Sau 2 post dài ngoằng về thiên tai, địch họa thời Trần mạt, e post tiếp bài về cụ Đán, người thấm nhuần tư tưởng Tống Nho mới lạ tân kỳ đang xâm nhập vào xã hội Đại Việt với phương châm "Nho thuật độc tôn", bị gặp phản ứng dữ dội của vua Trần hiền hòa với tư tưởng "Tam giao đồng nguyên" dung nạp muôn dân trăm họ. Tính cách nho gia của cụ Đán cũng quá mềm yếu trước các biến động quay cuồng của triều chính và xã hội lúc suy tàn, giặc giã lúc bấy giờ.
Trần Nguyên Đán (1325 – 1390) đại thần, nho sĩ, nhà thiên văn kiêm đạo gia
Trần Nguyên Đán là hậu duệ đời thứ 4 của Trần Quang Khải (1241 – 1294), vị Thượng tướng em ruột vua Trần Thánh tông.
Hồ Nguyên Trừng (1374 – 1446), qua Nam Ông Mộng Lục, cho biết Nguyên Đán giữ chức Ngự sử Đại phu thời Trần Dụ tông (1341 – 1369). Khi Nhật Lễ nối ngôi, chính sự rối ren. Ông dâng thư can gián không được nên bỏ chức mà về.
Cụ Trần nổi bật trong lịch sử khi ủng hộ Trần Phủ phế truất Nhật Lễ (1370). Cung Định vương Phủ lên ngôi lấy niên hiệu Thiệu Khánh (1370 – 1372), phong Nguyên Đán chức Tư đồ, giao quản lĩnh xứ Lạng châu (một phần các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng nay). Năm 1385, Cụ Trần về trí sĩ ở Côn Sơn (thuộc Hải Dương nay) cho đến khi tạ thế vào năm 1390. Chức vụ cao nhất của Cụ là Nhập nội Kiểm hiệu Tư đồ Bình chương sự, tước Quốc thượng hầu, tên thụy Chương Túc.
Nguyên Đán trưởng thành, làm quan suốt thời suy tàn của nền văn minh Lý-Trần. Ngoài lý do tài đức hạn chế của các vị hoàng đế sau Minh tông, thời tiết thất thường (1) trên môi trường thoái hóa tại châu thổ sông Hồng vào nửa sau thế kỷ XIV là nguyên nhân quan trọng khác tạo nên biến loạn xã hội. Chiến tranh dằng dai với Ai Lao, Chiêm Thành đẩy nhanh thêm quá trình suy vong.
NHÀ QUÝ TỘC VĂN NHÃ
Nguyên Đán rất khâm phục và kính trọng Chu Văn An (? – 1370). Về phong cách sống, dường như Ông chịu ảnh hưởng nhất định từ vị thầy nổi tiếng này.
Nguyên Đán tin rằng quốc gia sẽ được ổn định nếu nhà cầm quyền sử dụng nho sĩ trong quản trị xã hội. Ý tưởng này vào thời điểm đó không hoàn toàn trùng hợp với đường lối trị nước của hoàng tộc Trần. Minh tông và Nghệ tông, mặc dù trao quyền cho nho thần một cách rộng rãi, vẫn phê phán ý tưởng cải cách điển chế quá triệt để của bọn “học trò mặt trắng”.
VỊ HOÀNG THÂN KHÔNG THÍCH CẦM QUÂN
khác với cụ Phạm (Sư Mạnh), người rất hãnh diện và nhớ ơn vua khi được chỉ huy quân đội, Trần Nguyên Đán buồn bã, cô đơn khi sống trong môi trường kém thanh lịch. Ông chẳng màng đến mệnh vua khi xông pha bên ngoài. Thái độ và quan điểm này sẽ là trở ngại cho mối quan hệ giữa Ông và Nghệ tông về sau.
THIÊN TAI VÀ THỜI TIẾT TRONG THƠ TRẦN NGUYÊN ĐÁN
Thơ các nhà nho thường miêu tả thiên nhiên một cách cân đối, đẹp đẽ. Riêng trong di sản cụ Trần, chúng ta tìm thấy hai bài nói về thiên tai gây thảm họa cho dân chúng. Điều này không phổ biến vào thời trung đại. Đời Trần, chỉ có Nguyên Đán và cậu con rể Ứng Long làm thơ nói về tai họa thiên nhiên:
Thơ làm vào tháng sáu năm Nhâm Dần (1362)
Năm nay mùa hè bị hạn hán, mùa thu lại mưa dầm,
Lúa héo mạ hư, tai hại liền nhau càng thêm khắc nghiệt.
(Kiến thức từ) Ba vạn quyển sách không có chỗ để dùng,
Đầu đã bạc, uổng công mang nặng lòng thương dân !
Năm 1362, Dụ Tông và các vương hầu chìm đắm trong thú vui xem tuồng. Vua còn rủ nhà giàu vào cung đánh bạc. Nhưng hậu quả tai ách bi đát đến nỗi triều đình bừng tỉnh, có biện pháp đồng bộ giảm nhẹ đau khổ và gánh nặng cho dân chúng như thả bớt tù nhân, giảm nửa tô thuế, quyên thóc để phát chẩn, ban cấp thuốc men đến người đau ốm. Tuy vậy, nạn đói lớn vẫn không tránh được. Thiên tai tàn khốc, lập đi lập lại không chỉ hủy hoại mùa màng mà còn làm phân rã xã hội. Năm này, Nguyên Đán than bạc đầu dù mới 37 tuổi.
Các nghiên cứu gần đây đưa ra giải thích về nguyên do gây khủng hoảng kinh tế vào nửa sau thế kỷ XIV tại Đại Việt. Trước tiên, việc xây đê Đỉnh Nhĩ đã hạn chế dòng chảy sông Hồng về phía hạ lưu, khiến đồng bằng đông Thăng Long trở nên khan nước. Mặt khác, thời tiết biến động gây hạn hán vào mùa xuân, thời điểm nhạy cảm đối với giống lúa Chiêm 5 tháng làm chúng không tăng trưởng được. Quan trọng không kém là khu sản xuất gốm sứ Vạn Yên (thuộc Chí Linh nay) đã tiêu thụ đến kiệt quệ các cánh rừng lân cận. Sản lượng gạo giảm, ngược chiều đà tăng dân số. Miệng ăn tăng gấp đôi từ khoảng 1.500.000 thời Lý đến 3.000.000 vào cuối Trần (4).
Hình ảnh địa mạo cằn cỗi, đầy gò đống; tình trạng dân chúng mất sinh kế chực chờ nổi loạn như các lớp cá nháo nhào trong vạc nước sôi là chứng cứ ủng hộ giả thiết nói trên.
Vì mất mùa, vùng phía đông, phía bắc Thăng Long bị loạn lạc do gia nô các vương hầu gây ra trong thời gian dài. Triều đình tổ chức nhiều “phong đoàn” để dẹp giặc nhưng chưa bao giờ triệt để ổn định được tình hình. Dù lãnh tụ khởi loạn nổi bật Ngô Bệ bị bắt giết năm 1360, nhưng chắc chắn nhân lực hai vùng bị suy giảm nặng. Năm 1361, sao chổi xuất hiện ở phương đông bắc. Năm 1362, sao chổi lại xuất hiện ở phương bắc, kèm theo hạn hán, lụt lội liên tiếp nhau.
Toàn Thư ghi nhận sao chổi xuất hiện vào tháng giêng năm Mậu Thân tại vị trí sao Mão. Bài thơ được sáng tác ngay thời điểm đó. Tác giả là một nhà nho điềm tĩnh, nhưng cảm giác bất lực vẫn hiện rõ trong thơ mỗi khi sao chổi mọc. Có năng lực và nổ lực, tuy vậy, Ông không vượt qua nỗi ám ảnh tai ương từ điềm trời. Dường như hoạt động bất thường của tự nhiên thời Ông sống đã vượt quá khả năng giải thích của lý học Trình Chu.
Quãng thời gian này, Chu Văn An dâng “Thất trảm sớ” lên hoàng đế Dụ tông. Vua im lặng nên thầy Chu đành treo ấn. Hành động “ngạnh trực” từ bậc đại nho rõ ràng ảnh hưởng đến suy tư của cụ Trần. Ông cũng muốn rời quan trường.
Khi Nhật Lễ kế thừa ngôi tôn, chính sự thêm đổ nát. Nguyên Đán, với vai trò Ngự sử, nhiều lần dâng sớ khuyên ngăn nhưng vua lờ đi. Sau cùng, cụ Trần hành xử y hệt thầy Chu : xin từ quan. Trong “Nam Ông Mộng Lục”, Hồ Nguyên Trừng ghi lại sự kiện này qua truyện “Thi phúng trung gián” (Toàn Thư cho rằng bài này sáng tác khi Nguyên Đán hồi hưu. Tuy nhiên, hai chữ “Đài đoan” cho thấy khi đó cụ Trần làm ở đài Ngự sử).
Ông bỏ nhiệm sở vào thời điểm đấu nhau kịch liệt giữa các phe phái trong dòng họ cầm quyền. Tin đồn Nhật Lễ là con kép hát họ Dương bỗng rộ lên khiến bà Hiến Từ Tuyên Thánh Thái hoàng Thái hậu bối rối vì chính bà lập Nhật Lễ, cháu nội đích tôn, lên ngôi đế. Tin lạ đúng sai chưa rõ nhưng thật sự là đòn hiểm từ phe phái bí mật đánh vào tính chính thống của tân vương. Vua Đại Định ngầm dùng thuốc độc giết bà nội vì bà tỏ ý hối tiếc việc làm của mình. Sự cố châm ngòi phản ứng từ nhóm Trần Nguyên Trác. Mùa thu năm 1370, Nguyên Trác dẫn đầu nhiều tôn thất, trong đó có hai con trai của công chúa Ngọc Tha, gọi Hiến Từ là bà ngoại, đang đêm xâm nhập cung khuyết định sát hại Nhật Lễ. Hoàng đế lẫn tránh được. Đến sáng, vua vào cung ra lệnh tìm giết nhóm tạo phản gồm 18 người. Có thể, nhân vật muốn thay thế Nhật Lễ làm vua nằm trong số 18 nạn nhân này.
Vụ tương tàn khiến Cung Định vương Trần Phủ hoảng sợ trốn lên trấn Đà Giang (một phần Sơn La, Phú Thọ nay), nhiều khả năng cũng là thời điểm Trần Nguyên Đán rời bỏ đài Ngự Sử. Việc chạy đến nơi hẻo lánh cho thấy Trần Phủ chỉ muốn bảo toàn sinh mạng chứ chưa có ý định lật đổ Nhật Lễ. Phần Nguyên Đán, theo lời lẽ bài thơ để lại khi ra đi, chúng ta hiểu rằng ông chỉ muốn vua Đại Định cai trị tốt hơn, chứ hoàn toàn không nghĩ chuyện phế lập.
Chủ trương và lãnh đạo tinh thần cuộc đảo chính ngay sau đó là Thiên Ninh công chúa Ngọc Tha, người có mẹ đích và hai con trai chết dưới tay Nhật Lễ. Bà khuyến khích Trần Phủ chủ trì đảo chính dù Cung Định không quyết tâm lắm.
Trước khi tiến về kinh thành, nhóm tôn thất hội quân ở sông Đại Lại, Thanh Hóa vào tháng 10 âm lịch năm 1370. Đại Lại là quê ngoại của Cung Định vương Trần Phủ và Cung Tuyên vương Trần Kính, hai nhà lãnh đạo cuộc binh biến, em cùng cha khác mẹ với công chúa Thiên Ninh. Từ đây, với hỗ trợ từ họ ngoại, hai ông hoàng có thể huy động tài lực, nhân lực để đối mặt với đạo cấm quân bảo vệ Nhật Lễ vốn được tuyển từ Thiên Trường và vùng đồng bằng phụ cận. Cuộc đối đầu giữa đám thanh niên Thanh Hóa ô hợp nhưng dũng mãnh với đội quân nhân chuyên nghiệp Thiên Trường đang phân liệt đã đưa nhà Trần đến ngả rẽ bất ngờ. Chính biến thành công không chỉ đưa Trần Phủ, Trần Kính, Trần Nguyên Đán trở lại triều đình mà còn đẩy bật lên một nhân vật hùng tâm quê Đại Lại : Hồ Quý Ly.
Đoàn quân dưới quyền Trần Phủ dừng lại ở Kiến Hưng, lộ Hoàng Giang (Nam Định nay). Tại đây, Trần Phủ lên ngôi hoàng đế, giáng Nhật Lễ làm Hôn Đức công. Nhóm đảo chính nhận được ủng hộ của vùng thang ấp nhà Trần nên mạnh mẽ, quyết đoán hơn. Cần nhớ, Nhật Lễ là cháu đích tôn của hoàng hậu vợ Minh Tông. Còn Trần Phủ sinh bởi một bà phi, tính chính thống không so được với Đại Định. Do vậy, Thiên Ninh đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc nổi dậy vì bà là con của Minh Tông và Hiến Từ, thuộc dòng trưởng. Khi hai bên nội ngoại đều qui phục, Trần Phủ dễ dàng thuyết phục nhóm quan lại ở kinh đô, tiến đến bắt giam rồi giết Nhật Lễ.
TRẦN NGUYÊN ĐÁN VÀ CHIẾN SỰ VỚI CHIÊM THÀNH
Cuộc đảo chính năm 1370 đã dẫn đến trận tấn công kinh thành Thăng Long năm 1371 của Chế Bồng Nga. Mẹ Nhật Lễ đóng vai trò quan trọng trong sự biến này. Thất bại bất ngờ chưa từng có của Đại Việt càng nung nấu ý chí diệt Chiêm của hai anh em Trần Phủ (Nghệ tông) và Trần Kính (Duệ tông). Nhiều công việc được chuẩn bị qui mô, đồng bộ để tích lũy tiềm lực chiến tranh. Nhà nho lão luyện việc binh Phạm Sư Mạnh được điều ra tiền tuyến Tân Bình (Quảng Bình nay) để xây dựng bàn đạp đưa đại quân vào nam. Nguyên Đán đã sáng tác bài thơ dưới đây trong tiệc chia tay với bạn vong niên họ Phạm, thời điểm khoảng năm 1375 – 1376:
Quan An Phủ Tân Bình Phạm công Sư Mạnh
Bậc chí cả lẽ nào lại chối từ cái nguy xông pha vượt biển,
Ca cao hát lớn đón nhận công việc vua giao.
Nón lá áo tơi dãi dầu sương nắng để đền đáp minh chúa,
Vào hang hùm ổ rắn úy lạo dân vùng xa.
Người đời dễ thấy mặt trăng mặt trời khi tròn khi khuyết,
Thời vận của người hiền người ngu, lúc cùng lúc đạt, khó mà giống nhau.
Luôn ngóng ngày hội ngộ đẹp đẽ với người xa cách nơi chân trời,
Ngâm xong thơ “Đình vân” trăng đã ngả về tây.
Toàn bài thơ chỉ một câu nói đến vùng giáp giới Chiêm Thành, nơi “hang hùm ổ rắn”. Phần còn lại tập trung vào việc an ủy Phạm công, cựu “Hành khiển tri Khu mật viện sự”. Khi đó, cụ Phạm đã trên 70 tuổi. Việc điều động lão thần ra mặt trận cho thấy nhân sự tại trung ương đã thay đổi nhiều. Quan viên mới tuyển qua các kỳ thi văn, võ hẳn chưa đủ chất lượng để đương đầu hiệu quả với công việc chuẩn bị kết tập đại quân đầy phức tạp. Cư dân phủ Tân Bình xen lẫn Chiêm và Việt, lòng trung thành luôn dao động giữa Thăng Long và Đồ Bàn. Nhà nho Phạm Sư Mạnh, dù tuổi thêm lên và chức vụ nhỏ lại, vẫn vui vẻ lên đường đến trị sở gai góc; đủ biết triều Trần đã xây dựng thành công đội ngũ nho thần sống đúng với lý tưởng mà họ đã nhiệt thành tiếp thu và truyền bá.
Hồ Quý Ly nhận chức tổng chỉ huy quân đội vào năm 1380 sau khi Đỗ Tử Bình cáo bệnh từ chối binh quyền. Năm 1387, Quý Ly được thăng Đồng Bình chương sự. Như vậy, bài thơ trên hẳn được làm giữa hai mốc thời gian trên.
Năm 1382, người Chiêm cướp Thanh Hóa, Quý Ly dẫn bộ binh chống giữ tại núi Long Đại (tức Hàm Rồng, huyện Đông sơn, Thanh Hóa), Nguyễn Đa Phương dẫn thủy quân giữ cửa biển Thần Đầu. Trận này, quân Chiêm thất lợi trước mũi tiến công mạnh mẽ của hải thuyền dưới quyền Đa Phương, bị quân Trần truy đuổi đến Nghệ An.
Thừa thắng, mùa xuân năm 1383, nhà vua sai Quý Ly dùng các thuyền lớn mới đóng Diễm Dã, Ngọc Đột, Nha Tiệp đi đánh Chiêm Thành. Nhiều khả năng Nguyên Đán làm thơ tiễn Đô tổng quản tây chinh trong dịp này vì bài thơ bày tỏ tự hào về các chiến thuyền có chín cột buồm. Theo nội dung, Quý Ly không phải chống giặc xâm lăng, mà nhận nhiệm vụ tấn công thẳng vào kinh đô Đồ Bàn, đồng thời xác lập quan hệ với Tiêm và vùng đảo thuộc “miền dưới”. Cuộc ra quân lần này ngoài mục đích chiến tranh, dường như còn hướng đến việc tranh dành đầu mối thương mại với Chiêm Thành (với Tiêm/Thái lan và Qua Oa/Indonesia).
Nguyên Đán có vẻ tin tưởng vào các chiến thuyền cỡ lớn được trang bị pháo. Thuyền 9 cột buồm tức to bằng “bảo thuyền” Trịnh Hòa dùng đi sứ Tây Dương. Theo miêu tả, pháo trang bị trên thuyền có thể bắn tan thành lũy vững chắc. Hình như Nguyên Trừng đã sáng chế mẫu súng lớn mới, sức công phá mạnh, khiến triều Trần đang ở thế yếu đột nhiên chặn được Chế Bồng Nga năm 1382, nay lại chủ động tấn công vào kinh đô Chiêm. Đáng tiếc, thủy sư đến vùng biển nay thuộc Hà Tĩnh, Quảng Bình thì gặp bão, đội thuyền bị hư hại nên toàn quân phải quay về.
Chúng ta có thể tin rằng lực lượng hải quân nhà Trần rất đáng sợ khi có thuyền chiến lớn trang bị pháo hạng nặng. Ngay trong mùa hè năm 1383, Chế Bồng Nga phản công nhưng không bằng thủy quân như thường lệ mà bằng bộ binh. Rõ ràng, vua Chiêm muốn tránh đối đầu với loại vũ khí lợi hại mới xuất hiện trên mặt nước. Bồng Nga thành công trong việc đuổi Nghệ tông ra khỏi kinh thành nhưng việc đè bẹp quân Trần không còn dễ như các năm trước.
Đến năm 1389, Chiêm Thành lại đánh vào hương Cổ Vô, Thanh Hóa. Thủy quân Trần tiến vào sông để chặn địch. Người Chiêm ngăn dòng mé thượng lưu ngừa thuyền quân Trần tiến sát doanh trại, sau đó giả vờ rút lui. Bộ binh Đại Việt xuất phát truy kích, thủy quân cũng ngược dòng đuổi theo. Người Chiêm phá đập khiến thuyền Việt không tiến được, đồng thời tung voi ra đánh mạnh vào cánh quân bộ. Quân Trần thiệt hại nặng khiến Quý Ly bỏ trốn. Quân Chiêm thắng lợi khi thủy quân Đại Việt không tham chiến.
Nguyên Đán còn bài thơ khác để tiễn đưa Trần Ngạc, con trưởng Thượng hoàng Nghệ tông phụng mệnh vua chinh phục Chiêm Thành. Nếu căn cứ vào tước hiệu của Ngạc, dự đoán thời điểm sáng tác sẽ nằm trong khoảng từ 1388 là năm ông được phong Đại vương đến 1390 là năm Nguyên Đán qua đời. Tuy nhiên, từ 1388 đến 1390, Đại Việt không có cơ hội “chinh” Chiêm Thành; chỉ có việc quân Chiêm cướp Thanh Hóa vào tháng 10 ta năm 1389, tiến đến Đại Hoàng vào tháng 11 cùng năm khiến Nghệ tông phải sai Trần Khát Chân đi chống cự. Khát Chân giết được Bồng Nga vào đầu năm sau 1390.
Trần Ngạc nhận chức Tư đồ năm 1375, được giao trông coi trấn Thái Nguyên.
Trong cuộc chinh Chiêm Thành năm 1377, Trần Ngạc chắc còn ở nhiệm sở vì sử chỉ chép Duệ Tông tử trận và người con của Thượng hoàng tên Trần Húc bị bắt khi quân Đại Việt tan vỡ.
Các năm 1377, 1378, 1380, 1382 đều có người Chiêm xâm nhập, Đại Việt lo cầm cự, không có cuộc hành quân nào hướng đến Đồ Bàn. Như vậy, gần như chắc chắn, bài thơ được Nguyên Đán tặng Trần Ngạc nhân dịp ông đại diện hoàng gia cùng Lê Quý Ly dẫn thuyền to súng lớn nam chinh năm 1383. Ba chữ “hải tây thùy”, biên giới Hải Tây tái xác nhận Ngạc đi bằng đường thủy. Nhà Trần gọi vùng duyên hải từ Thanh Hóa về phía Nam là Hải tây. “Đại Vương” chỉ là lời trân trọng tôn xưng khi ông còn mang tước vương bình thường. Chức vụ Bình Tây Đô đốc cho thấy Trần Ngạc là tổng chỉ huy trên danh nghĩa của đợt viễn chinh. Lê Quý Ly giữ chức Hành quân Đô tổng quản, chịu trách nhiệm lập và thực hiện kế hoạch tác chiến.
Lễ xuất quân hoành tráng, người tiễn đưa tin tưởng sức mạnh quân nhà. Kết quả lại là chuyến quay về nửa chừng do sóng gió làm hư thuyền. Dường như nguyên nhân không chỉ vì bão, Toàn Thư về sau tiết lộ Quý Ly và Trần Ngạc có vấn đề với nhau. Cuộc hành quân đầu voi đuôi chuột có thể là hậu quả của việc không thống nhất ý kiến giữa hai vị lãnh đạo. Nếu mâu thuẫn xảy ra trước, Nghệ tông chắc đã không cho hai người đi chung. Gây cấn chỉ nảy sinh trong cuộc trường chinh bất lợi. Sử sách không ghi nhận hai vị Trần-Hồ có tài năng quân sự hay chiến công lẫm liệt nào.
Năm 1388, Quý Ly có hiện tượng lộng quyền, Đế Hiện bàn với Trần Ngạc, đương chức Thái Úy, cách trừ khử họ Hồ. Việc bại lộ. Thượng hoàng nghe lời dèm của Quý Ly giết Hiện. Ngạc được gia tước Đại vương, có nghĩa ông sẽ không thể thay Hiện làm vua dù là con trưởng của Nghệ Tông. Năm 1391, thế họ Hồ ngày càng áp đảo, Trần Ngạc bỏ trốn đến trại Vạn Ninh (nay thuộc Quảng Ninh). Thượng hoàng cho người bắt về, Quý Ly ngầm lệnh cho tướng đạo quân Ninh Vệ Nguyễn Nhân Liệt sát hại ông.
KHÁC BIỆT GIỮA NGUYÊN ĐÁN VÀ NGHỆ TÔNG
Ngay sau khi phế Nhật Lễ để lên ngôi, Trần Phủ đã phát biểu quan niệm trị quốc, Toàn Thư ghi lại câu nói như sau :
“Triều trước dựng nước, có luật pháp, chế độ riêng, không theo qui chế của nhà Tống, vì là nam bắc, nước nào làm chủ nước đó, không phải bắt chước nhau. Khoảng năm Đại Trị, bọn học trò mặt trắng được dùng, không hiểu ý nghĩa sâu xa của việc lập pháp, đem phép cũ của tổ tông đổi theo tục phương Bắc cả, như về y phục, âm nhạc……..thật không kể xiết”(Toàn Thư II, 161).
Nguyên văn :先朝立國,自有法度不遵宋制蓋以南北各帝其國不相襲也大治間
白面書生用事不逹立法微意乃舉祖宗舊法恰向北俗上安排若衣服樂章之類不
可枚舉 (Toàn Thư IV, 241)
Tiên triều lập quốc tự hữu pháp độ bất tuân Tống chế cái dĩ nam bắc các đế kỳ quốc, bất tương tập dã Đại Trị gian bạch diện thư sinh dụng sự bất đạt lập pháp vi ý nãi cử tổ tông cựu pháp cáp hướng bắc tục thượng an bài nhược y phục nhạc chương chi loại bất khả mai cử.
Lời dịch có vẻ không chuyển được “vi ý” của người phát ngôn. Vua mới không nói nước nào làm chủ nước đó, ngài nói mỗi bên có bậc đế của riêng mình. “Nhạc chương” không hẳn chỉ là âm mà còn là lời hát dùng trong các bài nhạc lễ. Theo Nghệ hoàng, nhà Trần có phép cũ của tổ tông với luật pháp, chế độ khác với nhà Tống, và sự khác biệt có ý nghĩa sâu xa. Vậy điển lễ ấy như thế nào ?
“Tam giáo đồng nguyên” là hệ tư tưởng cơ bản lưu hành đương thời. Cơ cấu chính quyền và chương trình giáo dục đều được xây dựng trên nền tảng tư tưởng đó. Nó thích hợp với xã hội bao gồm nhiều dân tộc và địa vực có văn hóa khu biệt của Đại Việt. Đây không phải sáng tạo của các hoàng gia phương Nam mà là bản sao của chính sách áp dụng dưới đời Đường, khi dân tộc Hoa Hạ được cai trị bởi gia đình pha dòng máu rợ Hồ. Hệ tư tưởng này mềm dẻo, tương tự Tam giáo nhà Đường dung nạp cả Hồi giáo và Cảnh giáo, Tam giáo Lý Trần dung nạp cả tín ngưỡng bản địa và một số yếu tố văn hóa Chăm-Khmer.
Nguyên Đán với tư cách một vị quan, ngưỡng mộ tư tưởng Tống Nho đang trên đà phát triển. Nho học cách tân tạo niềm xác tín mới mẻ và say mê trong lớp trí thức. Cụ Trần đồng quan điểm với các nho sĩ thuộc trường phái Chu An, chủ trương Nho thuật độc tôn. Việc Ông gả hai con gái cho hai nhà nho khác họ là hành vi chống báng qui tắc của một hoàng gia vốn xem nho học chỉ là một thành tố của, chứ không phải là tất cả, hệ tư tưởng dựng nên vương triều.
Các vua Trần trị nước theo mô hình gợi nhớ hệ thống quận-quốc đời Hán, tuy nhiên, quan hệ giữa vị vua ngự trị tại Thăng Long với vương hầu hay các thủ lĩnh địa phương còn đậm chất bản địa (10); ngược lại, nho gia muốn tất cả người dân đều phải trực tiếp chịu sai dịch, thuế má của triều đình thông qua bộ máy thư lại. Nghệ Tông bận mối hận với Chiêm Thành mà xa hơn là mục tiêu tranh dành thương mại trên biển Đông; Nguyên Đán lại tài tình tao nhã xem việc binh là gánh nặng thô lỗ.
Hai lĩnh vực bị thay đổi nhiều dưới niên hiệu Đại Trị (1358 – 1369) là y phục và nhạc chương khiến Nghệ tông phải nêu lên cụ thể.
Về y phục, Trần Quang Đức cho rằng ảnh hưởng văn hóa của nhà Tống đến Đại Việt vào thời Trần đã mờ nhạt so với thời Tiền Lê và Lý. Sau cải cách của Trần Anh tông, quan phục phương Nam có đặc điểm riêng chứ không theo sát mô hình Tống. Chỉ dưới đời Dụ tông (1341 – 1369), ý kiến của các đại thần học trò Chu Văn An mới trở nên mạnh mẽ và tác động đến việc cập nhật quan phục theo hướng Tống hóa quá mức (11).
Về nhạc chương, các vua Trần đều sùng đạo Phật nên dễ đoán rằng đại nhạc, cả thanh điệu, lời ca và nhạc khí, chịu ảnh hưởng từ nhà chùa. Đại nhạc đời Trần hẳn rất khác nhạc phương Bắc vì Lê Tắc còn ghi rõ trống cơm xuất xứ Chiêm Thành hiện diện trong dàn nhạc (12). Sửa đổi thời Đại Trị chủ trương bởi hai thư sinh Lê – Phạm dĩ nhiên đã loại trừ các yếu tố phi nho, thường cũng là phi Hoa, khiến Nghệ tông bất bình. Tranh luận về thiết chế nhạc cung đình kéo dài suốt thời gian Đại Việt chuyển đổi từ mô hình tam giáo sang mô hình nho giáo. Mãi đến thời Hậu Lê, chúng ta còn thấy nhà nho Nguyễn Trãi chỉ trích hoạn quan Lương Đăng về việc dùng 108 tiếng chuông báo hiệu vua ra chầu vì đó là số lần đếm tràng hạt của nhà sư. (Toàn Thư II, 370).
Nghệ tông, với bản tính ngại thay đổi, tránh trực diện khó khăn, dĩ nhiên cần một tay hảo hán như Hồ Quý Ly hơn là một học giả như Nguyên Đán.
Trong lĩnh vực trị quốc, tầm vóc Nguyên Đán hiển nhiên không thể so với tầm vóc Nghệ tông. Ý nghĩa sâu xa của việc lập pháp là hệ thống được lập nên đó phù hợp với mọi cộng đồng dân cư sinh sống trong lãnh thổ vương quốc. Chính “tam giáo đồng nguyên” đã tạo cơ sở chính trị cho sự tồn tại lâu dài của hai triều đại Lý Trần. Trong bầu khí quyển đa nguyên văn hóa, các sắc tộc, các địa phương, các tầng lớp xã hội đều tìm thấy không gian thoải mái của riêng mình. Nhà Hậu Lê tiếp sau, dù vận dụng rất thành công học thuyết Tống Nho, đưa Đại Việt lên tầm phát triển mới dưới ánh sáng Nho học, đã không tồn tại lâu bền vì đã tạo ra khoảng cách cứng nhắc giữa tầng lớp cầm quyền khuôn sáo và đông đảo bình dân sau lũy tre luôn hướng về cuộc sống có nhiều chọn lựa hơn.
Nghệ tông rất minh mẫn khi tư duy về định chế của vương quốc, nhưng dường như rất uể oải trong thực thi hoàng quyền. Ông thường đặt gánh nặng lên vai người dưới. Với sự ủng hộ gần như mù quáng của Nghệ tông, Hồ Quý Ly dần dà nắm hết mọi công việc quan trọng của triều đình. Người hoàng tộc như Nguyên Đán, trớ trêu thay, ngày càng ít việc.
Phụng mệnh họa vần bài thơ “Hoàng mai tức sự” của nhà vua
Dòng đời xuôi chảy, mùa hoa tết thôi thúc thêm tóc bạc,
Thông trúc vườn xưa cười nhạo mũ nhà Nho.
Tòa Trung thư nay không còn nhiều việc,
Ngồi nhìn bóng tùng ngả về hàng lan can chạm trổ.
Bài thơ không còn hào khí của những ngày Nguyên Đán tham gia tổ chức các cuộc thi văn-võ năm 1374, tức thời “trung hưng thịnh thế”. Khó có thể hiểu rằng bài thơ được sáng tác lúc đất nước thái bình, nhà cầm quyền chỉ “thùy thường trị”; vì ở đây, Nguyên Đán cảm thấy mệt mỏi già nua, muốn quay về quê cũ. Bài thơ phải được sáng tác lúc Ông gần nghỉ hưu, khoảng 1380 – 1385, khi Hồ Quý Ly chói sáng trên chính trường Trần mạt. Đây chính là lời nhắc khéo của Nguyên Đán gửi đến Phế đế về tình trạng quyền lực đang tuột dần khỏi bàn tay của gia tộc Trần.
Nguyên Đán đã bị đẩy ra khỏi nhóm điều hành của vương quốc, Ông không còn cơ hội thưa thốt cùng vua hay thượng hoàng nên đành dựa cột mà nghe ! Lời lẽ dù nhẹ nhàng vẫn cho thấy sự cạnh tranh quyền lực trong cung đình mà tác giả là nạn nhân vì thiếu mưu mô thủ đoạn. Ông phải chịu điều tiếng về những việc mình không làm. Thất thế lúc tuổi già bệnh hoạn, Nguyên Đán ngả về Đạo giáo rõ rệt để tìm giải thoát.
Già đến
Già đến, mọi sự buông mặc thế cuộc dài dằng dặc,
Đôi ủng đi sương để chờ buổi chầu trông thật đáng thương.
Mùa thu sắp qua, cá tôm nhớ biển lớn,
Nhà túng nghèo, con cái vẫn vui vẻ trước đèn.
Mắt đã đau, thêm mờ bụi trần nên khó đọc sách,
Dạ vốn buồn, rượu lại không ngấm khiến đêm trằn trọc.
Chẳng theo nổi phong cách bọn thiếu niên ở Ngũ Lăng.
(Nên) Tiếng bật dây không của nỏ cứng vang cả vào giấc mơ.
Cảnh nghèo của vị thượng tể nói lên nhiều điều. Một là, Ông không lợi dụng địa vị để thu vén. Hai là, gánh nặng chiến tranh không chỉ đè lên vai giới bình dân. Sự điêu tàn sinh ra từ động loạn chẳng buông tha ai. Thật khác với giai đoạn 1371 – 1376, kinh tế thịnh vượng giúp Nguyên Đán đủ sức khai hoang, dựng biệt thự ở Côn Sơn. Nhưng thời nào cũng vậy, chính chiến tranh mang lại giàu có cho số ít người. Những người đó vẫn nhởn nhơ bình thản. Dưới mắt Lý Bạch, bọn trẻ Ngũ Lăng nhởn nhơ cưỡi ngựa trắng đóng yên bạc, dẫm hoa rơi hướng đến quán rượu có “tiếp viên” người Tây Vực. Dưới mắt Bạch Cư Dị, họ nhởn nhơ thưởng cho ca kỹ vô số lụa hồng để nghe khúc nhạc hay. Ở địa vị Tư đồ, xu thời chắc cũng dễ dàng đối với Nguyên Đán. Nhưng Ông là người muốn tạo thời cuộc chứ không chạy theo thời cuộc. Ông lặng lẽ trả giá bằng sự nghiệp của mình.
Không bảo toàn được quyền lực dòng họ, sau cùng, Nguyên Đán phải tìm cách bảo vệ gia đình mình. Ông chọn cách làm thông gia với Hồ Quý Ly để tránh cuộc tàn sát chắc chắn xảy ra nếu họ Hồ soán ngôi. Nhờ vậy, Ứng Long được họ Hồ nâng đỡ nhiều. Ngay khi Nghệ tông nằm bệnh, Ứng Long đã tham gia vào sự vụ ngoại giao khó khăn với nhà Minh. Thời điểm đó, Hồng Võ cấm An Nam sang cống vì tội hại chết Phế đế. Nghệ tông băng, Ứng Long lại được cử sang Nam Kinh báo ai. Ông thăng tiến rất nhanh. Theo ghi chép của kẻ xâm lược, Nguyễn Phi Khanh đầu Minh với chức vụ Đại Lý Tự khanh, tức hàng tam phẩm. (13)
Thái độ xa cách với dòng vua ảnh hưởng mạnh đến con rể Nguyễn Phi Khanh và cháu ngoại Nguyễn Trãi. Hai vị dễ dàng quay lưng với họ Trần để phục vụ chủ mới Hồ Quý Ly, nhà cải cách áp dụng lý thuyết Nho giáo để trị nước theo kiểu riêng. Ý hướng này mang hậu quả bi thảm đến chi họ của Ông. Khi người Minh sang, Trần Thúc Dao, một người con của Nguyên Đán, bị Giản Định đế Trần Ngỗi, em ruột Ngạc, giết cả vợ con lẫn bộ thuộc do hợp tác với nhà Hồ và sau đó, với người Minh. Có thể giải thích sự tàn bạo quá mức cần thiết bằng lý lẽ nào ? Phải chăng Nguyên Đán đã lộ thông tin khi Ngạc bàn bạc với Ông về việc khống chế Hồ Quý Ly, dẫn đến cái chết của Đế Hiện và sau đó là của chính Ngạc ?
BÌNH PHẨM VỀ TRẦN NGUYÊN ĐÁN
Người gần gũi và hiểu Trần Nguyên Đán nhất chính là chàng rể Nguyễn Ứng Long. Thơ Ứng Long ghi nhận nhiều giao tiếp giữa Ông và nhạc phụ, đặc biệt có hai câu ngũ ngôn khái quát được tính cách cha vợ như sau :
Phong thái đã quen với hải hồ,
(Nhưng) Lòng ưu tư chỉ hướng về việc nước.
(Theo tướng công Băng Hồ dạo sông xuân)
Và
Chúc tụng không phải vì bản thân là kẻ sĩ dưới trướng,
Mà chỉ vì lòng chăm chăm yêu thương dân chúng của Người.
(Ngày Nguyên đán, chúc tết tướng công Băng Hồ)
Ứng Long ca ngợi ông nhạc đúng như những gì cụ Trần suy tư và hành động.
Khi Nguyên Đán hoàn tất công trình động Thanh Hư, Thượng hoàng Nghệ tông sáng tác bài minh tặng chủ nhân có câu rất lạ như sau:
Ông giúp ta việc cai trị, không có tâm địa gì !
Nghệ tông tuy giao Nguyên Đán chức Tư Đồ nhưng không đặt lòng tin tuyệt đối vào vị tể tướng. Lời an ủi khắc vào bia đá là cách Nghệ Tông trấn an người bầy tôi thân tộc, mặt khác, cũng hé lộ quan hệ rạn nứt. Giữa ba đại thần nắm vận mệnh nhà Trần buổi cuối mùa, gồm Thái úy Trần Ngạc coi việc binh trên danh nghĩa, Bình chương Hồ Quý Ly chỉ huy quân đội trong thực tế và Trần Nguyên Đán phụ trách hành chính, Nghệ tông chỉ tin mỗi họ Hồ. Vị thế gia trưởng vững chãi của Thượng hoàng khiến Ngạc, Đán và cả Đế Hiện nữa, đều bó tay.
Trần Ngạc có bài lục ngôn tứ tuyệt kỳ quặc tặng Nguyên Đán nhân lúc Ông nghỉ quan như sau :
Tặng Tư đồ Nguyên Đán
Hiện nay, tôi thuộc hạng vất đi,
Ông không phải bậc kỳ tài trong dòng họ.
Cùng già bệnh như nhau,
Nên sớm liệu về vườn ruộng.
Trần Ngạc khẳng định Nguyên Đán không có tài lạ và về vườn là phải, càng sớm càng tốt. Với cách dùng người của Nghệ tông, cả Ngạc lẫn Đán đều biết điều gì sẽ xảy ra và cả hai đều tuyệt vọng. Dường như Nguyên Đán cố nấn ná những giây phút sau cùng mong Thượng hoàng tỉnh ngộ nhưng thất bại. Với cá tính nho nhã, dị ứng bạo lực, Ông không phải là con người thích hợp trong thời điểm gian nan. Trần Ngạc hiểu rất rõ điểm này.
Nguyễn Trãi qua Băng Hồ di sự lục thể hiện lòng kính trọng, trìu mến rất mực đối với ông ngoại. Dưới mắt cháu, người ông là nhân cách lớn : lo đời, thương dân, biết thời thế.
Sau đó hơn nửa thế kỷ, Ngô Sĩ Liên phê phán Nguyên Đán rất nặng lời, cho rằng Ông biết trước vận nước truân chuyên, không tính cách vượt qua lại đem con gửi gắm cho họ Hồ để mưu lợi. Sĩ Liên kết luận Nguyên Đán là người không giữ được lòng nhân.
Sau đó năm thế kỷ, sử quan triều Nguyễn phê bình càng nghiệt ngã, chê bai Nguyên Đán là người nói suông, lo hão, bỏ mặc triều đại sụp đổ, không giữ được lòng trung.
Ngô Thì Sỹ (1726 – 1780), nho thần phủ chúa Trịnh, thống trách Nguyên Đán một cách văn vẻ. Ông cho rằng Nguyên Đán vui chơi Thanh Hư, quên lãng Thiên Trường; tính lợi nhà mình, bỏ mặc nhà vua; chú trọng toàn thân, trối trăn nhòa nhạt.
Phan Huy Chú (1782 – 1840), nhà nho thận trọng, ý kiến nhẹ nhàng hơn, thông cảm Nguyên Đán gặp đời suy, công lao không rõ rệt, nhưng biết phận lui về nên cũng đáng là người hiền.
Người thân như con rể hay cháu ngoại ngưỡng mộ và ca ngợi cụ Trần. Người dòng vua như Nghệ tông hay Trang Định có khoảng cách, nghi ngại hoặc bất bình do khác biệt quan niệm xử lý việc nước.
Bởi nhu cầu giáo dục nhằm đào tạo con người công cụ nên chính sử công kích Nguyên Đán. Thực ra Ông không bất trung, bất nhân, nhưng bất lực. Người muốn thành công trong việc duy trì họ Trần cầm quyền phải đủ can đảm giết không chỉ Quý Ly mà cả Nghệ tông, như Nghệ tông từng giết Nhật Lễ. Đại sự đòi hỏi cá tính chính trị tàn độc như vậy chắc chắn không dành cho tướng công Băng Hồ. Phẩm bình mang tính đạo đức Nho giáo xơ cứng, cận quân thượng, bất cận nhân tình.
Bình luận từ nhà nho kiêm tác gia Ngô Thì Sỹ chất văn thì rõ, chất sử hàm hồ. Nhà nho “hàng thần lơ láo” Phan Huy Chú nếm đủ mùi cay đắng lại tỏ ra kinh lịch việc đời.
Nguyên Đán sống như một người cầm bút, một lãnh đạo hành chính và chính sách có tâm. Ông đã làm hết khả năng trên cương vị được giao. Yêu cầu Ông phải xoay trời chuyển đất là phi thực tế. Còn việc mưu tìm đường sống cho hậu duệ khi biết trước thảm họa thì phụ mẫu nào đành lảng tránh ? Quan Tư đồ không trọn đạo làm anh hùng, nhưng với đạo làm người hẳn không có gì hổ thẹn./.
(Trích từ NCLS:
https://nghiencuulichsu.com/2017/02/10/tran-nguyen-dan-1325-1390-dai-than-nho-si-nha-thien-van-kiem-dao-gia-phan-12/)