Nay rảnh em lại xin trao đổi với các cụ về trà shan tuyết Việt Nam
Cây trà tên danh pháp quốc tế là Camillia Sinensis, có hàng trăm loại khác nhau, nguồn gốc nghe đâu là xuất phát từ vùng Nam Trung Hoa và Bắc Đông Nam Á lục địa như Vân Nam, Quảng Tây, bắc Việt Nam, Lào, Myanmar.
Từ cây chè rừng thì loài người đã lai tạo ra nhiều loại chè (trồng) khác nhau, ví dụ giống cây chè ô long, giống cây chè bát tiên, chè lùn trung du, giống cây chè đại hồng bào.... Đặc trưng của chè này là trồng và chăm sóc theo kiểu cây trồng đã thuần hóa.
Tuy nhiên ở khu vừa Vân Nam, Quảng Tây, Bắc Lào, Bắc Việt Nam vẫn còn những cây chè cổ thụ, mọc hoang dã tự nhiên, cây không cắt tỉa dẫn đến việc nó cao như cây cổ thụ, vòng gốc có cây hàng 3-4 người ôm. Những cây chè này thì quý vô giá, có giá trị đặc biệt lớn.Vì cây chè này là tự nhiên, thu hút tinh túy của đất đai, khí hậu, tinh khí của trời đất mà tạo ra ra.
Từ các búp trà (1 tôm 2 lá) này người Tàu đã sáng tạo ra cách chế biến trà phổ nhĩ nức tiếng. Tại sao lại có cách chế biến phổ nhĩ. Có lẽ nguyên nhân là do những khó khăn của khoảng cách địa lý, những nơi có cây chè cổ thụ này thường ở rừng núi xa xôi hiểm trở. Nên nếu cách chế biến thông thường là xao xuốt, chế biến xong vận chuyển này nọ, đi bán ở nơi xa xôi thì trà chế biến sẽ không ngon nữa. Nên những người dân tộc Thái ở vùng Vân Nam TQ (Vùng Tây Song Bản Nạp - nơi thượng nguồn Mê Kông) đã sáng tạo ra cách chế biến trà phổ nhĩ.
Cách chế biến này gồm các quy trình: Thu hái -> Phơi héo - Xao - Vò - Phơi khô - Ép bánh - Bảo quản. Và chính cách chế biến này giúp trà lên men sau, tức là để càng lâu càng ngon. Sau khi ép bánh 357 gam (theo kiểu cách cũ), họ sẽ dùng giấy bản gói lại, sau đó cứ 5 bánh họ sẽ đóng vào thành 1 chồng, được bọc bên ngoài bằng vỏ măng tre nứa có rất nhiều ở vùng đó. Và để như thế vận chuyển đến tay người tiêu dùng bằng các con đường sạn đạo, thồ bằng ngựa. Từ đó hình thành nên con đường Trà Mã trứ danh trong lịch sử. Sản phẩm trà từ vùng này men theo đường núi, thồ bằng ngựa được chở về phía Đông bán cho các vùng ven biển sầm uất của Tàu, hoặc chở về phía Tây đi qua các con đường sang Ảrap và sang Phương Tây.
Và cũng chỉ có giống chè cổ thụ - hay còn gọi là chè lá to (giống trà Đại Diệp Chủng) mà ở VN gọi quen là Trà Shan Tuyết thì mới chế biến được phổ nhĩ. Không tin các cụ cứ lấy búp và lá chè trung du trồng tại Thái Nguyên, Phú Thọ làm trà phổ nhĩ mà xem. Nó sẽ biến thành phân xanh chứ k thành trà được.
Ở Việt Nam cùng đới khí hậu, thổ nhưỡng với khu vực Nam Trung Hoa nên cây chè cổ thụ giống Đại Diệp Chủng có rất nhiều như vùng Hà Giang, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang... Trước đây dân mình không có nhiều cách chế biến trà, chủ yếu vẫn là cách làm trà xao xuốt bằng chảo gang (cách chế biến trà xanh mà dân mình quen uống), nên chè trung du ở Thái Nguyên mới tạo ra danh tiếng đến như vậy.
Thời gian chiến tranh biên giới, xuất hiện loại trà tiếng tăm lẫy lừng, gắn với chiến công của những người lính Vị Xuyên bảo vệ biên giới. Đó là "Chè Chốt". Cụ thể là anh em đóng chống ngăn giặc Tàu thường lập đài quan sát trên cây chè ở các điểm cao, tranh thủ hái búp chè bỏ vào túi, đem về hậu cứ xao xuốt trên chảo gang. Trà đó uống ngon, hơn hẳn trà trung du, nên từ đó danh từ Chè Chốt mới ra đời.
Mãi thời gian đầu những năm 2000, một số doanh nghiệp trà Việt Nam như công ty Thành Sơn (Trà Cụ Thành), công ty trà Cao Bồ Vị Xuyên.... mới bắt đầu quan tâm đến giống chè shan tuyết quý giá này. Nhưng vẫn chủ yếu là thu hái và xao xuốt theo cách chế biến truyền thống của Việt Nam. Năm 2000 có doanh nghiệp Trung Quốc sang đặt hàng chế biến chè bánh (theo mô hình Phổ Nhĩ) thì mới có những sản phẩm trà theo kiểu phổ nhĩ được ra đời.
Và cho đến tận hiện nay, thói quen uống trà phổ nhĩ của dân ta chưa phổ biến. Có 1 số doanh nghiệp vẫn đang làm trà theo cách này (chủ yếu là thuê chuyên gia Tàu sang làm và dạy công nhân VN làm) như Thành Sơn, Bashtea (con gái của cụ Thành), Cao Bồ, Shannam tiến hành làm và xuất sang Trung Quốc.
Và các cụ lưu ý, thương hiệu trà shan tuyết hiện nay không phải 100% trà là đến từ các cây trà cổ thụ, hoang dã tự nhiên mà hiện bà con ở trên Hà Giang, Yên Bái đã tiến hành trồng giống trà nay, tuy nhiên cách trồng không giống trà trung du là trồng theo hàng lối, cắt xén trà thấp đến ngang bụng mà trà vẫn để phát triển tự nhiên, phải trèo hái.
Trà này có khí trà mạnh, vỏ trà dày nên chế biến và uống có phần khác trà trung du. Uống được nhiều nước hơn, trà xanh xao xuốt pha ra nước nhờ nhờ vàng (không xanh như trà Thái), hương trà không phải hương cốm. Các cụ nên thử