Ngày 15-10-1967, hai đại đội xe tăng PT-76, Tiểu đoàn xe tăng 198 (thiếu một đại đội) xuất phát từ huyện Lương Sơn tỉnh Hoà Bình, hành quân vào Nam theo đường Hồ Chí Minh. Qua 50 ngày đêm hành quân, chủ yếu là di chuyển ban đêm, Tiểu đoàn đã vòng vèo đi qua 1,000km, qua 5 con sông lớn, lội 250 ngầm, bị không quân Mỹ đánh vào đội hình 15 lần, đến ngày 21-11-1968, toàn bộ đội hình của Tiểu đoàn đã vào đến vị trí tập kết ở Nậm Khang, phía nam đèo Văng Mu trên trục đường 128, cách cứ điểm Huội San của Quân đội Vương Quốc Lào khoảng 70 km về phía tây để chuẩn bị tấn công cứ điểm này nhằm cải thiện thế an toàn cho đường Hồ Chí Minh đi qua đất Lào.
Ngày 23-1-1968, Đại đội xe tăng 3 sử dụng 11 xe cơ hữu yểm trợ cho Trung đoàn bộ binh 24 (thuộc Sư đoàn 304) tấn công Huội San (mục tiêu chủ yếu là Tà Mây). Do điều kiện địa hành phức tạp và tình trạng kỷ thuật, chỉ có 2 trong số 11 xe của Đại đội xe tăng 3 đột phá được vào trung tâm cứ điểm Tà Mây.
Lực lượng Quân đội Vương Quốc Lào trong căn cứ gồm một Tiểu đoàn (hơn 300 người) đã rút chạy về Làng Vây.
Trước tình hình đó, ngày 26-1-1968, Bộ Chỉ Huy Chiến Dịch Khe Sanh Đường 9 của Quân đội Nhân dân Việt Nam chủ trương tấn công Làng Vây để nới rộng hành lang an toàn cho đường Hồ Chí Minh ở phía đông đồng thời chuẩn bị bước tiếp theo bao vây tiêu diệt Trung đoàn 26 TQLC Hoa Kỳ đồn trú ở Tà Cơn.
Theo kế hoạch, Quân đội Nhân dân Việt Nam tấn công Làng Vây từ 3 hướng:
1. Hướng chủ yếu do Trung đoàn bộ binh 1 (thuộc Sư đoàn 325) đảm nhiệm, có Đại đội xe tăng 9 dẫn đầu tấn công Làng Vây từ phía Nam (theo đường lấy cát xây dựng căn cứ của lực lượng đồn trú).
Hướng thứ yếu do Trung đoàn bộ binh 24 (thuộc Sư đoàn 304) đảm nhiệm, có Đại đội xe tăng 3 dẫn đầu, tấn công Làng Vây từ phía tây, theo trục đường số 9.
Hướng khác do một lực lượng bộ binh không có xe tăng hộ tống đảm nhiệm tấn công Làng Vây từ phía bắc.
Lực lượng xe tăng của Quân đội Nhân dân Việt Nam huy động tham chiến trong trận Làng Vây là hai Đại đội 3 và 9 thuộc Tiểu đoàn xe tăng 198 gồm 16 xe tăng lội nước PT-76 (một số xe đã không tham chiến được do tình trạng kỷ thuật và đã bị loại khỏi vòng chiến trong các trận đánh trước đó) chiếm 1/2 số đơn vị xe tăng mà Quân đội Nhân dân Việt Nam có tại mặt trận Làng Vây - Khe Sanh.
(Theo tiết lộ của Tướng Lê Quang Đạo, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, và cũng là Chính uỷ Mặt trận Khe Sanh, thì lúc đó trên toàn mặt trận Khe Sanh có 4 đại đội xe tăng, chủ yếu là ở phía tây, trên đất Lào)
Tập trung hai đại đội với 16 xe tăng là để phát huy sức mạnh đột kích cùng hai Trung đoàn bộ binh tấn công đối phương phòng ngự trong công sự vững chắc, tiêu diệt căn cứ Làng Vây, thể hiện nguyên tắc chiến thuật: sử dụng tập trung xe tăng trên khu vực mục tiêu chủ yếu, quyết tâm giành thắng lợi trong trận then chốt chiến dịch của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Cứ điểm Làng Vây nằm trên 2 điểm cao 230 và 320, trông xa như một con voi nằm phủ phục án ngữ QL9. Sở chỉ huy cứ điểm ở trên đỉnh điểm cao 320.
Phía Bắc và phía Đông có địa hình là sườn núi rất dốc, phía nam được con sông Sê Pôn bao bọc hình thành nên một vật cản thiên nhiên lợi hại.
Chỉ có phía Tây - hướng QL9 chạy từ Lao Bảo về là khá bằng phẳng và dốc không cao. Với đại đa số mọi người, chắc rằng cả các cố vấn Mỹ và chỉ huy cứ điểm - đều cho rằng nhất định Quân Giải phóng sẽ tiến công từ hướng Tây lại.
Nhưng thật không ngờ, quân ta lại chọn hướng Nam làm hướng tiến công chủ yếu, còn hướng Tây chỉ là thứ yếu. Đây là một bất ngờ lớn dành cho đối phương và là một trong những nhân tố quyết định, giúp trận đánh thắng lợi giòn giã.
Chướng ngại thiên nhiên thành đường cơ động
Bao bọc phía Nam cứ điểm Làng Vây là sông Sê Pôn. Từ thượng nguồn đến đây con sông chảy dọc theo biên giới Việt - Lào, đến chân điểm cao 320 (làng Troài) thì quặt về phía tây và đổ vào sông Sê Băng Hiêng.
Sông rộng trung bình 40- 50 mét, độ sâu không đều, nhiều chỗ có đá ngầm, mùa mưa nước chảy xiết, còn mùa khô nước chảy chậm. Có thể coi đây là một chướng ngại thiên nhiên bảo vệ mặt nam cho Làng Vây.
Khi chọn hướng tiến công chủ yếu từ phía Nam, Chỉ huy trận đánh đã quyết định lợi dụng dòng sông làm đường cơ động cho xe tăng (Tiểu đoàn 198 trang bị xe tăng bơi PT-76). Tuy nhiên, để thực hiện ý định này, bộ đội công binh đã phải làm việc rất vất vả, nguy hiểm.
Họ đã phải trinh sát kỹ lòng sông để xác định đường cơ động, lợi dụng lúc địch thả bom, bắn pháo để phá các ghềnh đá... Ngày diễn ra trận đánh chính các chiến sĩ công binh phải ngâm mình trong dòng nước lạnh buốt, cầm lộ tiêu chỉ đường cho xe đi.
Nhờ lao động sáng tạo và dũng cảm của bộ đội công binh và xe tăng, con sông chướng ngại thiên nhiên đã trở thành đường cơ động của xe tăng đánh vào nơi hiểm yếu nhất của địch.
Đặc biệt, trong trận Làng Vây, xe tăng PT-76 số hiệu 555 của Tiểu đoàn 198 đã 2 lần “đơn thương độc mã” tung hoành trong cứ điểm địch, lập nên những chiến công chói lọi đi vào Lịch sử Bộ đội Tăng Thiết giáp Việt Nam.
Chính vì vậy, các phóng viên chiến trường đã tặng cho xe 555 biệt danh “Mãnh hổ Đường số 9” bởi những chiến tích huy hoàng của nó.