Tham khảo bài viét của Hoàng Hoài Sơn từ nguồn báo Nga, đã đăng trên Thanh Niên về vụ này. Bài đã đăng tháng 6/2007.
Mathias Rust Một mình xuyên thủng hệ thống phòng thủ Liên xô
Vào buổi chiều 28.5.1987, chiếc máy bay Cessna 172B Skyhawk lượn vòng quanh Quảng trường Đỏ, Moscow, trên văn phòng của các lãnh tụ Liên Xô, sau đó hạ cánh xuống cách không xa chiếc cầu gần Điện Kremlin. Sau sự việc này, hàng loạt tướng lĩnh của Liên Xô lúc đó đã bị sa thải.
Một chuyến bay, nhiều người “chết”
Từ trong máy bay bước ra chàng trai trẻ. Anh ta không biết tiếng Nga mà nói tiếng Đức, rồi tự xưng tên mình là Mathias Rust, bay từ CHLB Đức đến để xem “công cuộc cải tổ” ở Liên Xô. Đội trưởng đội cảnh sát bảo vệ Điện Kremlin ngay lập tức báo cáo với cấp trên của mình về chuyện động trời này. Lúc đầu người ta không tin, nhưng sau đó đúng 10 phút thì Rust bị bắt và khoảng 2 giờ đồng hồ sau, chàng trai 19 tuổi Rust bị áp giải vào phòng điều tra của Cơ quan an ninh liên bang (KGB).
Chuyện xảy ra đã là đề tài tiếu lâm của nhiều người, nhưng không phải ai cũng có thể cười được. Ngay ngày hôm sau - 29.5, các quốc gia thuộc Khối Warsaw đã họp khẩn cấp để soạn thảo lại chiến lược phòng thủ mà một trong những điểm cốt yếu là đảm bảo tính chiến đấu cao của hệ thống phòng không. Còn Tổng bí thư **** Cộng sản Liên Xô lúc đó là Mikhail Gorbachev đã tận dụng vụ tai tiếng này để thanh trừng các tướng lĩnh quân đội có ý chống đối lại công cuộc cải tổ mà ông khởi xướng.
Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Sokolov, 75 tuổi ngay lập tức bị cho về hưu. Tư lệnh lực lượng phòng không không quân Liên Xô Aleksandr Koldunov - người đã bắn rơi 46 máy bay Đức trong Thế chiến 2 - bị cắch chức (ông này đã mất vào năm 1992). Ngoài ra, gần 1.000 tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp trong lực lượng này cũng bị cắch chức. Thượng tá Karpes - Sư đoàn trưởng sư đoàn phòng không không quân biên giới nhận 5 năm tù, còn trợ lý của ông ta - thiếu tá Chenukh, chịu mức án 4 năm tù.
Hành trình đến Kremlin
Mathias Rust Mot minh xuyen thung he thong phong thu Lien Xo
Ngày 28.5.1987, chàng thanh niên 19 tuổi Mathias Rust tự lái chiếc máy bay Cessna 172B Skyhawk, 4 chỗ ngồi từ Hamburg, Đức đến sân bay Maalmi ở Helsinki, Phần Lan. Tại đây, Rust tiếp xăng và thông báo với bộ phận điều hành bay là mình sẽ đến Stockholm, Thụy Điển. Sau đó, trên đường bay, Rust tắt máy điện đàm vô tuyến, ngừng liên lạc với phía Phần Lan và lái máy bay theo dọc bờ biển Baltic rồi bay vào không phận Liên Xô.
Ở Liên Xô, 28.5 là Ngày Biên phòng. Cũng có thể vì lý do đó mà Rust dễ dàng thực hiện hành vi của mình. Khi máy bay của Rust bay qua biên giới Liên Xô vào lúc 14 giờ 20 phút, viên sĩ quan trực đã phát hiện một chấm trên màn hình và lập tức báo cáo ngay với cấp trên. Nhưng khi viên sĩ quan cấp trên xem màn hình thì Rust đã mất dạng, người này nghi ngờ và mắng viên sĩ quan trực: “Cậu có ngủ mơ không đấy?”.
Vào lúc 14 giờ 31 phút, Rust bay tới thành phố Gdov (Belorusia) thì cũng bị phát hiện. Phía Liên Xô điều hai chiếc phản lực lên tìm kiếm. Nhưng may mắn cả hai chiếc này khi cất cánh thì máy của Rust đã bay qua không phận này. Đến 15 giờ Rust bay đến thành phố Pskov, lúc đó ở đây đang diễn ra các chuyến bay diễn tập quân sự, nên không ai phát hiện ra Rust.
Cứ thế, may mắn nối tiếp may mắn, đến 16 giờ 50 phút máy bay của Rust đến thành phố Torzok, cách không xa không phận Moscow. Tại đây Rust cũng bị phát hiện, nhưng khi máy bay của Liên Xô cất cánh, nhìn thấy máy bay của Rust thì họ ngộ nhận đó là chiếc máy bay của mình đang tìm kiếm chiếc trực thăng bị rơi một ngày trước đó. Đến 17 giờ thì Rust đã vào đến không phận của vành đai bảo vệ Moscow.
Đúng lúc đó thì người ta ngắt hệ thống bảo vệ để bảo dưỡng định kỳ, vì thế mà Rust lại thoát hiểm. Đến 19 giờ 10 thì Rust hạ cánh xuống khu vực Quảng trường Đỏ. Thậm chí viên sĩ quan trực tại đây khi nhìn thấy chiếc Cessna 172B Skyhawk thì cho rằng đó là dàn cảnh để quay phim. Nhiều người dân quanh đó cũng nghĩ như thế, nhưng khi Rust bước ra, phát ảnh có chữ ký của mình cho mọi người thì đến lúc đó mọi người mới vỡ lẽ đó là sự thực.
Sự nuối tiếc muộn màng
Ngày 4.9.1987, Mathias Rust phải đứng trước vành móng ngựa của tòa án Xô Viết. Tuy trước tòa, Rust nói rằng mình bay đến Moscow chỉ là “kêu gọi hòa bình“, nhưng hành động một mình lái máy bay đến Moscow của anh ta bị coi là trái pháp luật, vi phạm Luật hàng không của Liên Xô và Rust nhận mức án 4 năm tù giam. Tuy thế, Rust lại một lần nữa may mắn khi ngày 3.8.1988 được ân xá và trao trả về Đức. Tính ra, người một mình xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Liên Xô chỉ phải ngồi tù 432 ngày.
Về nước, vào tháng 11.1989, khi ở bệnh viện điều trị tâm lý ở thành phố Ryssen, Đức, Rust đã dùng dao đâm bị thương một nữ y tá vì cô này từ chối một cuộc hẹn hò với anh ta. Vì hành động này năm 1991, Rust bị kết án 4 năm tù, nhưng anh ta được ân xá khi thụ án được 5 tháng.
Tháng 4.1994, Rust quay trở lại Nga, đến thăm và tặng tiền từ thiện cho nhà trẻ. Sau đó có thời gian anh ta còn buôn bán giày giép tại Moscow rồi ở tuổi 28 quay trở về Đức. Tại đây anh ta cưới vợ người Ấn Độ tên là Geetha, con gái một thương gia giàu có ở Bombay. Anh ta chuyển theo đạo Hindu nhưng đến năm 2002 bỏ vợ cũ lấy vợ mới người Đức tên là Athenna và sinh sống tại Hamburg. Trước đó vào tháng 4.2001, anh ta cũng bị ra tòa xét xử vì ăn cắp một món đồ trong siêu thị.
Giờ đây ở tuổi 39, trả lời tờ Bild, Rust nói rằng: “Nếu như có thể quay ngược lại thời gian, thì có lẽ tôi sẽ không thực hiện chuyến bay. Lúc ấy tôi còn trẻ và chỉ nghĩ đơn giản rằng, hành động của mình để đấu tranh cho hòa bình. Nhưng những tháng ngày ngồi tù ở Liên Xô, tôi đã suy nghĩ và cho đó là sự hoang tưởng”.
Chiếc máy bay của Rust hiện thuộc sở hữu của một nhà kinh doanh giàu có Nhật Bản. Ông này giấu kỹ nó và hy vọng theo thời gian giá của nó sẽ ngày càng cao.
Hoàng Hoài Sơn