Xu hướng phát triển cảnh báo sớm và kiểm soát đường không
Cảnh báo sớm và kiểm soát đường không là phạm trù khá sâu rộng, gồm việc sử dụng các radar nhằm phát hiện sự di chuyển của mục tiêu từ xa.
Các radar có thể đặt trên máy bay, tàu chiến, mặt đất, các phương tiện trinh sát quang, quang - điện tử, các hệ thống vệ tinh, máy bay không người lái và gần đây nhất là tàu vũ trụ không người lái. Qua đó đưa ra các biện pháp đối phó hữu hiệu nhất
Cảnh báo sớm và kiểm soát đường không có vai trò chiến lược cực kỳ quan trọng trong hệ thống phòng thủ của mọi quốc gia. Việc phát hiện sớm và kiểm soát đối phương từ xa có vai trò quyết định thắng bại trong mọi cuộc chiến.
Vì lý do đó, các quốc gia có nền kinh tế và khoa học kỹ thuật phát triển, tập trung đầu tư mạnh vào phát triển các phương tiện cảnh báo sớm và kiểm soát đường không từ xa. Tiêu biểu là các máy bay AWACS, AEW&C
được trang bị radar cực mạnh, tầm hoạt động rộng và phát hiện được nhiều mục tiêu từ xa. Kết hợp với các hệ thống vệ tinh, máy bay không người lái tạo nên một mạng lưới cảnh báo sớm và kiểm soát đường không từ xa rất hiệu quả.
Còn các quốc gia có nền kinh tế khoa học kỹ thuật hạn chế, chú trọng đến việc đầu tư các radar cảnh báo sớm trên mặt đất, nâng cao khả năng kiểm soát đường không, đồng thời, phát huy radar của các máy bay tiêm kích thế hệ mới, có khả năng hoạt động như một máy bay AWACS mini. Tất nhiên, hạn chế so với các máy bay AWACS là không thể tránh khỏi.
Dưới đây tình hình phát triển công nghệ cảnh báo sớm và kiểm soát đường không ở một số quốc gia đầu tư mạnh cho công nghệ quốc phòng:
Mỹ
Là quốc gia có sức mạnh quân sự hàng đầu thế giới, để tiếp tục củng cố và duy trì vai trò thống trị toàn cầu, Mỹ không ngần ngại đầu tư mạnh tay cho hệ thống cảnh báo sớm và kiểm soát đường không. Điển hình là máy bay cảnh báo và kiểm soát đường không AWACS E-2 C Hawkeye của Hải quân, E-3 Sentry của Không quân Mỹ, được trang bị radar cực mạnh và liên tục được nâng cấp để mở rộng tầm phát hiện mục tiêu, và khả năng kiểm soát phi đội chiến đấu.
Radar AN/APS-145 của máy bay E-2 C Hawkeye có khả năng phát hiện 600 mục tiêu, kiểm soát phi đội chiến đấu với 40 mục tiêu cùng lúc ở cự ly đến 550km. Radar AN/APY-2 của E-3 Sentry có khả năng kiểm soát phi đội chiến đấu và phát hiện mục tiêu ở cự ly 320km.
Biến thể nâng cấp E-2D Advance Hawkeye được trang bị radar quét mảng pha điện tử bị động AN/APY-9, mở rộng khả năng AEW&C, tầm phát hiện mục tiêu xa hơn, phát hiện được các mục tiêu nhỏ hơn.
Ngoài chức năng cảnh báo sớm đường không và kiểm soát phi đội chiến đấu, radar mới còn nâng cao khả năng phát hiện mối đe dọa từ tên lửa chống tàu. Bên cạnh đó, Mỹ còn sở hữu nhiều hệ thống radar cảnh báo sớm băng tần X, được trang bị trên các tàu hải quân. Mỹ cũng là quốc gia duy nhất hiện nay xây dựng thành công hệ thống Aegis
trên các tàu hải quân của mình
Ngoài nâng cấp radar cho phi đội máy bay AWACS, AEW&C, Mỹ đang đầu tư phát triển các vệ tinh quân sự thế hệ mới cho phép phát hiện sớm các mối đe dọa, phát triển tàu vũ trụ không người lái X-37B để nâng cao hơn nữa khả năng cảnh báo sớm, trinh sát từ xa.
Nga
Mặc dù không có được phi đội máy bay AWACS và AEW&C hùng hậu như của Mỹ, nhưng Nga đang đầu tư mạnh để gia tăng số lượng máy bay AWACS A-50 Mainstay.
Radar Vega-M trang bị cho A-50 có khả năng theo dõi 50 mục tiêu cùng lúc ở cự ly 230km, phát hiện mục tiêu ở cự ly 400km, kiểm soát phi đội chiến đấu với 10 máy bay. Biến thể, A-50M đang được phát triển với radar mới mở rộng khả năng AEW&C.
Bên cạnh đó, Nga đang hoàn thiện việc xây dựng các trạm radar cảnh báo sớm mặt đất được trang bị radar Voronezh-M với tầm phát hiện mục tiêu lên đến 4.000km.
Hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu Glonass cũng đang được hoàn thiện để nâng cao khả năng cảnh báo sớm đường không.
Trung Quốc - Ấn Độ
Thời gian gần đây, hai quốc gia châu Á này đang là trung tâm của phát triển, mua sắm vũ khí của thế giới.
Không muốn chậm chân trong cuộc chiến cảnh báo sớm và kiểm soát đường không, cả Trung Quốc và Ấn Độ nhập khẩu các máy bay AWACS từ ngước, ngoài chủ yếu là Nga, Israel, song song với các dự án phát triển các máy bay AWACS, AEW&C nội địa.
Có thể kể đến dự án phát triển máy bay AWACS Embraer-145 của Ấn Độ, máy bay AWACS KJ-2000 của Trung Quốc được phát triển trên khung của máy bay vận tải IL-76 của Nga.
Trong đó, KJ-2000 được trang bị radar quét mảng pha điện tử Type H/LJG-346 SAPAR do Viện 14 tại Nam Kinh phát triển. Radar có khả năng theo dõi 60-100 mục tiêu cùng lúc với cự ly 400km, kiểm soát phi đội chiến đấu với 10-15 máy bay.
Trung Quốc cũng đã đạt được bước đột phá trong chiếm lĩnh không gian bên ngoài để nâng cao năng lực cảnh báo sớm. Sau Mỹ, Trung Quốc cũng đã thử nghiệm thành công tàu vũ trụ không người lái Thần Long.
Tóm lại xu hướng phát triển của cảnh báo sớm và kiểm soát đường không là nâng cao hơn nửa tầm phát hiện, tăng số lượng mục tiêu phát hiện.
Sự ra đời của công nghệ radar quét mảng pha điện tử chủ động, radar AESA, khiến cuộc đua trong cảnh báo sớm và kiểm soát đường không càng trở nên khốc liệt, và lợi thế vẫn nằm trong tay các quốc gia có nền kinh tế, khoa học kỹ thuật phát triển.
Chú thích:
AWACS - Airbone Warning and Control System: Hệ thống kiểm soát và cảnh báo đường không đặt trên máy bay;
AEW&C - Airbone Early Warning & Control: Kiểm soát và cảnh bảo sớm đường không đặt trên máy bay;
Aegis - Airbonne Early Waring Ground Intergration Segment: Bộ phận hợp nhất thông tin cảnh báo sớm đường không trên mặt đất;