàn có thể bố trí vũ khí động năng trên quỹ đạo.
2/
Vasily Petrov, chuyên viên khoa học Viện Khoa học- Nghiên cứu Vật lý hạt nhân Trường Đại học Tổng hợp Quốc giá Matxcova (MGU), Phó Tổng công trình sư Tổ hợp thiết bị khoa học
— Các thiết bị vũ trụ cơ động- đó là hướng nghiên cứu- phát triển các phương tiện kỹ thuật vũ trụ phổ biến hiện nay.
Đến thời điểm hiện tại, độ tin cậy và chất lượng của linh kiện điện tử trên các thiết bị vũ trụ đã đạt đến đỉnh cao - thời gian sử dụng chúng trong vũ trụ lên tới 15-20 năm.
Thậm chí ngay cả tuổi thọ của các thiết bị tự nghiên cứu rẻ tiền – do các nhóm học sinh lớp trên và sinh viên của một số trường đại học thiết kế- cũng đã rất ấn tượng.
Những thiết bị này không phải được chế tạo từ các linh kiện điện tử đặc biệt có khả năng làm việc trong môi trường chân không, chống được bức xạ và chịu được biên độ dao động nhiệt độ rất lớn, mà là từ các linh kiện điện tử công nghiệp thông thường.
Tuy vậy, chúng vẫn có thể làm việc được từ 6 tháng đến 2 năm – và chuyện này đã trở thành chuyện bình thường.
Nhờ sự phát triển của công nghệ điện tử, đã không còn nhu cầu phải thường xuyên bổ sung vệ tinh mới cho các cụm vệ tinh nữa.
Giờ đây, tuổi thọ của các linh kiện điện tử trong các thiết bị lớn và đắt tiền lâu hơn nhiều so với tuổi thọ của chính những thiết bị chứa nó trên một số quỹ đạo nhất định.
Lấy ví dụ, nếu đây là một vệ tinh liên lạc đơn thuần, nó đơn giản chỉ là hết nhiên liệu, nên có thể thay đổi quỹ đạo bay và thay đổi định hướng trong không gian.
Chính vì thế, (các kỹ sư) trên toàn thế giới hiện nay đang tìm cách giải quyết vấn đề làm sao để các thiết bị này được bảo dưỡng với chi phí rẻ.
Nếu thiết bị còn hoạt động, nếu nó vẫn chưa bị lạc hậu, nhưng đã hết nhiên liệu, thì liệu có thể phóng một thiết bị (tàu) tiếp nhiên liệu và tiếp nhiên liệu cho nó ngay trên vũ trụ không?
Hoặc đơn giản hơn nữa- liệu có thể ghép một tàu tiếp nhiên liệu, và sử dụng chính động cơ của nó để tái tăng tốc và định hướng lại cho vệ tinh không?
Sự phức tạp của một “chiến dịch” như vậy không phải nằm trong các giải pháp thiết kế hoặc trong các thuật toán. Vấn đề là ở chỗ với cách lắp ghép như vậy, những chuyên gia điều khiển ở trung tâm điều khiển phải làm việc gần như trong trạng thái “làm mò”.
Khoảng cách từ trung tâm điều khiển đến thiết bị (vệ tinh) tối thiểu là hàng trăm km trở lên theo chiều thẳng đứng. Và không có nhiều phương pháp để xác định một cách chính xác và nhanh chóng vị trí tương đối của những thiết bị cần lắp ghép với nhau ở một cự ly xa như vậy.
Các radar không đảm bảo độ chính xác cần thiết, còn các hệ thống quang học- ở khoảng cách quá lớn như vậy sẽ hoạt động kém hiệu quả.
Cũng không phải lúc nào cũng có có thể lắp camera vào thiết bị và điều khiển bằng bàn phím điều khiển. Chính vì vậy, các kỹ sư đang cố gắng phát triển những hệ thống tự động- một cái gì đó kiểu như robot hóa quy trình lắp ghép.
"SP": - Những công nghệ này có thể được sử dụng cho mục đích quân sự không?
—Trước hết, có thể (sử dụng công nghệ này) để “thanh kiểm tra” các thiết bị vũ trụ của nước ngoài. Lấy ví dụ, một quốc gia nào đó tuyên bố là họ đã phóng một vệ tinh thông tin liên lạc lên quỹ đạo, trong khi đó một quốc gia khác lại nghi ngờ rằng vệ tinh đó không phải là một vệ tinh truyền thông.
Trong trường hợp này, cái quốc gia khác đó phóng một thiết bị kiểm tra có thể áp sát vệ tinh (bị nghi ngờ) và chụp ảnh nó một cách chi tiết. Chất lượng các bức ảnh chắc chắn sẽ tốt hơn rất nhiều so với ảnh chụp từ Trái Đất hoặc từ Trạm vũ trụ quốc tế.
Chắc chắn còn có các phương án khác. Có thể tiến sát và vô hiệu hóa vệ tinh “lạ” - nói nôm na là “gắp” nó, và lôi nó ra khỏi quỹ đạo.
Tôi cũng xin lưu ý rằng cách đây không lâu có thông tin là người Anh đã đặt hàng thiết kế một hệ thống pin trữ năng lượng mặt trời trên quỹ đạo và truyền năng lượng Mặt Trời đến Trái Đất bằng một chùm năng lượng cao – có nghĩa là bằng tia laser.
Tất nhiên, mục tiêu được công bố thuần túy chỉ là mục tiêu năng lượng,- tức một cái gì đó kiểu như xây dựng một nhà máy điện mặt trời trên vũ trụ.
Nhưng nếu biết được xu hướng chung như hiện nay, những ý nghĩ tiêu cực chắc chắn sẽ nảy ra ngay trong đầu. Tức là sẽ nghĩ ngay đến việc ai sẽ là người có thể bị “thử nghiệm chiên giòn” bằng một hệ thống như vậy.
Còn những gì khác có thể bố trí trên quỹ đạo để phục vụ cho mục đích quân sự? Ở đây chúng ta có thể nhắc tới các nhà văn khoa học viễn tưởng người Mỹ từ thế kỷ trước, mà cụ thể nhất là
Robert Heinlein.
Ông này đã mô tả một cách tương đối chi tiết cách dùng các thỏi kim loại bình thường, “quăng chúng xuống” từ quỹ đạo gần Trái đất hoặc quỹ đạo gần Mặt trăng để “ném bom” bề mặt Trái đất.
Và chúng ta phải hiểu rằng: vấn đề chủ yếu của vũ khí vũ trụ là việc sử dụng chúng gần như không thể dự đoán trước được.
Nếu lực lượng quân sự và các phương tiện kỹ thuật quân sự nước ngoài đang tập kết ngay sát biên giới chúng ta, chúng ta có thể kịp thời đánh giá tình hình và có thể phản ứng một cách thích đáng với các mối đe dọa đó.
Nhưng còn các vệ tinh- chúng bay theo quỹ đạo của mình- và dường như không có chuyện gì xảy ra. Thêm nữa, những vệ tinh nói trên có thể phản ứng gần như ngay lập tức sau khi nhận lệnh từ Trái đất, trong khi tốc độ phản ứng đáp trả có thể không đủ nhanh (để đối phó).
Xin được giới thiệu cùng bạn đọc bài viết và phỏng vấn các chuyên gia của chuyên gia, phóng viên quen thuộc Andrey Polunhin về những diễn biến gần đây trong quan hệ Nga- Mỹ liên quan đến lĩnh vực vũ trụ.
baodatviet.vn