http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/308118/nguoi-phat-ngon-tra-loi-viec-dh-fulbright-bo-nhiem-bob-kerrey.html
Tổng thống Obama đã cảm ơn ông như “một trong những người chủ chốt giúp dẫn dắt nỗ lực” xây dựng Trường Đại học Fulbright Việt Nam sẽ khai giảng vào mùa thu này. Ông đã tham gia vào nỗ lực này như thế nào?
Tôi tham gia dự án này từ năm 1991 khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt và chúng tôi phân bổ tiền từ quỹ Fulbright Mỹ để thành lập một trường đào tạo cao học ở thành phố Hồ Chí Minh. Chương trình Việt Nam Đại học Harvard, do ông Thomas Vallely làm giám đốc đứng ra tổ chức chương trình này.
Chúng tôi đã nâng cấp chương trình cao học này trong đạo luật bình thường hoá quan hệ với Việt Nam năm 1995 và mở rộng nó vào năm 2000 với dự luật mà tôi đồng bảo trợ.
Đến năm 2013, chúng tôi có một cuộc thảo luận với sự tham dự của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận tại New York. Cũng tại đây, lộ trình thành lập FUV đã được hai bên thống nhất.
Trong vài năm qua, chúng tôi đã nỗ lực thuyết phục Quốc hội Mỹ dành tiền tài trợ để xây dựng FUV. Năm ngoái, nỗ lực của chúng tôi đã thành công khi Quốc hội quyết định tài trợ một khoản gần 20 triệu USD để xây dựng FUV, còn phía chính phủ Việt Nam dành cho trường khu đất.
Năm nay, Quốc hội Mỹ có thể sẽ tài trợ thêm tiền cho FUV. Chúng tôi cũng bắt đầu vận động gây quỹ từ các nhà tài trợ tư nhân. Khoản tiền này sẽ được dành để hỗ trợ học bổng cho những sinh viên xứng đáng.
Điều gì đã thôi thúc ông, một cựu binh trong chiến tranh Việt Nam nhận lời làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác của Trường Đại học Fulbright Việt Nam, một quyết định mà tôi nghĩ là ông biết rằng sẽ gây ra tranh cãi?
Trong một bữa tối để thảo luận về việc thành lập Hội đồng tín thác, tôi nhận được lời đề nghị làm Chủ tịch Hội đồng. Chức danh này ở Việt Nam thì nghe có vẻ to tát nhưng ở Hoa Kỳ, bản chất thực sự của công việc này là người đóng vai trò chính trong việc gây quỹ cho trường.
Tôi đã suy nghĩ nhiều và quyết định nhận lời dù đó là lựa chọn khó khăn đối với cá nhân tôi. Những ký ức đau buồn vẫn theo đuổi tôi cho đến ngày hôm nay. Nhưng chúng ta phải đối mặt với quá khứ một cách chân thực ngay cả khi nó gây đau đớn đến đâu. Song, chúng ta không thể sống mãi trong quá khứ. Tương lai là tất cả những gì chúng ta có.
Trong vai trò là Chủ tịch Hội đồng Tín thác FUV, ông sẽ đóng góp gì cho dự án đang được mong đợi này?
Trước hết, tôi muốn nhấn mạnh điều này: Trường Đại học Fulbright Việt Nam là một dự án do chính người Việt Nam xây dựng và phát triển. Hiệu trưởng của trường và hội đồng trường chủ yếu là người Việt Nam sẽ cùng nhau vun đắp và phát triển những truyền thống của trường mang bản sắc của Việt Nam.
Trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Tín thác, tất cả những gì tôi có thể làm được là ủng hộ hết mình ban lãnh đạo người Việt Nam để cùng xây dựng một cơ sở đào tạo xuất sắc, trước hết là hỗ trợ vận động gây quỹ. Chúng tôi sẽ cần xây trường, cung cấp học bổng hỗ trợ cho sinh viên và giúp cho FUV bền vững về mặt tài chính.
................................
Thomas Vallely: Đó là một câu chuyện dài. Chúng tôi đã cân nhắc kĩ trước khi chọn Bob Kerrey cho vị trí này và tin rằng ông ấy xứng đáng.
Yếu tố đầu tiên quan trọng nhất là sự đóng góp lâu dài và nhiệt thành của Bob Kerrey cho quan hệ Việt – Mỹ và trao đổi giáo dục giữa hai nước.
Suốt hai nhiệm kỳ Thượng nghị sĩ, Bob đã có những cống hiến quan trọng như giúp bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, thành lập Chương trình học bổng Fulbright.
Ông ấy là nhà bảo trợ chính cho đạo luật thành lập Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF), tổ chức đã đưa hàng trăm người Việt Nam sang học cao học và tiến sĩ trong các ngành khoa học tự nhiên tại Mỹ.
Đấy là những sáng kiến giáo dục quan trọng tạo nền tảng cho sự ra đời của trường Đai học Fulbright Việt Nam, dự án mà Bob Kerrey đã theo đuổi cùng chúng tôi một thời gian dài.
Trong những năm làm Chủ tịch tại New School, Bob đã chứng tỏ khả năng gây quỹ rất thành công cho giáo dục đại học. Ở một trường đại học tư không vì lợi nhuận, điều có ý nghĩa sống còn là hội đồng tín thác phải có kinh nghiệm gây quỹ. Bob là một nhân vật nổi tiếng trong chính giới và công chúng Mỹ suốt 40 năm qua. Ông ấy có thể sử dụng các mối liên kết và quan hệ của mình để huy động các nguồn lực cho FUV. Hơn nữa, chúng tôi hẳn đã không thể vận động thành công khoản tài trợ 20 triệu USD từ Chính phủ Mỹ nếu không nhờ những mối quan hệ của Bob với những lãnh đạo Đảng Dân chủ và Cộng hoà trong Thượng viện.
Nhưng lựa chọn một nhân vật có quá khứ gây tranh cãi như Bob Kerrey liệu có phù hợp?
Tôi lại không nghĩ đó là một bất lợi cho FUV mà ngược lại. Nhiều năm qua, trong những phát biểu công khai, Bob luôn thừa nhận trách nhiệm của mình trong tấn thảm kịch kinh khủng ở Thạnh Phong năm 1969. Ông ấy đã bày tỏ sự hối lỗi một cách thành thực nhất.
Bạn biết đấy, chiến tranh vốn rất phức tạp. Và chúng tôi tin rằng, các trường đại học nên đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự hiểu biết đầy đủ hơn về lịch sử, bao gồm cả những chương đau đớn nhất.
Sự sẵn sàng của Bob khi đối mặt với quá khứ đã phản ánh niềm tin này. Trong tương lai, FUV sẽ đóng vai trò thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa người Mỹ và người Việt Nam về lịch sử chung đau thương của hai dân tộc.