Vì sao Mỹ chọn Khe Sanh
Trước 1964, chỉ có đồn Làng Vây của Lực lượng Đặc biệt để tung biệt kích thâm nhập Lào. Từ sau 1964 thấy đường vận tải qua Lào phát triển, Mỹ bắt đầu chú ý xây dựng Khe Sanh, nhưng cũng chỉ ở mức nhỏ.
Vì nằm gần biên giới và giáp ranh đường số 9, trục lộ giao điểm của ba quốc gia Nam Việt, Bắc Việt, Lào, nên Khe Sanh đã trở thành một trong những cứ điểm quan trọng nhất trên bản đồ của cuộc chiến Việt Nam.
Trong hồi ký trên của mình, Westmoreland viết:
Lần đầu tiên tôi nhìn thấy Khe Sanh là giữa năm 1964, sau khi tôi được cử giữ chức Tư lệnh MACV. Ngay từ buổi đó, tôi đã phát hiện thấy cao nguyên Khe Sanh giữ một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng ở chỗ, có thể:
- Cắm ở đây một cái chốt, khoá chặt con đường thâm nhập của Cộng sản từ Lào qua đường 9 vào Nam Việt Nam;
- Dựng ở đây một tiền đồn bảo vệ dải đất hẹp phía nam giới tuyến quân sự;
- Thiết lập một trại biệt kích phục vụ cho những hoạt động phá hoại các hậu cứ của địch đặt ở bên kia biên giới Lào. Khe Sanh có thể coi như chiếc cầu “bập bênh” tung biệt kích vào Lào rồi lại nhanh chóng rút về (để tránh sự lên án là vi phạm biên giới Lào);
- Xây dựng một căn cứ mặt đất, chặt đứt đường mòn Hồ Chí Minh;
- Xây dựng một sân bay thường trực, làm nhiệm vụ thường xuyên quan sát, giám sát mọi hành động đi lại, vận chuyển của đối phương trên đường mòn từ Bắc vào Nam để đưa bộ binh tới tiến công tiêu diệt;
- Trong trường hợp Việt cộng đánh lớn thì chiến đấu với địch ở Khe Sanh vẫn có lợi hơn là ở Quảng Trị”…
Westmoreland viết tiếp:
Trước khi hạ lệnh chiếm lĩnh nơi này, tôi đã nghiên cứu kỹ những điểm có thể so sánh giữa Khe Sanh và Điện Biên thông qua một sĩ quan cấp cao của Pháp đã từng tham gia cuộc chiến tranh Đông Dương là Đại tá PaulVannuxem, hiện đang nghỉ hưu. Qua nhiều buổi thảo luận, tôi nhận thấy:
- Điện Biên là một thung lũng nên dễ bị tiến công. Ngược lại, Khe Sanh nằm trên một cao nguyên, đối phương khó tiến đánh.
- Tại Điện Biên, quân Pháp không chiếm lĩnh được bất kỳ một điểm cao nào vây quanh thung lũng nên dễ bị khống chế. Ngược lại, tại Khe Sanh, lính thuỷ đánh bộ kiểm soát được tất cả bốn điểm cao vây quanh là mỏm 558 và mỏm 950 ở phía tây bắc, mỏm 861 và mỏm 881 ở phía nam.
- Tại Điện Biên, quân Pháp không có pháo binh đặt ở bên ngoài thung lũng để yểm trợ cho các cứ điểm nằm ở bên trong. Ngược lại, tại Khe Sanh, ngoài các khẩu đội pháo 105mm, 155mm và khẩu đội cối 4,2ins đặt ở ngay bên trong vị trí, lính thuỷ đánh bộ còn được yểm trợ bằng 16 khẩu pháo cực mạnh 175mm đặt ở bên ngoài, tại căn cứ pháo Ca-rôn, cách Khe Sanh 14 dặm.
- Tại Điện Biên, quân Pháp không có xa lộ nối liền từ hậu phương đến tập đoàn cứ điểm đặt trong thung lũng. Ngược lại, từ những nơi đóng quân của lính thuỷ đánh bộ trong vùng chiến thuật 1, có xa lộ quen thuộc gọi là Đường 9, có thể hành quân ngay cả trong thời tiết mưa phùn.
- Tại Điện Biên, quân Pháp chỉ có sân bay nhỏ và khi bị cắt đứt sân bay cũng chỉ thả dù được trên một diện tích hẹp. Ngược lại, tại Khe Sanh, vì nằm trên một cao nguyên nên máy bay vận tải cỡ lớn C.130 có thể hạ cánh dễ dàng, bãi thả dù cũng rất rộng.
- Trong cuộc chiến tranh Đông Dương, người Pháp không có máy bay lên thẳng vũ trang, ngoài một số ít chỉ có thể sử dụng để chở thương binh rất hạn chế. Lực lượng không quân Pháp cũng yếu. Ngược lại, Mỹ có rất nhiều máy bay lên thẳng kể cả loại máy bay lên thẳng khổng lồ dùng để chở quân nhu, vũ khí tới Khe Sanh. Lực lượng không quân yểm trợ cho Khe Sanh cũng rất mạnh, trong đó có cả máy bay chiến lược B-52 ném bom rải thảm.
- Tại Điện Biên, người Pháp không có con đường nào thuận tiện để di tản quân lính khi cần thiết. Ngược lại, từ Khe Sanh lính thuỷ đánh bộ có thể di tản, nếu cần, bằng cả đường bộ lẫn đường không”.
Rồi Westmoreland kết luận:
“Tôi chỉ thấy có một điểm giống nhau giữa Điên Biên với Khe Sanh, đó là: từ Điện Biên đến Khe Sanh đối phương đều có thể sử dụng pháo để bắn phá ác liệt. Nhưng ta cũng có thể dùng pháo để bắn trả, dùng máy bay ném bom để phá hoại, thậm chí còn có thể dùng cả bom nguyên tử để huỷ diệt”.
Dựa vào “địa lợi” cùng một lực lượng quân sự mạnh như vậy, nên khi Khe Sanh bị đối phương bao vây, uy hiếp, bị xe tăng tiến công, bị “giã giò” bằng pháo và súng cối suốt ngày đêm, gây thương vong nặng nề cho lính Mỹ, thì Westmoreland vẫn khẳng định “Khe Sanh là bất khả xâm phạm”, “Khe Sanh không thể trở thành một Điện Biên Phủ thứ hai”. Thậm chí ngay cả khi cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân của quân và dân ta đã bùng nổ khắp miền Nam và cố đô Huế bị quân giải phóng chiếm, thì Westmoreland vẫn ngoan cố “cắm chân” một lực lượng lớn quân Mỹ tại Khe Sanh để cố thủ “cái chốt chiến lược”, không rút về hoặc rút một phần về đánh chiếm lại Huế.
Ngày 7-2-1968 khi nói chuyện qua điện thoại vô tuyến với Tổng thống Mỹ Johnson, Westmoreland vẫn “thề sẽ giữ vững” Khe Sanh.