Năm nay lại điệp khúc được mùa, rớt giá. Em cảm thấy buồn cho đặc sản nông sản quê em.
Em sinh ra và lớn lên tại huyện Thanh Hà - Hải Dương (trước đây hợp nhất với huyện Nam Sách có tên gọi là huyện Nam Thanh), nơi vùng đất thuần nông nghiệp, có đặc sản vải thiều Thanh Hà và ổi Liên Mạc, rươi Hà Đông... khi hề về là khắp nơi nhuộm toàn sắc màu vải chín. Vào hè bắt đầu bằng giống loại vải sớm như vải u hồng, u trứng, tàu lai rồi sau đó mới đến vải thiều chính vụ. Tuy nhiên thời gian vải chính trong thời gian rất ngắn (khoảng 2 tuần) nên thời điểm đó giá vải không cao như vải sớm đầu mùa. Nói đến vài thì chất vải ngon nhất của huyện Thanh Hà tập trung tại khu vực Hà Nam (các xã Thanh Xá, Thanh Khê, Thanh Thủy, Thanh Sơn và thị trấn Thanh Hà), nhưng ngon nhất là ở thôn Thúy Lâm thuộc xã Thanh Sơn, nơi có cây vải tổ.
Cây vải thiều tổ đã có cách đây gần 200 năm tại thôn Thuý Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương do cụ Hoàng Văn Cơm (tự Phúc Thành) trồng và chăm sóc. Vải Thuý Lâm không chỉ phát triển mạnh ở nhiều nơi trong cả nước như Đông Triều (Quảng Ninh), Cát Hải (Hải Phòng), Đông Hưng (Thái Bình), Lục Ngạn (Bắc Giang),… mà còn được đem trồng tại Lào và Cuba. Trong miếu thờ cụ Hoàng Văn Cơm, bức trướng của người dân vùng vải Lục Ngạn, Bắc Giang được treo ở vị trí trang trọng với dòng chữ: "Nhân dân các dân tộc huyện Lục Ngạn biết ơn cụ Hoàng Văn Cơm “ - Thập niên 50- 60 của thế kỷ trước, cây vải thiều theo chân ông Nguyễn Đức Trụ (quê ở Thanh Hà, Hải Dương) lên Lục Ngạn lập nghiệp.
- Theo quyết định số 232 ngày 10/10/1992 của Trung ương hội làm vườn Việt Nam đã xác nhận nguồn gốc cây vải tổ tại thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.
- Năm 2007, Vải thiều Thanh Hà được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chỉ dẫn địa lý (vải thiều Thanh Hà là một trong số ít sản phẩm nổi tiếng như: chè xanh Mộc Châu, cà phê Buôn Ma Thuột, nước mắm Phú Quốc…, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý đến thời điểm hiện tại ở Việt Nam).
- Năm 2012 đạt Top 50 sản phẩm uy tín, chất lượng do Trung ương Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bình chọn.
- Năm 2013 đạt Top 10 thương hiệu nhãn hiệu nổi tiếng do Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam bình chọn và đạt Top 10 sản phẩm uy tín, chất lượng do Trung ương Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bình chọn.
- Năm 2014 được bình chọn “Tinh hoa đặc sản ba miền”, Top 10 sản phẩm uy tín chất lượng.
- Năm 2015 được vinh danh Top đầu với 2 giải thưởng “Thương hiệu vàng, Logo và Slogan ấn tượng năm 2015”
- Ngày 16/11/2015 Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã có quyết định Xác lập kỷ lục Việt Nam “Cây vải thiều lâu năm nhất (cây vải tổ)” cho cây vải tổ Thúy Lâm.
Nếu ai đã từng được thưởng thức quả vải thiều Thanh Hà, chắc hẳn sẽ không thể quên được hương vị của nó. Là loại vải có kích thước nhỏ nhất trong tất cả các giống vải hiện nay, chỉ nhỏ cỡ ngón chân cái, không đều quả như vải lai và khi chín, vỏ có màu hồng nhạt, lớp vỏ lụa dai căng tròn, sờ vào phần gai lúc nào cũng lỳ hơn những quả vải được trồng ở nơi khác. Đặc biệt, khi bóc vải thiều Thanh Hà sẽ không bị dính nước trên tay, bên trong tỷ lệ phần thịt quả cao, có độ giòn của cùi; cùi vải ráo trắng nõn, khi bóc ăn có cảm giác giòn và ngọt mát ; hạt vải nhỏ, màu nâm sẫm, đôi khi còn không có hạt. Khi thưởng thức trái vải thiều Thanh Hà, người ta sẽ có cảm giác vải tự tan ra, không thấy bị se, vị chua chát như vải ở những loại vải khác mà vị ngọt, thanh mát thấm dần vào đầu lưỡi. Nếu để ý kỹ sẽ thấy giữa phần cùi và phần hạt không có lớp màng nâu hay vị chát như vải ở các địa phương khác.
Có lẽ bởi vậy, từ xa xưa, vải thiều Thanh Hà được ví “Mã ngoài như lụa hồng tơ tía, thịt vải như thuỷ tinh, như dáng tuyết, vị ngọt đậm, ăn thấy hương thơm tưởng như thứ rượu tiên trên đời” (trích Vân Đài loại ngữ tập II).
Hiện tại em thấy trên thị trường bày bán rất nhiều vải với tên là vải thiều Thanh Hà nhưng trong rất ít số đó là vải thiều Thanh Hà chính gốc. Hiện tại thì vải thiều Thanh Hà mới bắt đầu vào vụ nên các cụ xác định là trước thời điểm này không phải vài thiều Thanh Hà.