41. Ba que xỏ lá
Trong bài Phú tổ tôm của Trần Văn Nghĩa, một người sống dưới thời Minh Mạng (1820-1840). Tác giả kể tên nhiều trò cờ bạc, trong đó có ba que :
" Lạt nước ốc trò chơi vô vị : tam cúc, đố mười, đấu lình, bẩy kiệu, thấy đâu là vẻ thanh tao ;
" Ngang càng cua lối ở bất bình : xa quay, chẵn lẻ, dồi mỏ, ba que, hết thẩy những tuồng thôi lừa bịp"
Ít lâu sau xỏ lá mới xuất hiện. Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của (1895) đưa ra một trò chơi :
- Xỏ lá là cuộc chơi gian lận, cuộc gạt gẫm. Một người lấy giấy, lá dài xấp lại cùng vấn tròn, đố người khác lấy chiếc đũa cắm vào giữa khoanh tròn, như chiếc đũa không mắc trong cuốn giấy thì phải thua tiền (nếu mắc thì ăn tiền). Quân xỏ lá là quân điếm đàng, lận mặt.
Năm 1914, Phan Kế Bính biên soạn Việt Nam phong tục. Trong chương bàn về tính tình người Việt, ông chia đàn bà và đàn ông nước ta thành các hạng người: hiền phụ, lệnh phụ, xuẩn phụ và quân tử, thường nhân, tiểu nhân. Tiểu nhân là bọn tính tình gian giảo, phản trắc, (...), ăn trộm ăn cướp, xỏ lá ba que, đàng điếm, hoang toàng v.v.
Phan Kế Bính khai sinh thành ngữ Xỏ lá ba que.
Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931) định nghĩa:
- Ba que là một cuộc đánh tiền bằng ba cái que của bọn keo hèn bày ra đánh ở đường ở chợ. Nghĩa bóng chỉ những người dối dá điên đảo.
- Xỏ lá là trò làm ra để lừa người ta mà kiếm tiền. Thường nói tắt là " xỏ " để trỏ người gian giảo lừa gạt, ...
Ba que xỏ lá thực ra có nguồn gốc Tây:
Ba quân
Người Pháp đưa bộ bài tây vào nước ta. Một số trò cờ bạc mới bắt đầu xuất hiện. Đặc biệt là trò Ba quân, có nơi gọi là Ba lá.
Ba lá là một cuộc đánh tiền, lấy ba quân bài tây đảo đi đảo lại, ai đặt tiền vào trúng quân ông lão thì được. Nghĩa bóng chỉ những đứa hèn hạ ( Việt Nam tự điển, Khai Trí Tiến Đức). Ba quân hay Ba lá là Bonneteau của Pháp.
Ba quân hoàn toàn nhờ vào tài tráo bài của nhà cái và tài lừa phỉnh của cò mồi.
Ngô Tất Tố cho biết vào khoảng 1930 tại phố Hàng Ngang ngoài Hà Nội có cả đàn bà ngồi tráo bài. Ba quân là cờ gian bạc lận của bọn đầu đường xó chợ. Ba quân hội đủ những tính xấu như gian lận, xảo trá, bất lương, đi lừa người khác để kiếm lời. Nghĩa là... ba quân là ba que.
Người xưa tránh không chửi thằng ba quân vì ba quân là quân đội của triều đình (Tam quân : Trung quân, Tả quân và Hữu quân).Ba quân được nói trại thành ba que. Tương tự như tụ tam nói trại thành tổ tôm, tam kết thành tam cúc...
Nói tóm lại, thằng Ba que có gốc gác là trò cờ bạc Ba quân (bonneteau) của Pháp.
Xỏ lá
Huỳnh Thúc Kháng dùng kí hiệu " nháy nháy " để nhấn mạnh hai từ bù nhìn và xỏ lá. Bù nhìn là tiếng Pháp épouvantail được Việt hoá. Do đó, có thể suy đoán rằng xỏ lá có nhiều khả năng là tiếng Pháp được Việt hoá.
Từ điển Robert và Larousse của Pháp gọi tụi đáng khinh (méprisable), đáng ghê tởm (répugnant) ; bất chính (déloyal), bọn bất lương, gian dối (malhonnête) là salaud (xa lô). Thằng xỏ lá của ta có đủ mọi tính xấu của thằng salaud của Pháp.
Xỏ lá vừa có nghĩa vừa có âm của Salaud.