http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Bao-dung-va-tha-thu-chi-lam-ta-lon-them-post168393.gd
Bao dung và tha thứ chỉ làm ta lớn thêm
Hồng Thủy
09:09 02/06/16
Thảo luận (17)
(GDVN) - Một cảm giác ngậm ngùi xuất hiện khi nghe Bob Kerrey nói, ông sẵn sàng ra đi nếu thấy mình trở thành lực cản của Đại học Fulbright Việt Nam.
...
Bob Kerrey đã dám đối mặt với sự thật lịch sử và công khai xin lỗi người dân Việt Nam, nhắc lại lời xin lỗi ấy một cách thành khẩn và cầu thị.
Người viết cho rằng chỉ làm một việc xin lỗi thôi, ông Bob Kerrey đã có thể phải đối mặt với nhiều chỉ trích, lực cản từ chính đồng đội ông ở Hoa Kỳ. Nhưng ông vẫn quyết định làm những gì mình cho là đúng.
Tiếp tục xoáy vào một chương buồn trong lý lịch của ông ấy và cũng là chương buồn trong quan hệ giữa hai dân tộc Việt Nam và Hoa Kỳ có phải là cách hành động nhân văn như cha ông ta vẫn dạy?
Người Việt Nam hẳn không ai quên 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam bị lính Trung Quốc thảm sát ở Gạc Ma năm 1988 khi đang làm nhiệm vụ xây dựng, tay không tấc sắt. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta mãi đối đầu với Trung Quốc.
Lãnh đạo Trung Quốc sang Việt Nam, chúng ta vẫn tiếp đãi trọng thị như lãnh đạo các nước khác, thể hiện tinh thần hòa hiếu của dân tộc, mưu cầu hòa bình ổn định lâu dài và tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Dù một phần lãnh thổ máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc vẫn bị họ kiểm soát bất hợp pháp, dù ngư dân Việt Nam đánh bắt bao đời trên Biển Đông nay đang phải đối mặt với những mối đe dọa tính mạng và tài sản từ phía cơ quan chức năng Trung Quốc, nhưng đâu phải vì thế mà chúng ta đóng lại mọi cánh cửa đối thoại.
Trong bối cảnh ấy mà vẫn có những tiếng nói muốn ép những cụu binh Hoa Kỳ như Thượng nghị sĩ Bob Kerrey không được tiếp tục đóng góp cho hòa bình, phát triển của Việt Nam cũng như tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước ở cương vị họ có thể phát huy tối đa khả năng, năng lực và hiệu quả chỉ vì lý lịch, dù họ đã công khai và thành khẩn xin lỗi, thì thật bẫn nhẫn.
Xương máu nào cũng là xương máu, nỗi đau chiến tranh nào cũng là nỗi đau. Ép cựu Thượng nghị sĩ Bob Kerrey phải rời vị trí Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright là chính chúng ta đang khoét sâu thêm những vết thương chiến tranh vừa mới lành chứ không phải ông ấy.
Nó không khác nào một gáo nước lạnh dội lên những tấm lòng đã đủ dằn vặt vì chiến tranh và đang mong muốn đóng góp cho tình hữu nghị Việt - Mỹ của các cựu binh Hoa Kỳ.
Quyết định của Chính phủ Việt Nam cho phép thành lập Đại học Fulbright mà ông đang là Chủ tịch Hội đồng Tín thác là đủ căn cứ pháp lý cho ông bước tiếp. Một số người có thể không đồng tình nhưng không ai được phép ngăn cản ông tiếp tục đóng góp, vun bồi cho quan hệ Việt - Mỹ.
Có thể đâu đó còn có những quan điểm lo ngại về "diễn biến hòa bình" hay cho rằng, bản thân ông Bob Kerry, Đại học Fulbright có mục đích nào đó khác nữa không có lợi cho Việt Nam.
Tuy nhiên người viết tin rằng, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã gác lại quá khứ, hướng tới tương lai hợp tác cùng Hoa Kỳ tức là hai bên đã có được lòng tin chiến lược.
Quyết định cho phép thành lập Đại học Fulbright đã được ký có nghĩa là các vấn đề liên quan đã được bàn thảo kỹ lưỡng và thống nhất từ hai phía, nên những băn khoăn lo lắng ấy là không cần thiết.
Chúng ta cho phép Trung Quốc thành lập Viện Khổng Tử, cho Nga thành lập Phân viện Puskin thì không có lý do gì để lo ngại một Đại học Fulbright của Hoa Kỳ.
Người Việt đã từng trải qua quá nhiều chiến tranh và mất mát, ngày nay đang tiếp tục phải đối mặt với những nguy cơ về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hơn ai hết người Việt hiểu được vận mệnh của mình, đâu là thù và đâu là bạn.
Mong rằng những nỗ lực vun đắp cho tình hữu nghị và tương lai phát triển phồn vinh của dân tộc Việt Nam từ bạn bè quốc tế, kể cả từ các quốc gia từng đem quân xâm lược Việt Nam, dù lớn dù nhỏ cũng đều được nâng niu, trân trọng. Hận thù và nghi kỵ là rào cản của tương lai, phát triển, còn bao dung và tha thứ sẽ chỉ giúp ta lớn thêm.