Chiều nay là em lại được về thăm mẹ con tụi nhỏ, nên tranh thủ vào chém gió với mọi người để lấy khí thế. Em thấy nhiều người cứ đặt nặng việc sang nước ngoài làm việc, rồi có sướng hơn ở nhà hay không? Cái này là quan điểm cá nhân, nên mỗi người mỗi khác. Em muốn nhân tiện thread này, nói thêm về những gì em biết về cuộc sống của người lao động Việt Nam mình, để chúng ta có cái nhìn và tự đưa ra đánh giá.
Em được cái sống ở khá nhiều môi trường tại Châu Âu, nhất là ở mấy nước Đông Âu, em giao tiếp cũng khá nhiều tầng lớp người Việt mình ở bên này, nên em muốn đưa những thông tin chân thật nhất, chính xác nhất, tất nhiên cũng là theo cái nhìn chủ quan của em. Trên quan điểm riêng, thì em vẫn ủng hộ những người không có điều kiện phát triển ở Việt Nam thì nên cố gắng sang Châu Âu làm việc. Tại sao em lại nghĩ như vậy?
Mọi người hãy thử nhìn 1 người ở nông thôn, kiến thức chỉ đủ phổ cập 12/12, điều kiện gia đình nông thôn không dư giả. Nếu với số vốn vay mượn có được khoảng 10 ngàn tới 12 ngàn USD (khoảng gần 300 triệu VND như thông tin của cụ chủ thread), thì với số tiền đó có cơ hội để phát triển ở VN được không? Em có thể khẳng định là trong 10 trường hợp như vậy ở VN, cầm 300 triệu lên thành phố lập nghiệp, chỉ có khoảng 3 tới 4 người có thể phát triển được.
Nhưng nếu 10 người đó với chi phí đấy để sang châu Âu làm việc hợp pháp, dù sang đến bên đây không còn đồng nào, thì khả năng cao 8 người sẽ phát triển và ổn định được cuộc sống. Em có thể đưa ra 10 ví dụ bất kỳ trong số những người lao động phổ thông ở quanh em để dẫn chứng về điều này. Đa số họ đều xuất thân từ những vùng quê nghèo ở Việt Nam. Trước khi sang đây lao động, ở nhà họ chỉ là những công nhân bình thường làm việc tại các khu công nghiệp (lương trong khoảng 8 tới 10 triệu), một số người đang không có công việc làm, hoặc công việc có mức lương khá thấp.
Em không biết vì sao họ sang đây được, nhưng mấy người em nói tới đều sang theo dạng visa lao động cách đây 3,4 năm. Họ sang làm việc tại nhà máy hoặc trong các nhà xưởng. Sau khi sang làm việc được nửa năm, ai đã có vợ thì làm giấy tờ mời vợ con sang đoàn tụ. Với visa lao động, có bảng lương chính thức của nhà máy thì khá dễ để làm thủ tục đón đoàn tụ. Nên chỉ sau 6 tháng tới 1 năm là vợ con đã sang tới đây. Ai chưa có gia đình thì đa số em để ý thấy đi làm được 2 năm để dành dụm tiền trả nợ, rồi sau đó dành tiền về VN cưới vợ. Sau đó cũng làm giấy tờ đón vợ sang. Hiện tại có 2 trường hợp như vậy, vợ cũng mới sang được hơn nửa năm nay.
Tất nhiên cuộc sống ở đâu mà xa nhà thì đều gặp nhiều khó khăn, ngay cả là từ quê lên Hà Nội sinh sống, huống gì sang Tây. Nhưng cái gì cũng có giá của nó. Thay vì làm việc ở VN với trình độ có hạn, thì cả hai vợ chồng có điều kiện làm việc với mức lương cao hơn mấy lần ở VN. Nếu hai người cùng cố gắng tiết kiệm, thì chỉ đôi ba năm là họ đủ tiền mua đất mua nhà ở VN, để an tâm hơn khi sinh sống ở bên này. Sau đó họ lên kế hoạch sinh con. Cũng là một công đẻ, nhưng sinh con ở bên này chắc chắn được xã hội ưu tiên hơn. Mỗi tháng được hỗ trợ thêm 10 triệu cũng là một số tiền không nhỏ để chăm sóc con cái được tốt hơn.
Vợ con sang đoàn tụ với chồng ở bên này cũng có nhiều cái thuận lợi. Con được hỗ trợ đi học, sau này nghiễm nhiên được quốc tịch Séc nếu đi học đủ số năm. Ít ra có thêm 1 cái quốc tịch cũng là một thuận lợi không nhỏ khi con cái bước vào đời. Sau này vợ chồng thích ở lại bên này hay về thì cũng không mấy quan trọng, bởi thời gian làm việc ở bên này cũng đủ giúp họ tích lũy được một số vốn an toàn, mà khả năng bị mất mát không cao nếu chẳng máy xảy ra tai nạn, hay ốm đau bệnh tật ở bên này.
Tất nhiên đây là bài toán em nghĩ phù hợp với tầng lớp nghèo ở VN, khi mà vẫn đang tay trắng. Nếu có điều kiện sang Châu Âu để làm việc, dù chỉ là công việc phổ thông, thì hãy nên đi.