Mr. Hiển đã viết:
"CON ĐƯỜNG GIAN NAN TRONG LÒNG NGƯỜI
Mười năm trước, chúng tôi có một bữa ăn tối với 20 nhà báo Hàn Quốc ở nhà hàng Mục Đồng trên đường Võ Thị Sáu, Quận 3. Bữa ăn rất vui, cho đến khi mọi người chuyển đề tài qua chiến tranh Việt Nam.
Nhà báo lớn tuổi người Hàn hỏi trong số các bạn có ai có trải nghiệm về chiến tranh. Một sếp của tôi trả lời cả cha và mẹ anh đều là liệt sĩ. Nhà báo Hàn Quốc chia buồn, nhưng ông ấy vẫn hỏi thêm cha mẹ anh hy sinh trong hoàn cảnh nào.
Sếp tôi, cũng chính là chủ bữa tiệc, nâng ly mời: Uống hết nhé, rồi tôi sẽ trả lời bạn. Mọi người uống cạn, anh nói: “Cha mẹ tôi là cán bộ kháng chiến ở Quảng Đà. Họ đều chết dưới tay lính Pắc Chung Hy khi tôi ở tuổi lên mười. Phần mộ của họ thất lạc rất lâu sau đó..."
Anh còn nói nữa, về sự dã man của những tên lính trong cái chết của cha mẹ mình. Rồi hạ giọng: “Và hôm nay, chúng ta ngồi bên nhau, là bạn bè, để nói về những lý tưởng nghề nghiệp, không có ngăn cách. Hận thù đã qua nhưng tôi thì không có quyền quên!”.
Một nhà báo Hàn Quốc trong đoàn, khi tôi tiễn ra xe, đã hỏi: Thật sự là chiến tranh chưa qua trong lòng người? Tôi nói với anh ấy rằng thế hệ chúng tôi và sau tôi không vin mãi vào những chiến thắng đầy tổn thất để tự hào. Ai cũng sẵn lòng tha thứ và hàn gắn. Nhưng nếu bảo rằng muốn hàn gắn phải quên lãng, quên cả cha ông mình, thì không. Tôi cũng nói rằng dù sao đó cũng là quan điểm của tôi, không đại diện cho ai.
Tôi đã về cả Thạnh Phong và Sơn Mỹ. Gần hai mươi năm trước tôi từng nói chuyện với các nhân chứng, và không viết chữ nào. Không phải vì đã quá nhiều người viết, tôi vẫn có thể viết về những trải nghiệm ấy. Nhưng lớn hơn ngôn từ, ý tưởng, là cảm giác. Lạnh sống lưng và bàng hoàng choáng váng với những điều đã biết, đã đọc rất nhiều, nhưng khi nghe lại nhân chứng và hiện diện ở nơi chứng tích tội ác, hình như nó quá sức chịu đựng của tôi.
Tôi không sợ máu, từng cứu người bị tai nạn, từng ngồi trên xe chở thi hài hai người bạn bị tai nạn, từng mổ xác, từng tham dự những cuộc khám nghiệm và khai quật tử thi kinh khủng trong hai mươi năm làm báo, nhưng tôi vẫn không thể chịu nổi khi nghe về các cuộc thảm sát. Và tôi nể phục cô thuyết minh ở Sơn Mỹ, vì sức chịu đựng, vì khi nào cô ấy cũng khóc, không hề diễn (chả ai diễn làm gì) nhưng vẫn gắn với nghề nghiệp mà công việc buộc cô phải kể lại nổi đau và sự lạnh người trước tội ác, mỗi ngày...
Tôi từng phỏng vấn cả ông Nguyễn Hữu Có lẫn ông Nguyễn Cao Kỳ, nhiều lần. Từng tiếp xúc với tướng lĩnh cả hai bên, từng được giao nhiệm vụ viết bài về hoà hợp hoà giải. Tôi biết mình nên viết gì, làm gì, không phải vì phô diễn sự tiến bộ khép lại quá khứ mà biết và ý thức rằng cuộc sống cần hướng về phía trước.
"Chiến tranh đối với thế hệ anh đã qua chưa, Hiển?". Một nhà báo Đức năm 2015 qua Việt Nam làm chương trình về 40 năm thống nhất hỏi tôi câu đó. Và tôi trả lời anh rằng nghĩ thì dễ, nhưng sẽ rất khó ở một đất nước mà bàn thờ gia đình nào, ngày giỗ kỵ, đều nhắc nhớ chiến tranh. Giữa điều nên nghĩ, nên làm và cảm xúc tự nhiên vẫn là khoảng cách khó lấp đầy.
Hồi nãy tôi comment trên trang của một đồng nghiệp mà tôi quý mến, khi anh nói (tôi nghĩ anh ấy nói rất đúng) về những điều cần hướng tới, trong việc Bob Kerrey- cựu sĩ quan chỉ huy biệt kích Mỹ trong cuộc thảm sát Thạnh Phong- sẽ làm Chủ tịch HĐQT của Đại học Fulbright Việt Nam:
"Mãi đến gần 60 tuổi ông ấy vẫn nói dối, im lặng hưởng thụ những vinh quang trong mắt dư luận, được thưởng huân chương cho vụ thảm sát, trở thành nghị sĩ với hào quang là bảo vệ giá trị của tự do Mỹ ở phương Đông. Bob Kerrey chỉ thừa nhận vai trò của mình trong vụ thảm sát sau một loạt phóng sự điều tra rúng động dư luận của New York Times và đài truyền hình Mỹ CBS năm 2001, 32 năm sau đó.
Tàn sát và nói dối đến tuổi sắp mãn phần, không thể và không nên đại diện cho tri thức và các giá trị về cống hiến của Mỹ tại Việt Nam! Quan điểm của anh là chúng ta có thể tha thứ nhưng không quên. Còn nếu chúng ta có thể quên điều đó vì một ngôi trường thì không có gì để nói.
Hoan nghênh Fulbright, nhưng nước Mỹ chưa đến mức thiếu người để phải chọn ông ấy đến đây với tư cách đại diện cho nước Mỹ! Vì sự có mặt của ông ấy ở vị trí ấy là không nên. Nó gợi những nỗi đau đã sắp liền sẹo, nó níu kéo quá khứ. Cảm xúc và lý trí ko phải bao giờ cũng dễ dàng là một! Anh còn vậy, anh nghĩ những người có trải nghiệm thương đau khó chấp nhận lắm!".
Cũng hôm qua, tôi nói với anh Lương Hoài Nam như thế!
Nói ra rồi mới thấy, hoà giải, tha thứ là một con đường gian nan không chỉ giữa các bên của một cuộc chiến tranh. Mà nó là con đường gian nan trong chính mỗi người. Trong đó có tôi!
Và tha thứ không phải là quên lãng!"