Dùng chữ Hán để giải thích thành ngữ "Lang bạt kỳ hồ" có thể làm sai lệch nghĩa của nó. Cháu không nghĩ rằng thành ngữ này tự nhiên lại được đa số người dân hiểu sai thành "nay đây mai đó". Chắc chắn phải có cách giải thích hợp lý hơn.
Cháu thấy cách giải thích không logic. Nếu nói tầng lớp bình dân không biết chữ thì sao lại biết câu đấy trong Kinh Thi? Nếu đã biết câu đấy trong Kinh Thi thì tất phải là người có học, mà nếu có học thì không thể nhầm 180 độ thế được (từ loanh quanh dậm chân tại chỗ lại thành đi lang thang khắp nơi).
Như vậy có thể là câu của dân gian vô tình đồng âm với 1 câu trong Kinh Thi rồi cuối cùng lại lấy nghĩa câu trong Kinh Thi để giải nghĩa câu trong dân gian và bảo dân dan hiểu sai?
Bây giờ người ta dùng theo nghĩa nay đây mai đó, không chốn cố định mà. Lý do tại sao lại dùng nghĩa này mà không phải nghĩa gốc là đây ạ.
Học giả An Chi: Nghĩa của câu “lang bạt kỳ hồ” [狼跋其胡] trong tiếng Hán hoàn toàn không giống với nghĩa của nó trong tiếng Việt. Đó là câu đầu tiên của một bài ca dao trong “Kinh Thi”, nguyên văn như sau:
1. Lang bạt kỳ hồ, 狼跋其胡、
Tái trí kỳ vĩ. 載疐其尾。
Công tốn thạc phu 公孫碩膚、
Xích tích kỷ kỷ. 赤舄几几。
2. Lang trí kỳ vĩ, 狼疐其尾,
Tái bạt kỳ hồ. 載跋其胡。
Công tốn thạc phu, 公孫硕膚,
Đức âm bất hồ (hà). 德音不瑕?
Sau đây là phần chú thích theo truyền thống về từ, ngữ: – Bạt = đạp lên; – Hồ = miếng da thòng dưới cổ (cái yếm) một vài loài động vật; – Tái = thì, ắt; – Trí = vấp; – Công = chỉ Chu Công; Tốn = khiêm nhường; – Thạc = to lớn; – Phu = đẹp; – Xích tích = giày đỏ trong lễ phục; – Kỷ kỷ = dáng tự tại, đĩnh đạc; – Đức âm = Tiếng tốt; – Hà (đọc “hồ” cho hợp vận) = tì vết.
Nghĩa của mỗi đoạn (cũng theo cách hiểu truyền thống) là: Con sói đạp phải yếm của nó thì lại vấp phải đuôi (Ý chỉ sự lúng túng). Chu Công khiêm tốn về đức độ tốt đẹp của mình nhưng sắc màu đôi hài đỏ (của ông) vẫn rờ rỡ (đoạn 1). Con sói vấp phải đuôi của nó thì lại đạp phải cái yếm (cũng là sự lúng túng). Chu Công khiêm tốn về đức độ tốt đẹp của mình nhưng tiếng tốt (của ông) thì không mảy may bị tì vết (đoạn 2).
Vậy “lang bạt kỳ hồ” chỉ đơn giản có nghĩa là “con sói giẫm lên cái yếm cổ của nó” (nên lúng túng không đi tới được). Ít nhất thì đây cũng là một cách hiểu gần như độc tôn cho đến nay. Nhưng một thân hữu trong giới ngữ học đã nói với chúng tôi rằng trước đây nhà giáo Nguyễn Can Mộng lại giảng khác. Vị giáo sư này đã giảng rằng “lang” là một con vật có hai chân trước ngắn và hai chân sau dài còn “hồ” là một con vật ngược lại, có hai chân trước dài và hai chân sau ngắn nên hai con vật này phải nương tựa vào nhau thì mới cùng nhau đi tới được. Nhưng bất kể lời giảng này có đích thực là của tác giả Nguyễn Can Mộng hay không (?), nó cũng hoàn toàn không phù hợp với chữ nghĩa của câu “lang bạt kỳ hồ”.
Liên quan đến động vật, ta có 5 chữ “hồ”: [狐], [猢], [蝴], [鶘] và [鰗]. Chữ thứ nhất có nghĩa là cáo; chữ thứ hai đi với “tôn” thành “hồ tôn” [猢猻] chỉ một loài khỉ; chữ thứ ba, đi với chữ “điệp” thành “hồ điệp” [蝴蝶] là con bướm; chữ thứ tư đi sau chữ “đề” thành “đề hồ” [鵜鶘] là tên một loài chim còn chữ thứ năm thì đi với chữ “di” thành “hồ di” [鰗鮧] là tên một loài cá. Chẳng có con vật nào có tên đồng âm với tên những con vật trên đây (hồ) mà lại có hai chân trước dài hơn hai chân sau. Huống chi, chữ “hồ” trong câu “lang bạt kỳ hồ” thì lại có tự dạng là [胡], xưa nay chưa bao giờ bị dân Tàu xác định là tên của bất cứ một loài động vật nào.
Nhưng ở bên Tàu hiện nay, một số tác giả đã bày tỏ thái độ đối với cách hiểu truyền thống về câu “lang bạt kỳ hồ”, đặc biệt là về chữ “hồ” mà chúng tôi muốn nhân tiện bàn thêm. Tác giả Trần Lương Dục [陈良煜], GS Đại học Sư phạm Thanh Hải cho rằng, trong câu này, “kỳ” [其] là con mồi bị con sói săn được còn “hồ” [胡] là cổ họng của con vật bị săn (“lạp vật đích hầu lung” [猎物的喉咙]). Chúng tôi cho rằng ý kiến này rất có lý, đặc biệt là nếu xét theo góc nhìn từ nguyên học. Nếu người ta thường nói rằng tiếng Việt còn lưu giữ được nhiều yếu tố Hán cổ đã tuyệt tích giang hồ trong tiếng Hán hiện đại thì đây là một minh chứng rất đẹp cho nhận định đó. “Hồ” [胡] là một chữ hình thanh mà nghĩa phù là “nhục” [月] (đây là “nhục” - không phải “nguyệt”) còn thanh phù là “cổ” [古]. Cái chữ có thanh phù mà âm Hán Việt là “cổ” [古] lại có nghĩa là “cổ (họng)” thì còn gì thú vị cho bằng! Huống chi chuyện đâu có phải chỉ do một mình Trần Lương Dục khảo chứng ra mà còn được ghi nhận trong từ điển trước cả họ Trần nữa. Hình âm nghĩa tổng hợp đại từ điển của Cao Thụ Phiên đã cho cái nghĩa thứ 8 của danh từ “hồ” [胡] là “nhân cảnh viết hồ” [人頸曰胡] (cổ người gọi là “hồ”). Vậy thì ta có thêm một cách hiểu nữa về chữ thứ tư của câu “lang bạt kỳ hồ”: “hồ” là “cổ”.
Về câu này, trên Kiến thức ngày nay số 125 (1/12/1993), chúng tôi đã theo truyền thống mà giải thích như sau:
“Lang bạt kỳ hồ” là một câu trong “Kinh Thi” của Trung Hoa. “Lang” là chó sói, “bạt” là giẫm đạp, “kỳ” là một đại từ thay thế cho danh từ “lang” còn “hồ” là cái yếm da dưới cổ của một số loài thú. Vậy “lang bạt kỳ hồ” là con chó sói giẫm lên cái yếm của chính nó (nên không thể bước tới được). Hán ******** từ điển của Nguyễn Quốc Hùng giảng và chú như sau: “Con chó sói giẫm lên cái phần da cổ của nó, lúng túng không biết làm sao. Chỉ sự lúng túng khó xử. Ta lại hiểu là sống trôi dạt đây đó (không rõ tại sao)”.
“Điều mà quyển từ điển trên ghi “không rõ tại sao” chung quy cũng là do từ nguyên dân gian mà ra. Không biết được ý nghĩa đích thực của câu đang xét, người ta đã liên hệ các thành tố của nó với những yếu tố mà mình đã biết: “lang” với “lang thang”, “bạt” với “phiêu bạt”, “hồ” với “giang hồ”, chẳng hạn. Thế là thành ra cái nghĩa “sống lang thang rày đây mai đó”. Chẳng những thế, người ta còn lược bỏ hai tiếng “kỳ hồ” mà nói gọn thành “lang bạt” để diễn đạt cái nghĩa trên đây. Quả vậy, Từ điển tiếng Việt 1992 đã ghi nhận: “lang bạt: sống nay đây mai đó ở những nơi xa lạ”. Nhiều quyển từ điển khác cũng làm như thế vì hai tiếng “lang bạt” đã trở thành một đơn vị từ vựng thông dụng trong tiếng Việt”.
Chúng tôi đã viết như thế trên Kiến thức ngày nay số 125 nhưng xin nhấn mạnh rằng, đó chỉ là một cái nghĩa méo mó so với nghĩa gốc trong tiếng Hán. Trong tiếng Hán thì hai từ “lang bạt” tuy ít được dùng nhưng hễ được dùng thì nó lại có nghĩa là “lúng túng” (“dụ gian nan quẫn bách” [喻艰难窘迫]). Và bất kể ta hiểu chữ “kỳ” và chữ “hồ” theo nghĩa nào trong phạm vi của tiếng Hán thì sang đến tiếng Việt, từ nguyên dân gian đã đưa hai tiếng “lang bạt” và cả câu “lang bạt kỳ hồ” đi xa hàng dặm so với nghĩa gốc của nó trong tiếng Hán.