Kết cấu phi tuyến tính và những hình tượng dở dang…
Kết cấu phi tuyến tính không hiếm gặp trong phim của Phi Tiến Sơn. Vào Nam ra Bắc cách đây mấy chục năm đã mở đầu khóa đuôi khá vô duyên bằng cảnh ăn chơi nhảy múa tại Sài Gòn, đoạn giữa là câu chuyện năm xưa của chàng lính trẻ suýt đào ngũ trên đường đi B. Lưới trời thành công hơn khi mở đầu là phiên tòa và xen kẽ là các phân đoạt dẫn dắt quá trình tha hóa trước đó của các bị cáo. Tuy nhiên đến Đào, phở và piano, gọi là phi tuyến tính nhưng các phân đoạn có bối cảnh chỉ cách nhau vài chục tiếng.
Trong các phim kết cấu phi tuyến tính, hiện tại và quá khứ được sắp xếp đan xen nhưng cần tạo được liên kết để lý giải tương quan nhân quả. Ở Đào, phở… ngay đầu phim đạo diễn cho đôi trẻ húc nhau ầm ầm và sau đó tìm cách dẫn dắt vì sao trong vài chục tiếng họ lại ra nông nỗi như thế. Kết quả là thực tại 18+ được hình thành một cách thần tiên.
Nhân vật nam chính được giao chuyển tải hình ảnh cây đào. Anh lơ mơ nhớ lại cây đào ngày Tết, thay cho vác đạn về đơn vị anh lại vác đào theo kiểu cha con nhà Bờm và cuối cùng chuyển đào bằng ô tô với phong cách James Bond. Tiếc là cành đào của anh đến nơi thì đã qua Tết cả tháng và dường như chả ai cần đến nó.
Vai nữ chính thì lại giả vờ dở người, theo cách nói của một fan, rêu rao mình đi tìm cây đàn chứ thực ra tìm người yêu. Sau khi đến nơi thì lại vừa đãng trí, vừa e thẹn đến nỗi cả ngày sau ra bờ sông mới nhớ ra mục đích chính để ầm ầm quay lại điểm xuất phát. Hình tượng đàn piano, đối với nhiều người xem lại hóa ra là đồ trang trí, che đậy cho mục đích khác, quả là quá sâu sắc.
Tuy nhiên hai nhân vật lơ ngơ, lãng đãng trên giời ấy gặp nhau thì lại rất hợp, đúng là như rồng gặp mây. Đến đây, thay vì sử dụng phương pháp ước lệ kiểu như cho hai con cá vờn nhau hoặc để hai con uyên ương kêu cạp cạp thì đạo diễn đặc tả đôi trẻ xyz ầm ầm. Với kết cấu phi tuyến tính, đan xen khoảng chục phân đoạn hiện tại thì có đến 3 cảnh nóng bỏng và vài đoạn âm ấm. Đúng là thần tiên nhưng đã xuống trần thì phải đi vào cuộc sống, mặc dù trên phim có lúc hơi trần trụi quá đà. Tóm lại các hình tượng nam nữ cuối cùng lại được vác lên giường sẵn sàng chiến đấu thế này, theo như ảnh cung cấp của đoàn phim.
View attachment 8422674
Nhưng bên cạnh đào mơ mộng giả vờ và piano giả vờ mơ mộng, ta có những tô phở đầy hiện thực. Nhiều người có thể không tin có anh chàng lơ ngơ vác đào và cả vợ mới cưới thẳng đến cái chết. Có người cho là khó có cô gái vẽ ra câu chuyện dở người về cây đàn to uỵch và những anh tự vệ ngờ nghệch khiêng đàn. Nhưng ai xem cũng phải công nhận là ngoài đời có rất nhiều cậu bé hồn nhiên với ước mơ về những món ăn ngon và những ông bà chủ quán mê làm ăn y như trên phim. Đạo diễn chăm chút cho nhân vật qua từng câu thoại, từng phân cảnh cả hiện thực lẫn trong mơ. Người xem hoàn toàn tin được là cậu bé ấy say mê với món phở, và thật xót xa vì đến lúc hy sinh cậu bé vẫn chưa được ăn. Tương tự như vậy, hình ảnh vợ chồng bác chủ quán dành dụm từng cân thịt, xay bột làm bánh phở, tìm gia vị, thức đêm nấu nước dùng... làm người ta tin được ông chủ quán dành hết tâm huyết cho gánh phở của mình. Vì vậy người ta mới bị thuyết phục khi ông chủ quán nổi điên “mày bắn nồi phở của ông thì ông giết mày”. Mặc dù đoạn này có vẻ hơi giống John Wick “mày giết con chó của ông thì ông cho cả nhà mày chết”.
Đúng như tên phim thập cẩm Đào, phở, piano.., khán gỉa loại nào vào rạp cũng có thể tìm thấy những hình ảnh, nhân vật mà mình yêu thích. Nhiều người lãng mạn, thích thần tiên tỉ tỉ thì có thể xúc động, khóc nức nở cùng với các nhân vật trong phim. Có người thực tế, đam mê ẩm thực thì tìm ngay một quán phở để thưởng thức sau khi xem. Biết đâu lại có những cô cậu phồn thực hơn nữa thì xem xong lại nhìn nhau tấm tắc: thấy chưa, được những ba lần.